CN, 03 / 2018 8:58 Chiều | Đức Tin Jesus

Bài giảng của linh mục Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS, trong thánh lễ tối 16.3.2018, mở đầu Đêm canh thức cầu nguyện cho Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc

Đêm nay, không gian thật tĩnh lặng, trầm mặc vơi đầy những cảm xúc u hoài bi thương, xen lẫn vào những nỗi xao xuyến bàng hoàng. Vì Đức Tổng Phaolo đã ra đi đột ngột, làm choáng váng cõi lòng chúng ta đến ngậm ngùi thương tiếc, đến hụt hẫng. Thật quá đỗi bất ngờ, làm thành cảnh tang tóc bồi hồi cho những giọt nước mắt tràn dâng, những giọt lệ chia lìa nhỏ xuống trên thảm cỏ tâm hồn. Vì đây, không phải là cái chết của một ai đó, trên bình diện tự nhiên, ở đâu đó, trong dòng đời sinh ly tử biệt, mà là cái chết của một người Cha của Tổng giáo phận thân yêu, một người thiết thân vô vàn trong gia đình chúng ta, đã ra đi rất cô đơn vào những giây phút cuối, vào một buổi tối mùa Đông xe lạnh buốt giá. Bởi đó, không chỉ là sự kiện đơn thuần hợp tan của phận người mong manh giòn ải, mà là một biến cố làm chấn động, xoáy sâu vào tâm tư, có thể là nghẹn ngào hối tiếc, thổn thức như tâm trạng của Mácta trong Tin Mừng Gioan: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, thì em con đã không chết!” (Ga 11,21). Thôi, thế là nhắm mắt, cho một đời người đã qua. Chẳng còn gì chờ đợi ngoài hai tiếng xót xa, ngậm ngùi.

Nhưng sao đêm nay lạ quá, trong khung cảnh phụng vụ này, chúng ta lại cảm thấy toát lên từ cõi tê tái muộn phiền một bầu khí thật linh thánh, một sự sự bình an trầm lắng, ấm áp giữa những ánh nến lung linh trên bàn thờ, giữa những vòng hoa trìu mến và cả những nén hương lòng, cho dù còn đó mầu áo tím và những chiếc khăn tang. Rồi tất cả dường như tập trung, quyện vào Cây Nến Phục Sinh, tựa như ánh sáng ngàn thu đang dần chiếu soi trên chân dung Đức Tổng Phaolô, như muốn xua tan đi mọi quyền lực sự chết. Chỉ còn một niềm tin yêu hy vọng cất cao cung điệu, hòa theo những lời của Đức Giêsu Kitô vừa được công bố: “Chính Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, thì dù có chết cũng sẽ được sống, và Ai sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ” (Ga 11,25-26). Chúng ta có tin điều đó không?

Vì chẳng phải với tầm nhìn của niềm tin chân thật, chúng ta có thể nhìn mọi thực tại một cách khác biệt đó sao? Vâng chỉ cần tin thôi, thì lòng chúng ta mới có thể chấp cánh vươn cao, vượt trên mọi lẽ thường tình tự nhiên của sự chết, để tâm trí cuốn hút vào sự bình an linh thánh đêm nay. Và nhất là để cho linh cữu của Đức Tổng Phaolô còn đây thật sự nhiệm mầu, dù chết mà vần còn có thể quy tụ chúng ta lại với nhau từ muôn phương trời, từ muôn tình huống sống vào sự hiệp thông của một Cộng Đoàn Giáo Hội, để không còn ai xa lạ với Chúa và với nhau, nhưng chỉ là một Thân Mình, lưu chuyển sự sống và tình yêu trong nhau, an ủi lẫn nhau, không buồn phiền như những người không còn niềm tin.

Và hơn nữa, phải chăng niềm tin vào Đức Kitô mà Tin Mừng Gioan mời gọi, cũng chính là bước vào nhịp cầu nối liền giữa sự chết và sự sống? Chết, tin, và sống, để chết không còn là chết mất, chết hết, mà thực sự là cánh cửa thoáng mở ra cho một chân trời ý nghĩa cao sâu hơn, đó là kết nối hai bến bờ thế giới, đưa chúng ta vào cuộc “chết đi” như thân phận hạt lúa miến, chịu biến tan để xuyên qua đó mà trổ sinh hoa trái dồi dào sung mãn trong cuộc sống mới ở nơi Thiên Chúa. Tin là được tái sinh, được tham dự vào hành trình vượt qua từ sự chết đến sự sống là vậy đó. Vì thế, cũng có thể nói, tin đồng nghĩa với sự sống theo ý tròn đầy nhất của cảnh ngữ Tin Mừng Gioan: “Ai nghe lời Ta và tin vào Đấng đã sai Ta, thì có sự sống đời đời…”, và người ấy “đã từ cõi chết… mà bước vào cõi sống” (Ga 5,24).

Như vậy, có phải đêm nay cũng chính là đêm Vượt Qua của Đức Tổng Phaolô, đêm ngài “xuất hành” mà về cùng Thiên Chúa, là “Quê Hương và Đất Lạ” của ngài, như ngài thường nói thế. Nếu có lòng tin, chúng ta mới thấy rằng, tuy ngài còn nằm đây, trong thân xác bất động, nhưng dường như chưa khuất bóng, khuất dạng, mà sao càng sáng tỏ một sự hiện diện rất sinh động. Một người tưởng đã xa xôi, xa vắng ngàn trùng, nay bỗng lại về gần gũi, kề cận đích thân và đích thực hơn bao giờ hết, làm vơi dần những nỗi than khóc đợi trông. Hình bóng Đức Tổng Phaolô như phảng phất quanh đây. Cũng giọng nói đó với tiếng cười hề hà ấm áp, niềm nở gieo duyên, với những bước đi kiểu ấy, và khuôn mặt ấy. Trong giây phút này, tất cả như hiện đến từ trong ký ức hoài niệm: bức chân dung của một vị Mục Tử tốt lành, dễ chạnh lòng xót thương, thân thiện, có thể đối thoại cởi mở với mọi con người. Điều này càng làm chúng ta gợi nhớ lời ngài để lại: “Tình yêu không phân biệt con người. Chỉ có con người phân biệt tình yêu. Vì thế, yêu thương là hành vi tự do nhất”. Và “Thiên Chúa là Đấng tự khai mở, thông ban chính mình cho chúng ta. Vậy tại sao là hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta lại không dám cởi mở và ban tặng sự sống cho nhau?”

Có phải Đức Tổng Phaolô, vừa như một người thầy trí thức uyên thâm, có khả năng tiếp cận cuộc sống muôn màu từ những chiều sâu hiện hữu, vừa là một người cha khả ái đáng kính, giảng dậy sáng tạo và rất mực trung thành với nội dung đạo lý Tin Mừng? Có nhiều khi ngài thật đơn giản, trình bày đề tài khúc chiết rõ ràng thuận lý, và cũng có nhiều khi nhiệt thành thẳng thắn, quá nghiệm nghị, trong cách ứng xử theo đầu óc phê phán nghiêm túc. Ấy thế, mà sau đó lại dịu dàng, bao dung như người mẹ hiền sẵn sàng lắng nghe, đồng cảm, xuề xòa, và không câu nệ hình thức. Nhưng cũng phải nhận rằng, đôi khi ngài siêu quá, hay siêu quá đến siêu thực lãng đãng, đến độ thường lãng quên nhiều sự việc chi li ở đời.

Có một điều đặc biệt là trong những ngày qua, nhiều người bảo rằng cái chết của Đức Tổng Phaolô là một cái chết rất đẹp, một vẻ đẹp họa hiếm, vì chưa từng có một Giám Mục Việt Nam nào qua đời trong cuộc hành hương Ad limina, thủ đô của Giáo Hội hoàn vũ, cội nguồn của đức tin Kitô giáo, của mọi sứ vụ tông đồ.

Từ đó, phải chăng cũng là một vẻ đẹp lành thánh, một hồng ân cao quý, một diễm phúc mà Thiên Chúa tặng ban cho những ai tin tưởng và yêu mến Người? Vì Đức Tổng Phaolô đã bước vào “Giờ” không ngờ của ngài, với những dấu hiệu khởi đầu từ Thánh Lễ sau cùng tại đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành. Điều này đẹp quá, khiến chúng ta không khỏi liên tưởng đến cuộc đời Đức Giêsu, Đấng Kitô. Khi biết giờ của mình đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Người đã khai mào giờ ấy trong một bữa ăn, Bữa Tối Sau Cùng, đồng bàn với các môn đệ, cử hành mừng lễ Vượt Qua của Con Chiên Thiên Chúa, để rồi sau đó, Người hoàn tất trọn vẹn Hy Lễ Tạ Ơn của Giao Ước Mới và vĩnh cữu qua việc hiến tế chính mình trên bàn thờ Thập Giá.

Còn kết thúc nào đẹp hơn, ý nghĩa hơn cho cuộc đời trần thế, cho cuộc hành trình đức tin của một người sống đời dâng hiến, khi tất cả đều qui chiếu vào một điều tốt nhất, và chỉ một điều cần thiết thôi, đó là được tiếp đón Chúa và kết hiệp với Người trong Thánh Thể, “trọng tâm và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu”.

Ở đây, chúng ta bỗng nhớ lại tác phẩm thần học đầu tiên của Đức Tổng Phaolô trong những năm đầu đời giảng dạy. Đó là cuốn sách: “Tặng Phẩm Thần Linh: Bí Tích Thánh Thể cho Con người mọi thời đại”, phác họa nội dung chính yếu: “Thánh Thể là sự sống thần linh, là tình yêu, là chính Đức Kitô, tự hiến mình cho chúng ta”. Thế nhưng, tác phẩm này xuất hiện một thời, và có thể nói, chỉ làm phần dẫn nhập cho những nghiên cứu sâu rộng, say mê suy tư và biên soạn khác của ngài.

Nhiều người học trò, có lẽ, phải công nhận tác phẩm nổi bật nhất viết chung với nhiều cha giáo mang tựa đề: “Thiên Chúa Cha, Đấng Giàu Lòng Thương Xót”, diễn giải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, khi ngài ứng dụng hình ảnh mối hiệp thông tương thuộc giữa Chúa Cha, là Nguồn Nước sinh ra Nước Nguồn là Chúa Con yêu dấu, và cùng hiện hữu trong Dòng Nước tràn trề phong nhiêu là Chúa Thánh Thần”. Hay nói cách khác: “Thiên Chúa là Đấng yêu thương, Đấng được yêu thương và Đấng là tình yêu muôn thưở”. Đó là lịch sử Ba Ngôi của tình yêu. Bởi đó, ngài thường xuyên lập lại câu nói của Thánh Augustinô: “Nếu bạn thấy Tình Yêu, quả thực, bạn thấy Ba Ngôi Thiên Chúa”.

Với một niềm xác tín sâu xa như thế, hàm chứa trong suốt cả cuộc đời giảng dậy, huấn giáo, chúng ta có thể hiểu được: lý do tại sao Đức Tổng lại lấy bức linh họa Ba Ngôi, nổi tiếng từ thế kỷ 14, của A. Roubliov làm huy hiệu Giám Mục, cho đời sống và sứ vụ mục tử của mình. Như có lần ngài giải thích: “Bức danh hoạ này là một sứ điệp bình an và hiệp nhất, là một Tin Mừng về Tình yêu tuyệt đối”. Vì thế, như một tổng luận tất cả những suy tưởng thần học sau này, trong cuộc hành trình của đức tin đi tìm sự hiểu biết, đi tìm lòng yêu mến và niềm hy vọng của mình, mà Đức Tổng Phaolô đã hình thành một tuyển tập, được coi là tác phẩm cuối cùng: “Tôi biết tôi đã tin vào Ai” (2Tm 1,12).

Nếu ngài biết ngài đã tin vào ai, nghĩa tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, thì quả thật, chúng ta thấy: chết hay sống đối với ngài chính là Thiên Chúa Ba Ngôi. Mà Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu tuyệt đối, thì chẳng phải, theo dòng tư tưởng của Thư Gioan: một khi tình yêu đạt đến mức hoàn hảo trong chúng ta, thì tình yêu đó sẽ là loại trừ sợ hãi (1Ga 4,18), phá tan mọi nỗi lo sợ, và mạnh mẽ hơn cả quyền lực tử thần. Thế đó, chẳng lạ gì, khi Đức Tổng đã chọn câu châm ngôn cho đời sống và sứ vụ Giám Mục của mình: “Chúa là nguồn vui của con”. Bởi lẽ lời cuối cho một tình yêu đích thực trong khhông gian mênh mông mà tình yêu tạo lập, bao giờ cũng là niềm vui, “để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và cho niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11). Như có lần ngài từng nói: “Các cha trong Giáo Phận thật đáng yêu”. Và nhiều lần gặp gỡ các thiếu nhi hay các cháu con trong gia đình: “Các con có vui không? Các con yêu dấu. Các cháu yêu dấu. Con yêu dấu”.

Đêm nay, đêm canh thức cầu nguyện cho Đức Tổng Phaolô khả kính, khả ái của chúng ta, mà thân xác ngài còn đây, thật lặng lẽ như người con ngủ yên trong lòng mẹ, êm ái dịu dàng. Qua dấu chỉ bình an đó và sự hiệp nhất giữa chúng ta, và với tất cả tâm tình tin tưởng cậy trông, chúng ta xin phó thác linh hồn ngài trong vòng tay nhân từ của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là nguồn vui vĩnh cửu và chén phần vinh phúc muôn đời của ngài. Để “Khi tay Người bất tử, âu yếm vuốt ve, tim tôi ngập tràn vui sướng, thốt nên lời không sao tả xiết” (Tagore, Gitanjali).

Và nếu được nói thêm lời cuối, chúng ta xin mượn lời thứ hai trong bảy lời thương khó của Đấng chịu đóng đinh trên đồi Golgotha xưa kia, trong cơn đau căng xé giữa đất với trời: “Quả thật, tôi nói cho anh biết: ngay hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi” (Lc 23,43).

Cha ơi! Hôm nay Cha sẽ ở trên Thiên Đàng với Chúa. Cha ơi! Hôm nay, với Chúa, cha sẽ ở trên Thiên Đàng. Amen!