T2, 01 / 2018 5:52 Chiều | Đức Tin Jesus

Có câu chuyện vừa hài vừa đáng suy gẫm như sau.

ĐỪNG ĐỂ THÁNH LỄ THÀNH NƠI PHÔ DIỄN

ĐỪNG ĐỂ THÁNH LỄ THÀNH NƠI PHÔ DIỄN

Chuyện là có một đứa nhỏ, sau đám tang ông nội, nó hỏi bố :

– Ba ơi ! Sao con thấy Lễ an táng cho ông nội chỉ có mình cha Xứ dâng Lễ ? Còn các cha các sơ thì con thấy đồng tế mấy chục cha, có khi cả trăm Cha mà có cả Giám Mục nữa ?
Nghe thằng bé hỏi như thế, chả biết giải thích làm sao cho vừa lòng trẻ, ông bố vừa ủi an vừa khích lệ cho con mình sống tốt như ông nội nên bèn nói :

– Con ơi ! Tại ông nội con ngày xưa sống khó nghèo quá, sống đơn sơ quá nên chỉ cần 1 cha dâng Lễ là đủ để Chúa cho lên Thiên Đàng rồi !

Câu chuyện có thể là phóng tác nhưng cũng để lại đôi điều suy nghĩ.

Thánh Lễ an táng cho các linh mục, nữ tu và song thân của những người tận hiến cho Chúa trong đời sống tu trì được đồng tế, đó là điều hẳn nhiên theo luật định. Thế nhưng rồi, ngoài cái luật định đó có những Thánh Lễ tuy đã kết thúc nhưng vẫn còn những câu chuyện… nối dài sau Thánh Lễ.

Cũng không lâu lắm, Thánh Lễ giỗ cầu nguyện cho linh hồn người quá cố nọ được tổ chức hết sức hoành tráng. Thánh Lễ đó có đến 8 giám mục và 120 linh mục. Rồi gần đây, Lễ an táng của một chàng sinh viên vắn số cũng có giám mục và đến hàng chục linh mục nữa đồng tế. Mới tình tinh, Thánh Lễ cầu nguyện cho linh hồn một người quá cố ở phương xa có đến 5 giám mục và hàng mấy chục linh mục. Đặc biệt trong những Thánh Lễ này thì người quá cố đều không có con cháu đi tu. Và như vậy, theo cách hiểu bình thường của những người bình dân đó là “phạm luật” vì đơn giản, họ mở ra luật đồng tế thì các Thánh Lễ như thế không được đồng tế.

Cũng như thế, thi thoảng vẫn xuất hiện những Thánh Lễ cử hành bí tích hôn phối của những người chả có anh chị em đi tu gì cả nhưng cũng được đức giám mục này, đức giám mục kia chủ tế. Và được hiểu đơn giản là có giám mục nghĩa là có đồng tế !

Chưa hết, quy định ở nhiều giáo phận không cho dâng Lễ tại gia nhưng có nhiều gia đình chơi trội hơn người khác chỉ là cầu hồn hay giỗ thôi vẫn có Thánh Lễ tại nhà và được cho lên mạng. Giả như không đưa lên mạng thì cũng chả ai biết nhưng chính vì muốn khoe mẽ hay đại loại là câu view hay câu like gì đó nên thành ra Thánh Lễ đó bỗng nhiên “phạm luật”.

Có người “ngây ngô” khoe : “Nhà tui Đức Cha A, Đức Cha B tới làm Lễ hoài… các cha thì nhiều hơn”.

Thánh Lễ tự nhiên là Lễ tế tái hiện Bàn Thờ Thập Giá và vô giá và có những luật định hẳn hoi, thế nhưng chả hiểu vì lý do nào đó lại cứ thoải mái “phạm luật”.

Điều nực cười là chính các vị làm luật đã vi phạm luật mà mình đưa ra.

Chuyện cần thiết nhất đó là các vị phải và nên giải thích ý nghĩa Thánh Lễ, ý nghĩa đồng tế cũng như luật đã đưa ra cho gia chủ để gia chủ hiểu và thông cảm. Hẳn nhiên ai mà chả biết gia chủ có thế giá và giúp đỡ nhiều cho đấng này bậc kia và Giáo Hội để rồi nghiễm nhiên nhận mình là “ân nhân của Giáo Hội”.

Cũng có người vô tư khoe : “Cô đó đó là ân nhân của Giáo Hội”. Nghe thấy cũng ghê ghê ! Đơn giản vì cô đó có tiền, mà cô đó có tiền đồng nghĩa là có quyền và chính việc có tiền và có quyền đó đã làm cho các đấng vào thế kẹt. Khi được mời đến dự Lễ mà không đến thì mất lòng mà đến thì càng mất lòng hơn.

Nếu đến đồng tế ở những gia đình mà đại loại người ta gọi là đại gia đó thì làm hài lòng gia chủ, hài lòng đại gia nhưng lại phật lòng những người nghèo, những người thấp cổ bé họng. Tự nhiên Thánh Lễ lẽ ra mang sắc thái của thánh thiêng, của trang nghiêm bỗng nhiên thành nơi khoe mẽ của… nhà giàu.

Tưởng nghĩ các đại gia, các “ân nhân của Giáo Hội” nên tế nhị và giữ kẻ cho các đấng các bậc để tránh đi  những Thánh Lễ tuy đã xong nhưng để lại nhiều điều tiếng nhất là điều tiếng cho các đấng. Bởi đơn giản khi đã “nhận”rồi thì không thể nào từ chối không xuất hiện ở những Thánh Lễ như thế. Mà khi xuất hiện như thế thì sẽ để lại nhiều suy nghĩ  cho nhiều người và đặc biệt là người nghèo.

Người nghèo chỉ cần phán một câu thế này thôi là các đấng kẹt ngay : “Giá như mà các đấng đồng tế cho người nghèo khố rách áo ôm thì hay biết mấy ! Khi các đấng dám đồng tế như thế mới thể hiện tấm lòng mục tử nhân lành”. Hay như là : “nhà con nghèo đời nào các đấng đến, các đấng chỉ đến với nhà giàu thôi”.

Cạnh đó, ngay như hàng giáo sĩ, tu sĩ cũng buồn cười không kém.Có những Thánh Lễ an táng của những linh mục cộm cá ng thì đồng tế cả trăm cha. Còn với những người thấp cổ bé họng thì số cha cũng càng khiêm tốn.

Cứ nhìn tang Lễ của những nữ tu già thì sẽ thấy sự thật đớn đau lòng. Càng già dường như càng ít cha lui tới. Họ chỉ lui tới ở những nơi linh đình và hoành tráng hay sao đó.
Có lễ an táng của nữ tu già vỏn vẹn 5 hoặc 6 cha. Có lễ an táng cho một nữ tu là nguyên Tổng Phụ Trách một hội dòng lớn nhưng nhìn đi nhìn lại cũng chưa đủ 20 cha.

Ngay trong đời tu cũng còn bị phân rẽ chứ huống hồ là người ngoài. Dường như họ định đoạt thân thế sự nghiệp trong Thánh An táng, Thánh Lễ kỷ niệm dịp này dịp kia thì phải. Lẽ  ra Thánh Lễ chính là nơi biểu lộ tình hiệp nhất yêu thương hơn bao giờ hết và chính những nơi nghèo, những nữ tu già cô đơn hiu quạnh là nơi cần bày tỏ lòng chạnh thương hơn.

Chính vì thế, những gia đình có thế giá nên chăng cân nhắc trước khi đứng ra xin một Thánh Lễ nào đó để cho đẹp đẽ cả đôi đàng và đẹp lòng cả nhiều bên. Có khi chỉ vì sự khoe mẽ, đánh bóng tên tuổi của mình mà làm cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn ngay trong Xã Hội và đau lòng nhất là trong Giáo Hội nữa.

Đức Thánh Cha luôn nhắc nhở Kitô hữu là “Giáo Hội là Giáo Hội của người nghèo” để rồi từ giám mục, linh mục, giáo dân cố gắng làm sao thể hiện mình là những người nghèo thật sự như lòng Chúa mong muốn.

Người Giồng Trôm