T4, 10 / 2017 10:58 Chiều | Đức Tin Jesus

 Lòng mộ đạo bình dân của người Argentina, không thể không nghĩ đến lòng mộ đạo bình dân của giáo dân nước Việt mình nhất là các giáo dân vùng cao nguyên. Ở họ có một cái gì rất đơn sơ, rất chân thành, họ lặn lội đi rất xa để dự thánh lễ, thánh lễ nhiều khi làm trong chuồng bò hoặc trong những căn nhà không ra nhà.

Các giáo dân thuộc dân tộc thiểu số ở cao nguyên họ có những nghi thức cử hành thánh lễ riêng của họ, với chuông, trống rình rang của họ. Người kinh nhìn vào cho họ là “nhà quê, dị đoan, ấu trĩ” nhưng một chữ NHƯNG to tướng, Chúa ở trong lòng họ và Chúa ở trong lòng những người văn minh là mấy Chúa? Chúa ngoái đến các lễ nghi long trọng văn minh của người kinh hay ngoái đến các lễ nghi thô sơ, luộm thuộm của người dân tộc? Chúa thương người ăn mặc sang trọng hay người ăn mặc rách rưới? Những câu hỏi kiểu này không trả lời được, vì tất cả chỉ là cái vỏ bề ngoài.

Niềm khát khao tâm linh nơi con người là một niềm khát khao vô tận và nơi những người chân chất, thiếu thốn vật chất thì niềm khát khao này lại càng lớn, bởi vì họ không có một cái gì để chia trí, họ sát với điều thiết yếu, điều thiết yếu đó là thần linh, là Thiên Chúa, là hơi thở của họ. Còn người văn minh, họ có quá nhiều thứ để giải trí và họ đã đánh mất điều thiết yếu, với họ, cái gì cũng trở thành thiết yếu. Tất cả máy móc phải là đời mới nhất vì máy cũ không có một chi tiết nào đó của máy mới!

Anh Geo nhắc đến lòng mộ đạo bình dân của giáo dân Argentina, nếu mình cầm ảnh tượng Đức Mẹ Lujân đi ngoài đường thì sau năm phút sẽ có người dừng lại xin sờ, xin hôn. Đọc đoạn này tôi không thể nào không nhớ chị em tôi ngày xưa, mỗi lần đi ngang trước ảnh tượng Đức Mẹ là quỳ gối xuống làm dấu. Dĩ nhiên khi lớn lên, chẳng còn ai giữ thói quen này, nhưng rồi cũng không còn thói quen đi nhà thờ, không giữ đạo với những lý lẽ ngắn gọn: không còn thấy một giá trị nào đáng giá ở nhà thờ nữa!

Còn tôi, vì sao tôi còn giữ đạo? Đặt câu hỏi này là đặt câu hỏi “sống chết vĩ đại” vì không trả lời được câu hỏi này là “chết” với con tôi (bà Marta này hay chết quá nhỉ!), bởi vì chúng đang nhìn tôi và hỏi: “Mẹ, mẹ làm gì với đức tin của mẹ vậy?”

Trẻ con lớn lên ở đây nhìn những ai đi nhà thờ như những người ngố, và tôi đã trả lời: “Con, con biết không, Shakespeare có nói: ‘Nếu trước đây mình yêu mà bây giờ mình không yêu nữa thì hồi đó mình chưa yêu!’ Trước đây khi mẹ còn nhỏ, mẹ tin vào Chúa, đức tin của mẹ lúc đó rất đơn sơ, rất chân thành và mẹ tin có Chúa thật; bây giờ lớn lên, với bao nhiêu ô nhiễm đã vào đầu mẹ, mẹ muốn gạt Chúa ra ngoài nhưng mẹ biết mẹ chưa có lý do nào đủ vững để gạt, chẳng lẽ tại này tại kia… nên mẹ phải tìm về đức tin đơn sơ của một em bé ngày xưa, vì thế mẹ giữ đạo. Vì mẹ muốn bảo vệ đức tin ban đầu của mẹ, chẳng lẽ hồi đó mẹ không tin à, đức tin của một em bé thì phải có thôi!”

Trong tất cả các quan tòa, tôi không sợ quan tòa nào hết, vì các quan tòa dư luận họ nói họ nghe, các lời khen tiếng chê dù có làm sao đi nữa thì nó cũng dần dần đi vào bộ máy quên, tôi chỉ sợ “quan tòa con” bởi vì nó ở trước mặt, bởi vì nếu mình không có lý lẽ vững để nói chuyện thì mình sẽ xa dần con.

Và thế là tôi lọt qua được phần vấn đáp, bởi vì chính con tôi cũng có kinh nghiệm này. Thời gian lại là đồng minh hỗ trợ cho câu trả lời này vì khi đến lượt chúng có con, chúng sẽ thấy tấm lòng mộ đạo rất đơn sơ, rất bình dân của con cái mình. Càng nhỏ càng thích đọc kinh, xưng tội lần đầu tiên thì vét hết các tội để xưng, xưng xong mà phạm lại thì áy náy muốn đi xưng lại ngay để được xứng đáng rước Chúa vào lòng! Vì sao khi lớn lên lại cho những chuyện này là chuyện “trẻ con”, không đáng để ý. Phải trân trọng những tình cảm ban đầu này để không đánh mất tuổi thơ của mình. Người không còn tuổi thơ là người gì nhỉ? Có lẽ là người lang thang suốt đời để đi tìm… tuổi thơ!

Cũng may thời buổi bây giờ cỏ lùng mọc nhanh quá nên quá dễ để phân biệt, ngay ngày đầu tiên khi có đứa con đầu lòng, các con tôi đã sợ: “Mẹ ơi, thời buổi này mà không nuôi dạy con cái theo khuôn khổ đạo thì… chết mẹ ơi. Con không thấy có một giá trị nào có thể thay thế các giá trị của đạo mẹ ạ.”

Và được dịp, tôi tỉ tê: “Con ạ, mẹ đọc các bài của Đức Phanxicô, mẹ thấy ngài hay nhắc đến một câu trong sách Khải Huyền: ‘Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu.’ Có phải khi mình nghe câu này, mình cảm thấy trong lòng dâng lên một nỗi buồn man mác nào đó phải không con? Muốn không buồn, mình phải để nó trước mặt để mình nhớ nó phải không con?”

Phải để lòng mộ đạo bình dân của những người dân tộc thiểu số trước mặt để thấy tâm hồn đơn sơ của họ, để nhớ lại tâm hồn đơn sơ của mình và để không đánh mất niềm tin thuở ban đầu, như thế mới đi theo giáo hoàng Phanxicô được!