T3, 04 / 2018 1:10 Chiều | Đức Tin Jesus

28 tuổi, chị là mẹ của hai con. Điều đặc biệt ở chỗ, cả hai đều là con nuôi: bé đầu chị xin về khi gia đình bé định chôn con theo mẹ vì hủ tục của buôn làng, còn bé thứ hai thì nhặt được khi bị cha mẹ vứt bỏ. Chị tên Y Byen, nhưng ai từng gặp và tiếp xúc đều gọi chị bằng cái tên thân mật: Thiên Thần.

Sau mấy cung đường trải đầy đất đỏ, chúng tôi tìm đến làng Plei Piơm, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Buổi sáng đầu năm, căn nhà nhỏ yên bình vang lên tiếng hát của người mẹ trẻ. Mấy ngày này, tiết trời Tây Nguyên chuyển mùa nên đứa con út cứ hay bị ho, sốt, vậy là gác lại mọi công việc, chị ở nhà chăm con. Y Byen, người dân tộc Bana, mang vẻ đẹp của một sơn nữ lớn lên giữa vùng đất đại ngàn, nhưng điều khiến người ta cảm phục chính là tấm lòng bao la như núi rừng vì mới tuổi 14, chị đã vượt qua mọi rào cản để cứu đứa trẻ suýt chết đem về nuôi.

Món quà của Chúa

Đó là một buổi sáng năm 2004, chị cùng với mẹ mình đi vào bản làng xa để bán hàng thì nghe dân làng kháo nhau về trường hợp của người phụ nữ vừa qua đời sau khi sinh con tại nhà. Theo hủ tục của đồng bào nơi đây, đứa bé mới sinh phải chôn theo mẹ vì họ sợ nó sẽ mang lại điềm xấu cho cả nhà. Đây cũng chính là một trong những hủ tục đáng sợ nhất của người Bana tồn tại từ bao đời (hiện đang dần được xóa bỏ). Sở dĩ có tập tục này vì người Bana quan niệm, nếu không để đứa trẻ theo mẹ thì hồn người chết sẽ không siêu thoát. Hồn ma ấy đeo bám đứa trẻ và bắt nó cùng người làng đi theo… Dù là người cùng sắc tộc, biết tục lệ này, nhưng vì không cầm được nước mắt trước khung cảnh đau lòng, cô học sinh trung học lúc đó quyết tâm đi ngược lại, đứng ra van xin để nhận nuôi. “Chứng kiến, trong đầu tôi chỉ hiện lên suy nghĩ duy nhất là làm sao cứu đứa trẻ kia, bởi nó vô tội và thật đáng thương. Rồi hai mẹ con mới chạy vội tới nói chuyện, cắt nghĩa thì may mắn được gia đình họ cho bé về nuôi. Khi bế con về, trong lòng tôi xao xuyến và biết từ giờ phút này, mình có trách nhiệm phải lo cho con nên người”, Y Byen nhớ lại phút giây định mệnh.

14 tuổi, chưa đủ tuổi để làm các giấy tờ pháp lý, Y Byen phải nhờ mẹ đứng ra hoàn tất các thủ tục. Đứa con đầu được đặt tên Y Song, theo tiếng Bana có nghĩa là món quà của Chúa. Gia đình chị luôn gởi trọn niềm tin vào Thiên Chúa nên mọi sự là của Chúa trao ban. Bố mẹ Y Byen lúc này đã già, do đó, trách nhiệm nuôi con đặt lên vai người mẹ trẻ. Sáng đến trường, chiều cô học sinh đi móc mủ cao su, làm thuê làm mướn bất kể việc gì. Mỗi ngày mưu sinh kiếm được 10.000 – 20.000 đồng, hôm nào khá khẩm thì gấp đôi; chị dành dụm, chắt bóp để đi học, phần dành mua sữa cho con. Không chỉ lo kiếm tiền nuôi con, chị còn phải sống trong lo sợ khi bố đẻ Y Song nhiều lần tìm đến nhà tìm cách cướp đi mạng sống của cậu bé. Nhưng sau khi nhờ mọi người can thiệp, cùng thấy được tình thương chân thành từ người mẹ nuôi của con nên ông đã từ bỏ ý định này. Y Byen cho hay, giờ hai gia đình còn kết nghĩa anh em với nhau. Y Song đã lớn nên cũng được mẹ nuôi cho biết rõ mọi chuyện và hứa sau này khi trưởng thành, nếu con muốn quay trở về sống với bố chị cũng sẵn sàng để con đi.

“Bế lên có chút xíu hà”

Y Byen học hết lớp 12 thì theo học trung cấp về quản lý văn hóa. Hiện chị đang công tác tại Đoàn ca múa nhạc tổng hợp Đam San, tỉnh Gia Lai và thường tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ bà con buôn làng. Ngoài giờ chị còn đi hát đám cưới, tiệc tùng để kiếm thêm thu nhập lo cho con, trợ giúp bố mẹ già. Và như định mệnh, trong một chuyến công tác, thêm lần nữa chị lại trở thành “người mẹ nuôi bất đắc dĩ”.

“Cách đây gần 3 năm, đang trên đường về nhà, biết tin có một em bé bị bỏ ngoài nghĩa trang nên tôi chạy vội đến. Vì bé đẻ non nên bế lên có chút xíu hà. Lúc đó cuống cuồng, tôi chỉ biết nói con ơi, mẹ đây! Vậy mà như cảm nhận được, cái tay bé nhỏ của con liền cầm lấy tay tôi. Khi đó, tôi chết lặng, nhưng rồi như có một dòng máu thiêng liêng nào đó chảy trong huyết quản khiến bản thân ôm chầm lấy con và chạy vội về nhà”, Y Byen bồi hồi. Bé về sau được mẹ đặt tên Y Sơn – nghĩa là đứa con của núi rừng.

Chị bảo, bản thân mình may mắn vì quyết định nuôi các con được cả gia đình hết sức ủng hộ. Riêng cha của Y Byen, ông Y Byơm, thì chia sẻ ngắn gọn: “Dù có bán gà, bán heo, làm thuê mướn, cũng phải nuôi hai đứa nên người. Có khổ mấy cũng rá ng nuôi, tới đâu tới!”. Ngày qua ngày, những đứa trẻ cứ vậy lớn lên trong sự yêu thương, chăm sóc của mẹ và ông bà. Đổi lại, Y Song và Y Sơn khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Y Song nay đang học lớp 8, đã biết giúp đỡ việc nhà và chăm em cho mẹ. Với Y Byen thì các con giờ đây cũng chính là nguồn vui cuộc đời, là động lực để chị vững vàng bước về tương lai.

Ở tuổi 28, đa phần người ta đã “yên bề gia thất” nhưng chị vẫn chưa nghĩ tới chuyện lập gia đình, vì với chị, điều quan trọng nhất lúc này là lo cho hai đứa trẻ khôn lớn, thành đạt và báo hiếu cho cha mẹ. Chúng tôi hỏi chị mong muốn lớn nhất trong cuộc đời là gì, chị trả lời rất thật: “Mong sao những hủ tục còn tồn tại nơi các bản làng heo hút sẽ không còn, để những đứa trẻ sinh ra không may mất mẹ vẫn được sống một cuộc đời hạnh phúc, đầm ấm bên người thân yêu”.