T5, 10 / 2017 11:56 Chiều | Đức Tin Jesus

Trong quyển “Tĩnh tâm với Kinh Lạy Cha”, Louis Evely đã nghiệm ra ý nghĩa sâu sắc của câu nói “Thiên Chúa là Cha”: nói “Thiên Chúa là Cha” cũng đồng nghĩa với nói “Thiên Chúa là Cho”. Louis Evely viết: “Là Cha là hiến ban chính mình, là yêu một kẻ khác trước khi kẻ ấy yêu mình, khi kẻ ấy chưa yêu mình, khi kẻ ấy chưa hiện hữu. Ðó là yêu thương một người nào đó cách nhưng không, chưa cần người đó làm gì cho mình cả”“Chính Thiên Chúa yêu chúng ta như thế đó, yêu cách trung thành, với lòng nhẫn nại vô bờ, vì Ngài là Cha một cách vô hạn.

Thiên Chúa có thể bị chối từ và quên lãng nhưng chính Ngài không thể phủ nhận hay quên lãng chúng ta được. Con người có thể sống không Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không thể thôi làm Cha được”“Nơi Ngài, không còn có một phần nhỏ nhoi nào là quay trở về mình, là tìm ‘cái tôi’ nữa… Tất cả những gì của Cha là của Con”; “Thiên Chúa chỉ biết yêu thương và trao ban. Ngoài ra Ngài không là cái gì khác nữa”.

Bài Tin Mừng hôm nay là một lời tỏ tình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng câu chuyện bữa tiệc cưới để bày tỏ cho loài người biết tình thương bao la của Thiên Chúa là Cha đối với loài người là con của Ngài: Thiên Chúa chính là vị vua đã mở một bữa tiệc thịnh soạn. Trước đó một thời gian, Ngài đã gởi thơ mời trước (câu 3a). Tới ngày tiệc, Ngài sai người đến nhắc lại lời mời “xin họ đến dự tiệc” (câu 3b). “Nhưng họ không chịu đến” (câu 3c). Ngài chưa nản lòng, lần thứ hai Ngài lại sai người đi mời nữa và còn dặn “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc” (câu 4). Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới… Ðã vậy mà Thiên Chúa vẫn không nản lòng, lần thứ ba Ngài sai đầy tớ ra khắp các ngả đường, gặp ai cũng mời vào dự tiệc” (câu 9).

Ðọc lại những chi tiết trên, ta không thể tin rằng đây là một Ông Vua mở tiệc mời quan khách đến dự tiệc cưới của hoàng tử con trai mình, mà giống như một người tình si tìm đủ cách để tặng quà cho kẻ mà mình yêu mến. Mặc dù bị từ chối hết lần này tới lần khác, Ngài vẫn tìm cách để tặng, để cho. Louis Evely đã nghĩ rất đúng, “Thiên Chúa là Cha, mà là Cha nghĩa là Cho. Thiên Chúa không thể không làm Cha cho nên Thiên Chúa không thể nào không Cho”.

Qua tất cả những việc xảy đến trong cuộc đời chúng ta, Chúa đều để sẵn một món quà tặng trong đó để Cho mỗi người, dù là việc lớn hay việc nhỏ, thành công hay thất bại, vui hay buồn. Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu đã thấy rất rõ điều đó nên mới nói “Tất cả là hồng ân”. Nếu Thiên Chúa có xin gì nơi loài người thì điều duy nhất là xin chúng ta hãy nhận lãnh quà tặng của Ngài. Những lời “xin xỏ” như thế rải rác khắp dụ ngôn: “Xin họ đến dự tiệc” (câu 3), “Mời quý vị đến dự tiệc” (câu 4), “Tiệc cưới đã sẵn sàng” (câu 6).

Vậy để làm cho Thiên Chúa vui, mỗi người hãy khám phá ra những món quà tặng của Chúa trong mọi biến cố cuộc đời, và hãy lãnh nhận chúng. Tuy nhiên, để lãnh nhận những món quà tặng ấy, chúng ta cũng phải coi trọng chúng hơn những quà tặng khác của thế gian, như “đi thăm nông trại” hoặc là “đi buôn bán” (câu 5).

Thật là bạc bẽo, thật là vô tình nếu chúng ta không để cho Thiên Chúa được hưởng niềm vui là thấy chúng ta nhận lãnh quà tặng của Ngài!

Lm Carôlô HỒ BẶC XÁI – ĐCV Thánh Quí – Cần Thơ