T3, 10 / 2017 11:21 Chiều | Đức Tin Jesus

Xin Chúa hãy ban cho con trái tim hay tha thứ của Chúa, để con không cầm giữ những oán giận nhỏ nhen, và vượt qua được những mong muốn trả thù. Biết là trong thân phận con người, lắm lầm lỗi. Dù vô tình hay cố ý, dù là nạn nhân hoặc nguyên nhân, dù chỉ vì liên đới hoặc bị “tai bay, vạ gió”, chúng ta luôn trăn trở, dằn vặt bởi vấn đề tha thứ.

Những sự hiểu biết, những kinh nghiệm thương đau, những hối hận, những dốc lòng cũng không thể khiến ta dễ dàng tha thứ cho người khác, cho chính mình.

Dù trong bất cứ mức độ nào, hoàn cảnh nào, tình trạng nào, những lỗi lầm đều gây nên những tổn hại về vật chất và những vết thương về tinh thần cho bản thân cũng như cho người khác.

Dù biết rằng, lầm lỗi cần sự tha thứ và vết thương cần được chữa lành.

Dù biết rằng tha thứ là được giải thoát, buông bỏ oán hờn là được bình an, nhưng sao lòng vẫn thấy phiền muộn và nhói đau khi nghĩ đến, nhắc tới?

Dù biết rằng sự tha thứ nhiều khi ẩn núp dưới hình thức chịu đựng, nhẫn nhịn, mà không cho qua.

Vẫn còn đấy cơ chế tâm lý của sự tự ái và trả thù, của thứ công lý phục thù và thứ công bằng đòi buộc. Vì thế, những tức tối, những nỗi đau âm ỉ và dồn nén, phản ánh nỗi đau vẫn còn đó của những tâm hồn bị tổn thương chưa muốn hòa giải và tha thứ.

Có lần, ông Phêrô hỏi Đức Giêsu: “Thưa Ngài, nếu anh em cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”

Đức Giêsu có ý gì khi nói như thế? Lời dạy của Người, phải chăng là phi thực, ủng hộ sự bất công, cổ xúy cho thái độ cam chịu, hèn nhát của kẻ yếu thế và ngầm tỏ thái độ sợ hãi, quỵ lụy kẻ mạnh thế?

Đúng là trong cuộc sống, nhiều khi khó có thể tha thứ, nhưng ta vẫn phải tha thứ và phải học cách để tha thứ.

Tha thứ không phải là quên đi, là hành xử bất công đối với chính mình, tha thứ là thứ thuốc quý cần có thời gian để vết thương được lành sẹo, cho hạt cát biến thành ngọc trai, để cho nỗi đau chìm vào lòng khoan dung, nhân ái, để cho cả hai có cơ hội thoát ra khỏi xích xiềng của sự thù hận, tạo lập đời sống tốt hơn.

Sau sự kiện ngày 11/9/2001, khi hai tòa tháp đôi của Hoa Kỳ bị nhóm khủng bố Hồi giáo al-Qeada tấn công làn hơn ba ngàn người chết và hơn sáu ngàn người bị thương, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn chủ đề cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2002 là, “Không có hòa bình nếu thiếu công lý, cũng chẳng có công lý, nếu không có sự thứ tha.”

Thật khó để kêu gọi sự thứ tha lúc ấy, và đó là kiểu tha thứ nào? ĐTC Gioan Phaolô II đưa ra những điều kiện cần được nhìn nhận để thực hiện. Đó là sự đối thoại thành thật và liên lỉ, sự chấp nhận trách nhiệm và sự nhìn nhận sự tự do con nguời.

Những vấn đề thuộc lãnh vực này, Giáo Hội chọn theo con đường “thanh tẩy ký ức” cách can đảm và khiêm tốn, đặt hết niềm tin tưởng vào lòng từ ái của Chúa, vào sức mạnh của sự thật và tình thương.

Trong buổi tiếp Tổng thống Paul Kagame của Cộng hòa Rwanda ngày 20 tháng 3 năm 2017 tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin lỗi vì những tội lỗi và thiếu sót của Giáo hội và các thành viên của Giáo hội, trong nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994, đã làm cho khuôn mặt của Giáo hội trở nên méo mó. ĐTC

Phanxicô nói, “việc khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm, sẽ giúp thanh tẩy ký ức và thúc đẩy một tương lai hoà bình, trong niềm hy vọng và tin tưởng mới,

bằng cách làm chứng rằng thực sự có thể sống và làm việc cùng nhau khi coi trọng phẩm giá của con người và thiện ích chung”.

Như thế tha thứ là một điều cần trong cuộc sống, trong mọi vấn đề, vừa nhân bản vừa thiêng liêng. Tha thứ là một sự kết nối giữa kẻ xúc phạm và người bị xúc phạm, giữa con người với Thiên Chúa.

Gá nh nặng quá khứ, những ký ức đau thương của mỗi người khác nhau. Lòng nhân ái khoan dung và sự tha thứ còn tùy vào khả năng mỗi người. Nhưng việc bước tới tương lại, bắt buộc người ta tha thứ cho nhau và cho chính mình bằng sự thanh tẩy ký ức, khép lại quá khứ.

Tha thứ là phẩm chất của người khôn ngoan và mạnh mẽ, là sự hóa giải mọi bế tắc, bi thảm, là cánh cửa mở ra cho sự sống, vì một đời sống với lòng thù hận không đang sống và cũng không nên sống.

Tha thứ là phẩm tính của Thiên Chúa, là sự vinh hiển của lòng thương xót, là cá n cân công lý Thiên Chúa dùng để xét xử mỗi người trong ngày sau hết, là kinh nguyện hàng ngày để biến đổi chúng ta trở thành những người con của Thiên Chúa: “Xin Cha tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha, kẻ có tội với chúng con.”