T4, 01 / 2018 6:18 Chiều | Đức Tin Jesus

Dù tản mát khắp nơi do những biến động của lịch sử, song ở đâu, làm gì, con cháu thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng vẫn luôn cố gắng giữ cho mình cốt cách xứng đáng miêu duệ thánh nhân.

TAM TÒA – QUÊ HƯƠNG THÁNH PHƯỢNG

156 năm trôi qua, kể từ ngày ông trùm họ Sáo Bùn đổ giọt máu đào, nêu gương đức tin rạng ngời, đến nay, dòng dõi ngài đã trải qua nhiều thế hệ. Về giáo xứ Tam Tòa, Ðà Nẵng, chúng tôi được nghe bà con truyền nhau về câu chuyện ông thánh Gioan Ðoạn Trinh Hoan và Matthêu Nguyễn Văn Phượng tử đạo. Hai vị, một là linh mục (thánh Hoan), người còn lại là ông trùm xứ (thánh Phượng). Cha Hoan đi tu, giảng đạo bị bắt và bị giết nên không có truyền nhân. Riêng thánh Phượng, con cháu vẫn còn cho đến ngày nay.

Ðôi chân khập khiễng, từng bước nhẹ nhàng dẫn chúng tôi vào nhà, ông Nguyễn Văn Sơn hướng về gian giữa, với giọng đầy tự hào: “Ðây là bàn thờ ông thánh nhà tôi. Ði đến nơi nào nếu nhìn thấy có thờ ảnh này là nhà đó với tôi có thể cùng gốc”. Bức họa được trưng phía dưới tượng Chúa, hình một vị mặc áo dài đen, tay trái đặt thánh giá lên ngực, tay phải cầm nhành huệ. Mặt trang nghiêm và thánh thiện. Khi khách vừa kịp cúi đầu, chủ nhà tiếp lời : “Bây giờ, ông đã được tuyên thánh rồi nên trở thành vị thánh chung, một chứng nhân cho mọi người. Chúng tôi chỉ may mắn mang dòng máu của ngài”. Gương mặt ông Sơn toát lên một niềm vui đến khó tả, không dấu ít nhiều sự tự hào. Ông Sơn là cháu đời thứ 6 của thánh Matthêu Phượng, nhà ở cách nhà thờ Tam Tòa không xa, đi bộ độ chừng mươi phút. Là một người hăng hái trong các hoạt động xứ đạo nhưng từ ngày bị tai nạn xe máy khiến một chân bị gãy, lại thêm sức khỏe suy giảm, ông không còn giữ thói quen đi lễ misa. Dầu vậy, trong tâm dường như có điều gì bứt rứt. Bây giờ, dầu đi lại khó khăn nhưng việc đạo đức ông luôn chu toàn. Với con cái, người đàn ông tuổi lục tuần này thao thức: “Trong chuyện sinh hoạt, tôi luôn dặn các con giữ nề nếp và sống đạo thật sốt sắng. Dù sao đi nữa vẫn phải biết cái gốc của mình, để cố gắng mà noi theo!”. Tại xứ Tam Tòa còn có nhiều gia đình khác cùng chung nhá nh với ông Sơn. Gọi là nhá nh vì vị trùm họ ngày xưa có đến sáu người con. Những thay đổi theo thời gian và nhất là cuộc di cư năm 1954 dẫn đến họ hàng chia cách ngày càng xa. “Có nhá nh vào Ðà Nẵng, Sài Gòn; có người chạy về Ðồng Nai, Phú Cường; hoặc ghé Nha Trang, Phan Thiết…, rồi cũng có lắm người bôn ba định cư nước ngoài. Bây giờ, con cháu ông thánh đông đúc và rải rác khắp nơi”, ông cho biết. Cùng là giáo dân xứ Tam Tòa, gọi ông Sơn bằng anh họ, do ông Sơn là con của người thuộc vai lớn hơn nhưng cùng thế hệ, ông Nguyễn Văn Hải cũng là truyền nhân của thánh. Tại Ðà Nẵng, mỗi khi dòng họ họp mặt hay giáo xứ tổ chức lễ kính ngày hai thánh chịu ơn tử đạo, chính ông Hải là người trưng bày tấm gia phả cho con cháu và mọi người xem. Dù rằng đối với ông, gia phả giống như một báu vật, phải gìn giữ cẩn thận. Tiếp chúng tôi tại tư gia, ông Hải kể nhiều điều về chuyện giáo xứ Tam Tòa tổ chức lễ kính thánh tổ vào ngày 26.5 hằng năm, rồi con cháu xứ sông Hàn xúm xít sau thánh lễ san sẻ nỗi niềm cuộc sống. Tuy thế, nét buồn trong giọng nói và cử chỉ vẫn không giấu kín được. Ông tâm sự, mình và người anh em (Sơn) đều thuộc nhá nh cụ Chỉ – người thứ năm trong số sáu người con của ông Phượng. Thế nhưng, nếu hỏi từng họ tên các vị ngày xưa đến giờ ngay trong nhá nh mình cũng chẳng ai còn nhớ, một phần bởi chiến tranh, cuộc sống mưu sinh làm thất lạc nhiều tài liệu, phần khác do thời gian qua lâu. Trong họ tộc còn được một vị cất giữ thánh tích ngày xưa nhưng ở tận Bình Dương và vài người cũng ở xa xôi, chỉ nói chuyện qua điện thoại…

Bức hình trắng đen chụp với các vị đời thứ tư

NƠI CON CHÁU CẤT GIỮ THÁNH TÍCH

Rời Ðà Nẵng, chúng tôi vào Sài Gòn tiếp tục hành trình đi tìm hậu duệ thánh nhân, lần theo địa chỉ ông Sơn cung cấp đến vùng đất Tân Lập, giáo phận Phú Cường. Căn nhà nhỏ nằm bên tỉnh lộ 746 trong trung tâm huyện là nơi sum họp của con cháu đời thứ năm, thứ sáu và thứ bảy. Xét về mặt hành chính, nơi đây thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ông Nguyễn Văn Thành, 84 tuổi, là trưởng tộc hiện tại của các nhá nh phía nam, người mà hai ông Hải và Sơn đều nhắc đến với sự kính trọng. “Kho báu” của cả dòng họ là một mẩu xương nhỏ trong bảy đốt xương cổ, cất trong mặt nhật. Nhiều người cho rằng mẩu xương văng ra khi ông trùm họ lãnh án chém, số khác lại không chắc chắn, chỉ biết duy nhất một điều sau khi ông tử đạo, con cháu và làng xóm mang di hài về chôn cất. Sau này khi cải tá ng, Ðức Giám mục Sohier (Bình) đã cẩn thận gói kỹ hài cốt trong tấm lụa và giữ tại Tòa Giám mục Huế. Ðến năm 1909, do lệnh của Bộ Phong Thánh, Ðức Giám mục Allys (Lý) đã mở ra để kiểm soát, niêm phong trong một tấm lụa và đặt trong hòm xương thánh, lưu giữ tại Ðại Chủng viện Huế. Trong một tài liệu về 117 vị thánh tử đạo Việt Nam, linh mục Nguyễn Ðức Việt Châu, dòng Thánh Thể (SSS) cho biết về cuộc tử nạn của thánh Phượng: “Trên đường ra pháp trường Ðồng Hới, ngài bước đi trang nghiêm, cúi mặt để thầm thì cầu nguyện. Tới nơi, ngài xin chịu xử quỳ như cha thánh Hoan. Chiêng trống nổi lên từng hồi, lý hình vung gươm chém một nhát thì đầu rơi xuống đất ngay. Những người đứng chung quanh xô nhau lấy vải thấm máu, bọc xác ngài đưa về an táng tại Mỹ Hương. Khi được tôn lên bậc Chân Phước, giáo dân Phú Xuân cải tá ng đem về nhà trường Phú Xuân Huế. Khi cải tá ng người ta còn thấy bản án viết trên tấm gỗ, ghi như sau: Năm Tự Ðức thứ 14, ngày 17 tháng 4. Tên Nguyễn Văn Ðắc, tự Phượng, là người theo đạo Gia-Tô, đã chứa chấp đạo trưởng Hoan, tội đáng chém”. Bây giờ, các thế hệ con cháu vẫn lưu truyền giai thoại về sự hiên ngang của thánh nhân. Chuyện kể rằng lúc ở trong tù, viên Lục Sự tòa án nói với ông hỏi xin cưới cô con gái đầu lòng, người này sẽ tìm mọi cách tha khỏi cái chết. Trước cơ hội được sống với các con lại được an nhàn vì gả con gái cho người quyền thế vậy mà ông Phượng khẳng khái chối từ. “Tôi sợ con tôi mất đức tin vì theo các ông. Cho dù ông có là ai đi nữa, thầy ký hay quan, hay giữ chức nào cao hơn tôi cũng không đồng ý”, ông Thành kể.

Trong gia đình thân tộc luôn có bàn tthờ riêng kính vị thánh, đây cũng là dấu hiệu để bà con xa nhận biết nhau – ảnh: NHL

Ngày trước, khi sức khỏe còn cho phép, ông Thành là một trong những người đi đầu trong ban hành giáo giáo xứ Tân Lập. Suốt mấy mươi năm đồng hành cùng các linh mục phụ trách, ông là người hiểu rõ từng nét về họ đạo như cây đa đầu làng và là chỗ dựa vững chắc của con cháu. Mọi sinh hoạt của các thế hệ sau được ông uốn nắn trên nền tảng đức tin. “Ơn thì ông thánh ban cho nhiều lắm. Có những cái sâu xa, nghiệm ra mới hiểu thấu, nhưng nhiều lần rõ rệt. Bây giờ, điều quan trọng trong đời sống là làm sao cho các thế hệ giữ được lòng sốt mến vững vàng. Không cần phải có một cuộc đời cao sang, giàu có, chỉ xin sống đẹp lòng thánh tổ”, ông nói. Từ trong ngăn tủ, ông đưa chúng tôi xấp tài liệu in sẵn, trong đó có bức hình trắng đen chụp các vị tiền nhân đời thứ tư, tức thế hệ trước ông một bậc. Tấm ảnh này là lời giải cho bức chân dung vị thánh ngày nay được tín hữu khắp nơi biết đến. Theo lời của ông, trong một lần họp mặt, các truyền nhân đời chú bác đã chụp một bức hình chung, sau đó nhờ họa sĩ giỏi phác họa lại vị thánh dựa vào những điểm tương đồng trên gương mặt các con cháu. Cứ lấy mỗi người một nét, cuối cùng ra bức họa. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hường cũng bày tỏ niềm vui khi gắn bó cùng chồng là dòng dõi vị thánh: “Bây giờ, mọi hoạt động lễ lạt tưởng nhớ ở phía Nam đều phải bàn bạc thông qua ông, vì các thế hệ đời trước thì mất gần như toàn bộ. Nếu còn cũng chỉ một hoặc hai người nhưng sức khỏe yếu hẳn rồi. Mỗi ngày, con cháu trong nhà thay nhau đốt hương bàn thờ. Ông căn dặn, trước khi đi đâu, làm gì quan trọng cũng phải nhớ cầu nguyện cùng thánh”.

Mặt nhật cất giữ mẩu xương nhỏ của vị thánh tử đạo được con cháu lưu giữ – ảnh: NHL

NẾP SỐNG ÐẠO ÐỨC

Con cháu thánh Phượng theo đường dâng hiến khá đông. Ngay trong hàng ngũ những người con ruột của vị thánh đã có một nữ tu (bà Nhu) theo dòng Mến Thánh Giá tại Huế. Qua các đời đều có các vị tiếp bước sứ mạng và số người đi tu ngày càng tăng lên, với thành phần từ nhiều nhá nh. Linh mục Giuse Nguyễn Quốc Việt, dòng Chúa Cứu Thế (CSSR), đang phục vụ tại xứ Châu Ổ, giáo phận Ðà Nẵng cũng là một trong những hậu duệ. Cha là cháu đời thứ sáu. Nói về đời sống mục vụ, cha khiêm tốn: “Tạ ơn Chúa cho tôi làm cháu thánh tử đạo, vì với mối dây vừa thiêng liêng vừa huyết tộc cho mình có động lực để nghĩ về ngài nhiều hơn. Mỗi lần về dự lễ giỗ Thánh Tổ, tôi luôn ước ao cuộc lễ có sức tác động để bà con mình sau khi tham dự trở về với gia đình sống dấn thân xây dựng Hôi Thánh tại giáo họ, giáo xứ mạnh mẽ hơn”.Mang trong mình lửa nhiệt huyết và dòng chảy đức tin kiên vững, vị mục tử ngày ngày lặng thầm cống hiến cho Chúa, cho mọi người bằng tất cả tin yêu.

Tháng 5.2017 vừa qua, miêu duệ thánh tổ hội tụ về giáo phận Nha Trang tham dự lễ kính thánh tử đạo rất đông đúc. Thánh lễ kỷ niệm do Ðức cha Giuse Võ Ðức Minh, Giám mục GP Nha Trang chủ tế. Người người dù ở tứ phương nhưng chung một tâm tình vui sướng, tự hào. Ông Nguyễn Văn Giáo, người phụ trách việc in ấn phẩm, cũng là đầu dây liên hệ của con cháu nói các cụ ngày xưa sống trong thời buổi khó khăn, đường sá trắc trở vậy mà đã cố công tìm kiếm thân sơ để duy trì mối thân tình thì bây giờ con cháu phải ra sức gìn giữ truyền thống. Ông kể : “Mỗi năm, cứ vào ngày giỗ, khắp nơi đều tổ chức. Có thể mỗi người một hoàn cảnh, một nếp sống nhưng chẳng ai dám quên ngày lễ chung của dòng tộc. Càng tự hào, trách nhiệm cũng càng cao”. Ngày giỗ là dịp để các thế hệ đoàn viên. Tại Ðà Nẵng, giáo dân Tam Tòa và toàn thể con cháu thánh Phượng cũng cử hành thánh lễ tạ ơn. Bà Nguyễn Thị Lệ Huyền, con gái ông Thành kể ở trên bồi hồi nhắc đến những chuyến đi thăm dòng họ qua mỗi lần giỗ tổ. Vì mỗi năm có thể tổ chức một nơi khác nhau, tùy theo ý nguyện của các cháu. Mỗi lần đi lễ là mỗi dịp tìm về nguồn cội. “Nhờ việc giữ nếp truyền thống lưu truyền chân dung và các hoạt động tưởng niệm mà có những lần vô tình dòng họ thất lạc lại được biết nhau. Cách đây không lâu, cháu gái ở nhà đi học xa quen phải một anh. Ngày anh này về nhà cô gái, thấy trên bàn thờ có chân dung thánh Phượng, liền không khỏi ngạc nhiên bởi nhà anh cũng thờ. Truy ra thì biết chúng có họ hàng. Nhờ vậy mà hiểu rõ nhau hơn, dù đã qua ba đời. Rồi từ từ tách ra…”, bà Huyền nói. Theo gương thánh nhân, bằng đời sống đức tin mãnh liệt, bà cũng như anh chị em khác trong dòng họ đều chu toàn bổn phận với gia đình, xứ đạo. Trong họ hàng, bà thúc bách con cháu rèn giũa đức tin. Nơi giáo xứ, bà cũng luôn hăng say, phục vụ. Sáu người con của ông Thành quây quần bên căn nhà ấm cúng. Mỗi người một việc, có chị làm giáo viên, có anh kinh doanh, bà Huyền chọn cho mình nghề may. Trên mỗi mũi kim đường chỉ, dù là phục vụ cho người lạ hay quen, bà vẫn thầm nhủ hãy làm thật tâm tình, đạo đức.

Ông Thành (ngồi giữa), người được xem là “cây đa đầu làng” của họ tộc thánh Phượng ngày nay – ảnh: tư liệu

Bây giờ, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông nên dòng dõi thánh nhân dù tản mát vẫn giữ vững mối liên hệ. Ai có điều gì hay, thành công bất ngờ hoặc có chuyện không vui cũng tiện hỏi thăm, chia sớt, vừa thắt chặt tình cảm, vừa giữ đức tin bền đỗ. Cho dẫu là người của nhá nh nào, xa xôi chưa từng quen, chỉ cần tham dự chung một thánh lễ tưởng nhớ hoặc nhận biết đó là họ hàng thì phút chốc, mối thân tình siết chặt lại. Và, dòng họ thánh nhân xưa vẫn âm thầm lưu truyền bao điều tốt đẹp, từ đời nọ đến đời kia, khắp thế giới.