T2, 01 / 2018 10:42 Sáng | Đức Tin Jesus

Thánh lễ không chỉ được dâng tại những nhà thờ tráng lệ, mà hoàn toàn có thể diễn ra tại những nơi hẻo lánh nhất của châu Phi, nơi nền văn minh vẫn chưa kịp đến.

Ðối với những phóng viên kỳ cựu về Công giáo như ông John L. Allen Jr. của trang tin Crux Now, việc dự lễ ở khắp nơi trên thế giới là hết sức bình thường, và sau một thời gian dài như thế, dường như chẳng gì có thể khiến họ ngạc nhiên khi đến với các ngôi thánh đường, dù ở nơi nào. Thế nhưng, vào một ngày thứ Sáu tại Kalopiria, một ngôi làng hẻo lánh ở bắc Kenya, nhà báo Allen thực sự chứng kiến được điều kỳ diệu, “đủ sức phá tan mọi thói tự mãn trước đó của bản thân”, như ông thừa nhận. Dưới một tàng cây, hai vị linh mục đã cùng nhau dâng thánh lễ tuyệt vời nhất mà ông từng được chứng kiến. Ðặc biệt, hôm ấy là lễ kính Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Và thông qua cơ hội này, phóng viên người Mỹ đã có thể mường tượng được cảnh tượng các vị thánh Isaac Jogues, Francis Xavier, Junipero Serra và những nhà truyền giáo vĩ đại khác của giáo hội Kitô đã mang Phúc Âm đến tận tay những người chưa từng được rao giảng lời Chúa trước đó.

Cộng đồng bị cô lập

Tất cả bắt đầu từ chuyến thăm Kenya do tổ chức Aid to the Church in Need tài trợ. Ðây là quỹ của giáo hoàng nhằm ủng hộ những Giáo hội đang gặp cảnh khốn khó trên khắp thế giới, và hiện đầu tư nhiều dự án khắp các quốc gia Ðông Phi. Nhà báo Allen và đồng sự có mặt tại Lodwar, đô thị 50.000 dân, là trung tâm của vùng Turkana, khu vực nghèo và bị cô lập nhất nước. Turkana được xếp hạng chót trong danh sách 47 hạt của Kenya về mọi chỉ số kinh tế, bao gồm thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ dân số dưới ngưỡng cùng khổ, khả năng tiếp xúc nước sạch… Trong khi đó, nhóm người thiểu số Turkana gồm phần lớn là những sắc tộc sống du mục, nuôi thả gia súc tùy ý trên những mảnh đất hoang rộng lớn. Họ thuộc lớp người bị cô lập nhất thế giới, một phần do khu vực mà họ sinh hoạt bị quy hoạch thành khu cấm dưới thời thực dân Anh vào thế kỷ 19 – 20. Người Turkana hầu như chẳng liên lạc gì với thế giới bên ngoài, và trong chiều dài lịch sử của Kenya, họ là đối tượng bị lãng quên và từ bỏ. Phải đến năm 1961, đoàn truyền giáo đầu tiên mới tiếp cận tộc người tồn tại một cách lặng lẽ trên các thảo nguyên.

Vào sáng 8.12, nhà báo Mỹ tháp tùng cha Albert Kemboi và cha Bruno Okoli, người Nigeria, đi khỏi thành phố để dâng lễ kính Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại một trong 26 chỗ gọi là “trạm tiền tiêu”, nghĩa là một địa điểm ngoài thị trấn được chọn là nơi tổ chức thánh lễ cho những người ở quá xa không thể đến dự trong các nhà thờ truyền thống. Nơi họ đến cách đó 64km, phải vượt qua những đoạn đường gập ghềnh đầy những ổ voi có thể làm nản lòng bất cứ người nào. Vào ngày đẹp trời, một “tay lái lụa” cũng phải mất khoảng 90 phút mới vượt qua quãng đường trắc trở này. Cha Kemboi tiết lộ, cứ mỗi nửa tháng là phải thay bộ phận chống sốc cho chiếc xe hơi Toyota Hilux SUV để phục vụ công tác truyền giáo ở những vùng xa xôi.

Người Tukana

Mỗi ngày, vị linh mục lại bắt đầu cuộc hành trình từ 6 giờ sáng, đến thăm 3 hoặc 4 điểm như làng Kalopiria, và chỉ có thể quay về lúc trời đã tối muộn. Nếu trên đường về bị mưa bão bất ngờ, cha Kemboi nhiều khi buộc phải chờ từ 3-4 ngày đợi nước rút. Khi được hỏi chuyện gì sẽ xảy ra trong trường hợp xe hỏng trên đường, cha Kemboi cho hay phải tùy vào thời điểm nào trong ngày. “Nếu lúc đó đã tối, tôi sẽ ngủ trong xe. Nếu ban ngày, tôi sẽ cố gắng cầu cứu”, vị linh mục trả lời một cách nhẹ tênh và chẳng vương chút khó chịu nào. Cha cho hay, thông thường chỉ mất nửa ngày chờ đợi, rồi mọi thứ cũng xong. Và Kemboi không phải là linh mục duy nhất hy sinh mọi thứ để theo đuổi sứ mệnh truyền giáo. Mỗi giáo xứ Lodwar đều “đeo” nhiều trạm tiền tiêu – giáo điểm kiểu này.

Trách nhiệm nặng nề

Khi đoàn cuối cùng đến được nơi tổ chức thánh lễ, họ chỉ thấy một vùng đồng cỏ mở rộng trước mắt. Ðiểm dâng lễ chỉ được đánh dấu bằng một thân cây keo lớn và một chiếc bàn nhỏ có thể dễ dàng gấp lại khi cần di chuyển. Xung quanh chẳng có dấu vết nào của nền văn minh, trừ một cây đèn dầu sắt gỉ nằm chỏng chơ trên mặt đất. Ðoàn buộc phải rời xe để đi bộ thêm gần 30m mới đến điểm đã định. Trong khi đó, đa số những người tham dự phải trải qua quãng đường xa hơn thế. Vì nhu cầu cần không gian rộng rãi để nuôi thả gia súc, nơi ở của người Turkana thường có khuynh hướng rải rác cách xa nhau. Một số tín hữu phải lội bộ 2 đến 3 giờ, vượt qua những thung lũng, vách núi, ngọn đồi cheo leo, trắc trở, trong điều kiện khí hậu hoàn toàn chẳng ôn hòa. Lodwar là một trong những nơi có nhiệt độ trung bình hằng năm cao nhất địa cầu, với mức 38 độ C được xếp vào dạng mát mẻ. Bên cạnh điều kiện đường sá, khí hậu bất lợi, linh mục chịu trách nhiệm các tiền đồn này dễ dàng lâm vào tình trạng mất giáo dân, do thói quen sống lang bạt của người Turkana. Khi ấy, các cha chỉ còn cách làm lại từ con số 0.

Khi thánh lễ bắt đầu, có khoảng 30 người đứng sát nhau thành hình bán nguyệt. Ðến lúc kết thúc, con số đã lên 70 người, từ trẻ lẫm chẫm biết đi đến người trưởng thành. Linh mục Okoli giảng bằng tiếng Anh, và được một người dịch lại bằng tiếng địa phương. Trước những tín hữu như người Turkana, vị chủ tế sử dụng cách tiếp cận rõ ràng, nhưng đơn giản, vì họ cần biết về những điều cơ bản nhất về đức tin. Và trên hết, đối với họ, vị linh mục không chỉ dẫn dắt tinh thần mà còn là người có thể tìm đến mỗi khi gặp khó khăn trong đời sống hằng ngày. Ðể có thể hiểu hơn về Lời Chúa tại những nơi còn hoang sơ và sống đời chật vật như xung quanh Lodwar, người địa phương cần nhiều hơn những lời rao giảng…