T6, 02 / 2018 10:01 Sáng | Đức Tin Jesus

Có tất cả 7 người con, gia đình ông bà cố Phêrô Trương Ðình Mẫn – Matta Nguyễn Thị Liêm đã dâng cho Chúa 5 người. Trong suốt những năm tháng đồng hành cùng các con trong ơn gọi, ông bà luôn giữ trọn vẹn lời nguyện cầu cho họ bền đỗ cùng lý tưởng phục vụ Chúa, tha nhân.

7 người con, 5 ơn gọi

Một sáng ngày mùa đông, tôi ghé thăm linh mục Giuse Trương Ðình Hiền, là con trai thứ của ông bà cố Mẫn – Liêm, hiện đang là Tổng Ðại diện giáo phận Qui Nhơn. Trò chuyện cùng cha Hiền, nghe lại những kỷ niệm thân thương của gia đình ngài, mới thấy, ơn thiêng liêng đôi khi được ươm mầm từ trong những điều hết sức giản dị, đời thường.

Gia đình có 7 người con, ông bà cố Mẫn – Liêm đã dâng cho Chúa 5 người trong số đó.

Xưa, ông cố Mẫn là dân xứ Huế, vì mưu sinh nên theo gia đình di cư vào Quảng Ngãi sống. Tại đây, ông quen biết bà cố và hai người nên duyên chồng vợ. Có lẽ ngay từ đầu, lòng sùng đạo, yêu mến Chúa đã nhóm lên trong lòng đôi bạn này mộtước mong như ngọn lửa âm ỉ cháy là: cho con đi tu. Nên khi sống đời gia đình, họ luôn giữ lòng đạo sốt mến và cố gắng vun đắp cho con ở từng điều nhỏ nhặt nhất. “Tôi đoán niềm ao ước con mình được dấn thân phục vụ luôn bàng bạc trong tâm thức của ông bà. 7 anh chị em chúng tôi lần lượt là Ðức, Trinh, Tu, Hiền, Như, Sơn, Hà. Ngay từ cái cách đặt tên con, hình như ông bà cũng gởi gắm nhiều hy vọng vào đấy”, cha Hiền chia sẻ.

Người con thứ nhất dấn bước vào hành trình ơn gọi là dì Agata Trương Thị Minh Ðức, nữ tu của dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Trước dì Ðức, ông bà cố đã phải trải qua nỗi đau mất con nhưng vẫn vui vẻ ủng hộ đứa con kế tiếp, đã trở thành người con đầu tiên, sống đời tận hiến. Nối gót chị lớn, mấy anh em trai là Phêrô Trương Ðình Tu (hiện là chánh xứ Quy Hòa, giáo phận Qui Nhơn), Giuse Trương Ðình Hiền (TÐD GP Qui Nhơn), Tôma Trương Ðình Sơn (Dòng Chúa Cứu Thế), Gioan Baotixita Trương Ðình Hà (chánh xứ Thủ Lựu, giáo phận Bà Rịa) cũng bước vào đời tu và lần lượt lãnh nhận sứ vụ linh mục. Nhìn lại, anh em trong gia đình chênh lệch tuổi tác nhau không nhiều, thời điểm họ tu học do đó cũng san sát nhau, vì thế mà gánh lo toan ắt đã từng đè nặng lên đôi vai ông bà cố. Bà Matta Maria Trương Thị Tuyết Trinh, người em kế dì Ðức hồi tưởng : “Nhà sống bằng nghề nông, nghèo, nhưng bố mẹ luôn quan tâm để các con ăn học tới nơi tới chốn. Khi chị Ðức rồi mấy em trai tôi đi tu, ông bà bằng lòng lắm nên dù có khó mấy cũng rá ng vượt qua mà lo cho con. Sau năm 1975, cả nhà di cư vào Ðồng Nai sống. Lúc đó ông bà cụ cũng có tuổi rồi mà vẫn gắng lao vào công việc, từ làm cỏ, hái đậu, hái điều mướn cho đến đi cấy, nhổ mạ… Hai ngài ăn uống tiện tặn, đồ đạc giản dị hết sức, có đồng nào cũng tích cóp để dành cho các con khi cần”.

Sát cánh cùng bà cố cho đến năm 1998 thì ông cố mất. Khi ấy, cha Sơn và cha Hà vẫn chưa thụ phong. Lúc xong hết mọi nghi thức an táng, các con chuẩn bị khăn gói lên đường, bà cố Liêm gom tất cả lại rồi dặn đinh ninh là phải “bám sát vào Chúa”, “đổ hết tâm sức mà phục vụ Chúa, phục vụ Giáo hội” vì “ở nhà đã có mẹ lo”. Tựa vào nguồn động viên đó, mấy anh chị em trong gia đình đã bước tiếp trên hành trình ơn gọi bằng cả nhiệt huyết của lòng mình. Năm 2001, cha Hà chịu chức. Rồi năm 2003, đến lượt cha Sơn được lãnh tác vụ linh mục.

Chủng viện đầu đời

Ðối với các con ông bà cố Mẫn – Liêm, gia đình chính là nơi tu học đầu tiên của họ. Ở đó, những bài học bắt nguồn từ lòng đạo đức bình dân của ông bà, cha mẹ đã khắc sâu vào tâm trí, khơi lên ơn gọi thiêng liêng trong mỗi người. Cha Hiền kể cha nhớ hoài hình ảnh ông ngoại mình, cứ mỗi buổi chiều lại chống gậy đi lễ. Lúc bấy giờ cha Hiền còn là cậu bé chừng 7 tuổi, đi học về, thoáng thấy bóng ông liền lật đật cất cặp vở đâu đó rồi chạy theo đến nhà thờ. Ông ngoại vào ngồi lặng lẽ bên Chúa chờ đến thánh lễ, cháu thì vẩn vơ chơi ngoài sân. Cậu bé Hiền lúc đó vô tư với niềm vui con trẻ mà không ngờ rằng, chính những lần “đi chơi” như thế đã dần dần đem cậu đến gần hơn với Bàn Thánh. Khi cha Tu vào chủng viện được một năm, đến kỳ nghỉ, ngài về nhà nói với bà cố: “Má cho Hiền nó đi tu với con cho vui!”. Nghe lời đề nghị của anh trai, cha Hiền đồng ý liền. Nhớ lại kỷ niệm đó, ngài tỏ bày: “Thời đó ở xứ quê chỉ có anh Tu đi chủng viện, lớp trước nữa thì đã là các linh mục cao tuổi rồi, thành ra gương của người anh tác động đến tôi rất nhiều. Kỳ nghỉ anh về hay ở nhà thờ giúp lễ. Hình ảnh anh mặc áo dòng chủng viện, tác phong của anh… ít nhiều làm tôi cảm thấy ngưỡng mộ và muốn noi theo”.

4 anh em linh mục với độ tuôi san sát nhau nên có lẽ gánh lo toan từng đã đè nặng lên đôi vai của ông bà cố

Hằng ngày, qua các sinh hoạt đạo đức, ông bà cố cũng âm thầm truyền cho các con mình lòng mến và sốt sắng thờ phượng Chúa. “Ngày chúng tôi còn bé, bố mẹ luôn nhắc nhở và cùng đi lễ với con. Buổi tối, cả nhà lại quây quần với nhau lần một chuỗi Mân Côi. Thói quen này đã hun đúc lòng đạo cho anh chị em tôi ngay khi chúng tôi chỉ còn là những đứa trẻ chưa hiểu nhiều”, cha Sơn hồi tưởng. Không chỉ ở bên cạnh dìu dắt lúc các con còn nhỏ mà cả khi con đã đi tu, ông bà cố còn đồng hành bằng lời động viên trong những dịp con về thăm nhà hoặc bằng những bức thư tay. Dù là ông hay bà cố, thì câu nhắn gởi vẫn mang một nội dung tương tự là: hãy trung thành với lý tưởng tận hiến.

Các linh mục, nữ tu trong gia đình có đông ơn gọi này tuy mỗi người một cá tính nhưng đều có chung nét gần gũi, hòa đồng và tinh thần hy sinh phục vụ, được thừa hưởng từ hai đấng sinh thành. Dì Ðức cho biết: “Mẹ xưa kia là thành viên tích cực trong ca đoàn. Còn bố thì chuyên môn đi lo cho kẻ liệt, những người sắp sửa qua đời. Bất kể giờ giấc, hễ nhà nào có người đang hấp hối là ông cụ đến, đọc kinh, an ủi người nhà họ và sau đó lo tẩn liệm”. Cha Sơn góp lời: “Cái tâm trong phục vụ của ông bà cụ dạy cho anh chị em chúng tôi bài học lớn khi xác đình đời mình phải gắng với lý tưởng cho đi”.

Hiện tại, bà cố Liêm đã chạm ngõ 100 tuổi, sống gần nhà thờ Thanh Bình (giáo phận Xuân Lộc) với người con không lập gia đình là bà Trinh. Bà Trinh bảo chị và các em trai mình luôn có mặt đông đủ ở nhà vào hai dịp chủ yếu là Tết và hè. Còn ngày bình thường, nếu ai có đi làm lễ, giảng tĩnh tâm, giải tội gần nhà thì tranh thủ ghé qua thăm mẹ, ăn bữa cơm rồi mới quay về giáo xứ, cộng đoàn. “Chừng cách đây vài năm, cứ họ đi là bà cụ khóc lóc trách sao đã về với má mà lại bỏ đi. Mà hễ nói câu đó là mấy cha bắt đầu khóc không nỡ. Tuổi già, làm như cần con cần cháu hay sao đó, còn khi trẻ thì cũng cần vậy mà ý chí nó mạnh hơn. Bây giờ mẹ lớn tuổi rồi lẫn  trí, nên mỗi lần mọi người về rồi lại đi thì vẫn vui vẻ, không sướt mướt như trước nữa”, bà Trinh tâm sự.

Trong 7 người con của ông bà cố Mẫn – Liêm, chỉ có một người duy nhất lập gia đình là bà Như. Một trong những người con của bà cũng đã trở thành nữ tu của dòng Ðaminh. Cái nôi gia đình cứ thế là nền tảng vững chắc, khơi lên nhiều ơn gọi, từ thế hệ này sang thế hệ kế theo.