T4, 01 / 2019 7:23 Chiều | Đức Tin Jesus

Phải biết mười chuyện Đức Mẹ từ chối để hiểu vì sao Đức Mẹ nói “vâng” khi Thiên thần Gabriel truyền tin.

fr.aleteia.org, Alejandra Maria Sosa Elizaga, 2017-01-19

Mẹ tôi thường hay nói, chúng ta sẽ không biết thưởng thức ngày nắng đẹp nếu không có những ngày trời âm u! Khi chúng ta nghiến răng chịu đựng những ngày mưa lạnh, khi đó chúng ta mới quý những ngày nắng ấm.

Cũng vậy với quan hệ của chúng ta với Mẹ Maria. Để có thể quý hơn lời “xin vâng” của Đức Mẹ thì chúng ta nên biết Đức Mẹ đã nói “không” với những cái gì.

Đây là mười chuyện Mẹ đã từ chối:

Mẹ nói không với tất cả những gì trái ý Chúa. Khi nhận ra mình được chọn là Mẹ Thiên Chúa, mẹ không đưa ra điều kiện gì để trao đổi cũng không tìm bất cứ lý do nào để thoái thác. Mẹ chỉ đơn giản chấp nhận.

Mẹ nói không với chuyện phù phiếm. Bất cứ một phụ nữ nào thời đó cũng mơ mình là Mẹ Đấng Thiên Sai. Khi Mẹ được chọn, Mẹ vẫn giữ hai chân đạp đất, Mẹ không nghĩ mình hơn người khác. Mẹ nhận mình chỉ là tôi tớ hèn mọn của Chúa.

Mẹ không nói hành nói tỏi. Mẹ không huyênh hoang với người khác về sứ mệnh và hài nhi của mình. Ngay cả Mẹ cũng không nói với Thánh Giuse để ngài bảo vệ mình.

Mẹ không cho mình là trọng tâm vũ trụ. Khi Thiên thần Gabriel ra đi, Mẹ không ngừng một giây để nghỉ ngơi. Ngược lại, khi Thiên thần nói về bà Isave, ngay lập tức Mẹ lên đường đi thăm dù mình đang mang thai.

Mẹ không xin được đối xử ưu tiên. Khi nghe tin, Mẹ không xin Chúa cho thiên thần giúp đỡ mình. Khi đi trốn qua Ai Cập, Mẹ cũng không xin gì. Và ngay cả khi Chúa Giêsu bị lạc ở Đền thờ. Mẹ không bao giờ chờ Chúa đối xử ưu tiên với mình.

Mẹ từ chối không sống trong các chữ “nếu”. Khi Mẹ sinh Chúa Hài Đồng trong má ng cỏ hang lừa, với những điều kiện khó khăn ngoài mong chờ của Mẹ và Thánh Giuse, Mẹ không mất thì giờ với những chữ “nếu như”. Mẹ thích ứng với ý Chúa và làm cho hoàn cảnh được tốt hơn.

Mẹ từ chối sống trong vỏ ốc. Mẹ có thể sống thu hẹp trong phạm vi gia đình nhỏ với Thánh Giuse và Chúa Giêsu, nhưng ngay từ đầu, gia đình Mẹ đã mở ra với các mục đồng, với ba vua và sau này là với toàn thế giới.

Mẹ nói không với cám dỗ chống lại ý Chúa. Mẹ đã tỏ lộ với Thánh Têrêxa khi ông Simon nói sẽ có lưỡi đòng đâm qua tim Mẹ, Mẹ đã thấy thị kiến của sự Thương Khó. Mẹ đã thấy thập giá đang chờ con mình. Mẹ đã có thể xin Chúa thay đổi tiến trình, nhưng thay vào đó, Mẹ chấp nhận. Mẹ chấp nhận chương trình hoạch định của Chúa mà không cự lại, đến mức Mẹ là tác nhân mở đầu cho phản ứng của Chúa Giêsu vào thời đầu cuộc sống công khai của Ngài ở Cana.

Mẹ nói không với cảm nhận lo sợ mà Mẹ cảm thấy khi Mẹ trở nên là Mẹ của tất cả chúng ta.Dưới chân thập giá, Chúa Giêsu giao phó Mẹ cho các môn đệ, có nghĩa là chúng ta. Mẹ cũng khó chấp nhận chúng ta là con, những đứa con tội lỗi đã gây nên cái chết của người con thiêng của mình. Nhưng thêm một lần nữa, Mẹ không chút do dự hay cự lại khi nói vâng. Mẹ nói với Chúa Giêsu, Mẹ được vinh dự là Mẹ của Ngài. Một bằng chứng chứng tỏ tình yêu của Mẹ!

Mẹ luôn nói không cho bất cứ một sự thiếu tình yêu nào hay thiếu cầu nguyện nào của chúng ta. Mẹ không có một cảm nhận chua cay nào với các đồ đệ đã bỏ Chúa Giêsu trên thập giá. Sau khi Chúa Thăng Thiên, Mẹ đã để hết tất cả thì giờ để cầu nguyện cho chúng ta. Chúng ta có thể hình dung niềm vui của Mẹ khi Mẹ thấy tất cả đồ đệ được Chúa Thánh Thần ban ơn, như Con của Mẹ đã truyền. Khi Mẹ về trời, Mẹ tiếp tục đóng vai trò Mẹ của chúng ta. Mẹ lo cho các nhu cầu, các khó khăn của chúng ta, Mẹ để cả đời sống vĩnh viễn để cầu nguyện cho chúng ta. Mẹ sống ở trên trời nhưng quan tâm đến những gì xảy ra ở thế gian, Mẹ luôn là người Mẹ tốt nhất trong tất cả các bà mẹ.

Chúng ta xin Mẹ cho chúng ta sức mạnh để nói không, cũng như nói không với “không bao giờ”: sức mạnh để không bao giờ quên Mẹ, sức mạnh để không bao giờ ngừng yêu Mẹ và không bao giờ mệt mỏi quay về với Mẹ khi gặp khó khăn.

Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời… Xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhậm lời con cùng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch