CN, 10 / 2017 12:03 Chiều | Đức Tin Jesus

Có một số người, vì đã không gặp được Chúa trong Lời của Người, cũng không gặp được Người trong ơn tha thứ, cũng không gặp được Người trong niềm tin (quá siêu nhiên) cũng không gặp được Người trong người anh em (quá nhân loại), và cũng không gặp được Người trong cuộc sống (quá trần tục) của họ, nên họ đã nuôi một hy vọng cuối cùng là sẽ được gặp Người trên Thiên đàng.

Chúng ta còn một công việc cuối cùng là vạch trần tính cách phỉnh gạt của mối ảo vọng trên đây, và sớm đánh tan cái ngộ nhận có thể làm họ hụt mất, đời đời không được gặp Người.

Nếu chúng ta không gặp được Chúa dưới đất này, chúng ta cũng sẽ không gặp được Người trên Thiên đàng đâu. Thiên đàng không phải là một bồng lai để trốn thế gian hiện tại. Nước Trời đã ở trong chúng ta và chúng ta có bổn phận phải xây dựng nó với những ơn mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta.

Thiên Chúa muốn có những người cộng tác (1Cr 3,9 và 2Cr 6,1), chứ không muốn những kẻ khoanh tay ngồi chờ, Nước Thiên Chúa sẽ không bao giờ đến. Ơn Chúa ban cho chúng ta là những ơn sống động và hiệu nghiệm. Chúng muốn sinh hoa kết quả. Chỉ khi nào chúng ta biết ban chúng ta trở lại, chúng mới còn là “ơn ban”, mới giữ được tính cách đích thực của chúng.

“Sự sống trường cửu là nhận biết Chúa là Thiên Chúa chân thật duy nhất và nhận biết Đấng Chúa đã sai đến là Đức Chúa Giê‑su Ki‑tô” (Ga 17,3). Những ai không bắt đầu sống đời sống vĩnh cửu ngay tại thế này, những ai không được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa (một sự hiện diện và một tình yêu được đưa ra mời tất cả mọi người sinh ra trong trần thế) chiếu soi từ cuộc sống ở hạ giới này, những ai trong cuộc sống không có gì đáng để vĩnh viễn hoá, những người đó sẽ không bao giờ biết được Thiên đàng.

Trái đất là nơi để xây dựng Nước Trời. Thiên Chúa không mời gọi chúng ta sang qua thế giới bên kia. Chúa đã thân hành đến trong thế giới chúng ta. Người đã cứu chuộc thế giới. Người đã trút đổ vào đó những sức mạnh vô cùng và trao phó chúng cho chúng ta để chúng ta biến đổi thế giới này, rồi một ngày kia, Người sẽ đến hoàn tất công trình của Người cũng như công trình của chúng ta, bằng cách vĩnh cửu hoá công trình đó.

Chúng ta sẽ còn ở mãi trong thế giới này. Chúng ta nên ghi sâu điều đó vào lòng. Chúng ta hãy mau lo cải tân nó. Thiên đàng sẽ không là gì khác hơn là xác định và làm nảy nở trọn vẹn tất cả những gì chúng ta đã thực hiện trên thế giới dưới sự hỗ trợ của các hồng ân Thiên Chúa ban. Một người “xây dựng” không phải là một người múa máy rùm beng, nhưng là một tay thợ xây cất, kiến tạo thật sự.

Có nhiều người Công giáo “quá duy linh”, chỉ tin vào sự bất tử của linh hồn mà quên rằng thể xác sẽ sống lại. Họ ao ước trốn xa quả đất này, ao ước thoát thể. Thiên Chúa thì lại nhập thể. Chúa cho rằng xác thịt là một chất “dẫn” thần linh rất tốt. Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong công cuộc tạo dựng (Thế gian được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Nghĩa là Thiên Chúa đã trở nên hữu hình). Thiên Chúa đã nhập thể trong một bản chất loài người. Người thông ơn thánh Người qua các bí tích. Người cho toàn thể tạo vật được thông phần sự tự do vinh quang của các con cái Thiên Chúa. Và rất có thể hạnh phúc Thiên đàng sẽ không phải là một việc đình chỉ hoạt động của các cơ năng con người, cùng chính là đời sống con người được sống một cách trọn hảo nhất, như một tác phẩm đã được nhà điêu khắc chạm trổ đúng theo hình ảnh phác hoạ trong đầu óc ông. Thiên Chúa hoàn toàn tự hiến cho chúng ta đến nỗi không những chúng ta sẽ được chiêm ngắm Người trong chính Người, mà còn có thể chiêm ngắm Người qua hình ảnh được phản chiếu nơi mọi tạo vật.

Sự hiện diện của Người, của kẻ hiến ban, sẽ không làm chúng ta khinh dể những tặng vật của Người. Nó sẽ làm các tặng vật sáng hơn lên.

Ở đây không có vấn đề phải lựa chọn giữa Thiên Chúa và thế gian: chúng ta phải tìm nhận ra Người nơi thế gian và làm rạng danh Người trong thế gian. Thế nào là được “nhìn ngắm Chúa tận mặt!”? Giờ đây chúng ta không thể hình dung, cũng không thể mô tả được. Nhưng, điều quan trọng ngay từ giờ, là làm sao hiểu được mối liên hệ, cũng như ảnh hưởng của hạnh phúc ấy đối với cuộc sống nhân loại hiện tại của chúng ta. Sự kiện thân xác chúng ta sẽ sống lại báo cho chúng ta biết hạnh phúc Thiên đàng cũng sẽ là một hạnh phúc nhân loại.

Thiên Chúa không ngự trị trong một thế giới nào khác. Thiên Chúa đã bước vào thế giới này và sẽ không bao giờ rút chân ra nữa. Chúa Ki‑tô không rút lui. Người vẫn hằng sống với chúng ta. Ngày lễ Thăng thiên, Người đâu có ra đi, mà chỉ “khuất dạng”. Chỉ có một cách độc nhất để có thể coi ngày Thăng thiên như một ngày lễ, là phải hiểu rõ sự khác biệt giữa hai việc ra đi và “khuất dạng”. “Ra đi” gây nên một sự vắng mặt. “Khuất dạng” khai màn cho một sự “có mặt ẩn khuất”.

Từ khi Thăng thiên, Chúa Giê‑su trở thành vô hình. Không thấy được. Nhân tính của Người hoàn toàn được tôn vinh, Người bước vào dự phần bản tính toàn năng của Chúa Cha, và, do đó, Người có thể liên lạc mật thiết với mỗi người chúng ta hơn bao giờ hết. Người không lìa bỏ chúng ta phải côi cút, trái lại, Người đạt được chính cái hiệu lực vô cùng, một hiệu lực cho phép Người hiện diện tràn đầy trong khắp mọi sự vật: “Người đã lên trời, để có thể hiện diện tràn đầy trong khắp mọi tạo vật” (Ep 4,10).

Chúng ta không nên “chôn Chúa xuống đất”, cũng không nên “đẩy Người lên trời để giam nhốt Người trên đó”. Sự thăng thiên của Người là một sự vinh thăng về quyền phép, và vì thế làm cho Người có thể hiện diện dồi dào mãnh liệt hơn: phép Thánh Thể đã minh chứng điều đó. Lên trời không phải là một di chuyển trong không gian mà hiệu quả sẽ chỉ là một cuộc xa cách.

Chúa Ki‑tô luôn vẫn là một nhân vật chủ động bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Đó là điều thánh Marcô đã minh chứng cách hết sức rõ rệt trong đoạn văn ghi lại sự kiện Thăng thiên: “Chúa Giê‑su được cất nhắc lên Trời, nơi Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha”. Chúng ta tưởng thế là chúng ta đã mất Người rồi. Người đã bỏ chúng ta rồi. Người sẽ ngự trị vĩnh viễn trên đó đang lúc chúng ta vất vả dưới này. Nhưng thánh Marcô tiếp: “Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi. Chúa hoạt động với các ngài và trợ lực lời rao giảng của các ngài bằng các phép lạ theo sau lời giảng”.

Đá ng mừng biết bao! Người vẫn còn ở đây với chúng ta, trên quả đất này, và Người sẽ không bao giờ lìa bỏ chúng ta, vì sự hiện diện được thiêng liêng hoá của Người đã đạt đến một cường độ và một giới hạn mà sự hiện diện bằng xương bằng thịt không tài nào có thể đạt tới được. Quả thực rất có ích cho chúng ta một khi con người hữu hình của Người ra đi để chúng ta có thể vĩnh viễn gặp lại Người, vô hình, hiện diện khắp mọi nơi.

Bạn có tin các thánh thông công không? Bạn có tin không đã? Chúa Ki‑tô muốn tập hợp trời và đất làm thành một thân thể, mà ngoài thân thể ấy ra sẽ không còn gì khác: “Quy tụ tất cả trong Chúa Ki‑tô, tất cả những gì ở trên trời và những gì ở dưới đất, tất cả trong Người” (Ep 1,10).

Chúng ta có thể – và phải – sống chan chứa niềm ao ước xem thấy thế giới này khác hơn (một thế giới mà trong đó mọi người thương yêu nhau, kết hiệp với nhau, thông cảm cùng nhau, vui chung một niềm vui hưởng mặt Chúa)… chứ không phải một nơi nào khác, một thế giới khác, một thế giới thứ hai. “Hãy để con xa bỏ thế gian này, hãy cho con theo Mẹ, con muốn đi với Mẹ, lạy Mẹ…” Tất cả chúng ta đều đã có lần hát như thế… Nhưng, Chúa Giê‑su đã bảo: “Các con hãy ra đi, hãy đi giảng dạy mọi dân tộc” (tất cả trái đất này, trái đất mà chúng con muốn lánh xa trong những bài hát chói tai không thể nào chịu được kia), rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ thực hành những gì Thầy đã truyền dạy cho các con. Và đây, “Thầy sẽ hàng ngày sống với các con đến tận thế” (Mt 28,19‑20).

Đang lúc chúng ta lên trời, Chúa lại xuống trần gian chúng ta. Quo Vadis? Ngươi đi đâu? “Trời đã đến viếng thăm trái đất…” Phải chăng đây là một lần viếng thăm phân ưu, chốc lát, kín đáo, rồi kiếu từ ra đi ngay… “Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn”? Không. Người đến và ở lại vĩnh viễn. Trong Phúc âm, tiếng đặc biệt để chỉ sự hiện diện của Chúa là “manet”: “ở lại bền bỉ”.

Chúa Cha ở đâu? Trên trời của Người? Không. Người lập cư nơi chúng ta: “Nếu ai yêu Ta, Cha Ta sẽ yêu nó, chúng ta sẽ đến với nó, và chúng ta sẽ lập cư trong nó” (Ga 14,23).

Chúa Thánh Thần ở đâu? “Cư ngụ tại nhà chúng ta và trong chúng ta.”

Những người đã khuất bóng hiện đang ở đâu? Họ đang thông công và liên kết với chúng ta. Họ dùng tất cả cuộc sống Thiên đàng của họ để làm ơn làm phúc cho trái đất. Vậy thì bạn muốn họ ở đâu nếu không phải ở với Chúa Ki‑tô? Bạn muốn họ làm gì nếu không phải làm những điều mà Chúa Ki‑tô làm? Nhưng, nếu thế, khi đón nhận Chúa Ki‑tô, là tôi đã đón nhận họ! Và khi tôi hoạt động cho công cuộc của Chúa Ki‑tô, đó là tôi cộng tác với họ!

Chúng ta đừng tưởng tượng Thiên đàng như một nơi để trú ẩn, một nhà nghỉ mát thượng hạng, biệt lập hẳn trên miền rừng tinh tú, nơi Thiên Chúa hiển ngự với các tín hữu về hưu, những người đã nghỉ việc thế trần. Chúa không ngự trị trên đó, như một người ngồi chủ toạ một cộng đoàn của những kẻ về hưu dưỡng được vinh phong đâu. Và chúng ta cũng đừng ước mong: một khi đã thở hơi cuối cùng, chúng ta sẽ không còn gì phải làm ngoài việc trau chuốt chiếc triều thiên của chúng ta! “Một ngày kia, tôi sẽ đến gặp Người – Mẹ Ma‑ri‑a –, Người tốt lành lắm, Người sẽ trao cho tôi chiếc triều thiên, để đến phiên tôi cũng được ngự trị…” Có thể lắm… Nhưng, với điều kiện là trước đó, ở dưới đất này, bạn phải hoạt động hết mình để đem con chiên lạc cuối cùng về đàn đã!

Chết, có nghĩa là khởi sự nắm trong tay những điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục mở rộng Nước Chúa trên mặt đất. Chết, chính là được chữa khỏi một phần sự vô hiệu, sự bất lực của mình, là trở thành linh hoạt, sống động, hoàn toàn sẵn sàng để tiếp tục cùng một việc cũ. Cùng với những người chưa đạt đến mức đó. Trên mặt đất này. Các thánh thông công là như thế: Chúa Giê‑su đứng hàng đầu, còn tất cả cùng nhau đầu vai sát cá nh, vào cùng một công việc, mỗi ngày, cho đến tận thế.

Việc cứu chuộc luôn luôn được thực hiện bằng một sự nhập thể, bằng một sự xâm nhập của Thiên Chúa vào trần gian. Và sự nhập thể ấy vẫn tồn tại, liên tục: Durwell đã nói: “Chúa Ki‑tô đã sống lại trong một nhiệm thể”. Nhân tính hiển vinh của Người đã trở thành đầu của một thân thể rộng lớn. Thân xác của Người khi sống lại, tuy tách biệt, nhưng có thể thông phần, có thể truyền ban, có thể chiều phục để hoà đồng, để sát nhập với bất cứ những ai sẵn sàng đón nhận Người. (Pl 3,21). Giáo hội chính là sự hiện diện của Chúa Giê‑su ở dưới thế này, một sự hiện diện được toả rộng, được thông ban.

Đối với chúng ta, Thiên đàng, chính là bắt đầu tin ở sự hiện diện đó, bắt đầu nhận ra, làm quen và hoạt động để sự hiện diện đó được phổ quát. Đức tin là bước đầu của hạnh phúc được xem thấy mặt Chúa. Đức ái, bất kỳ hướng về Chúa hay hướng về tha nhân, vẫn là một nhân đức thần học.

Tính cách mới lạ của giới luật do Chúa Ki‑tô ban bố là đó. Bạn có muốn đo lường giá trị việc dạy giáo lý của chúng ta không? Bạn hãy thử đặt một câu hỏi: “Điều luật mới đó là điều luật nào? Và nó mới ở chỗ nào?”

Những ai tưởng mình thông biết sẽ vội vã trả lời cho bạn: “Các con hãy thương yêu nhau”.

Và thế là sai rồi! Điều luật đó không mới, vì đã được ghi chép trong Cựu ước. Chúa Giê‑su không chỉ tóm nghĩa lại đó thôi. Chúa Giê‑su nhắc nó lại và các thầy thông luật công nhận. (Mt 22,36‑40 và Lc 10,25‑28).

Điểm canh tân của Chúa Ki‑tô là: điều luật thứ hai bây giờ đã trở nên một với điều luật thứ nhất. Từ ngày Thiên Chúa nhập thể, tình yêu anh em đã trở thành tình yêu Thiên Chúa, Đức ái đối với tha nhân đã trở thành một nhân đức đối thần. Ai yêu Thiên Chúa phải yêu anh em. Ai tự cho mình yêu Thiên Chúa, Đấng mình không thấy, mà đồng thời không yêu anh em mình trông thấy được, là kẻ nói láo. Cách chúng ta đối xử với anh em là một biểu hiện thái độ của chúng ta đối với Chúa.

Thật sự yêu mến anh em là yêu mến Thiên Chúa. Thế thì Thiên đàng đã bắt đầu rồi. Ngay trên mặt đất này. Trái đất phải thành Thiên đàng. Chúng tôi nguyện… “Vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời vậy”. Nếu điều đó chưa thành tựu được, là tại ta lười biếng, cứng tin, hèn nhát. Đối tượng của lời cầu xin của chúng ta không phải là đối tượng của niềm trông cậy và của lòng tin của chúng ta đó sao? Chúng ta phải hoạt động cho thánh ý Chúa được thực hiện ngay trên mặt đất này cũng như ở trên trời. Đừng cố trốn tránh thế gian để mong sau cùng tìm gặp Thiên đàng!

Rồi bạn sẽ nói: “Chuyện đó không bao giờ có được!” Nếu thế, trong kinh Lạy Cha bạn xin điều ấy để làm gì? Để cho Chúa thực hiện điều đó ư? Chớ thì Thiên Chúa đã chẳng ao ước điều đó hết sức Người đó sao? Cái trở ngại là chính chúng ta.

Chỉ vì một phần còn tuỳ thuộc chúng ta, nên sự thành công không được đảm bảo. Cũng có thể là kết cục thế gian sẽ không được hoàn toàn cứu chuộc, nhưng, đó chỉ vì công trình cứu chuộc của Chúa đã chạm phải một sự từ chối. Sự từ chối của chúng ta, từ chối không tin vào quyền năng của Người, không phụng sự, không truyền bá quyền năng đó.

Bạn yêu mến Thiên Chúa ngự trên trời ư? Có phải bạn đang quay hướng về Chúa bằng cách nhìn lên bầu trời đầy sao đó không? Bạn hãy nhìn gần hơn. Người đang ở đâu đây, bên cạnh bạn. Có lẽ Người cũng đang ngước nhìn bầu trời đầy sao kia như bạn, vì trời đẹp. Có lẽ Người đang đói quá, lạnh quá, đau đớn quá, đến nỗi không còn đủ sức ngước đầu lên nữa. Và nếu bạn không lưu tâm sưởi ấm Người, an ủi Người, đó là bạn đang nắm hụt Người. Nắm hụt cách cả thể. “Nhưng, lạy Chúa… bao giờ?” (Mt 25,44)

Trong đạo chúng ta, Thiên Chúa đã trở thành người. Không ai có thể tự nhủ rằng mình đang giao hảo với Chúa, nếu họ không thuận hoà với tha nhân. Chúng ta không gần Chúa hơn gần người anh em chúng ta được đâu! Đoạn Phúc âm theo thánh Matthêu (25,31‑46) về ngày phán xét sau hết, là một lời tiên tri loan báo cho biết: bao giờ việc dạy giáo lý cũng bị coi thường hơn bất cứ công cuộc nào khác. Người công chính cũng như kẻ tội lỗi, tất cả đều sẽ chạm trá n với một bất ngờ kinh khủng: chính giây phút đó họ mới khám phá ra đâu là… mầu nhiệm Nhập thể. Kẻ lành cũng như người dữ, dường như đây là lần đầu tiên họ biết được rằng: Thiên Chúa chính là người anh em láng giềng của họ. Họ mới biết: điều răn thứ nhất là điều răn thứ hai chỉ là một. Họ mới biết: điều răn thứ nhất được kiện toàn trong điều răn thứ hai. Họ mới biết: Thiên đàng đã chớm nở ngay dưới thế.

Thật ra, như thế lại bất tiện hơn nhiều. Yêu mến Thiên Chúa kể ra tương đối dễ. Ít ra, có thể tưởng mình yêu mến Người. Người ta tạo ra Chúa, tưởng tượng ra Chúa, điều chỉnh, uốn nắn Chúa theo lăng kính, tầm mắt của riêng mình. Khi buồn thì kéo Chúa lại gần… lúc vui thì cứ việc đẩy Chúa ra. Chúng ta đẽo gọt Chúa tuỳ theo “cảm hứng”. Và sau cùng, Người trở nên giống chúng ta. Voltaire đã viết: “Thiên Chúa đã dựng nên loài người giống hình ảnh Người, nhưng loài người cũng không kém, họ đã đáp trả lại Chúa điều đó một cách đích đáng (họ dựng nên Thiên Chúa theo hình ảnh của họ). Ông lão ích kỷ của nhà văn hào Chateaubriand, không bao giờ biết ngó ngàng đến vợ đến con, đã cho Thiên Chúa cái danh hiệu: “Người độc thân muôn thuở của vũ trụ”. Không cần tìm đâu xa cũng đủ biết lý do khiến ông ta nói như thế.

Nếu bạn nói với tôi: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” tôi sẽ còn do dự, ngần ngại chưa dám phong thánh cho bạn. Vì rất có thể đó chỉ là một ảo tưởng. Thứ mây khói đạo đức. Nhưng nếu tôi nghe bạn nói: “Tôi yêu những người anh em lân cận tôi”, tôi sẽ bắt đầu chú ý đến bạn: đây mới là một người khác thường. Có thể đây mới thật là một người chịu đựng được Thiên Chúa.

Tôi yêu Thiên Chúa trên Thiên đàng của Người ư? Thế là tôi không yêu gì khác hơn là một sản phẩm của trí não. “Cứu rỗi mình”, “Chiếm lấy Nước trời”, sẽ đâm ra quá dễ, nếu chỉ cần mỗi tuần tốn nửa giờ đến đứng nơi nhà thờ, một nơi rất may là mình chẳng quen biết ai cả. Người ta chỉ được dưỡng nuôi bằng Thịt Máu Chúa, chỉ được biến thành Thiên Chúa khi nào, một trật với Mình Máu Thánh, người ta đã nuôi tất cả anh em mình. Nếu hiểu thế, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy khía cạnh “bữa tiệc” của Thánh lễ đi theo khía cạnh “tế lễ” của nó.

Chịu lễ, hiệp lễ: là cùng hiệp lại với nhau. Chấp nhận tất cả những người bạn cùng dự thánh lễ, với tất cả dĩ vãng của họ, để họ làm bạn đường đi đến Thiên đàng với chúng ta, đó mới là tiêu chuẩn để biết những giây phút ngất trí của chúng ta giả hay thật. Còn lúc cám ơn, thay vì gục mặt trong lòng bàn tay để loại bỏ tất cả họ khỏi tầm mắt chúng ta, chúng ta hãy làm hoà với các gương mặt đang vây quanh ta đây, với “người đồng đạo đáng yêu” đang quỳ bên tay mặt, với cha xứ vừa mới cho ta chịu lễ kia. Thánh Gioan (I. Jo. 3,14) đã nói: “Nhờ dấu này mà chúng ta biết mình đã được từ cõi chết sống lại: đó là chúng ta yêu thương anh em chúng ta”. Cũng nhờ dấu đó, chúng ta đã biết được… Thiên đàng.

Trong đạo Công giáo, tình yêu anh em còn có một thứ ưu tiên đặc biệt cả đối với tình yêu Thiên Chúa. Chúa phán: “Khi con đi hiến dâng của lễ ở nhà thờ, nếu con nhớ lại giữa con và anh em con còn mối bất hoà nào đó, con hãy cứ để của lễ lại đó và trở về làm hoà với người anh em con trước đã” – Con hãy bỏ bàn thờ, hãy bỏ kinh nguyện, bỏ thánh lễ, bỏ “đã hướng về trời” của con, con hãy để tất cả lại đó để đi đến với người anh em mà con còn phân cách ngoài kia. Và nếu con tìm lại được tình yêu anh em, thì như thế con đã tìm lại được Thiên đàng rồi đó.

Thiên đàng và tình yêu anh em sẽ là hai yếu tố bất khả phân. Nhưng, thành thực mà nói, khó mà tin được như thế. Nếu Thiên Chúa – như chúng ta cố tưởng – chỉ ngự trị ở thế giới trên kia, rõ thật xa, được hương khói hẳn hoi, được “giữ kỹ tận trên trời”, thì chúng ta hẳn sẽ được yên tâm lắm, chúng ta có thể tha hồ khinh ghét anh em mà khỏi phải lo.

Chính đó là khác biệt sâu xa giữa sự chiêm ngưỡng Công giáo và sự chiêm ngưỡng tham thiền ngoại giáo. Người Ki‑tô hữu không trở thành “chiêm nhân” để trốn thoát thế gian, để nếm những mối cảm xúc thiêng liêng, để ngất trí (xuất thần). Nhưng, người Ki‑tô hữu chiêm ngưỡng một Thiên Chúa nhập thể, một Thiên Chúa chịu đóng đinh và cứu thế. Vì thế, không thể là chiêm nhân nếu không là nhà truyền giáo. Bởi vì không thể nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, mà không bắt đầu tập giống Người. Cũng vì lý do đó mà thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đã trở thành quan thầy các xứ truyền giáo.

Chúng ta không có nhiệm vụ phải tạo ra Thiên Chúa, mà là phải đón nhận Thiên Chúa như Người tự mạc khải cho. Cũng không phải đi tìm Người ở “thế giới bên kia, nơi Người ẩn mặt”, nhưng phải truy nhận ra Người ở trong thế giới này, nơi Người xuất hiện cho những ai yêu mến Người.

Và những ai đã nhận ra Người, Người luôn sai họ đến với anh em họ. Người đã uốn nắn họ theo mẫu mực của trái tim Người. Người đã biến họ thành tông đồ truyền giáo. Với những ai đã được chiêm ngưỡng và đã nhận ra Chúa Ki‑tô sống lại, với Ma‑ri‑a Mađalêna, với hai môn đệ đi làng Emmaus, với Phêrô, Người đã nói: “Hãy đến với các anh em Ta… Hãy chăn dắt các con chiên của Ta”.

Cha Charles de Foucauld quả quyết rằng: vì Nước Chúa, cha sẵn sàng đi đến tận cùng trái đất và sống cho đến tận thế. Đó mới chính là tầm mức, kích thước của mối tình yêu truyền giáo nơi Chúa Giê‑su: “Các con hãy rao giảng Phúc âm cho mọi dân tộc” và “Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Cha Charles de Foucauld là một chiêm nhân đích thực: ngài đã trở thành nhà truyền giáo như chính Đấng ngài đã chiêm ngưỡng. Ngài đã phó mình hoàn toàn cho Chúa sắp định đến nỗi Tình yêu cứu thoát thế gian kia có thể tự do ngời chiếu xuyên qua ngài.

Thiên Chúa đã hết mực yêu thương thế gian. Chúng ta chỉ thật sự kết hiệp với Chúa, khi chúng ta biết mến yêu trái đất này và tất cả những gì chứa đựng trong đó, khi chúng ta biết đau khổ vì ở đó chúng ta không thể cầu nguyện đủ, không thể hoạt động đủ để có thể nâng cao nó lên, để có thể hoàn toàn cung hiến nó cho Chúa, để có thể phổ nhập vào nó và tất cả mọi vật của nó: tình yêu và sự vui mừng.

Thế gian mà Chúa Giê‑su đã từ chối không cầu nguyện cho kia không phải là tất cả trái đất được coi như một toàn thể. Nhưng chỉ là những gì trên mặt đất này, đã lẩn trốn khỏi tác động của Thiên Chúa. Cái thế gian bị lên án kia, cái thế gian mà đầu đảng của nó là Satan, chính là thế giới của những người tự khước từ, tự loại mình ra, tự ra vạ tuyệt thông cho mình. Biên giới giữa thế giới đó và thế giới mà Chúa rất mực yêu thương, đi ngang qua trong con người của mỗi một cá nhân. Mỗi người chúng ta đều có thể thụt lùi ranh giới đó, “di chuyển” từ bên này qua bên kia nhiều chừng nào hay chừng đó.

Tất cả những gì của thế gian đã được chúng ta thánh hiến, sẽ tồn tại vĩnh viễn trên Thiên đàng. Thánh lễ Misa là lễ Vượt qua hàng ngày, cuộc vượt qua liên tục từ phàm tục sang cõi thánh, từ quả đất đến Thiên đàng. Chúng ta không thể để bất cứ vật gì phải hư mất đi, chúng ta không thể bỏ rơi bất cứ vật gì để nó bị nhơ bẩn, bị trần tục hoá mãi được.

“Cả tạo vật trông mong ngày các con cái Thiên Chúa được tỏ hiện… với ước vọng là đồng thời mình cùng được giải thoát khỏi xiềng ách của sự hư nát, để được thông phần tự do vinh quang của các con cái Thiên Chúa… Chúng ta biết: lúc này toàn thể tạo vật đang rên siết trong cơn sinh nở…” (Rm 8,19‑24). Chúng ta có băn khoăn lo đáp ứng lại hoài vọng trên không? Có quá nhiều giáo hữu đã bỏ rơi thế gian, ít nữa là trong những gì có liên quan đến việc cứu chuộc nó. Họ bỏ mặc cho thế gian bị tiêu diệt – sau khi đã sử dụng nó – đúng như cảnh sách khải huyền đã minh hoạ.

Tuy nhiên, hãy coi chừng. Đoạn văn của thánh Phaolô đã chẳng cho biết Thiên đàng đã được khai sinh ngay trên mặt đất này đó sao? Khải huyền, sẽ là sự vạch trần cho thấy một sự vật có từ trước, nhưng lại bị che giấu phần nào. Sinh một đứa con cũng là khải huyền, vì đó là sự biểu hiện của một vật thể đã có từ trước nhưng bị che ẩn. Việc đó không mang dấu vết nào của một tai hoạ, và những lúc đau đớn lúc sinh con sẽ tan chìm trong niềm hân hoan vì đã thêm được một đứa con chào đời. Mùa gặt là sự khải huyền của hạt lúa. Đối với bạn, mùa gặt, trước tiên không phải là một cuộc lễ đó sao? Mặc dầu đồng thời nó cũng là một sự cắt, hái? Thiên đàng cũng sẽ là một sự biểu hiện vui mừng của tất cả những gì mà Tình yêu của Thiên Chúa và các thánh đã làm cho mùi chín vĩnh viễn ở trên mặt đất này.

Tất cả những gì chúng ta thật tâm yêu mến sẽ được cứu thoát. Năng lực cứu thoát của chúng ta đồng biến theo khả năng yêu thương của chúng ta. Nhưng đâu là sức mạnh cho chúng ta dựa vào để khỏi buông rơi cái khả năng đó? Những ai ước ao “chết đi càng sớm càng hay” sẽ không giải cứu được gì cả. Chính nhờ sự thông dự vào tự do vinh quang của các con cái Chúa, mà tạo vật sẽ được biến diện, sẽ được giải phóng. Nếu các con cái Chúa quay mặt bỏ lơ nó, cho lo cứu “linh hồn của họ” thì chính họ đã vì đó làm ngưng trệ việc sinh nở của cả tạo vật kia.

Thiên Chúa đã muốn nhờ đến chúng ta. Người muốn chúng ta phải làm gì khác hơn là ngồi chờ và trông đợi Thiên đàng: Người muốn chúng ta kiến tạo Thiên đàng, bằng cách khởi sự tái tạo và biến trái đất này thành một nơi công bằng ngự trị, một nơi chúng ta yêu thương đùm bọc lấy nhau. Bạn đừng mơ tưởng một Thiên Chúa với một Thiên đàng, do Người chế tạo, đã chứa sẵn trong kho, và Người sẽ lấy nó để thay thế Thiên đàng của chúng ta.

Đến ngày nhắm mắt, chúng ta sẽ không thể chọn lựa số phận vĩnh cửu của chúng ta được, nếu chúng ta đã không nếm biết nó trước, nếu đã không sống nó dưới một hình thức nào đó ngay từ đời này. Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy tự thử thách lấy anh em. Anh em không nhận ra rằng Chúa Ki‑tô đang ở trong anh em hay sao?” (2 Cr 13,5). Nước Thiên đàng, Nước của Thiên Chúa, không bao giờ bạn nhìn thấy nó ở trong bạn sao? Không bao giờ bạn nhìn thấy phép lạ này sao? Đó là: bạn, con người ích kỷ, hiềm thù, thô bạo, gay gắt, thế mà, nhờ ơn thánh, đôi khi, bạn đã trở thành người có thể yêu thương trọn vẹn, có thể tín nhiệm người anh em, có thể quên sự dữ người ta làm cho bạn, có thể rộng tay bố thí, có thể mềm lòng và rung cảm trước nỗi đau của người bách hại bạn, hay mủi lòng khi thấy họ ăn năn, và tràn ngập niềm vui khi biết họ hối cải!

Chỉ trên Thiên đàng người ta mới cùng cảm thấy vui mừng vì một tội nhân trở lại, hơn là vì một ngàn người công chính. Nếu có khi nào bạn cảm thấy vui mừng như thế, đó chính là vì lúc ấy bạn đã ở trên Thiên đàng, chính là vì có một Thiên đàng và bạn đã được đặt chân đến đó.

Còn hoả ngục – đối cực của Thiên đàng – chúng ta cũng có thể nếm trước được mùi vị của nó ngay từ dưới cõi trần này: đó là bực dọc không thể chịu nổi, tràn ngập tâm hồn chúng ta mỗi khi chúng ta chia rẽ, oán hận, không còn thuộc về thế giới của tình thương, nơi người ta chia sẻ cho nhau tất cả, tin tất cả và chịu đựng tất cả…

Sự tối tăm bạn cảm thấy trong những lúc nhật thực là một sự kiện đau thương – chứng minh rằng thường ngày vẫn có một thứ ánh sáng quen thuộc, thứ ánh sáng mà nhất định một ngày kia sẽ chiếu suốt con người chúng ta. Nếu chúng ta có cảm thấy lạnh lẽo đến thế, nếu chúng ta có cảm thấy đau đớn đến thế mỗi khi chúng ta trở lại chúng ta trở lại sống cái con người tự nhiên của mình (nghĩa là ích kỷ, tây riêng, bất cần, tự đại, tự mãn, thất vọng) là chỉ vì chúng ta cần phải “siêu nhiên” là chỉ vì con người chúng ta được tạo dựng cho một đời sống khác, đời sống trong Nước Trời, Thiên đàng không phải là một địa sở mà là một trạng thái. Đi từ trần gian tới Thiên đàng: không phải là một sự dời chỗ, nhưng là chính sám hối, là mở rộng cửa lòng đón nhận những gì Chúa hằng muốn thực hành trong ta và bởi ta.

Tội lỗi đã phân rẽ Nước Thiên Chúa và nước chúng ta thành hai thế giới khác biệt nhau, nhưng hai thế giới này luôn tìm bắt liên lạc với nhau, không ngớt giao thông với nhau và tất cả cố gắng, tất cả ước vọng của chúng ta: là mong cho hai thế giới này lần lần xích lại gần nhau, để một ngày kia đi đến chỗ đồng nhất với nhau.

Thiên Chúa đối thoại với A‑đam. Thiên Chúa đã không ngớt lui tới với loài người và cư ngụ trên trái đất. “Ta sẽ ở với con”: đó là lời Chúa đã dùng để trấn tĩnh, từ Abraham đến người tín hữu cuối cùng của ngày tận thế, qua bao thế hệ tiên tri, trấn tĩnh tất cả những ai muốn “bước đi trước mặt Người”. “Người sẽ được gọi là Emmanuel” (Is 7,14). “Người sẽ là Thiên Chúa ở với chúng nó” (Kh 21,3).

Đã có một lễ Hiển linh liên tục, dính liền với thế giới chúng ta. Một sự tỏ mình liên lỉ. Thiên Chúa đã làm cho loài người đủ sức tiếp nhận Người. Thiên Chúa đã muốn thế gian trở thành có thể thánh hiến cho Người được. Có thể tế lễ được – có thể trở thành một vật thánh hiến được. Thế giới phàm trần có thể tiến tới thế giới Thiên đàng mỗi khi có yêu thương, có hiến ban, có kết hợp.

Như thế “chiếm hữu Thiên đàng cho mình”, sẽ là một câu nói không những chỉ sai mà còn vô lý, không thể hiểu được: và lời vu cáo cho rằng chúng ta chỉ là những người “lính đánh thuê”, sẽ tự nó mất hết giá trị. Người ta không chiếm hữu Thiên đàng: người ta chỉ có thể làm quen, làm thân, tự thích nghi với Thiên đàng. Người ta tự luyện mình để sống ở đó. Và người ta xây dựng Thiên đàng. Tất cả mọi người hợp lực với nhau.

Thiên đàng là một địa điểm có một thực thể mà thường chúng ta hay hiểu sai. Đó là sự trùng hợp, rốt cuộc đã được thực hiện, giữa lý tưởng ước mơ và con người thực tại. Đó là sự gia nhập hoàn toàn, như ta hằng mong ước, vào một “đoàn người” mà cho đến nay chưa bao giờ chúng ta theo đúng nhịp được, vào một “trào lưu” mà chúng ta phải tốn bao khó nhọc mới có thể hoà theo được… vào một “đoàn người” mà trong đó người ta thương yêu nhau, người ta vui cười, người ta mãi mãi hân hoan vì được chung sống với nhau, vì mãi mãi được cùng nhau ca hát và thông phần những nguồn hạnh phúc của Đấng đã sáng tạo nên mình.

Được ở Thiên đàng ngay tức khắc hay không: là một việc tuỳ thuộc ở ta. Sống hạnh phúc với Người ngay lập tức: cũng là một việc tuỳ ở ta. Với Người: có nghĩa là thông dự hạnh phúc của Người… hạnh phúc đó là yêu thương, là giúp đỡ, là trao ban (trao ban mạng sống mình) là cứu chuộc, là cứu giúp.

Thuộc về Thiên đàng nhiều hơn thuộc về thế gian: có nghĩa là chọn hoạt động trong đội quân cứu nguy hơn là trong đội quân chuyên lo tổ chức giải trí.

Có người sánh thế gian như một con tàu chìm sâu trong lòng đại dương. Con tàu ấy thật kín, nên hành khách còn tiếp tục sống, còn hy vọng được cứu thoát. hành khách lúc đó phân làm hai đội: một đội tổ chức việc trở lên mặt nước – họ chế tạo các bộ phận để sửa máy, tạo ra các ký hiệu để bắt liên lạc với mặt biển, họ sống ở đó nhưng luôn chăm chú hướng về thế giới bên ngoài, nghe ngóng, dò tìm trong chờ đợi. Còn một đội phụ trách nhịp sống hàng ngày: ăn uống, giải trí, công tác tu bổ…

Nhưng không bao lâu, đội này lại nghĩ rằng đội thứ nhất chỉ làm một công việc vô ích, phí phạm thời giờ. Họ nói: “Ê, các anh chàng mơ mộng kia ơi, thôi lại đây phụ lực với chúng tôi đi. Chúng tôi đang làm việc đây. Và chúng tôi vui chơi… Ít ra làm thế cũng còn khá”. Sau cùng, viên thuyền trưởng phải tập họp tất cả các nhân viên lại và nhắc họ rằng họ chỉ sống ở đó để mà đi ra khỏi đó, họ không thuộc về cái thế giới của đáy biển này – của ghen ghét, của oán thù, của thờ ơ lãnh đạm, của cá nhân ích kỷ, của an thân, của đảm bảo – họ đã được tạo dựng nên cho một cái gì khác hơn, cho nếp sống khác hẳn với nếp sống này. Người ta đã quá quen với nếp sống vui thú ở dưới đó: người ta không còn nghĩ đến chuyện trở lên nữa. Họ không còn muốn trở lên nữa.

Chúng ta có muốn trở lên không? – Có muốn bắt đầu sống trong một thế giới thông cảm, hiểu biết, thương yêu nhau không? Trong một thế giới mà mọi người biết quan tâm đến các biến chuyển của người anh em, biết cảm thấy đoàn kết, nhất trí, liên kết với chính Nguồn mạch của mọi tình Phụ tử, của mọi tình Huynh đệ, trong thế giới mà mọi người hiến mình vào công cuộc, và nỗi vui mừng của người anh em: hay phải chăng chúng ta đang mải miết để tâm lo cho cái chuỗi ngày sống tạm “yên hàn” ở đáy biển này được đầy đủ mọi tiện nghi? Dưới đáy biển đó! Một đáy biển được tổ chức hoàn bị, đến nỗi ngoài những tiện nghi do những kỹ thuật vật chất tân kỳ nhất mang lại, còn có cả những lúc khổ hạnh thuận tiện cho việc chiêm ngắm và cho những tâm tình hướng thượng cao vời nhất!

“Như những lữ khách”: kẻ nào tin Chúa còn dành để công việc làm cho mình ở nơi khác xa hơn nữa sẽ luôn sẵn sàng, sẽ luôn có thể dùng, có thể nhờ đến được. Các thánh là những người sống động nhất, là những người dễ thích nghi nhất, với bất cứ công việc hoàn cảnh nào, bởi vì: bị lột bỏ tất cả, các ngài luôn “sẵn sàng” làm tất cả.

Kẻ nào tự cảm thấy mình ở bất cứ nơi nào cũng không được hoàn toàn thoả mãn, kẻ ấy là người duy nhất có thể sống hạnh phúc ở bất cứ đâu, là người duy nhất sẵn sàng bắt tay vào việc với một niềm vui không đổi thay ở bất cứ nơi nào. Vì không đâm rễ ở bất cứ đâu, nên một vị thánh có bao giờ có vẻ “bị bứng gốc” đâu. Bởi vì ngài cảm thấy không có nơi nào người ta đã thương yêu nhau đủ, nên: khắp mọi nơi, nỗi đau khổ của ngài trước sự thiếu tình thương ấy, đã làm cho ngài yêu thương, yêu thương hết sức có thể. “Nỗi đau khổ của các con sẽ biến thành vui mừng”: có phải câu này có ý nói như thế chăng? Vì các con tự cảm thấy chưa được thoả mãn, nên các con sẽ cho nhiều hơn. Các con sẽ được mời gọi để trở thành “hiến vật” hơn. Trở thành yêu thương, vui mừng. Thừa tự của Nước trời.

Cuộc sống thế trần của chúng ta sẽ được rạng rỡ, sung mãn, hoà nhịp, vui tươi, nếu chúng ta biết tin rằng cái mà nó tượng trưng – cái mà nó báo trước, cái mà nói muốn nói lên – sẽ vô cùng tốt đẹp, hơn những cái mà nó hiện trưng bày dưới con mắt xác thịt của chúng ta đây. Ước gì những cái mà mắt trần chúng ta hôm nay thất bại sẽ là một sự hứa hẹn vô hình cho ngày mai, hứa hẹn vì niềm hy vọng mà chúng ta đã đặt vào đó: bởi vì, chúng ta tin rằng “đời sống chúng ta là một cuộc sống ẩn dật, với Chúa Giê‑su, trong Thiên Chúa” (Cl 3,1‑4).

Bạn có nhận thấy không? Những nỗi vui mừng đích thực nhất của chúng ta dưới thế này luôn qua đi trước khi chúng ta kịp ý thức được chúng, chúng không bao giờ xuất hiện được như lòng chúng ta mong chờ; nhưng sau đó lại tỏ ra cao quý hơn những cái chúng ta có thể cảm thấy được nơi chúng.

Newman đã nói: “Những buổi nghi lễ phụng vụ (offices), mà vì đau ốm hay vì bồn chồn, áy náy, chúng ta đã không tận hưởng được; những buổi nghi lễ, mà chính lúc cử hành, mặc dầu chúng ta vẫn tin tưởng vào tính cách thần thiêng của chúng, vẫn làm cho con tim hời hợt chúng ta khó chịu; những buổi nghi lễ mà chúng ta cảm thấy quá lâu, mà chúng ta có ác cảm ngay từ trước, mà chúng ta muốn chấm dứt ngay giữa lúc đang cử hành (Than ôi! Sao mà chúng ta lại có thể mù quáng trước cái lợi ích lớn nhất của chúng ta như thế!), chính những nghi thức đó, sau này, chúng ta sẽ cảm thấy tràn đầy Thiên Chúa”. Người ta bỏ ra ngoài, hít lấy làn khí mát đầu tiên một cách háo hức và khoan khoái, nhưng rồi, đột ngột, người ta cảm thấy được giá trị của cái mà mình đang bỏ mất kia, của cái mà mình đang tránh đi kia, và lúc đó người ta mới thấy rằng chưa khi nào mình được hạnh phúc bằng chính lúc sống những giờ mà mình vừa cho là buồn chá n kia. Chúng ta thiếp ngủ đi như Giacóp lúc bị lưu đày: trong tối tăm, ông quờ quạng lấy một hòn đá gối đầu mà ngủ, nhưng khi tỉnh dậy, hồi tưởng lại những biến cố của đêm vừa qua, ông nhớ lại mình đã được thấy các thiên thần, và chính Thiên Chúa tỏ mình qua các thiên thần ấy.

Rất ít khi chúng ta là cái mà chúng ta ước muốn mình là. Phải, nếu được ở trong trạng thái mà các cơ năng chúng ta không còn bị trói buộc nữa, mà chúng ta được toàn quyền đặt định chính những gì thâm sâu nhất của con người chúng ta, thì đó là chúng ta đã được sống trong trạng thái ân sủng rồi đó. Chỉ có nhờ ơn thánh, con người mới có thể là chính cái mình phải là. Chúng ta có nghĩ được điều gì xác thật xác thật, đó là do bất ngờ. Chúng ta có nói được điều gì đúng, đó là do may rủi. Chúng ta có gặp được chính mình, đó là do ơn Chúa ban. Ngoài cái chết ra, ai có thể vĩnh viễn mở rộng cho chúng ta thế giới bên trong của chúng ta được?

Jacques Rivière nói: “Chiều đến, trước khi an giấc, con người nhìn lại ngày qua và anh thất tất cả mọi việc của anh đều thiếu sót, anh thấy một khoảng cách giữa cái anh đã quyết định làm và cái anh đã làm được. Anh đã không quản cực nhọc. Mãi cho đến tối, anh đã một mực cố gắng và anh đã cảm thấy dường như tất cả mọi giây phút của ngày đều tràn đầy công việc. Thế mà giờ đây, anh có cảm giác dường như anh đã thất bại và anh không thể làm gì hơn để tránh cái thất bại ấy được. Chúng ta có cần cù cố gắng lắm cũng vô ích: có một thứ tai hoạ luôn trung thành theo dõi và chập chờn trên tất cả mọi công việc của chúng ta; chúng ta đăm đăm hướng tới, luôn luôn chúng ta vướng phải một giây phút nhiệm mầu, giây phút mà cái lý tưởng chúng ta theo đuổi biến tan đi, tuột khỏi tay chúng ta. Và khi chúng ta hoàn thành công việc, nó lại đứng phía trước chúng ta một khoảng để quay lại trêu ghẹo chúng ta, và chúng ta chỉ nắm được trong tay cái hình ảnh méo mó của nó thôi. Ở trần thế này, chúng ta giống như những người cố nhớ lại một cái tên, rất xa xưa và đã rơi vào quên lãng. Tất cả những tác động của chúng ta giống như những đợt sóng nhọc nhằn của trí nhớ, cố trồi lên nhưng lại chạm phải bức tường quên lãng. Không bao giờ được hoàn toàn đúng là cái đó. Một cái cây mọc lên, đó là nó tự nhớ lại chính nó. Nó mọc lên từ chốn thâm sâu nhất của nó để trở về với cái hình hài cũ xưa, đây nói sắp đạt lại được… Nhưng, không. Đâu đâu có phải là những cái bông rực rỡ mà nó mơ ước. Bông rụng đi; và một lần nữa nó lại lặng lẽ kiên gan khởi sự lại cũng một giấc mộng kia, cũng một cuộc tìm tòi quờ quạng trong đêm tối ấy. Và tôi đây, gần sát bên, hết sức hướng nội, chỉ cách thực chất của tôi (ce que je suis) có chút xíu thôi, và thế mà mãi đến hơi thở cuối cùng vẫn không thể nắm lấy được, tôi thấy, tôi chạm đến linh hồn tôi, linh hồn mà từ đó tôi đã ngã sa xuống và giờ đây tôi chỉ biết lờ mờ bắt chước lại thôi… Giữa chúng ta và linh hồn chúng ta, bao giờ cũng có một sự khác biệt tinh ma, một sự khác biệt làm chúng ta nản chí”.

Xuyên qua tất cả mọi động tác trong cuộc đời chúng ta, chúng ta theo đuổi một đức tính nào đó không rõ rệt lắm, một ấn tượng mà bao giờ chúng ta cũng chỉ bắt gặp thoáng qua thôi. Nhiều khi, một cuốn sách đã làm chúng ta phấn khởi, một cuộc gặp gỡ đã lên tinh thần chúng ta, một lời nói, một bản nhạc đã trả lại ánh sáng cho chúng ta. Tất cả trở nên sáng sủa trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta bừng sống dậy, chắc chắn không chút vướng víu. Tất cả mọi lãnh vực của thể xác đều nhẹ nhõm. Chúng ta được hoàn về với chúng ta, hoà tan, hiệp nhất sung sướng trước quang cảnh đó, trong buổi hoà nhạc đó.

Tại sao hôm nay, cũng một tác giả đó, cũng một quang cảnh đó, cũng một bản nhạc đó, lại không tạo được một ấn tượng nào nơi tôi? Tại sao chuyện phi thường ấy không tái diễn lại một lần nữa?

Tôi tin rằng Thiên đàng sẽ là: làm sống lại trong ánh sáng chan hoà những giây phút tuyệt vời của cuộc sống trần thế. Mỗi bước, chúng ta sẽ dừng lại, ngỡ ngàng trước sự rộng rãi của Thiên Chúa, và xấu hổ về những hành vi vô ý thức của chúng ta trước kia. Chỉ cần sống lại như thế một giây phút ngắn của thời gian qua cũng đủ làm cho chúng ta tràn ngập vui mừng và biết ơn. Lúc đó, chúng ta sẽ thấy thế gian này đẹp đẽ biết bao, và chúng ta đã thô lỗ đến mực nào để có thể bước đi giữa tất cả những kỳ công của Người với vẻ mặt cau có, thất vọng như thế. Thiên Chúa đã không biết phải làm gì hơn nữa để giải khuây chúng ta, từng giây từng phút, Người đã giống như một người cha, phô bày tất cả các kho tàng ra trước mắt đứa con mình, để mong làm nó nhoẻn một nụ cười, nhưng câu trả lời độc nhất của thằng bé tàn bạo, khó tính vẫn là: “Cho con cái gì khác nữa!”.

Cái ngạc nhiên kinh khủng nhất đang chờ đợi chúng ta trên Thiên đàng: là trên đó chúng ta sẽ không tìm gặp gì mới lạ.

Khi tỉnh dậy sau giấc ngủ dài bị gián đoạn bởi những giấc mơ kinh dị này, chúng ta sẽ thấy mình đang được siết chặt trong chính những cánh tay, mà bao ngày qua vẫn luôn luôn bồng ẵm chúng ta. Gương mặt diệu kỳ mà chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng trong âu yếm và vui mừng, cũng chính là gương mặt mà chúng ta đã cảm thấy cúi xuống trên con người chúng ta trong những lúc tang thương buồn khổ: nhưng chính lúc đó, chúng ta đã không nhận ra chính người bạn trung thành, nhưng ẩn mặt kia, người bạn khi trước đã làm cho chúng ta phải băn khoăn vì sự có mặt huyền nhiệm của Người. Chừng ấy, chúng ta sẽ hiểu tại sao chúng ta đã luôn lờ mờ cảm thấy là cuộc sống thật ra rất hiền hoà và thuận lợi đối với chúng ta một cách lạ lùng; và chúng ta sẽ hiểu: nếu chúng ta đã tỏ ra nghi ngờ và chán nản, đó chỉ là hoàn toàn do sự đồi bại của chúng ta mà thôi. Chúng ta sẽ đoán ra được những điều mà các người bạn vô tín ngưỡng của chúng ta cảm thấy trong những giây phút cuối đời, và đó cũng là những điều đã thường làm cho cái chết trở nên rất đỗi khổ sở đối với họ: họ cảm thấy họ sắp mất, lần đầu tiên và cũng là mãi mãi, cái ân sủng hiện diện, một nguồn mạch của nhân từ, một nguồn sức sống và tình thương, những thứ đã sưởi ấm đời họ, nhưng họ đã chưa bao giờ chịu mở rộng lòng ra đón nhận.

“Thật thế, Lewis nói, trái đất không phải là một nơi riêng biệt rõ rệt lắm đâu. Nếu người ta chọn nó làm nơi định cư vĩnh viễn, thế cho Thiên đàng, thì nó sẽ cho người ta thấy bao giờ nó cũng chỉ là hoả ngục. Kẻ nào biết đặt nó sát ngay bên dưới Thiên đàng ngay từ ngày đầu, họ sẽ nhận ra nó là một phần của chính Thiên đàng”.

Nói cách khác, nếu chúng ta muốn sống yên vĩnh viễn trong một trạng thái không ơn cứu chuộc, chúng ta sẽ mất cả trái đất lẫn Thiên đàng. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận hoạt động dưới đất này với tất cả Thiên đàng chứa đựng trong con tim chúng ta, với một khát vọng yêu thương và tiến lên không cùng thì ngay từ giờ phút này, tất cả đều gợi lên hình ảnh Thiên đàng, tất cả đều nói về Thiên đàng, nhưng tất cả sẽ câm nín nếu chúng ta nắm cổ chúng nó để dùng vũ lực bắt chúng phải cung khai cái tên mà chúng đang thì thầm nhắc tới.

Không nên từ bỏ Thiên đàng cũng không nên từ bỏ trái đất. Không nên chờ đợi một thế giới khác, nhưng phải ước vọng cho thế giới này khác hơn. Không nên ngưng hoạt động cũng không nên ngưng ước vọng. Có một số người quá ước vọng đến nỗi không còn làm việc nữa. Trái lại, nhiều người làm việc với một nỗi thất vọng quá chua cay, đến nỗi họ không còn màng chi đến chính những gì là cao quý nhất trong con người và trong cuộc sống. Phải hành động như thể tất cả tuỳ thuộc ở chúng ta và phải trông cậy như tất cả tuỳ thuộc ở Chúa: công thức đó không sai lắm đâu. Bởi vì, xuyên qua việc làm của con người, đã phát sinh một công cuộc cứu thế vượt hẳn sức con người.

Lúc Chúa thăng thiên, thấy Chúa đang bay lên bằng một cử động quá ư tự nhiên, như là ơn do một quyền chắc chắn nhất của Người, các tông đồ – chắc đây là lần đầu tiên – mới ý thức được cái thực chất của người bạn bí nhiệm của mình. Các ngài bắt đầu hiểu Chúa Giê‑su là ai, Người đã làm những gì cho mình đã đối xử với Người như thế nào. Suốt ba năm trời, Thiên Chúa đã sống với các ngài, đã đồng bàn ăn uống với các ngài, đã ăn ngủ trong nhà các ngài, đã ký thác cho các ngài bao niềm tâm sự về chính mình Người… và các ngài đã không bao giờ biết thốt ra một lời cám ơn. Lúc đó các ngài mới lường được sự thô lỗ, ơ hờ của mình, mới lường được tất cả những gì mình đã có thể làm cho Người, mình đã có thể nói với Người, tất cả những nỗi niềm sung sướng mà mình đã có thể mang đến cho Người: “Và họ đứng lặng đó, ngước mắt nhìn trời.”

Thiên đàng đã khởi đầu từ ba mươi ba năm rồi, và các ngài đã không hay biết. Nhưng, các thiên thần đã đến lay tỉnh các ngài, đánh thức các ngài khỏi nỗi buồn nhớ nhung kia và đã tung các ngài vào trần gian nơi Thầy Chí Thánh đang chờ đợi các ngài. Chưa muộn đâu, các ngài sẽ có thể làm cho anh em tất cả những gì mà các ngài hối tiếc đã không làm được cho Người. Các ngài sẽ cùng nhau khởi sự lại cuộc mạo hiểm kia một cuộc mạo hiểm không bao giờ cùng. Các ngài sẽ sống Thiên đàng ngay trên mặt đất này.