T5, 12 / 2017 7:21 Sáng | Đức Tin Jesus

Trong 60 giờ, các nhà nghiên cứu đã có cơ hội chạm đến một trong những nơi linh thiêng nhất của Công giáo, và sau đây là những điều mới mẻ mà họ phát hiện được.

Các chuyên gia của Ðại học Kỹ thuật Quốc gia Athens (Hy Lạp) hồi năm ngoái đã tiếp cận được Nhà thờ Mộ Thánh ở cổ thành Jerusalem, địa điểm được cho là phần hang động nơi chôn cất Chúa Giêsu sau khi chịu đóng đinh trên thánh giá và trước khi Ngài sống lại. Kết quả sơ bộ xác nhận rằng phần còn lại của mộ đến thời điểm này đích thực đã trải qua nhiều năm tháng thăng trầm để tồn tại được đến ngày nay. Suốt nhiều thế kỷ liên tiếp, nhà thờ Mộ Thánh đã hứng chịu vô số vụ tấn công, hỏa hoạn lẫn địa chấn. Công trình này bị hủy hoại hoàn toàn vào năm 1009 và được xây dựng lại sau đó, dẫn đến nghi ngờ của giới học giả hiện đại rằng liệu nơi này có phải là địa điểm vẫn luôn in đậm trong tâm trí của các tín hữu hay không. Giờ đây, kết quả mới nhất cho thấy đã xác nhận phần còn lại của hang đá nằm lọt thỏm bên trong nhà thờ đích thực là tàn tích phần mộ từ thời La Mã cổ đại và hé lộ thêm nhiều chi tiết về quá trình xây dựng phần mộ thánh thiêng, theo tạp chí National Geographic.

Mẩu hồ vữa thu được từ giữa bề mặt của phần mồ đá vôi và tấm đá cẩm thạch chặn bên trên có niên đại vào khoảng năm 345. Theo tài liệu sử sách, chính người La Mã đã tìm được nơi linh thiêng của Kitô giáo và dựng thánh đường tưởng niệm địa điểm lịch sử này khoảng năm 326. Ðây là phát hiện quan trọng vì cho đến nay chứng cứ kiến trúc sớm nhất từng được thu thập tại đây và xung quanh nhà thờ là vào thời Thập tự chinh, tức khoảng 1.000 năm trước. Trong khi về khía cạnh khảo cổ học, trước đây vẫn chưa thể xác định được đây có chính xác là điểm chôn cất Chúa Giêsu trước khi Ngài Phục Sinh hay không. Kết quả phân tích đồng vị mới đã cung cấp chứng cứ cho thấy ngôi mộ chắc chắn phải được xây dựng vào thời của Constantine, vị hoàng đế theo Kitô giáo đầu tiên của thành Rôma.

Ngôi mộ đã được mở lại lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ phong kín vào tháng 10.2016, khi nhà thờ bao bọc phần mộ, được gọi là Edicule, phải trải qua công cuộc đại trùng tu nếu không muốn bị đổ sập. Lúc đó, nhóm chuyên gia cũng lấy một vài mẩu hồ vữa từ những điểm khác nhau của Edicule, theo trưởng ban điều hành dự án Antonia Moropoulou. Khi những người đại diện cho hoàng đế Constantine đến Jerusalem vào khoảng năm 325, họ được dẫn đến một đền thờ La Mã được xây dựng cách đó khoảng 200 năm. Kế đến, đền thờ bị lật ngược lên, cho phép người xưa đào bới và tìm tòi phần bên dưới của nơi này. Họ đã tìm được dấu vết của một ngôi mộ đẽo từ hang đá. Nóc hang bị khoan thủng và lấy đi, để lộ bên trong ngôi mộ, và Edicule được xây bao quanh nấm mồ nổi tiếng.

Một điểm đặc trưng của ngôi mộ là một phiến đá dài, còn được gọi là “giường chôn cất”, được cho là nơi thi thể của Chúa Giêsu được đặt nằm lên sau khi đỡ xuống từ thập tự giá. Tổ hợp chôn cất kiểu phiến đá, đào hốc từ hang, thường được áp dụng phổ biến cho các ngôi mộ của những người Do Thái được trọng thị ở Jerusalem hồi thế kỷ thứ nhất. Lớp đá ốp “giường chôn cất” được phủ lên phiến đá trễ nhất là vào năm 1555, trong khi nhiều khả năng đã hiện diện từ giữa thế kỷ 14, theo ghi nhận của những người hành hương.

Khi ngôi mộ được mở vào đêm 26.10.2016, đội ngũ chuyên gia do nữ tiến sĩ Moropoulou dẫn đầu vô cùng ngạc nhiên trước phát hiện đầy bất ngờ bên dưới lớp đá ốp: một phiến đá cũ kỹ, bể nứt với hình thánh giá khắc ngay bên trên bề mặt ban đầu của “giường chôn cất”. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tấm đá cũ hơn có thể được đặt vào trong giai đoạn Thập tự chinh. Ắt hẳn phiến đá đó đã nằm yên vị và bị vỡ khi nhà thờ đổ nát do động đất vào năm 1009. Tuy nhiên, không người nào dám khẳng định đây là chứng cứ đầu tiên về sự tồn tại của đền thờ La Mã có mặt từ giai đoạn đầu của dòng lịch sử liên quan đến Mộ Chúa.

Vì vậy, các kết quả giám định mới nhất, vốn tiết lộ phiến đá bên dưới nhiều khả năng đã được đặt vào vị trí từ giữa thế kỷ thứ 4 theo mệnh lệnh của Hoàng đế Constantine, đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ những người đang nghiên cứu về lịch sử của địa điểm thờ phụng linh thiêng qua nhiều thế kỷ. “Rõ ràng thời điểm vừa được công bố trùng khớp với chuyện đã xảy ra vào thời Hoàng đế Constantine. Và đó là điều vô cùng đáng chú ý”, theo nhà khảo cổ học Martin Biddle, người đã công bố báo cáo về Mộ Chúa vào năm 1999.

Trong một năm trùng tu Edicule, các nhà khoa học cũng có thể xác định được vẫn còn một phần đáng kể của hang chôn cất nằm khóa chặt bên trong các bức tường của Edicule. Những mẩu vữa lấy từ phần còn lại ở bức tường phía nam của ngôi mộ có niên đại dao động từ năm 355 đến 1570, cung cấp thêm một chứng cứ về hoạt động xây dựng nơi này từ thời La Mã và thời điểm trùng tu vào thế kỷ 16 vốn được ghi nhận lâu nay. Mẩu vữa ở lối vào ngôi mộ có niên đại từ thế kỷ 11, chứng thực Edicule từng được xây dựng lại theo sau trận động đất vào năm 1009. “Thật là thú vị khi thấy được những mẩu vữa này không chỉ cung cấp chứng cứ về sự tồn tại của đền thờ thuở ban đầu và còn xác nhận các giai đoạn xây dựng Edicule từ trước đến nay”, theo tiến sĩ Moropoulou.

Những phát hiện mới sẽ được trình bày chi tiết trên số tới của chuyên san Journal of Archaeological Science: Reports.

Nguồn: CGVDT. VN