CN, 12 / 2017 4:32 Chiều | Đức Tin Jesus

Lễ Chúa Giáng Sinh, chuông nhà thờ sẽ đổ hồi loan báo tin vui Thiên Chúa làm người để cứu độ chúng ta. Những bài thánh ca được cất lên, và mọi người dù trẻ hay già, dù với giọng ca thánh thót hay khàn khàn, cũng sẽ cùng cất tiếng hát vang.

Còn cách nào để bộc lộ niềm vui của ngày Chúa Giáng Sinh hơn là tiếng ca?
Trong các ca khúc điệp xướng của lễ Giáng Sinh, có lẽ lời hát của các thiên thần được lặp lại nhiều nhất: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Thế nhưng có phải trong đêm Chúa ra đời ở Bêlem, các thiên thần chỉ hát có hai câu ngắn ngủi ấy, hay các ngài còn tiếp tục suốt Kinh Vinh Danh mà chúng ta đọc và hát trong Thánh Lễ?

Thật khó mà biết các thiên thần đã hát thế nào trong đêm Chúa ra đời. Trong Phúc âm, thánh sử Luca chỉ ghi lại có hai câu ngắn ngủi vừa nói, còn tất cả phần còn lại trong Kinh Vinh Danh, mà phụng vụ dùng trong Thánh Lễ thì được sáng tác về sau.
Tuy nhiên, xét vì các bài ca ấy bắt đầu với những tiếng hát của các thiên thần ở Bêlem, nên toàn thể bài ca cũng được gọi là Bài Ca Thiên Thần.

*Có phải bài ca quảng diễn tư tưởng của hai câu trích trong Phúc Âm, nay bổ túc thêm những ý tưởng ca ngợi khác nữa?

Phần nào vừa quảng diễn nội dung súc tích của lời các thiên thần, phần nào thêm thắt nhiều tư tưởng mới. Để rõ hơn, thiết tưởng chúng ta nên tìm hiểu ý nghĩa của lời các thiên thần mà thánh Luca đã ghi lại. Thoạt tiên xem ra như một câu đối hai vế với các lời lẽ đơn sơ dễ hiểu: “Trên trời, xin cho danh Chúa được vinh quang / dưới đất, mong sao cho những người thành tâm được hưởng an bình”.

Tuy nhiên, gần đây một số học giả không đồng ý với cách giải thích hai vế ấy. Trước hết, bởi vì một số thủ bản Kinh Thánh ghi lại lời hát của các thiên thần không phải trong hai vế, nhưng là ba vế: “Vinh quang Thiên Chúa trên trời – bình an dưới đất – và thiện chí cho con người”. Tuy có ít học giả đồng ý về cách phân đoạn như vậy, nghĩa là đa số các học giả nghiêng về hai vế, nhưng họ không nhất trí về cách giải thích vế thứ hai.

Theo họ, thay vì dịch “bình an dưới thế cho người thiện tâm”, thì phải dịch là “bình an dưới thế cho con người được Chúa yêu thương”. Nói khác đi, từ “thiện tâm” không ám chỉ cho con người, nhưng cho Thiên Chúa, bởi vì Ngài đã tỏ lòng yêu thương nhân hậu đối với con người. Hiểu như thế, tại Bêlem, các thiên thần đã không bày tỏ ước nguyện cho Thiên Chúa được vinh quang và cho con người được thái hoà, nhưng các vị công bố một sự kiện, một tin vui: do việc Chúa cứu thế giáng trần, vinh quang của Thiên Chúa được tỏ ra trên trời, và bình an xuất hiện trên trái đất, bởi vì con người được Chúa thương yêu cứu chuộc. Khởi điểm từ tin vui ấy, bài ca “Vinh Danh” tiếp tục bộc phát niềm ca khen vui mừng trong hai đoạn, phần nào tương ứng với hai vế của sứ điệp các thiên thần: đoạn thứ I gồm những lời chúc vinh Thiên Chúa; đoạn thứ II khẩn cầu Đấng Cứu Thế hoàn tất công cuộc của Người ở giữa loài người.

*Đoạn thứ nhất bắt đầu và kết thúc ở chỗ nào?

Đoạn thứ I bắt đầu từ “chúng con ca ngợi Chúa” cho đến “là vua trên trời, là Chúa Cha toàn năng”. Đoạn này bắt đầu với một số động từ diễn tả tất cả tâm tình suy tôn, thán phục đối với chương trình cao cả của Thiên Chúa: “Chúng con ca ngợi Chúa … chúc tụng… thờ lạy… tôn vinh… cảm tạ Chúa, vì vinh quang cao cả Chúa”. Chúng ta cảm tạ Chúa đã tỏ vinh quang của Ngài ra, nghĩa là Ngài đã cho chúng ta biết ý định của Ngài muốn kêu mời chúng ta vào chia sẻ hạnh phúc với Ngài, họp thành gia đình con cái Ngài. Kế đó là một chuỗi những tước hiệu mà chúng ta muốn xưng tụng Ngài: Ngài là “Chúa tể … là Vua trên Trời … là Chúa Cha toàn năng”. Có thể nói danh hiệu độc đáo nhất mà các Kitô hữu gọi Thiên Chúa là “Cha toàn năng”. Trong Kinh Tin Kính chúng ta cũng tuyên xưng như vậy ngay từ lúc mở đầu:

“Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng”.

*Đoạn thứ II bao gồm phần còn lại của Kinh Vinh Danh phải không?

Đúng vậy, đoạn thứ hai của Kinh Vinh Danh hướng đến Đức Kitô, và có thể phân biệt bốn thể văn chính: 1) chúc khen; 2) cầu khẩn; 3) xưng tụng; 4) công thức tôn vinh.

Trước hết, trong phần chúc khen, phụng vụ kể ra những tước hiệu chính của Đức Kitô, ra như trước khi mở đầu cuộc nói chuyện, cần phải ngả mũ chào kính người đối diện. Những tước hiệu dành cho Đức Kitô là: Ngài là Con Một Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa, Ngài là Chiên Thiên Chúa, là Con Đức Chúa Cha. Qua các danh xưng ấy, Giáo Hội bày tỏ niềm tin rằng Đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người, được sai đến để cứu độ chúng ta.

Chính khi chiêm ngưỡng vừa sự cao cả vừa sự gần gũi của Đức Kitô mà bài ca bước sang phần khẩn cầu, với ba lời van nài giống như Kinh Cầu: “Lạy Đấng xoá tội trần gian xin thương xót chúng con; lạy Đấng xoá tội trần gian xin nhậm lời chúng con cầu khẩn; lạy Đấng ngự bên hữu Đức Chúa Cha xin thương xót chúng con”

*Ba lời cầu này xem ra giống như kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa” đọc trước khi rước lễ?

Đúng thế, vì lời cầu xin Đức Kitô là Đấng xoá tội trần gian gắn liền với lời xưng tụng “Chiên Thiên Chúa” trước đó. Đây là danh hiệu mà thánh Gioan Tiền Hô đã dùng để giới thiệu Đức Kitô: Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng hiến tế chính mình để xoá tội trần gian. Tuy nhiên, ở Kinh Vinh Danh, chúng ta không chỉ nhìn ngắm Đức Kitô khi chịu hiến tế trên Thập giá mà thôi, nhưng chúng ta còn chiêm ngưỡng Ngài trong giai đoạn khải hoàn nữa, khi Ngài ngự bên hữu Chúa Cha. Vì vậy, chúng ta xin Ngài cầu bầu cho chúng ta: xin nhậm lời chúng con cầu khẩn; xin tiếp nhận những lời van nài của chúng con; xin chuyển cầu lên trước toà Chúa Cha.

Tiếp theo phần khẩn cầu là những lời xưng tụng: “Chỉ có Chúa là Đấng Thánh … là Chúa … là Đấng Tối Cao”. Những lời xưng tụng ấy đã xuất hiện trong các công thức đức tin Kitô giáo từ thời nguyên thuỷ. Qua những lời tán tụng ấy, các tín hữu không những tuyên xưng thiên tính của Đức Kitô, mà còn muốn khẳng định rằng họ chỉ tôn thờ Ngài mà thôi: họ thà chết chứ không dâng hương lễ bái các thần tượng khác, họ không cúi rạp mình trước các nghi lễ suy tôn hoàng đế Rôma như Thiên Hoàng.

Sau cùng, bài thánh ca kết thúc với câu tôn vinh: “Lạy Đức Giêsu Kitô, vinh quang cho Người, cùng với Chúa Thánh Thần cũng như cho Chúa Cha”. Như thế chúng ta thấy bài ca mở đầu và kết thúc với tiếng “vinh danh”, “vinh quang”. Như đã nói trước đây, không phải là những lời ca tụng của chúng ta tăng thêm vinh quang cho Thiên Chúa, nhưng chúng ta bày tỏ sự thán phục và tri ân bởi vì Ngài đã tỏ vinh quang của Ngài cho chúng ta, và dẫn đưa chúng ta vào thông phần vinh quang của Ngài, chia sẻ hạnh phúc với Ngài.

Trong đêm Giáng Sinh, khi hát lên Bài Ca Thiên Thần, chúng ta hãy thả hồn theo nhịp hát, nhưng nhất là chúng ta hãy để cho tâm hồn tràn ngập những tia sáng của vinh quang Chúa. Vinh quang đã tỏ ra cho từng người trong chúng ta, bao bọc che chở chúng ta, nhờ vậy mà chúng ta cảm thấy bình an nội tâm.

Ước mong rằng theo gương các thiên thần và mục đồng, chúng ta sẽ thông đạt niềm vui dạt dào trong tâm hồn cho từng người thân cận nữa.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.