T4, 01 / 2019 3:19 Sáng | Đức Tin Jesus

Từ Dublin

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới tại Công viên Phoenix ở Dublin. Công viên Phoenix là một trong những công viên thành phố lớn nhất châu Âu, với hơn 700 hécta, nằm ở tây bắc thủ đô Ireland. Trong những đài kỷ niệm ở đây, có thánh giá khổng lồ được dựng để kỷ niệm thánh lễ lịch sử của thánh Gioan Phaolô II vào ngày 29-9-1979, với hơn một triệu người tham dự. Hôm nay không đông đảo đến thế, nhưng ước tính có ít nhất hơn 500.000 người dự lễ.

Đầu thánh lễ, Đức Giáo hoàng đã đọc một tuyên bố bằng tiếng Tây Ban Nha, dược dịch sang tiếng Anh cho mọi người cùng nghe. Bài tuyên bố này là lời đáp cho yêu cầu của tám nạn nhân bị xâm hại đã gặp riêng ngài vào hôm qua.

“Đón nhận những lời của những người bị xâm hại tình dục, bị lạm dụng bằng chức quyền và lương tâm, cha muốn nói rõ về những tội ác này, và xin Thiên Chúa thương xót cũng như xin anh chị em tha thứ. Chúng ta xin sự tha thứ cho những vụ xâm hại ở Ireland, cho những vụ bị xâm hại tình dục, bị lạm dụng bằng chức quyền và lương tâm, do tay những thành viên của Giáo hội. Nói cụ thể, chúng ta xin tha thứ cho những vụ xâm hại trong nhiều tổ chức khác nhau được chỉ đạo bởi các tu sĩ nam nữ và các thành viên khác trong Giáo hội.

Và chúng ta xin tha thứ vì những vụ bóc lột sức lao động của nhiều trẻ em. Chúng ta xin tha thứ vì nhiều lần Giáo hội đã không hướng đến những nạn nhân của mọi dạng xâm hại đang tìm kiếm công bằng và sự thật, cho nhiều lần chúng ta đã không có hành động cụ thể. Chúng ta xin tha thứ vì những thành viên của hàng giáo phẩm đã không xử lý những tình huống thương tâm này mà cứ im hơi lặng tiếng. Chúng ta xin tha thứ vì những đứa bé bị tước đoạt khỏi tay mẹ mình, vì những bà mẹ đơn thân mong mỏi được gặp đứa con bị bắt đi, một “tội trọng.” Đây không chỉ là một tội trọng, đây là vi phạm điều răn thứ tư. Chúng ta xin sự tha thứ. Nguyện xin Thiên Chúa cho chúng ta biết hổ thẹn và ăn năn hơn nữa, và xin Chúa cho chúng ta sức mạnh dấn thân làm việc để chuyện này không bao giờ xảy ra nữa, để công lý được thực thi. Amen.’

Trong bài giảng lễ, Đức Giáo hoàng nói về chuyện Kinh Thánh, “khi các môn đệ bối rối và thậm chí là giận dữ vì “những lời khó nghe” của Thầy mình, những lời đi ngược lại với sự khôn ngoan của thế gian. Nhưng Chúa Giêsu đã giải thích rằng những lời của Ngài là thần khí và sự sống.

Thánh Phaolô đã nói về hôn nhân là “sự chia sẻ trong mầu nhiệm Chúa Kitô trung tín với hôn thê của mình, là Giáo hội.” Một lời dạy có thể là “khó nghe” với nhiều người. Vì sống yêu thương, kể cả như Chúa Kitô yêu thương chúng ta, nghĩa là noi theo sự hy sinh của Chúa, chết đi chính mình để tái sinh trong một tình yêu lớn lao hơn và vững bền hơn. Chỉ có tình yêu mới cứu được thế giới khỏi ràng buộc với tội lỗi, ích kỷ, tham lam và lãnh đạm trước nhu cầu của những người kém may mắn hơn.

Chính nhờ tình yêu mà chúng ta biết được Chúa Kitô Giêsu. Và tình yêu đó hiện thân trong thế giới qua gia đình, và qua chứng tá của các gia đình Kitô giáo trong mọi lứa tuổi, mà tình yêu có sức mạnh phá vỡ mọi rào cản để chúng ta hòa giải thế gian với Thiên Chúa và cho chúng ta trở nên một gia đình nhân loại sống trong công lý, thánh thiện và bình an.

Dĩ nhiên, sẽ luôn có những người chống lại Tin mừng, những người xì xầm với nhau rằng “lời này thật khó nghe.” Nhưng mong rằng chúng ta sẽ không dao động hay nản lòng trước cái nhìn lãnh đạm hay làn sóng thù địch.

Nhưng xin cho chúng ta cũng khiêm nhượng nhận ra rằng nếu thành thật với chính mình, chúng ta cũng có thể thấy những của Chúa Giêsu thật khó nghe. Thật khó để luôn tha thứ cho người đã làm tổn thương chúng ta, thật khó để luôn chào đón người nhập cư và người lạ, thật khó để vui lòng chịu lấy thất vọng, chối bỏ và phản bội, thật khó để bảo vệ quyền lợi của những người dễ bị tổn thương nhất, những trẻ em chưa ra đời và người già, những người mà chúng ta thấy đang gây phiền phức cho quan niệm về tự do của ta. Nhưng theo Chúa Giêsu và Tin mừng nghĩa là chấp nhận thách thức này.”

J.B. Thái Hòa chuyển dịch