T4, 08 / 2019 12:23 Sáng | Đức Tin Jesus

Mùa Vọng là mùa mở đầu cho năm phụng vụ. Lễ phục được dùng trong suốt mùa Vọng. hầu hết là màu tím. Ngoài ra nhà thờ nào cũng có 4 ngọn nến trong đó 3 ngọn màu tím và một ngọn màu hồng.

Bốn ngọn nến tượng trưng cho 4.000 năm loài người trông đợi Đấng Cứu Thế nghĩa là từ khoảng thời gian ông bà nguyên tổ bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng rồi loài người rơi vào sa đoạ, tội lỗi cho đến ngày Chúa sinh xuống trần gian. Mỗi ngọn nến tượng trưng cho một giai đoạn trong tiến trình trông đợi đó. Màu tím nói lên sự chờ đợi và ăn năn thống hối còn màu hồng tượng trưng cho sự mừng rỡ và hân hoan trong việc đón mừng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Trong ngày Chúa nhật đầu tiên của mùa Vọng, sau nghi thức làm phép nến, một ngọn nến màu tím được thắp sáng và ngọn nến này tiếp tục được thắp sáng trong những ngày tiếp theo của cả tuần lễ đó. Ngọn nến thứ nhất tượng trưng cho sự HỐI CẢI chuẩn bị cho ngày Đấng Cứu Thế đến.
Trong ngày Chúa nhật của tuần lễ thứ hai một ngọn nến màu tím khác được thắp sáng và cả 2 ngọn nến sẽ tiếp tục được thắp sáng trong những ngày còn lại của tuấn lễ này. Ngọn nến màu tím thứ hai tượng trưng cho sự TRÔNG CHỜ ngày hạ sinh của Đấng Cứu Thế.

Trong ngày Chúa nhật của tuần lễ thứ ba ngọn nến màu hồng được thắp sáng và sẽ cùng với hai ngọn nến trước tiếp tục được thắp sáng trong những ngày còn lại của cả tuần lễ. Ngọn nến màu hồng thứ ba tượng trưng cho sự VUI MỪNG và niềm hân hoan vì Chúa Cứu Thế sắp đến.

Trong ngày Chúa nhật của tuần lễ thứ tư cũng là tuần lễ cuối cùng của mùa Vọng ngọn nến cuối cùng màu tím được thắp sáng và tất cả 4 ngọn nến sẽ được thắp sáng trong những ngày tiếp theo cho đến lễ Gíang sinh. Ngọn nến thứ tư màu tím tượng trưng cho sự kiên vững trong NIỀM TIN trong việc chuẩn bị tâm hồn để đón mừng Chúa đến trong lễ Gíang sinh.

Mùa Vọng đến mỗi năm vì vậy người tín hữu Công giáo nào cũng đều được nhắc nhở nhiều lần để biết mùa Vọng là mùa trông đợi Chúa Cứu Thế. Nhưng trông đợi theo ý nghĩa nào? Trông chờ Chúa đến mang ơn cứu độ ư? Người Do Thái cho rằng Đấng Cứu Độ mà họ trông đợi chưa đến trần gian cho nên họ vẫn còn đến cầu nguyện tại bức tường “than khóc” để xin Đấng Cứu Đô mau đến. Nhưng đối với người Kitô hữu thì Đấng Cứu Thế đã đến trần gian từ hơn 2,000 năm rồi và Ngài đang hiện diện giữa chúng ta trong phép Thánh Thể.

Người Kitô hữu biết Chúa sẽ đến trần gian lần thứ hai trong ngày cánh chung nghĩa là ngày Chúa đến để phán xét? Vậy có phải chúng ta trông chờ Chúa đến trong ý nghĩa đó?……………..

Nếu hiểu mùa Vọng là mùa sám hối, là từ giã cuộc sống của người con “hoang đàng” để trở về với Chúa. Nếu hìểu Giáo hội muốn dùng mùa Vọng để thức tỉnh người tín hữu phải sửa chữa con đường “tâm hồn” cho ngay thẳng. Nếu mùa Vọng là lúc cần thể hiện tình thương và lòng bác ái của Kitô giáo thì mùa Vọng không chỉ kéo dài trong 4 tuần lễ và cũng không kết thúc vào ngày lễ Gíang sinh mà mùa Vọng cần phải được kéo dài trong suốt cả cuộc đời của mỗi người Kitô hữu.