T3, 01 / 2018 8:07 Chiều | Đức Tin Jesus

Việc xin lễ có một truyền thống lâu đời trong Giáo hội. Người giáo dân thường xin những ý lễ đặc biệt cho người còn sống hay những người qua đời. Theo truyền thống, khi người tín hữu xin một linh mục cử hành Thánh Lễ theo một ý chỉ đặc biệt nào đó như cầu nguyện cho một linh hồn qua đời, xin một hồng ân, tạ ơn, tôn kính Đức Mẹ hay một vị thánh… thường dâng cúng bằng tiền theo giá được Giáo phận quy định. Chúng ta thường gọi nôm na “tiền xin lễ”.

Thánh Lễ không có giá

Khi chúng ta đưa tiền cho một linh mục để xin dâng một ý lễ không có nghĩa mình trả tiền lễ vì Thánh lễ không có giá. Giá trị của Thánh lễ không ở số tiền chúng ta đưa, nhưng Thánh Lễ mang giá trị vì Chúa Kitô đã hy sinh để trở nên Hy lễ cứu chuộc. “Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ thuộc mọi nước, mọi dân” (Kh 5,9). Từ đó được coi như của lễ. Một của lễ trao ban cho vị linh mục để sinh kế, chứ không phải của lễ hoàn thành trong Thánh Lễ. Trong bí tích Thánh Thể chỉ có một của lễ là hy lễ Đức Kitô dâng cho Thiên Chúa Cha và của Giáo hội được kèm theo: “Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ Con Chúa chịu chết và sống lại, chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước Tôn Nhan và phụng sự Chúa” (Kinh nguyện Thánh Thể II).

Ý nghĩa của lễ

Trong Giáo hội tiên khởi, các tín hữu đã đóng góp cho những nhu cầu cần thiết trong Giáo hội như sách Công vụ các Tông đồ có nói “Các môn đệ mới quyết định là mỗi người tùy theo khả năng, sẽ gửi quà giúp đỡ anh em ở miền Giuđê. Và họ đã làm việc ấy: gửi đến cho hàng kỳ mục qua tay ông Banaba và ông Saolô” (11,29-30), và cũng thấy nhắc tới trong thư thứ hai của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô: “Thưa anh em, chúng tôi xin báo cho anh em biết ân huệ Thiên Chúa đã ban cho các Hội Thánh ở Makêđônia. Trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại. Họ đã tự nguyện theo sức họ, và tôi xin làm chứng là quá sức họ nữa; họ khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các người trong dân thánh. Họ đã vượt quá điều chúng tôi mong ước là tự hiến mình phụng sự Chúa trước, rồi phục vụ chúng tôi theo ý Thiên Chúa. Vì vậy chúng tôi đã xin anh Titô hoàn thành công việc lạc quyên đó nơi anh em, như anh ấy đã bắt đầu làm. Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa. Tôi nói thế không phải để ra lệnh cho anh em đâu. Nhưng tôi chỉ nêu lên lòng nhiệt thành của người khác để xem lòng yêu mến của anh em chân thành đến mức nào. Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. Về điều này, tôi xin đưa ra một ý kiến. Ý kiến đó thích hợp với anh em, vì anh em là những người đầu tiên, chẳng những đã thực hiện công cuộc đó, mà còn đã quyết định làm ngay từ năm ngoái. Vậy nay anh em hãy hoàn thành công cuộc đó, để như anh em đã hăng hái quyết định thế nào, thì cũng tùy khả năng mà hoàn thành như vậy. Vì khi người ta hăng hái dâng cái mình có, thì Thiên Chúa chấp nhận; còn nếu không có thì thôi. Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều, hợp với lời đã chép: Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu” (8,1-15). Và trong lịch sử Giáo hội, bình thường bánh và rượu của Thánh lễ thường do các tín hữu mang đến; và cùng lúc họ đóng góp của cải, lương thực và tiền bạc để chia sẻ với người nghèo. Từ thế kỷ IV, có một số người đã bỏ nghề nghiệp để hoàn toàn lo việc mục vụ thuộc hàng linh mục, nên được các tín hữu đóng góp để có kế sinh nhai. Và tiền đóng góp cho Giáo hội được bắt nguồn từ đó. Đến thời Trung cổ, việc cử hành Thánh Lễ với những ý xin riêng cho người qua đời phát triển mạnh mẽ và các tín hữu thường đưa cho các linh mục của lễ cho ý lễ xin của mình. Việc thực hành này còn được giữ đến ngày hôm nay, và năm 1974, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã ghi trong tự sắc “Firma in traditione” như sau: “Đó là một truyền thống thiết lập trong Giáo hội. Người tín hữu dưới sự hướng dẫn của tinh thần đạo đức và ý nghĩa về Giáo hội, thêm vào Hy lễ Thánh Thể một hy sinh cá nhân nào đó, hầu để tham dự một cách chặt chẽ hơn. Họ chi cấp phần của họ vào những nhu cầu của Giáo hội, và đặc biệt vào sinh kế của những thừa tác viên của họ”.

Nguyên tắc áp dụng

Các tín hữu có quyền biết việc quản lý những của dâng Thánh Lễ đến từ họ.

 Của lễ cho các linh mục. Vì thế linh mục bắt buộc phải dâng đủ số lễ theo lời xin của các tín hữu, và nếu như ý lễ xin theo ngày thì vị linh mục cũng bị bắt buộc phải tuân theo. Nếu như một linh mục nhận được quá nhiều ý lễ và không thể một mình dâng hết được. Trong trường hợp này, linh mục phải chia số lễ còn lại cho một linh mục khác hoặc gửi về Tòa Giám mục.

 Khi một linh mục cử hành nhiều Thánh Lễ trong một Chúa nhật, nhưng ngài chỉ có quyền dâng một ý lễ thôi. Phần còn lại phải đưa về Tòa Giám mục.

 Một linh mục dâng Thánh Lễ thay cho cha xứ có quyền nhận bổng lễ.

 Trong Thánh Lễ Chúa nhật, linh mục đọc tất cả ý lễ xin, nhưng Thánh Lễ ngày hôm đó chỉ được dâng cho một ý lễ thôi. Các ý lễ xin khác phải được dâng trong các ngày khác cho đầy đủ. Vì vậy, trong trường hợp này, trong kinh nguyện Thánh Thể cầu cho người qua đời, vị linh mục phải đọc: “Lạy Chúa xin nhớ đến… (ý lễ xin cho người qua đời)… xin Chúa cũng nhớ đến… (những ý lễ xin, nhưng sẽ được cử hành sau đó)…”.

 Vị linh mục cũng bắt buộc phải dâng Thánh Lễ cho dù người xin không đưa tiền cho ý lễ hay chỉ đưa một số ít tượng trưng.

Hai nhận xét

 Cho dù một Thánh Lễ được dâng theo một ý xin đặc biệt, nhưng cần biết Hy lễ của Chúa Kitô được dâng hiến “cho muôn người”.

 Đối với một số đông linh mục, đồng tiền đóng góp cho Giáo hội không phải một phương tiện sinh nhau đủ. Vì thế tiền bổng lễ có thể giúp cho các ngài thêm. Đó là một hành vi chia sẻ.

Theo CNPL, 59 questions sur l’Eucharistie, Cerf, 2000, trang 103-106.
(nguồn: hoaxuongrong.org)