T5, 01 / 2018 11:23 Sáng | Đức Tin Jesus

Trong năm, người Công giáo mộ đạo có nhiều dịp đi đến các linh địa, hoặc các điểm thánh thiêng. Khi đi hành hương, bên cạnh hành trang là lòng mến cùng tâm tình cầu nguyện, thì mỗi người cần góp sức để hành trình tâm linh thêm trọn vẹn.

Cần làm gì khi hành hương

Cần làm gì khi hành hương

Mỗi khi đông đảo giáo dân khắp nơi quy tụ tại một địa điểm, điều đầu tiên mà ban tổ chức quan tâm, chính là trật tự và môi trường. Công tác chuẩn bị thường diễn ra một khoảng thời gian dài trước đó và khâu dọn dẹp để đón rước khách về thăm luôn được “chủ nhà” ưu tiên thực hiện. Trong những đại hội hành hương lớn, thông thường sẽ có nhiều nhóm tình nguyện đến từ các giáo xứ, luôn túc trực để giữ sạch môi trường chung. Thế nhưng, vào ngày cao điểm, trung tâm hành hương trở thành một biển người, thì lúc ấy, việc gìn giữ môi trường cần có sự chung tay từ phía cộng đoàn. Anh Nguyễn Văn Tài, giáo dân xứ Tân Phú, TGP.TPHCM chia sẻ: “Tự mỗi người nên trang bị cho mình ý thức giữ gìn môi trường và nghe theo sự điều hành của anh em ban trật tự. Tôi nghĩ bên tổ chức đã vệ sinh sạch sẽ để tiếp rước mình rồi thì sau khi mình ra đi, làm sao để chủ nhà cũng không phải tốn nhiều công sức dọn dẹp khuôn viên xanh sạch như trước. Đó là ý thức cần phải có ở nơi công cộng”. Chỉ cần ai cũng tự giác, thì phần việc mỗi người không có gì nặng nhọc nhưng vừa giữ cho khu vực hành hương sạch đẹp, vừa bớt đi phần việc cho những người thiện nguyện.

Có một hình ảnh không đẹp tại những nơi tụ tập đông người, kể cả ở những khu vực linh thiêng, đó là tình trạng chen lấn, xô đẩy. Đám đông chen chúc chính là cơ hội cho những kẻ móc túi trà trộn “hành sự”. Mỗi dịp hành hương, người phụ trách đều có nhắc nhở điều này. Trong Đại hội La Vang vừa qua, cha quản nhiệm La Vang Giacôbê Lê Sĩ Hiền và Đức Tổng Giám mục TGP Huế Giuse Nguyễn Chí Linh đã đôi lần khuyến cáo trong các thánh lễ. Do đó, khi ở giữa đám đông, nếu mỗi người từ tốn, chịu xếp hàng, nhường nhịn thì không những giảm nạn mất cắp mà còn góp phần làm cho điểm hành hương bớt đi tình trạng bát nháo.

Tại điểm hành hương, nhất là những trung tâm lớn của Giáo hội, vào ngày cao điểm, khi nhà hành hương, các chỗ trọ xung quanh đều hết phòng, thì bà con thường “dựng lều, cắm trại” ngay trong khuôn viên để nghỉ chân và qua đêm. Lúc này, mỗi người biết sẻ chia cùng nhau về “nơi ăn chốn ngủ” hay giúp nhau từng ly nước, cái khăn… sẽ là hình ảnh thật đẹp. “Hành hương là một cuộc tìm về. Khi chúng ta tìm về với Chúa, tìm về bên Mẹ mà lại quên mất cách hành xử với anh em chung quanh thì cuộc hành hương sẽ mất đi ý nghĩa”, anh Đinh Quý Bảo đến từ GP Đà Nẵng, một khách hành hương trong dịp Đại hội La Vang nêu ý kiến.

Nếu đề cao ý thức nơi công cộng, mỗi người sẽ góp phần vào bầu khí tôn nghiêm, và làm tăng thêm lòng sốt mến trong các chuyến hành hương.

PHÚ THỊNH

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc