T5, 06 / 2018 12:37 Chiều | Đức Tin Jesus

Nhà điêu khắc người Mỹ John W. Gilliam vừa hoàn tất một dự án nghệ thuật kéo dài hơn 18 năm: tái hiện toàn bộ 20 mầu nhiệm của kinh Mân Côi qua các tượng đồng.

Giống như mọi bức tượng được thành hình với bàn tay của điêu khắc gia tài hoa này, dự án trên xuất phát từ tâm khảm của ông, theo báo National Catholic Register.

Từ Mẹ Têrêsa đến Mân Côi

Không phải ai cũng có thể nhận ra được dấu ấn của “J. Gilliam” trên một tác phẩm, nhưng mỗi ngày, những người lui tới Vương Cung Thánh Đường Thánh Patrick ở thành phố New York (Mỹ) lại có dịp chiêm ngưỡng tượng Mẹ Têrêsa xứ Calcutta kích cỡ người thật tại đây. Và những người khác có cơ may thưởng lãm 4 bức tượng bằng đồng tương tự của vị thánh dành cả đời phục vụ “những người nghèo nhất trong những người nghèo” tại Đại học Loyola ở thành phố Chicago (bang Illinois), Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan ở Boise (bang Idaho), nhà thờ Thánh Gabriel ở Cave Creek (bang Arizona) và Trung tâm y tế Thánh Giuse ở Lewiston (Idaho).

Nghệ sĩ Gilliam hiện làm việc tại xưởng Bear Paw ở Lenore (Idaho), chủ yếu thao tác trên đất sét và đồng trong nỗ lực ghi lại từng nét cảm xúc, những vẻ ngoài đầy ấn tượng, và thậm chí cả những chuyển động, thần thái của nhân vật. Ông chia sẻ lý do đằng sau quyết định khắc tượng Mẹ Têrêsa: “Tôi cảm nhận vô cùng mạnh mẽ hành động đầy ý nghĩa đối với sự sống mà nữ thánh đã thể hiện, và tôi muốn đóng góp phần đáng kể vào phong trào ủng hộ quyền được sống”. Bức tượng này mang đến nguồn cảm hứng riêng vào thập niên 1990, khi lần đầu tiên ông Gilliam được đề nghị làm bức tượng bán thân về Mẹ Têrêsa, giờ được trưng bày trong Bảo tàng các hiệp sĩ Columbus. Ông tiếp tục cho ra đời một bức tượng khác tặng cha mẹ là ông bà Kenneth và Dorothy, lưu giữ tại Gallup, New Mexico. Khi Mẹ Têrêsa tình cờ ghé thăm thành phố này, Mẹ đã được giới thiệu tác phẩm của ông Gilliam, đã đến ngắm và chạm vào đấy.

Sau đó, điêu khắc gia quyết định viết thư xin phép Mẹ làm một bức tượng kích thước như người thật. Câu trả lời của Mẹ là “không cần thêm bức nào khác”, và ông Gilliam đã tôn trọng. Tuy nhiên, sau khi Mẹ qua đời, các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái đã cho phép ông tiếp tục thực hiện nguyện vọng của mình. “Lệ tuôn khi mọi người ngắm nhìn tác phẩm Mẹ Têrêsa”, ông nhớ lại.

Đối với dự án kinh Mân Côi, ông Gilliam làm việc đều đặn suốt gần 20 năm. Điêu khắc gia hoàn tất toàn bộ 20 mầu nhiệm – Mùa Vui, Sự Sá ng, Mùa Thương, Mùa Mừng – đúc bằng đồng và được đặt lên các giá đỡ bằng đá granite. Tất cả nhân vật đều cùng một tỷ lệ, với Chúa Hài Đồng cao khoảng 53cm. Một số tác phẩm được phủ một lớp sơn đặc biệt để tạo ra màu sắc đặc trưng, chẳng hạn tấm mạng của Đức Mẹ Maria có màu xanh, cừu màu trắng, còn những vết roi hằn trên cơ th,ể Chúa Giêsu bật lên màu đỏ. “Mầu nhiệm Mân Côi là điều mà tôi dành trọn cuộc đời mình để theo đuổi”, điêu khắc gia người Mỹ chia sẻ.

Tất cả là ý Chúa

Ông Gilliam bắt đầu điêu khắc vào năm 1984. Và kể từ đó, “tôi mê mẩn như bị ám ả, nh”, ông pha trò. Khởi nghiệp tại Idaho, nơi ông định cư cùng với vợ và năm con trai, ông đa số chọn các đề tài về xã hội phương Tây. Việc tham gia phong trào Cursillo (được khởi xướng từ thập niên 1950) đã ảnh hưởng đến quyết định của ông trong việc mang tôn giáo vào các tác phẩm của mình. Ông giải thích: “Chứng kiến cách thức các bức tượng ‘giao tiếp’ với con người, tôi tự nhủ rằng tại sao lại không dựa trên kinh Mân Côi để giải thích cuộc đời của Chúa Giêsu thông qua những hình tượng 3 chiều? Các bức tượng đồng có thể cho phép mọi người ngắm nhìn, chạm vào và cảm nhận. Hay nói cách khác, những tác phẩm này có thể là một cách thức để loan truyền Lời Chúa”.

Dù chưa bao giờ được chính thức theo học nghề điêu khắc, ông Gilliam tỏ vẻ hài lòng vì các tác phẩm của mình chạm đến tâm khảm của mỗi người, có thể là do 90% công đoạn đều được thao tác bằng tay, như bộ 20 tác phẩm về mầu nhiệm Mân Côi. “Tôi cố gắng nghiên cứu nhiều nguồn khác nhau”, ông giải thích về phương pháp thực hiện, chẳng hạn đọc đi đọc lại Kinh Thánh, suy ngẫm về cảnh tượng Chúa Giêsu chịu khổ hình trên thập tự giá.  “Tôi cho rằng đã được Chúa gởi gắm ý tưởng. Vì một lý do nào đó, tôi cảm thấy mình nên làm điều này… Đây là phương thức tuyệt vời để nói với thế giới, bao gồm những người không theo Công giáo, rằng kinh Mân Côi không chỉ dành cho các Kitô hữu, mà thuộc về tất cả”, ông Gilliam nói.

Toàn bộ 20 bức tượng thể hiện các mầu nhiệm Mân Côi được trưng bày lần lượt tại nhà thờ Thánh Augustine ở thành phố Moscow (bang Idaho), nhà nguyện trung tâm Thánh Augustine và nhà nguyện của Đại học Idaho.