T6, 01 / 2018 1:12 Chiều | Đức Tin Jesus

“Một gia đình với 3 thế hệ cùng góp sức, chung tay trong việc gìn giữ ngôi thánh đường gần trăm tuổi của họ đạo luôn sạch sẽ và nhiều việc khác nữa…”.

Ðó là lời giới thiệu mà linh mục chánh xứ Jeanne d’Arc – Ngã Sáu (TGP.TPHCM) Giuse Vũ Minh Thùy nói với chúng tôi về gia đình bà Ðoàn Thị Liễu. Ròng rã mười mấy năm nay, con trai, con gái rồi cháu trai, cháu gái của bà cứ chiều thứ 6 hoặc sáng thứ 7 hằng tuần lại rủ nhau đi quét dọn, lau chùi cho ngôi nhà chung đã 90 tuổi của họ cho sạch đẹp. Anh Phong, con trai lớn của bà cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi làm việc này vì mẹ tôi bảo. Bà muốn chúng tôi đóng góp phần của mình vào việc chung của giáo xứ. Mẹ nói với anh em tôi đã là bổn đạo thì mình phải giúp việc cho xứ mình chứ nếu chỉ đi lễ thôi rồi về thì vô tâm quá”. Chị Phương, con gái lớn kể: “Từ lạ lẫm đến thành thói quen, cứ vậy mà làm thôi. Tôi làm kế toán nên giai đoạn cuối năm rất bận rộn, có khi phải dành toàn bộ thời gian làm việc, khi không tham gia với anh em mình được thì thấy bất an, khó chịu lắm”. Còn chị Loan, con gái út thì dù bận đến mấy cũng không bỏ bê ngày nào bởi việc quét dọn Nhà Chúa đã thành một phần trong sinh hoạt. Cứ thế, đến khi họ có con và con cái họ lớn lên lại tiếp bước cha mẹ mình quét, lau nhà thờ, giúp lễ… Những việc làm của họ chính là sự phản chiếu tấm gương sống đạo của người mẹ, người bà, là minh chứng cho nhận định hạt giống phục vụ, hy sinh có thể ươm mầm từ gia đình và vun trồng từ đời sống đức tin của phụ huynh.

Gia đình bà Đoàn Thị Liễu – ảnh tư liệu

Là một người Công giáo gốc, bà Liễu lấy chồng là một tín hữu Cao Ðài. Hai ông bà chung sống trong sự tôn trọng niềm tin của nhau. Hoa trái của cuộc hôn nhân là 3 người con ngoan. Bà đưa các con đến nhà thờ rửa tội, dạy các con biết về đức tin. Khi cô con gái út được 3 tháng tuổi thì ngôi nhà mất đi người cha, người chồng. Ðôi vai người phụ nữ ấy tưởng chừng sẽ sụp xuống nhưng rồi nhìn đàn con nhỏ, đứa lớn nhất mới 6 tuổi – cái tuổi còn thơ ngây chỉ biết ăn, biết học bà gồng mình đứng dậy gánh vác gia đình. Ðang có công việc ổn định, là một cô giáo dạy mẫu giáo song bà luôn cảm thấy không yên lòng, sợ các con không ai trông nom, dạy dỗ, sợ chúng không phát triển tốt vì đã vắng bóng cha mà mẹ thì lại bận làm việc. Bà quyết định nghỉ dạy, buôn bán để có giờ chăm con. “Giờ ngồi nhớ lại cũng không biết làm sao mà mình có thể vượt qua được giai đoạn đó. Tôi vẫn cảm ơn Chúa vì đã gìn giữ gia đình mình bình an suốt bao năm”, bà xác tín.

Không để mình bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, ngoài công việc giáo lý viên, bà còn dành thời gian tham gia đoàn Hùng Tâm Dũng Chí của giáo xứ, kéo violon, mandolin đệm đàn cho ca đoàn … Ðối với bà, đó là niềm yêu thích, là hạnh phúc khi được hoạt động cùng mọi người. Bà hồi tưởng: “Ngày xưa ca đoàn Hùng Tâm Dũng Chí xứ tôi nổi tiếng lắm, được mời đến nhiều nơi, có khi vô các bệnh viện để biểu diễn cho bà con bệnh nhân xem nữa. Tiếc là bây giờ không còn nữa”. Tinh thần hăng say phục vụ của bà đã cảm nhiễm đến con cháu, đưa họ đến gần nhịp thở xứ đạo một cách tự nhiên để họ làm việc chung và cảm nhận được sự vui vẻ khi góp phần nhỏ cho sự phát triển của cộng đoàn. Sự cho đi không suy nghĩ của họ đã thu hút thêm nhiều người, và đội ngũ làm sạch nhà chung trở nên đông hơn trước. Khi chúng tôi gặp và đề nghị viết bài về gia đình bà, bà nói rằng có gì mà viết, việc họ đã và đang làm là bổn phận mà thôi. Phải năn nỉ lâu lắm mới nhận được cái gật đầu. Trong đôi mắt người phụ nữ năng nổ ngày nào ánh lên sự an nhiên đến lạ.

Giờ đây, ở tuổi 75, sống quây quần bên 3 người con và 5 người cháu, bà vẫn đều đặn đi lễ mỗi ngày, tham gia sinh hoạt trong hội Các Bà Mẹ Công Giáo xứ nhà. Cuộc sống gia đình họ luôn rộn ràng tiếng cười vui nhưng lúc nói đến ngôi thánh đường lâu đời của họ đạo thì hình như vẫn còn đó những âu lo, vì “nhà thờ nằm ngay giao lộ của ba con đường, người qua lại đông đúc, mình dọn sạch bên trong nhưng khuôn viên bên ngoài thì mọi người trong xứ làm hoài mà vẫn chưa mấy khá hơn”.