T4, 01 / 2019 5:24 Chiều | Đức Tin Jesus

Ngày thứ ba 25-12, trong thánh lễ truyền thống Giáng Sinh ở Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô kêu gọi tình đoàn kết. Các sứ điệp của ngài có tác động thật sự không? Các chuyên gia đưa ra câu trả lời cho chúng ta.

Đối với Đức Phanxicô, lễ Giáng Sinh không phải chỉ là dịp mừng Chúa Giáng Sinh nhưng cũng là dịp tốt nhất để nói lên sứ điệp của mình cho toàn thế giới. Sáng thứ ba 25-12, từ ban-công Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô lên tiếng kêu gọi “tình đoàn kết” giữa các dân tộc, ngài hy vọng có được hòa bình để người tị nạn Syria được về nhà mình, người Yemen tránh được nạn đói, để có đối thoại giữa người Israel và người Palestina.

Trước hôm đó, trong bài giảng đêm Giáng Sinh, Đức Phanxicô người bảo vệ cho người nghèo đã lên tiếng xin con chiên của mình chấm dứt chủ nghĩa tiêu dùng điên cuồng, ngài mời gọi họ chia sẻ với những người cùng khốn. Nhưng những lời cầu xin mạnh mẽ này có thật sự tác động không, nhất là với 1,3 tỷ người công giáo trên toàn thế giới, hay đó chỉ là những lời chúc chân thành, những lời nói đẹp nhưng không có tác động cụ thể đi theo?

Nhà vatican học Bernard Lecomte viết trong quyển “Tự điển yêu thương của các giáo hoàng” (nxb. Plon): “Trước hết tôi ghi nhận, trên thế giới không có các lãnh đạo nào khác nói như vậy. Ngày nay, trên trường quốc tế, giáo hoàng rao giảng tinh thần đoàn kết và hòa bình, vì thế người ta nghe ngài nhiều hơn nữa. Trong nghĩa này, các lời của ngài vượt quá cộng đồng công giáo, ngài nói cho toàn thế giới”.

Từ khi ngài lên ngôi giáo hoàng gần 6 năm nay, cựu Tổng Giám mục Buenos Aires đã không được yêu cầu để lên tiếng đến những vấn đề như “chúng ta tất cả đều là người di dân” hay “có quá nhiều tín hữu Kitô phòng khách”. Chuyên gia vatican học nói tiếp, “không có quân đội, không có bom nguyên tử, không có giếng dầu hỏa. Ngài chỉ có những chữ để lên tiếng, để tồn tại”. Nhưng dù ngài có những câu tuyên bố sốc nhưng ngài không thể làm phép lạ được. Tác giả Bernard Lecomte lượng định: “Trong những nước không còn tinh thần Kitô bao nhiêu như nước Pháp thì lời nói của ngài ít có ảnh hưởng. Ở nước Pháp, con số người tín hữu thích ứng đời sống của mình theo xác quyết, theo nguyên tắc Tin Mừng chỉ có khoảng từ 5 đến 8 % cộng đoàn những người giữ đạo.

Phạm vi quốc tế giới hạn

Dù sao các bài giảng của Đức Phanxicô cũng bắn trúng hồng tâm. Tác giả Lecomte giải thích: “Một cách ngoạn mục, việc phát hành Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si về các vấn đề môi trường cũng đã làm cho nước Pháp ý thức hơn sự cần thiết phải bảo vệ môi sinh”. Về phần mình, ông Odon Vallet chuyên gia về các tôn giáo, tác giả quyển “Dù sao… Đức tin vẫn tồn tại (La foi demeure… malgré tout nxb. Salvator) giải thích: “Các bài diễn văn đưa tay ra với người di dân có tác động quan trọng ở Pháp. Chúng hợp pháp hóa hành động của các tổ chức và các giáo xứ công giáo”.

Nhưng chiều thứ hai khi ngài nói về các nguy cơ của việc tiêu thụ quá mức có làm thay đổi thói quen tiêu thụ ở nước Pháp không. và ở cả những nơi khác trên thế giới? Tác giả Bernard Lecomte nhấn mạnh: “Các nước quan tâm nhiều đến lời của Đức Giáo hoàng là các nước nghèo nhất, như thế đây không phải là các nước tiêu thụ quá mức”. Tác giả Odon Vallet phân tích: “Ở Phi châu, người dân xem đây là vấn đề của người giàu! Đức Giáo hoàng không thể có một ngôn ngữ chung được mọi người đánh giá cao. Từ lục địa này qua lục địa kia, lời của ngài buộc phải diễn giải theo một cách khác”.

Còn trên chính trường quốc tế, các lời của ngài có một giới hạn. Ông Vallet nhận xét: “Ngài không thành công ở Palestina. Tòa Thánh bất lực trước các xung đột lớn. Chuyện này không phải mới xảy ra gần đây”. Ông nhắc lại: “Năm 1917, Đức Bênêđictô XV đã cố gắng làm trung gian hòa giải cho hòa bình sau ba năm thế chiến nhưng đã không được”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch