Thập giá, đối với người Do Thái là một sự ô nhục, và là sự điên rồ đối với dân ngoại (1Cr 1,23), nhưng với người Kitô hữu, thập giá là biểu chứng của tình yêu. Vì nơi thập giá, Thiên Chúa, qua cuộc tử nạn của Ðức Giêsu, đã trao ban tất cả tình yêu, ơn tha thứ và sự sống cho nhân loại.
Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi những ai muốn theo Người thì phải “vác thập giá hằng ngày” mà theo. Nhưng thập giá mà Chúa mời gọi chúng ta vác mỗi ngày không phải là một hình phạt với những đau khổ, lao nhọc trong cuộc sống; đó cũng không phải là thái độ cam chịu trước số phận. Chính Ðức Giêsu đã không vác thập giá với thái độ cam chịu, Ngài chủ động đón lấy và đi đến cùng con đường thập giá để bày tỏ tình yêu với Cha và với nhân loại. Vì thế, Ngài mời gọi chúng ta hãy “vác” thập giá, đó là thái độ chủ động và sẵn sàng đón nhận tất cả những gì xảy đến như cách thức để thể hiện tình yêu đối với Thiên Chúa và với tha nhân. Xã hội hôm nay với xu hướng sống hưởng thụ dễ khiến người Kitô hữu thích tìm kiếm một cuộc sống dễ dãi, không phải hy sinh và muốn phủ nhận thập giá. Thế nhưng cuộc đời của người Kitô hữu nếu vắng bóng thập giá thì đó chỉ là một Kitô hữu giả. Và thập giá chỉ có ý nghĩa khi chúng ta đón nhận nó với tình yêu, sẵn sàng hy sinh, nhịn nhục, chấp nhận chịu thiệt thòi… để mưu cầu lợi ích của tha nhân. Không có tình yêu, thập giá bị xem như gánh nặng, như tai họa từ trên trời rơi xuống hoặc những bất công hay đau khổ mà con người gây ra cho nhau.
Các thánh tử đạo Việt Nam mà chúng ta long trọng mừng kính hôm nay đã không chối bỏ thập giá. Nói cách khác, các ngài đã “không bước qua thập giá”. Ở đây không chỉ là không bước qua cây thập giá mà vua quan đặt dưới đất, mà còn là việc sẵn sàng vác lấy thập giá với những hình khổ, những sỉ nhục và cả cái chết, để tuyên xưng niềm tin và bày tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và tha nhân. Có thể nói rằng, đức tin mà chúng ta có được ngày hôm nay là hoa trái trổ sinh từ máu của các thánh tử đạo đã đổ ra. Như vậy, tình yêu thập giá không phải là sự hủy diệt bằng đau khổ và cái chết, nhưng là nơi sự sống và đức tin được sinh ra.
Tự sức riêng mình, có lẽ không ai đủ can đảm và sức mạnh để vác lấy thập giá mỗi ngày như lời mời gọi của Chúa Giêsu. Chúng ta dễ bị cám dỗ đặt thánh giá xuống và bước qua để đi một con đường khác không thập giá. Thập giá vẫn sẽ mãi là “tai họa” khiến chúng ta sợ hãi và né tránh nếu chúng ta không khám phá và kinh nghiệm rằng, thập giá là nơi để thể hiện tình yêu, là niềm vui được trao ban qua những hy sinh, là sự sống được sinh ra từ những từ bỏ. Mừng lễ Các thánh tử đạo Việt Nam hôm nay, chúng ta hãy xin các ngài, là những bậc tiền nhân đã sống trọn niềm tin và đi trọn con đường tình yêu, bầu cử cho, để mỗi Kitô hữu cũng có được một đức tin đủ mạnh và một tình yêu đủ lớn để không bao giờ đặt thánh giá xuống và bước qua, nhưng can đảm vác lấy và bước đi trên hành trình đức tin của mình.
Chúng ta không thể tin Thiên Chúa mà không đồng thời gắn bó đời mình với thập giá của Người. Một đức tin vắng bóng thập giá thì không phải là đức tin Kitô giáo. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi những ai muốn theo Người thì phải “vác thập giá hằng ngày” mà theo. Thế nhưng chúng ta đã và đang vác thập giá như thế nào?