CN, 12 / 2017 5:17 Chiều | Đức Tin Jesus

Hỏi 

Kính thưa Cha. Con là người ngoại đạo, chồng con là người theo đạo và anh đã li dị với vợ cũ được 3 năm. Xin Cha giải đáp giúp con một số thắc mắc sau: chồng con theo đạo và đã li dị vợ sau đó lấy con thì anh có đang bị “rối đạo” hay không? Con hiện nay mong muốn được rửa tội và theo đạo nhưng không biết Giáo hội có cho phép hay không? Con có thể đọc kinh cầu nguyện, đi lễ và rước lễ được hay không? Con xin cám ơn Cha đã đọc câu hỏi của con. Xin Cha giúp đỡ con!

Đáp:

Chị Ngọc Hà thân mến,
Chồng của chị không thể kết hôn với bất kỳ người nào, cho dẫu người đó là công giáo hay ngoài công giáo, nếu chồng chị đã kết hôn hợp pháp và thành sự đối với hôn nhân đầu tiên.

Vì thế, việc ly dị của chồng chị là điều không được phép đối với người tín hữu công giáo, đây là Thiên luật: “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” (Mt 19, 6). Nếu trong đời sống vợ chồng có vấn đề căng thẳng, không thể hòa giải được thì Giáo Hội cho phép ly thân, việc cho phép này thuộc thẩm quyền của Đấng bản quyền địa phương. Tuy nhiên ly thân không phải là phương thức để bỏ nhau, bởi mặc dầu là ly hôn nhưng dây hôn phối vẫn còn đó, nhưng đây là cách thế để giúp đôi vợ chồng tìm lại tình yêu ban đầu và khích lệ hàn gắn với nhau.

Hôn nhân hiện tại của chồng chị là bất hợp pháp, thường gọi là chồng chị đang ở trong tình trạng rối. Việc chị tình nguyện trở thành người tín hữu công giáo là điều vui mừng, thế nhưng, một điều chắc chắn chị chỉ có thể nhận Bí tích Rửa tội với điều kiện chị không được phép sống chung với chồng chị hiện nay. Bởi, nếu chị là người công giáo, chị phải tuân giữ các điều Giáo Hội dạy. Và một trong những điều đó là chị không được phép kết hôn với người đã có gia đình và đã ly dị.

Tuy nhiên, chồng chị có thể đến gặp cha chánh xứ, hoặc trực tiếp gặp một linh mục đại diện tư pháp của Đức Giám mục Giáo phận nơi chồng chị thuộc về, trình bày sự kiện để tòa án hôn phối điều tra xem hôn phối đầu tiên của chồng chị có thành sự và hợp pháp không. Một khi tòa án hôn phối ra phán quyết hôn nhân đầu tiên của chồng chị không thành sự, và tuyên bố tiêu hôn, thì lúc này chồng chị được phép kết hôn với chị.

Chị có thể cầu nguyện, vì không một ai được phép cấm chị cầu nguyện cả, thế nhưng nếu không là người tín hữu công giáo chị không thể đón nhận Bí tích Thánh Thể. Và nếu trở thành người công giáo chị cũng chị có thể lãnh nhận Bí tích Thánh Thể trong tình trạng chị không vướng mắc ngăn trở, có nghĩa là chị không mang trong mình một tội trọng nào cả.