T7, 09 / 2017 8:18 Chiều | Đức Tin Jesus

Cũng như các thánh tích của Sự Thương Khó Chúa Kitô – mũ gai và đinh – các dụng cụ giết người trở thành biểu tượng của cứu rỗi, viên đạn “giết người” trở thành một trong các hạt châu báu trên miện của Nữ vương Hòa bình.

Ngày 13 tháng 5 năm 1981, ngày kỷ niệm kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, ngày Đức Gioan-Phaolô II bị ám sát ở Quảng trường Thánh Phêrô, Rôma. Mehmet Ali Ağca là xạ thủ đã để trong xách của ông khẩu súng bán tự động Browning nòng 9mm, chờ xe giáo hoàng đi qua.

Đức Gioan-Phaolô II bị ám sát ở Quảng trường Thánh Phêrô, Rôma

Ngày 13 tháng 5-1981, Mehmet Ali Ağca (bên trái), đưa khẩu súng Browning lên và nhắm vào Đức Gioan-Phaolô II bắn nhiều phát đạn ở Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha đi ngang qua ông vài mét.

Mehmet Ali Ağca đã học xong khóa huấn luyện trong số các nhóm băng đảng Đông Âu dưới bàn tay của KGB và tổ chức hồi giáo và quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ của “Những con sói xám”. Hôm đó chiếc xe giáo hoàng mở rộng ra, giáo dân bồng trẻ em đưa đến tay giáo hoàng và ngài tươi cười ban phép lành, ôm chào. Khi Đức Giáo hoàng chỉ cách tên sát nhân ba mét thì y bắn hai đến sáu phát. Oral Çelik, tên tòng phạm ở cách đó hai mươi mét có nhiệm vụ gieo hỗn loạn, ném lựu đạn và bắn súng. Để nương theo hoảng loạn, hai kẻ sát nhân sẽ trốn vào tòa đại sứ Bungari. Nhưng hai phụ nữ đã lật ngược dự trù thảm sát này.

Sự tiết lộ của Fatima trở thành thực tế

Oral Çelik chỉ bắn một phát và chạy trốn, không làm nổ lựu đạn. Mehmet Ali Ağca chạy trốn thì bị một nữ tu dí xuống đất… Nhưng một viên đạn đã trúng thẳng vào Đức Gioan-Phaolô II, viên đạn thứ nhì lướt qua cùi chỏ và trúng hai phụ nữ khác, Ann Odre người Mỹ và Rose Hill, người Jamaicain. Sự việc xảy ra giống lời tiết lộ một cách kỳ lạ. Năm 1917, Đức Mẹ nói với ba mục đồng: “Một giám mục mặc áo trắng (…) bị một nhóm lính bắn nhiều phát bằng súng và tên”…

Trước khi nữ tu khống chế tên sát nhân thì có một phụ nữ khác, người này chưa bao giờ được nhận diện, đưa tay ra hất tên sát nhân hoặc làm thay đổi hướng đi của các viên đạn. Một cử chỉ bí ẩn nhưng như được quan phòng.

Đức Giáo hoàng bị mổ trong tình trạng nguy kịch năm tiếng đồng hồ, trong khi đám đông giáo dân đến trước bệnh viện cầu nguyện. Ngài sống sót trước sự ngạc nhiên vô cùng của Mehmet Ali Ağca. Ngày 27 tháng 12 năm 1983, khi Đức Gioan-Phaolô II vào tù thăm tên sát nhân trong tù, hắn hỏi ngài: “Vì sao ông còn sống, tôi đã nhắm bắn chính xác và viên đạn giết người cực mạnh”. Đức Thánh Cha trả lời: “Một bàn tay bắn, một bàn tay dẫn đường”, ngài muốn ám chỉ đến “bàn tay vô hình của Mẹ Maria” đã làm lệch đường đi của đạn.

Viên đạn giết người ở trên miện của Nữ vương Hòa bình

Theo lời yêu cầu của Đức Gioan-Phaolô II, viên đạn sau đó được gắn vào miện của Đức Mẹ Fatima. Bởi vì viên đạn đã chạm đến “bàn tay vô hình của Đức Mẹ”, nên nó thành thánh tích.

Đức Gioan-Phaolô II đến cám ơn Đức Mẹ đã cứu ngài trong vụ ám sát ngày 13 tháng 5-1981

Ngày 13 tháng 5-1982: trong lần Đức Gioan-Phaolô II đến cám ơn Đức Mẹ đã cứu ngài trong vụ ám sát ngày 13 tháng 5-1981. Fatima, Bồ Đào Nha.

Cũng như các thánh tích của Sự Thương Khó Chúa Kitô – mũ gai và đinh – các dụng cụ giết người trở thành biểu tượng của cứu rỗi, viên đạn “giết người” trở thành một trong các hạt châu báu trên miện của Nữ vương Hòa bình.

Lòng kính mến Đức Mẹ Fatima

Tuy nhiên Đức Gioan-Phaolô II không bắt đầu kính mến Đức Mẹ từ năm 1981. Ngài mất mẹ lúc lên 9 tuổi. Mẹ Maria như trở thành người mẹ thay thế mẹ ruột. Năm 15 tuổi, Karol Wojtyla đứng đầu một hiệp hội thanh niên thánh hiến cho Mẹ Maria. Tuy nhiên ngài chưa bao giờ đặt chân đến Fatima trước ngày 13 tháng 5-1981. Ngày ngài bị mưu sát trùng với ngày tiết lộ bí mật thứ nhì nên đã thuyết phục ngài đi hành hương đến đền thánh Đức Mẹ. Ngài đến Fatima ba lần và theo lời xin của Đức Mẹ, ngài bằng lòng nêu lên “dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ”. Lời dâng hiến này được dâng ngày 25 tháng 3 năm 1984 và bao gồm “toàn thế giới, kể cả nước Nga”, lúc đó nước Nga còn sống những năm cuối cùng dưới ách cộng sản.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch