CN, 01 / 2018 6:41 Chiều | Đức Tin Jesus

Nép mình trên con đường Thích Quảng Đức (Q.Phú Nhuận, TPHCM), hơn 40 năm qua, cơ sở khám chữa bệnh từ thiện dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục đã trở thành mái nhà thân thương của biết bao người nghèo khổ.

Phòng khám của những nữ tỳ Chúa Giêsu

Phòng khám của những nữ tỳ Chúa Giêsu

Cùng với sự phát triển của hội dòng, phòng khám từ thiện đã hiện diện từ năm 1974. Theo lời kể của các nữ tu, thoạt đầu nơi đây chỉ là một căn phòng nhỏ với tủ thuốc cỏn con và vài ba giường bệnh nên chủ yếu phục vụ bà con trong các xóm đạo. Dần dần, nhờ sự đóng góp từ ân nhân, các thiết bị điều trị được thay mới, thuốc men cũng được bổ sung để đáp ứng nhu cầu. Với sự tận tụy của các nữ tu, người bệnh được chăm sóc một cách chu đáo nên tiếng lành đồn xa, bệnh nhân từ nhiều nơi tìm đến, trong thành phố và các tỉnh xa xôi. Sau hơn 40 năm hoạt động, các thế hệ nữ tu nơi đây đã duy trì và phát triển phòng khám trở thành địa chỉ tin cậy, thân quen của bà con. Hội dòng đã và đang đầu tư cho các chị em nâng cao chuyên môn và mở rộng tủ thuốc, bên cạnh đó hỗ trợ các phần quà cho những bệnh nhân đặc biệt khó khăn.

Người bệnh đến điều trị tại phòng khám

Phòng khám mở cửa ba buổi/tuần vào các sáng thứ hai, thứ tư, thứ sáu, trung bình mỗi buổi đón khoảng 80 lượt bệnh nhân, cũng có ngày lên tới 100 người. Hiện tại, đội ngũ y sĩ phục vụ đều là các nữ tu trong dòng, cộng với sự giúp sức của một số chị tình nguyện viên tại giáo xứ Phát Diệm (TGP.TPHCM) và các nơi lân cận. Trong đó, có 1 nữ tu là lương y, 2 nữ tu y sĩ đảm nhận công việc chẩn đoán. Người bệnh được điều trị theo phương pháp Đông y, chủ yếu là bấm huyệt, xoa bóp, châm cứu… Trong căn phòng nhỏ, 6 giường bệnh và các thiết bị vật lý trị liệu được sắp xếp trật tự, gọn gàng. Khuôn viên hội dòng trồng nhiều cây cỏ thoáng mát là không gian thích hợp cho bệnh nhân thực hiện các bài tập vận động, hít thở không khí trong lành.

Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe, việc an ủi tinh thần bệnh nhân rất được chú trọng. Nữ tu – lương y Maria Barnabê Đinh Thị Kim Danh cho biết:“Chữa bệnh thân xác thì dễ nhưng làm sao cho người bệnh lạc quan và có niềm tin vào cuộc sống mới thật sự cần thiết, vì nỗi đau trong tâm thì khó lành”. Phòng khám tuy nhỏ bé đơn sơ nhưng với người bệnh, ở đây luôn đầy ắp tình thương. Các nữ tu phục vụ như những người thân thuộc, luôn lắng nghe, ủi an bệnh nhân trên tinh thần đỡ nâng, vô vị lợi. Bầu khí ấm áp ấy lại được đan xen bằng những giai điệu thánh ca, được phát ra từ các đĩa nhạc, như khơi gợi cho bệnh nhân thêm niềm tin yêu. Thường xuyên đến phòng khám tập vật lý trị liệu sau khi phẫu thuật cổ tay, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, 52 tuổi, vui vẻ cho hay: “Đến đây sức khỏe tốt lên, thêm vào đó được các dì chia sẻ, đưa ra những lời khuyên bổ ích, tôi thấy tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng hơn”. Nhiều người bị các bệnh về xương khớp, cột sống… từ tận các tỉnh miền Tây hoặc miền Trung xa xôi vẫn đến để được chữa trị.

Các nữ tu tận tình chăm sóc bệnh nhân

Trong chặng đường dài, phòng khám đã nhiều lần được chính quyền các cấp khen tặng là một trong những cơ sở chữa bệnh uy tín, có nhiều đóng góp thiết thực cho xã hội. Gần đây nhất, trong dịp tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” (tháng 11.2016) của UBND và UBMTTQVN TPHCM, cộng đoàn tiếp tục được nhắc đến về việc chăm lo cho bệnh nhân nghèo. Nữ tu Maria Lê Thị Kim Liên chia sẻ: “Chúng tôi xem người bệnh như chính người nhà, nhìn thấy họ khỏe mạnh, bản thân mình cũng cảm thấy rất vui!”. Chị Anna Hoàng Thị Thùy Linh (giáo dân xứ Phát Diệm) – một trợ tá đắc lực của phòng khám hơn hai năm nay tâm sự: “Tôi đến đây làm việc đã quen, hôm nào không đi, cảm thấy như thiếu một cái gì đó. Được phụ các sơ chăm sóc bệnh nhân, tôi thấy cuộc sống thêm phần ý nghĩa”. Nhiều người đến đây không còn xa lạ gì với giọng nói dịu dàng của chị Linh khi xướng tên bệnh nhân mỗi buổi. Việc gì có thể, chị đều vui vẻ thực hiện, từ đo huyết áp đến quét dọn, vệ sinh dụng cụ y tế, quản lý phòng thuốc. Với nữ tình nguyện viên này, công việc ở phòng khám dù cứ lặp đi lặp lại nhưng chưa bao giờ cảm thấy chán nản bởi chị luôn trong tâm thế dấn thân phục vụ..

Do diện tích nhỏ hẹp, hạn chế về nhân lực nên cơ sở tiếp nhận bệnh nhân điều trị vào các thời gian quy định, tuy nhiên, việc cố gắng hết sức để giúp đỡ mọi người theo khả năng vẫn được xem là tinh thần chung của những “nữ tỳ” nơi đây.

HÙNG LUÂN

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc