T6, 11 / 2017 7:56 Chiều | Đức Tin Jesus

Từ nhiều thế kỷ giáo hội đã đưa ra những tiêu chuẩn cho việc bị quỉ ám. Những tiêu chuẩn cổ điển. Sách nghi thức Rôma kể ra như sau: “Những dấu hiệu cho biết bị quỉ ám là: nói nhiều lời bằng thứ ngôn ngữ mà chủ thể không biết, hay hiểu được, cho thấy những việc kín nhiệm hay ở chỗ xa xôi, tỏ ra có sức mạnh hơn lứa tuổi hay điều kiện của bản tính”. (Bản dịch của Christiani, Op.Cit. Trang 130).


Như thế chúng ta có những tiêu chuẩn của giáo hội cho biết khi nào bị quỉ ám. Đây là ba dấu hiệu mà ai trừ quỉ cũng phải biết. Nếu có những dấu hiệu đó nơi người bị quỉ ám thì phải coi là có quỉ hiện diện.

Một đứa nhỏ 7 hay 8 tuổi đã đến tuổi khôn. Nó chỉ biết những con vật gia súc. Nhưng khi cha mẹ cho nó coi hình con voi và cho hay con vật đó khác con vật khác vì có vòi, cái ngà và vóc dáng của nó.

Đứa nhỏ nhớ nên khi đến sở thú đứng trước một con vật lớn nó la lên: “Con voi đây.” Đứa nhỏ đó có thể không biết về những con vật khác để khỏi lầm lẫn với con voi.

Dĩ nhiên tôi không dám chủ trương việc điều tra của vị trừ quỉ cũng đơn sơ và dễ dàng như thế, nhưng nguyên tắc vẫn là một: biết được có quỉ qua những dấu hiệu của giáo hội và những khám phá của khoa phân tâm học không liên quan gì đến chuyện đó cả. Vì thế không biết gì về khoa phân tâm trong năm 1925 khi tôi trừ quỉ cũng không làm cho tôi phải bối rối. Chỉ cần một điều quan trọng: những dấu hiệu giáo hội đưa ra có chính thức được người ta công nhận hay không?

Chính trong lúc đang lo lắng về chuyện đó tôi được đọc tác phẩm của bác sĩ Lhermite có nhan đề:

Vrais et faux possédés. Tác giả là người có đạo và thường tham khảo các nhà thần học.

Dù sao thì tác phẩm cũng không thể là cuốn cẩm nang cho các nhà trừ quỉ. Vì dù tác giả biết có những dấu hiệu của quỉ nhưng ông lại không để ý đến. Tại sao các cố vấn các nhà thần học của ông không cho ông hay là để biết rõ có bị quỉ ám hay không, chỉ có một phương pháp hiệu nghiệm: cho thấy có những dấu hiệu của quỉ mà giáo hội đã quy định.

Tác giả nói tới những người bị quỉ ám được Chúa chữa lành. Ông tin đó là những ngườì bị quỉ ám thật, không phải vì ông nhận ra những dấu hiệu, nhưng vì ông tin sách Thánh không thể sai lầm. Trong Phúc Âm chỉ thấy họ bị quỉ ám khi họ được chữa lành. Nhưng như thế không đủ cho thấy những dấu hiệu họ bị quỉ ám. Cũng như không phải đọc Thánh Kinh trong thánh Luca về chuyện người phong hủi được chữa bịnh mà biết bịnh cùi ra sao.

Ta có thể ngạc nhiên tại sao bác sĩ Lhermite lại không diễn tả cho ta thấy họ bị ám thật nhờ ba dấu hiệu cổ điển trên kia. Ông lại kể ra những trường hợp không phải là quỉ ám. Và khi đọc xong những câu chuyện kể ra tỉ mỉ của ông thì ta lại bị ám ảnh bởi những trường hợp không phải là quỉ ám. Chúng ta sẽ nói gì về một bác sĩ danh tiếng khi viết sách về bịnh cùi, lại bỏ quên việc diễn tả những dấu hiệu chính của bịnh đó, và nêu ra những trường hợp không phải là bịnh cùi? Vả lại những trường hợp bác sĩ kể ra là giả lại là những trường hợp không chắc chắn cho lắm.

Chúng ta có quyền hồ nghi. Trong cuốn sách Satan (trang 464 và tiếp theo) bác sĩ Vinchon coi trường hợp các nữ tu ở Loudun hay của cha Surin là thật trong khi tác giả Lhermite lại xếp vào những trường hợp không phải bị quỉ ám.

Trong trường hợp các nữ tu dòng Ursulines ở Loudun bác sĩ kể lại kỳ công của bề trên nhà dòng như sau: “Mẹ bề trên giạng chân ra khác thường đến nỗi từ ngón chân này đến ngón chân kia dài 7 bộ trong khi bà chỉ cao có 4 bộ thôi.” (Vrais et faux possédés, trang 56).

Trang 97 lại kể lại cũng sự kiện đó.

Nghĩa là tác giả cho chuyện đó rất quan trọng. Chúng ta hãy thử đọc kỹ câu chuyện. Đọc đi đọc lại chúng ta phải kết luận là nữ tu đó đã dài ra ít là 30cm. Nếu thực sự từ khi có các nhà phân tâm phân tích những hiện tượng vô thức có một lần họ gặp thấy có bịnh nhân dài thêm 30 phân thì ai cũng biết.

Cho đến khi có chứng minh ngược lại thì phải cho rằng chưa có vị phân tâm nào thấy chuyện ấy. Về phần tôi nếu thấy như vậy tôi phải cho là việc ấy vượt khỏi cái tự nhiên. Đây là câu chuyện soeur Jenne de Loudun cũng trong sách đó: “người trừ quỉ đưa Mình Thánh sơ Jeanne có 4 quỉ tên là Asmodée, Leviathan, Ballam, Iscarion ám, và hỏi: “Quem adora? Sơ trả lời: “Jesus Christus” Một người ở đó nói quỉ không có nhất trí. Người trừ quỉ lại hỏi: “Quis est iste quem adoras?” Trả lời:

“Jesu Christe.” Trong nhóm quỉ đó không ai giỏi tiếng Latinh cả.” (Op.Cit.trang 59-60)
Nếu nữ tu đó không biết tiếng la tinh tôi dám quả quyết là chị ta bị quỉ ám thay vì theo bác sĩ Lhermite không có gì vượt tự nhiên cả. Theo lý ta phải giả thuyết người trừ quỉ biết soeur Jeanne không biết tiếng La tinh. Đó là bổn phận cốt yếu của vị đó. Công nhận như thế rồi thì ta phải biết không thể nào soeur đó hiểu được câu hỏi bằng tiếng latinh ở trên. Hiểu được câu hỏi ngắn đó phải học latinh biến dạng ra sao, và động từ chia ra sao. Đặt câu hỏi đó cho bất cứ người nào, giỏi hay dốt và họ không học latinh thì họ chỉ đứng đực ra thôi. Nếu sơ Jeanne trả lời Jesus Christus thì đó là bằng chứng cho thấy chị ta hiểu tiếng latinh.

Còn hơn thế nữa. Người trừ quỉ cũng hỏi lại một câu nhưng nói khác đi: “Ai là Đấng ngươi thờ lạy”. Ý định của ông ta rất rõ ràng. Thêm bốn vần vào sẽ làm cho soeur phải bối rối. Vì không biết tiếng latinh soeur không thể đoán câu hỏi có cùng ý nghĩa. Thay vì nói: “Lại hỏi câu nữa? Nói cái gì khác vậy.”

Soeur đã trả lời cũng một câu hỏi: Jesu Christe. Rõ ràng là dù không biết tiếng latinh soeur đã hiểu rõ nghĩa của hai câu hỏi. Đây là một dấu hiệu cho hay soeur bị quỉ ám thiệt như đã chỉ rõ trong sách nghi thức Rôma.

Chúng ta đồng ý là quỉ này dốt tiếng latinh. Nhưng không nên ngạc nhiên. Quỉ thích làm trò hề, luôn nuôi giận, luôn chửi bới con người, và thích làm ra vẻ dốt nát để đánh lừa nạn nhân. Là cha dối trá nó rất giỏi gài bẫy hay không cho ai theo dõi được nó.

Chúng ta cũng đề cập đến trường hợp ông M.T. Noblet. Bác sĩ Lhermite kể ra hàng chục trường hợp được khỏi bịnh rất nhanh. Nếu y khoa công nhận là tự nhiên thì các nhà thần học không coi là bịnh đó do quỉ. Chỉ nên im lặng vì đó không phải là khoa học của họ chỉ trừ khi trong giới y khoa có ý kiến khác. Ta nên chú ý đến trường hợp khác của ông Noblet. Bác sĩ Lhermite viết: “Chúng ta không còn trong thời đại Jacques de Voragine và không ai phủ nhận là việc tự trói mình là việc trò xiếc thông thường và việc đổi nước thành mực hay cho đinh vào ly rượu lại còn dễ dàng hơn.” (trang 48) Chúng ta nên nhớ lại ghi chú của Tangquerey (précis de Théologie Ascétique et Mystique số 1540). ngài cho hay khi nhìn vào kỳ công một người thực hiện phải xem tuổi tác và cuộc tập luyện của họ.

Nếu chúng ta có chứng cớ ông Noblet học làm xiếc và đang làm nghề đó thì những kỳ công của ông là điều tự nhiên. Còn trái lại thì chúng ta có quyền nghi ngờ.

Có ai không luyện tập làm được những chuyện trên không? Bác sĩ Lhermite viêt: “Đối với người làm trò xiếc những chuyện gán cho quỉ chỉ là những trò chơi sơ đẳng.” (Op.Cit. Trang 49) Nhưng còn những người không làm trò xiếc thì sao? Đối với hàng triệu người Việt Nam lái xe là chuyện sơ đẳng.

Nhưng không ai sinh ra là biết lái xe. Mọi người đều phải học lý thuyết và sau đó cố công luyện tập.

Phảì nhận là làm trò xiếc khó hơn lái ô tô. Trong trường hợp ông Noblet thì cần phải biết ông ta có phải lả người làm trò xiếc hay không thì mới có thể kết luận đó là việc tự nhiên hay không. Bác sĩ Lhermite không nói về vấn đề ấy nên chúng ta không thể kết luận đơn sơ và còn cần phải đem ra ánh sáng.

Nếu M.T. Noblet thực sự có tài làm xiếc thì phải đặt lại vấn đề cuộc sống của ông ta. Ông là một người làm xiếc biết mình làm gì và đang đánh lừa những người chung quanh.

Những nhận xét trên cho thấy các cố vấn về vấn đề thần học cho cuốn sách của bác sĩ Lhermite không  ho ông những ý kiến cần thiết để cuốn sách của ông thành cẩm nang lý tưởng cho những nhà trừ quỉ phân biệt được đâu là bị quỉ ám thật, đâu là giả.

Độc giả khi đọc phần đầu của cuốn sách nên lưu ý đến ba dấu hiệu của giáo hội cho biết là có quỉ ám nhất là dấu hiệu thứ ba khi người bị quỉ ám biểu diễn những hành động vượt quá tuổi tác hay điều kiện của họ và họ sẽ nhận ra tôi có phải mù quáng đảm nhận vai trò trừ quỉ hay không. Trong chương sau cùng của cuốn sách tôi sẽ cố chứng minh sự thực có quỉ can thiệp trong toàn thể những sự việc xảy ra ở Phát Diệm năm1925 – 1926.

PHẦN THỨ NHẤT

Chương 1 – Những hiện tượng lạ kỳ

Dòng Mến Thánh Giá Bắc kỳ được thành lập năm 1670, do Đức Giám mục Lambert de la Motte,

Giám mục đầu tiên vào nước này. Ý định của vị Giám mục, là coi họ như những nữ tu thật và phải có lời khấn trọng thể. Nhưng chương trình đó không thực hiện ngay được do những cuộc bách hại tôn giáo. Cuối cùng, sau hai thế kỷ rưỡi chờ đợi, các nữ tu Mến Thánh Giá Phát diệm là thủ phủ một giáo phận ở Bắc kỳ, do Giám mục Marcou làm giám quản tông toà, đã đạt tới mục đích. Đã nhiều năm nay nhà dòng chuẩn bị cho đợt tuyên khấn đầu tiên.

Chỉ còn ít ngày là đến ngày khấn, thì ngày 18 tháng 9 năm 1924, tôi được hai nữ tu mời đi giải tội.

Thực ra, không phải giải tội. Mỗi chị đều lần lượt kể cho tôi, là đêm qua quỉ đã quấy phá một chị nhà tập tên là Maria Diện, và tình trạng trở nên không ai chịu nổi. Các chị xin tôi can thiệp ngay. Tôi hỏi, tại sao cô nhà tập đó không đích thân đến trình bày câu chuyện cho tôi. Họ trả lời:

– Chúng con đã khuyên chị đến tìm Đức Cha, nhưng chị bảo là từ hai ba tháng nay, chị đã trình Đức Cha và Đức Cha nói chị chỉ là nạn nhân của trí tưởng tượng, là chị mơ mộng…Chị nói, vì bề trên không tin chị, nên chị có đến nói cũng bằng vô ích. Ngài cũng chỉ đối xử với em như những lần trước.

– Vậy thì, chiều nay cha sẽ đến thăm chị đó.

Thực sự, Maria Diện đã nói với tôi hai hay ba lần về chuyện chị ta bị quỉ khuấy khuất trong đêm.

Nhưng làm sao tin nổi những chuyện lạ lùng như thế? Một thiếu nữ dễ bị là nạn nhân của trí tưởng tượng: và cô chỉ có 17 tuổi. Tuy nhiên, khi cô kể chuyện quỉ cho tôi, tôi rất chú ý đến giọng thành thật và dù cho tôi đa nghi, nhưng tôi cũng đã nghi nghi có chuyện gì.

Chiều hôm đó, tôi sang nhà dòng. Tôi đã bị đôi chút bực tức, vì sự lắm chuyện của các cô gái, nên quyết định chấm dứt câu chuyện càng sớm càng tốt. Tôi gọi các cô tập sinh tụ họp lại. Tất cả những ai đã thấy những chuyện khác thường trong đêm trước, đều được lệnh ở lại trong phòng hội chung, để được phỏng vấn kỹ lưỡng. Còn những cô khác thì tiếp tục làm việc.

Có tám cô ở lại, trong số đó có Maria Diện và hai chị giáo tập đến gặp tôi vào buổi sáng. Theo như các chị kể, tôi không thấy có gì mâu thuẫn, là các chị thấy quỉ ném đá hay những vật khác, nói chuyện như người, tiếng nói có thể nghe được, và nó đánh chị Diện.
Tôi kết luận cuộc điều tra bằng câu kết luận: “Cha nghĩ rằng chúng con không nói dối, cha tin chúng con thành thật, nhưng chắc là các con bị ai chọc phá đó. Có thể một chị nào trong chúng con muốn làm cho các con sợ, nên đã bày ra những trò ấy. Chúng con thú nhận là những vật ném vào chị Diện đều có trong nhà dòng, không có vật gì từ ngoài đem vào. Không cần đổ cho quỷ ném đá. Có ai trong nhà lấy những vật ấy và ném vào chúng con. Còn bắt chước tiếng người lạ hay đánh lén vài cái, lại càng dễ hơn nữa. Cha sẽ tìm ra thủ phạm. Ba chúng con đêm nay sang phòng ngủ khác. (Tôi chỉ ba chị hay chọc phá nhất). Cha khoá cửa nhà ngủ lại, và các cửa sổ có chấn song, nên ba chị ấy không thể đi ra được. Nếu những hiện tượng đó xảy ra, thì không phải ba chị này là thủ phạm. Cứ làm như thế mãi cha sẽ khám phá ra thủ phạm những vụ nghịch phá đó.”

Tôi ra lệnh cho bà bề trên, bà chưa nghe biết gì trong đêm qua. Bà không ngủ trong cùng nhà ngủ với các tập sinh bị quỉ quấy phá. Vì câu chuyện làm nhiều người khó chịu, nên bà thi hành đúng theo chỉ thị.

Hôm sau người ta cho tôi hay là đêm nay còn dữ dội hơn đêm qua. Họ xin tôi can thiệp. Chiến thuật của tôi không thành công làm cho tôi không biết phải làm gì. Trong số tập sinh và thỉnh sinh, tôi thấy chỉ có một chị có thể nghịch ngợm như thế. Nhưng tôi đã lầm,
vì chị ta cũng là nạn nhân bị quỉ chọc phá. Mà chị bị nhốt trong một căn nhà khác không thể đến gần chị Diện được.

Trong lúc không biết phải làm sao tôi trình bề trên là Đức Cha Marcou. Ngài khuyên tôi điều tra kỹ hơn và phải gặp từng người liên hệ.

Tôi lần lượt hỏi tám chứng nhân và cố gắng tìm ra những gì mâu thuẫn trong những câu chuyện của các chị. Tôi không muốn nói rõ hết chỉ xin tóm lược sau đây.
“Họ nghe thấy đủ thứ tiếng động. Diện bị đánh nhiều giờ do những bàn tay vô hình. Họ nghe thấy những tiếng đánh đập. Nó ném đá và gậy gộc không những vào chị Diện mà cả vào các chị đến giúp chị khi bị chúng quấy phá. Mọi người đều nghe tiếng nói, mà không biết từ đâu đến. Hình như phát ra từ đầu hay cổ chị Diện và hoàn toàn khác tiếng chị. Đàng khác, Diện và bảy chị khác đều nói chuyện với tiếng nói lạ kỳ. Sau đây là những chuyện quan trọng họ nghe. Có anh kia tên là Minh hay Cát 20 tuổi đi lễ đền Sòng, danh tiếng trong tỉnh Thanh hoá, anh ta xin thần minh cho anh ta lấy được cô Diện. Nên quỉ làm hết cách cho chị này phải ra khỏi tu viện. Nó cho là nó sẽ thành công. Nó kể chuyện hết mọi người trong tu viện, từ mẹ bề trên cho đến em thỉnh sinh nhỏ nhất, kể ra nết xấu của họ, và những chuyện nói xấu trong nhà tập…”

Cũng có điều chí lý trong những gì nó nói. Nhưng không nên tìm chân lý nơi thằng quỉ. Dù sao, vì là bề trên nhà dòng tiếng nói cho tôi hay một điều. Các tập sinh nói lại câu chuyện đó và họ không hiểu gì. Nhưng đối với tôi, thì rất rõ ràng là nó ám chỉ tới một trường hợp chỉ mình tôi biết và tôi rất ngạc nhiên.

Dù cho ngạc nhiên trước những câu chuyện chưa hề nghe, và theo bản tính tự nhiên không chấp nhận thực tế theo như họ kể lại, nhưng tôi tự nghĩ: “Chúng ta tin có quỉ và những sự can thiệp của chúng vào cuộc sống con người. Đàng khác tôi đã nghe nhiều vụ án hôn phối tôi chưa thấy bao giờ có sự trùng hợp trong toàn thể, cũng như trong chi tiết, như trong những lời chứng này. Nếu trong vụ án hôn phối mà các thẩm phán thấy có 8 chứng nhân nghiêm túc và đồng ý như thế, thì họ sẽ không do dự chấp nhận
giá trị minh chứng và quyết định của những lời chứng đó. Như thế để hướng dẫn tám chị này,tôi phải xử sự như chững chuyện đó là thật và không thể nào nghi ngờ.” Sau khi tra hỏi, tôi cho họp cả nhà lại và ra lệnh rõ ràng:

1. Không được nói chuyện với quỉ hay đáp lại một lời nào khi nghe tiếng nói trong đêm. (Thực ra ai cũng thích nói chuyện với tiếng đó và rất thích thú). Một thỉnh sinh đã nói chuyện hai giờ với tiếng lạ. Một phụ tá nhà tập đã hỏi quỉ về hình khổ hoả ngục.

2. Không được bàn chuyện đó với nhau. Nếu chúng con bối rối thì có bề trên và cha giải tội khuyên bảo chỉ dậy. Chỉ các ngài có quyền làm điều này.

3. Đừng để ý đến những gì quỉ nói cũng như những gì nó kể cho mình nghe vì quỉ là cha sự dối trá. Đôi khi nó nói thật là chỉ để cho người ta dễ tin vào điều dối trá và làm cho chúng ta bất hoà (đã có những bất hoà).

4. Phương thế hữu hiệu nhất để chống thằng quỉ mạnh mẽ và đa mưu hơn chúng ta là dựa cậy vào Chúa bằng lời cầu nguyện sốt sắng.

5. Tuyệt đối không nói chuyện đó với người bên ngoài.

Chương 2 – Quỷ phá phách

Người ta phải dùng hết mọi phương tiện siêu nhiên có hiệu quả nhất để chống lại ma quỷ. Tất cả các tập sinh và thỉnh sinh nhận được một ảnh thánh Bênêdictô được làm phép cách long trọng. Nhà tập được làm phép và dâng hiến cho Thánh tâm Chúa. Nhà dòng làm tuần cửu nhật kính thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Chắc chắn kết qủa rất tốt. Tuy nhiên quỷ tiếp tục quấy phá. Hầu như mỗi tuần có những hiện tượng mới xảy ra làm tăng thêm lộn xộn và đôi khi làm các cô gái sợ hãi. Để bên ngoài khỏi biết, hay nghi ngờ, có chuyện gì xảy ra trong nhà tập mỗi tuần, tôi chỉ đi thăm các nạn nhân một hay hai lần, nhưng mà bề trên mỗi ngày đều gởi thư thông báo cho tôi. Nói hết mọi chi tiết cho bạn đọc sẽ nhàm chán. Cũng một thứ hiện tượng xảy ra hàng chục lần. Nhờ những thơ đó và hồi ức của tôi, tôi xếp đặt lại đây những sự kiện chính yếu xảy ra trong nhà tập.

Tượng Chúa Kitô bị kéo ra khỏi thánh giá vào đêm 21 rạng 22 tháng 9 năm 1924, ngay sau giờ kinh chiều tập sinh lại bị quỷ quấy phá. Nó lớn tiếng trách chị đã tâm sự với bà giáo tập và nói: “Mi cứ đi kể những điều tao làm cho hai bà sơ này, họ sẽ mách cho bề trên. Không quan trọng gì. Họ đến Chùa bốn lần (đền Sòng) để cầu xin tao làm cho mi xuất dòng. Tao sẽ không tha mi bao lâu mi còn ở trong nhà dòng. “Cùng lúc đó quỷ gây tiếng động và đánh vào mặt, vào miệng chị Diện. Nghe tiếng ồn ào, một chị phụ tá nhà tập mang tới một cây Thánh giá lớn dài khoảng hai mươi phân và đặt vào tay chị
Diện, tức thì tượng Chúa Kitô bị kéo mạnh ra khỏi Thánh giá bởi một bàn tay vô hình và biến mất. Sau nhiều lần tìm kiếm mà không thấy người ta mang lại một cây thánh giá khác lớn hơn. Nhưng tượng Chúa Kitô cũng bị bóc ra như thế và lẹ làng như thế.

Sư tầm