CN, 05 / 2018 8:45 Chiều | Đức Tin Jesus

(Xin dành chút thời gian để đọc và nghiệm ngẫm)

Mấy ngày gần đây, người Kytô hữu chúng ta đứng trước những cơ hội của bao cuộc tra vấn về căn tính của chính mình. Và dường như chúng ta điêu đứng hay gục đổ trước những vấn nạn về Hội Thánh Đức Chúa Trời, về những miền đất hứa Bắc Xanh Pôn – Nam Thủ Thiêm. Và mới đây, về chuyện khiến phần đông giáo dân nhảy dựng lên : ca sĩ Sơn Tùng MTP đốt tranh ảnh thánh trong MV mới nhất của chính mình.

Gợi lên thật nhiều suy tư.

Bức tranh bị đốt trong MV là bức Pieta sáng tác năm 1876 của Họa sỹ William-Adolphe Bouguereau thời danh thuộc trường phái Kinh viện mô tả cảnh tháo xác Đức Chúa Kytô vào tay Đức Mẹ, với các thiên thần chầu phục xung quanh. Bức vẽ đi sâu vào nỗi đau bất tận của Đức Maria sầu đau, một chủ đề rất quen thuộc của nghệ thuật Kytô giáo, mà bức tượng Pieta của Michaeang lo ở Rome là một ví dụ.

Với Bouguereau, thân xác đức Giêsu hiện lên với toàn vẻ vô hồn và nhục nhã; trần truồng với những dụng cụ tra tấn dưới chân, từng mạch gân xanh trên thân xác nhợt nhạt nhấn mạnh sự thất bại của một tội nhân lỡ vận, đau khổ. Bà Mẹ với tấm áo đen của người góa phụ lặng lẽ đối chất cái nhìn của mình với người thưởng lãm tác phẩm, vòng tay ôm chặt người con trai duy nhất và là điểm tựa của Bà, đầy tiếc nuối ấm ức. Nỗi khổ đau được chấm phá trong sự thinh lặng của bức tranh tang tóc là tiếng thét lên của Bà trong câm nín, như tố cáo cả nhân loại đã giết chết Đấng Cứu thế và đồng cảm trước sự bất lực của thân xác Bà đang ôm giữ trong tay. Chúng tôi quen gọi đó là Đức mẹ Sầu Bi, trong nỗi khổ đau thâm sâu nhất là cảnh giới thinh lặng, dường như tố giác sự hờ hững của mọi người- sự hờ hững đến vô tâm trước cái chết của Đấng Cứu Thế, và tri nhận vạn vạn thống khổ khác của kiếp nhân sinh này. Bà liên kết mọi thống khổ để cam chịu nào là của chính Bà hay Con Bà, nào là của bất kỳ một ai dẫu nguyên do là bất kỳ thứ gì cách nhẫn nhục, đến độ ánh mắt Bà soi thấu sự vô tâm và làm người ta phải bẽ bàng. Mọi giá trị sụp đổ trước tác phẩm, chỉ còn lại sự buồn thương đến vô tận của Bà.

Tháng Năm, Tháng Hoa kính Đức Mẹ, vào ngày của Người Mẹ ( Mother’s Day), ngày kính Đức Maria hiện ra ở Fatima, Bà không chỉ đón nhận những hoa thơm sắc lạ, những kinh hạt bổng trầm cả Giáo Hội kính dâng lên Mẹ của Giáo Hội (mấy hôm nữa, chúng ta lại kính nhớ yếu tố này, trong một ngày lễ mới của năm Phụng vụ). Bà còn để cho người ta đốt cháy, để người ta nhục mạ và đón nhận cả sự vô tâm bằng tất cả tĩnh lặng và cam chịu, y chang như nội dung của bức tranh Pieta để nhắc nhớ một nội dung thật quan trọng; CHO DÙ, Chúa đã thăng thiên, ngày mỗi ngày Ngài vẫn tiếp tục vác thánh giá và chịu đóng đinh, Bà vẫn mất mát cho một nỗi đau thật lớn ở thì tiếp diễn. Trả giá cho sự vô tâm của nhân loại, Bà gánh chịu sự vô tâm đó bằng sự sầu thảm dằn vặt, tra tấn mọi quan năng và bóp nghẹt trái tim. Bà thâu nhận vào mình không chỉ sự mạ lỵ của một tác phẩm tôn giáo bị xúc phạm, sâu hơn thế, nỗi đau của một xã hội hỗn độn bị tổn thương, vô tâm một cách sâu sắc, và tối tăm một cách rực rỡ cũng được Bà thâu vén vào chính mình. Bà lên án chúng ta bằng cái nhìn, chạm thấu đến sự hững hờ và thụ động trong xã hội này của mỗi một con người, thậm chí Bà lên án cả đoàn con cái đang hớn hở dâng Hoa, nếu chúng an tâm về hình thức bề ngoài cách tuyệt đối. Và vì vậy, Bà vẫn cứ mãi mãi là Mẹ Sầu bi, mẹ của mọi nỗi thống khổ, mãi giương mắt tra vấn trong chúng ta trong sự tĩnh lặng. Trên tay một bằng chứng của tội ác vô tâm, con Bà, là một thân xác hay là một xã hội hoang tàn, được ôm chặt như lời khằng định hùng hồn về quyền sở hữu của Bà :’’Này là con tôi, nỗi đau của tôi!”

Chúng ta đã vô tâm và để Bà ngày một leo thang trong Danh hiệu Đức Mẹ Sầu Bi bằng những hờ hững bất lương của mình. Trong trận chém nhau ngày Chúa nhật, người bị hại mừng vì có lại tài sản của mình, nhưng lại chẳng buồn trước người giúp đỡ đã chết vì giúp đỡ, không chỉ một là là hai. Tôi không biết tên cướp máu lạnh kia đáng gườm, hay sự vô can của một chú công an khác phường “đứng xa xa mà nhìn”, rồi biến mất mặc cho lời cầu cứu nài đến phận sự của ngành việc anh đã chọn. Sự sống nào đáng giá hơn; là người chết nằm đó vì lý tưởng của mình, hay là sự sống xã hội, gồm cả mẹ của nạn nhân tự nhủ và luyến tiếc, vì cái giá phải trả; chứ không phải sự lương thiện bị đạp đổ. Lương tri xã hội đã tắt thở bằng sự hờ hững. Bà trong bức tranh bị đốt, lại gánh gồng cả những phiền lụy vốn không phải của Bà, là thống khổ đem đến từ sự tò mò của xã hội trước anh phóng viên bị hại, hay phiên tòa về sau của một tên cướp ăn năn, nỗi sợ hãi vô can của chú công an, cái đau đớn của một vết dao ngang người anh hiệp sỹ, sự trống vắng của một bà mẹ mất con trong Ngày của Mẹ thậm chí với cả hằng bao thống khổ của nhân loại hôm nay. Căn tính Kytô yêu thương, không dửng dưng trước cái ác, liệu có thuộc về nỗi thống khổ của Bà khi nó lung lay trước một xã hội điên cuồng đến ảo vọng, và làm cho ta xơ cứng mọi nhịp đập cảm thông. Chúng ta, liệu có tự hỏi mình sẽ hành xử ra sao nếu sắm vai trong vở bi hài này, hay ngay cả sau câu tự vấn trên, ta cũng vô tâm và hời hợt, cũng ngờ ngợ như ngần ấy các nhân vật của vở diễn? Cùng với hằng bao bao nhiêu sự ác khác, chúng ta vô tâm vì không thấy mình liên can, còn Bà thì ngược lại thâu nhận hết vì đồng cảm, xót thương và hơn cả, Bà nhắc nhở chúng ta đừng vô tâm như hôm nay, trước nỗi đau có thể là của mình vào ngày mai.

Chúng ta, những người Công giáo xửng cồ lên vì một tác phẩm nghệ thuật tôn giáo bị xúc phạm và mạ lỵ. Liệu có xửng cồ lên vì sự vô tâm tuyệt đối đang băng hoại xã hội hôm nay và hành động. Ta được Bà, Mẹ Sầu bi mời gọi, không phải chỉ để làm dịu đi một trái tim vốn dĩ đã quen bị xúc phạm như trái tim vẹn sạch của Bà; mà hơn thể là thổi một ngọn lửa ấm hơn vào trái tim nhân loại vốn dĩ đã bị băng kín bằng những chai đá và nhiều vết thương sâu. Chắc chắn, niềm an ủi của Bà không phải là ôm trọn và sở hữu một cái xác vật vờ, hay Bà được ấm lòng bởi một ngọn lửa bâng quơ khiến tác phẩm mô tả Bà trở nên nổi tiếng sau một đêm ăn theo MV của chàng nghệ sỹ nọ; sự yên ủi đích thực dành cho một người phụ nữ phi thường như Bà, là thông điệp báo động về sự vô tâm của Bà hôm nay đã bắt gặp và vẩn vơ trong những ai chiêm ngưỡng nỗi buồn mang cảm xúc mỹ học của Bà -Đức Maria Sầu Bi; đấng mang vác nỗi thống khổ của nhân loại hôm nay, và cho đến tận thế! Amen