T4, 11 / 2017 12:02 Sáng | Đức Tin Jesus

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã mặc khải về con đường thập giá Người sẽ chịu ngay sau khi Tông đồ Phêrô tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô”. Chúng ta biết rằng, khổ hình thập giá, cách thức tử hình của người Rôma, là kẻ tử tội sau khi vác cây thập giá đến nơi hành hình, bị lột trần, đóng đinh chân tay vào thập giá và treo lên. Tử tội sẽ bị bỏ đói, chịu khát cho đến chết. Đây là hình phạt nặng nề nhất dành cho người nô lệ dám làm loạn chống lại quân đội Rôma, hay dành cho các trọng án cướp của giết người… Vậy mà Đức Giêsu lại loan báo việc:“Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ…” và về sau chính Người cũng đã phải trải qua đau khổ thập giá, khi các đầu mục xúi giục dân, gây áp lực với quan tổng trấn Philatô trong phiên tòa xử án Người, bằng cách đồng thanh la to: “Đóng đinh nó vào thập giá ! Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mt 27,22-23).

Điểm đáng chú ý trong bài Tin Mừng là tác giả cho chúng ta thấy Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết trước nơi sẽ xảy ra biến cố tử nạn là Giêrusalem, bản án tử hình phải chịu là bị giết chết bởi những người gây nên là các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư; và cuộc Phục Sinh ngay sau đó: ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. Đây là chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha muốn cứu chuộc con người ngang qua cuộc khổ hình thập giá của Đức Giêsu trong tư cách là Con Người vâng phục của Thiên Chúa. Nhưng Phêrô đã can thiệp lời tiên báo sứ vụ thiên sai của Đức Giêsu bằng cách kéo riêng Người ra và trách cứ Người. Phản ứng của Phêrô cũng là phản ứng của sự khôn ngoan loài người khi đứng trước sứ điệp về thập giá. Tông đồ Phêrô muốn có sự thỏa hiệp, thích nghi, chấp nhận buông xuôi theo những áp lực của tính ích kỷ hoặc của quyền lực. Tin Mừng Chúa nhật XXI tuần trước đề cao Simon Phêrô là gương mẫu của người tin (16,17), nay ông thành người tiếp tay cho Satan, bởi vì ông đã đề nghị cho Đức Giêsu một con đường như “tên cám dỗ” đã đề nghị  trong hoang địa (x. Mt 4,1-11). Tuy nhiên Đức Giêsu đã chấp nhận con đường thập giá theo thánh ý Thiên Chúa Cha và mời gọi các môn đệ chấp nhận đi con đường này qua lời mời gọi: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

Từ bỏ mình, vác thập giá mình đi theo Chúa… là một kiểu nói ám chỉ về đau khổ, một thực tại mà mỗi người sinh ra trong cuộc đời đều phải nếm trải. Thập giá của mỗi người Kitô hữu phải chăng là những nghịch cảnh, thất bại trong cuộc đời, nhất là thất bại trong đời sống đức tin khi phải chối từ sứ điệp của Lời Chúa, lời mời gọi của Hội Thánh Chúa Kitô.

Đau khổ gắn liền với cuộc sống mỗi người; và chỉ những ai biết từ bỏ mình để lắng nghe, thông cảm, thiết lập tương quan tốt với tha nhân, người đó mới vượt qua được đau khổ, thành công trong cuộc đời và được gọi là người khôn ngoan, an bình và hạnh phúc. Vậy suy cho cùng, đòi hỏi của Đức Giêsu phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình là một chân lý, một con đường, dẫn đến một niềm hy vọng cho mọi người; đặc biệt đối với các tín hữu, chúng ta được mời gọi chết cho tội lỗi là nguyên nhân mọi đau khổ, để được bước vào đời sống mới cùng với Chúa phục sinh.

Trong mầu nhiệm thập giá, Đức Giêsu là người Tôi Tớ Đau Khổ đã trở nên: “Con Chiên gánh tội trần gian”. Để hoàn thành sứ mạng cứu độ này, Người đã từ bỏ mình hoàn toàn, chịu khổ hình thập giá, nhằm thể hiện tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho con người. Đức Giêsu đã đón nhận thập giá trong tình yêu như Người đã nói: “Không có tình yêu nào cao quý hơn, tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu của mình” (Ga 15,14 ). Vì thế, Người đã gọi “giờ” chịu chết trên thập giá là giờ Người được tôn vinh, giờ nhân loại được cứu rỗi.

Đức Giêsu đã sống trọn hảo thánh ý Thiên Chúa Cha, đã biến đổi khổ đau thập giá thành ơn cứu độ cho nhân loại. Là người Kitô hữu sống trong môi trường gia đình, trong cộng đoàn và giữa lòng xã hội hôm nay, chúng ta được mời gọi vác lấy thập giá mình mà theo Chúa.

Hơn nữa, noi gương Đức Giêsu – Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian, chúng ta hãy sẵn sàng kề vai vác đỡ thập giá cho nhau, chứ đừng đục đẽo thêm thập giá trong cuộc đời này, vốn chất chứa thêm nhiều đinh nhọn, vòng gai hay lằn roi ghen ghét, đố kỵ… để xây dựng một cuộc sống bình an, hạnh phúc và có ý nghĩa hơn.