T7, 11 / 2017 9:36 Chiều | Đức Tin Jesus

Tuy chỉ tại vị trong 33 ngày ngắn ngủi trước khi qua đời, nhưng Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô I đã để lại di sản quý giá bằng chính cuộc đời và những bài huấn dụ của ngài.

Ngày 26.8 vừa qua, đúng kỷ niệm 38 năm kể từ khi Hồng y Albino Luciani lên ngôi giáo hoàng vào năm 1978, với tông hiệu Gioan-Phaolô I, viện bảo tàng vinh danh ngài đã được khai mạc tại quê nhà của vị chủ chăn này. Dù nhiệm kỳ của giáo hoàng thứ 263 được xem là ngắn nhất trong lịch sử Công giáo (33 ngày) nhưng Đức Gioan-Phaolô I đã ghi lại dấu ấn không phai nhòa với những động thái cải cách mạnh mẽ Giáo hội.

“Giáo Hoàng tươi cười”

Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô I tên khai sinh là Albino Luciani, chào đời năm 1912 tại thị trấn Canale d’Agordo thuộc tỉnh Belluno ở miền bắc Ý, cách Rome hơn 640 km, và cũng là nơi được xem là cái nôi của các giáo hoàng Công giáo. Ở tuổi 65, ngài được bầu làm giám mục thành Rome. Đây cũng là trường hợp đầu tiên có giáo hoàng lấy tên kép, nhằm vinh danh và tiếp tục đi theo con đường của hai giáo hoàng tiền nhiệm là Gioan XXIII và Phaolô VI. Tuy nhiên, thời gian dẫn dắt Giáo hội của Đức Gioan-Phaolô I vô cùng ngắn ngủi vì ngài đã đột ngột qua đời vào ngày thứ 33 kể từ khi nhậm chức, với nguyên nhân được xác định là đau tim. Trong thời gian tại vị, Đức Thánh Cha còn được yêu mến với khuôn mặt luôn hoan hỉ, và được mọi người xưng tụng với danh hiệu “Giáo hoàng tươi cười”.

Sau gần 40 năm, các tài liệu quan trọng, những vật phẩm cá nhân của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô I đã được trưng bày trước công chúng tại viện bảo tàng mới thành lập vào ngày 26.8. Dù lâu nay thị trấn Canale d’Agordo vẫn duy trì cuộc triển lãm ảnh về cuộc đời vị giáo hoàng kể từ năm 1978, nhưng bây giờ thì nơi trưng bày đã được nâng cấp và mở rộng để cho ra đời một viện bảo tàng, được đặt tại tòa thị chính của thành phố. Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin là người làm lễ khai mạc đầy trang trọng cho viện bảo tàng mang tên “Albino Luciani”. Đức Hồng y Parolin, cũng là đồng hương với vị giáo hoàng quá cố, đã chủ trì thánh lễ vào buổi trưa trước khi chính thức vào phần nghi thức khai mạc. Cùng có mặt trong sự kiện này có Đức giám mục thành Belluno-Feltre Renato Marangoni và Đức giám mục danh dự của giáo phận : Đức cha Giuseppe Andrich.

Sự liên kết giữa Đức Gioan-Phaolô I và Đức Phanxicô

Do nhiệm kỳ quá ngắn ngủi, và xảy ra trong thời gian thế giới đang in đậm di sản của các tượng đài Giáo hội khác như Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI và Đức Gioan-Phaolô II, những người ngoài Công giáo không phải ai cũng biết về vị giáo hoàng này, và các bài viết cũng như bài giảng của ngài theo đó cũng chẳng mấy phổ biến. Tuy nhiên, tên tuổi của ngài lại xuất hiện nhiều lần trong các bài phát biểu của vị giáo hoàng đương nhiệm. Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như tìm thấy sự tương đồng trong cách thức Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô I truyền tải về lòng bác ái và sự thương xót.

Trong lần trả lời phỏng vấn của nhà báo Ý Andrea Tornielli về chủ đề lòng Thương xót của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích lời của từng người tiền nhiệm kể từ Công đồng Vatican II. Thế nhưng, người được đề cập nhiều nhất chính là Đức Gioan-Phaolô I. Trước câu hỏi về nhân vật mà Đức Thánh Cha cho là phù hợp về hình ảnh các tu sĩ của lòng thương xót, ngài  lập tức nhắc lại câu chuyện mà Đức Hồng y Luciani từng giảng là ví dụ của thánh Leopold Mandic về một con lừa để minh họa. Nếu một con lừa đang đi trên đường và ngã quỵ xuống đám sỏi đá bên dưới, bạn không nên “dùng gậy đánh con vật tội nghiệp đó; nó đã quá bất hạnh rồi”, Đức Hồng y Luciani giảng. Thay vào đó, bạn nên cầm dây thừng và giúp nó đứng lên, an ủi rằng : “Hãy đứng lên, chúng ta bắt đầu đi một lần nữa…Giờ đây chúng ta sẽ quay lại con đường, và chúng ta sẽ cẩn thận hơn trong lần tới”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhắc lại bài giảng vào năm 1958 của Hồng y Luciani khi được tấn phong Giám mục Vittorio Veneto. Và dịp này, vị giáo hoàng tương lai cho rằng mình được chọn “bởi vì Thiên Chúa muốn những vật cụ thể không phải được khắc họa bằng đồng hoặc đá cẩm thạch, mà bằng bụi đất, để những chữ viết nếu vẫn được duy trì theo thời gian thì chỉ ghi công lao toàn bộ cho Thiên Chúa”. Theo Đức Phanxicô, Hồng y Luciani hết sức khiêm cung khi gọi mình chỉ là “bụi đất”. Trong một lần khác, khi Hồng y Luciani đã trở thành Giáo Hoàng Gioan-Phaolô I, ngài đã trình bày một ý kiến hết sức tương đồng với Đức Phanxicô, rằng sự khiêm tốn thực sự đến từ thái độ luôn cảnh giác trước tội lỗi của một người. Vài ngày sau, Đức Gioan-Phaolô I giảng tiếp: “Thiên Chúa ghét lỗi lầm vì chúng là những lầm lỗi. Tuy nhiên, mặt khác trong một chừng mực nào đó, Thiên Chúa lại yêu thích khuyết điểm, vì nó trao cho ngài cơ hội bày tỏ lòng thương xót, và giúp chúng ta có cơ hội luôn duy trì sự khiêm tốn, cũng như hiểu được và cảm thông những sai lầm của người lân cận”.

Dù Đức Gioan-Phaolô I đã được người kế nhiệm là Đức Gioan-Phaolô II tuyên là “Tôi tớ của Chúa” vào năm 2003 nhưng vẫn là một nhân vật ít người biết đến. Tuy vậy, có thể nói, từ vài thập niên trước ngài đã đi trước thời đại. Và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang tiếp tục thúc đẩy di sản của vị tiền nhiệm cho các tín hữu đời sau.

CGVDT