T2, 12 / 2017 7:39 Chiều | Đức Tin Jesus

Ngày nay, không ít gia đình trẻ vì công ăn việc làm phải xa quê sinh sống. Với họ, mỗi lần cùng nhau đón Giáng Sinh nơi xóm trọ là những kỷ niệm đặc biệt, đọng lại nhiều xúc cảm.

NIỀM VUI NHỎ BÉ

Kết hôn với nhau chục năm vẫn sống trọ! Ðó là tình trạng càng phổ biến của nhiều người trẻ. Phần đông các cặp đôi đều đến từ những tỉnh xa xôi, nghèo khó… như miền trung hay miền tây. Có người vì thích cuộc sống nơi thành phố dù chỉ là ở gần những khu công nghiệp đầy bụi bẩn và tiếng ồn. Cũng có lắm đôi do hoàn cảnh kinh tế mà cố bám trụ. Song không vì vậy mà những ngày lễ trọng như Giáng Sinh lại bị họ lãng quên.

Vợ chồng anh Tuấn và chi Thu quây quần hạnh phúc trong bữa cơm đơn sơ nơi nhà trọ

Mỗi cặp đôi, tùy vào điều kiện sẽ có những cách tổ chức khác nhau. “Ðêm Noel làm gì hả? Tất nhiên là chúng tôi đến nhà thờ rồi, dù có bận rộn thế nào cũng phải sắp xếp. Dự lễ xong thì tự thưởng cho nhau một chút, tạm gọi là ‘ăn mừng’. Thường thì vợ chồng tự nấu một bữa hấp dẫn hơn thường ngày”, anh Nguyễn Minh Hùng, công nhân tại một xí nghiệp dệt may phía quận 12, TPHCM chia sẻ. Câu chuyện về đêm Giáng Sinh của anh chị thật thú vị. Trong suốt ba năm đầu sau kết hôn, vợ chồng giữ lửa yêu thương bằng cách cùng nhau chăm lo bữa ăn gia đình như thế. Ngày thường bận rộn, có khi anh chị ăn cơm ngoài tạm cho xong, nhưng Noel thì khác. Cả hai cùng đi chợ, chọn từng món rau, miếng thịt, củ hành… Ðể buổi tối thêm ý nghĩa, anh còn tặng chị một món quà nhỏ do khoản tiền chi tiêu riêng để dành. Rồi từ ngày vợ chồng sinh con, đêm mừng Chúa ra đời lại có sự hiện diện của thành viên thứ ba. Năm nay, bé Thảo con gái của anh chị được bốn tuổi. Sau khi cân nhắc đắn đo, cả nhà quyết định sẽ dẫn bé đến một nhà hàng nhỏ dùng tiệc, rồi cùng mẹ cha dạo chơi quanh các nhà thờ. Không khí đêm đông thoáng nghe sao ấm áp quá chừng !

Cùng con viếng hang đá, chụp hình là niềm vui của các gia đình trẻ trong đêm Noel (ảnh: nhân vật cung cấp)

Một số ít cặp đôi lại dành thời gian khá nhiều cho việc trang hoàng nơi phòng trọ. Bởi với họ, thói quen bài trí nhà cửa mừng lễ ngay khi còn bé đã thành hình. Một điều dễ bắt gặp nơi các gia đình Công giáo xa quê là hay sống thành những xóm trọ vừa gần nhà thờ vừa gần công ty làm việc, mặc cho giá cả các khu này có nhỉnh hơn chút ít. Ðầu mùa Vọng, cùng với giáo dân địa phương, sau giờ làm việc những đôi trẻ cũng chung tay trang trí phố, hẻm, làm hang đá, căng dây đèn sáng cả con đường dài. Ngày cuối tuần, người này phụ người kia trang trí cây thông, cửa nhà. Xóm lao động nghèo được dịp nhộn nhịp. Anh Lê Ngọc, 32 tuổi, sống trong xóm đạo giáo xứ Bình An, quận 8 rất phấn khởi khi nói về thói quen làm hang đá nơi hẻm trọ: “Mỗi người góp tay một chút, vậy mà vui. Buổi tối đi nhà thờ, con đường cũng đẹp hơn hẳn”. Ở cạnh nhà thờ Phú Bình – Sài Gòn, gia đình trẻ của chị Nguyễn Thị Hồng Thu và anh Nguyễn Văn Châu Tuấn năm nay đón mùa Giáng Sinh lần thứ hai với niềm hân hoan khi có tin vui về đứa con đầu lòng. Nhắc lại kỷ niệm trong mùa Noel đầu tiên, chị Thu kể anh chị đã dành trọn thời gian viếng Chúa Hài Ðồng trong đêm 24.12. Chị bảo năm nay cũng sẽ làm như thế: “Ðọc kinh xong vợ chồng tôi sẽ ná n lại nhà thờ cầu nguyện. Bởi anh là tân tòng nên việc quan trọng hơn hết vẫn là hun đúc đức tin cho anh. Trước đó, mình cũng đã tranh thủ đi đến các địa điểm trang trí Noel hấp dẫn như nhà thờ Ðức Bà, phố hang đá quận 8…”. Chị còn tự hào nói về chồng rằng anh là người rất mộ đạo. Việc đi lễ, đọc kinh sớm tối được giữ đều đặn, sốt sắng. Căn trọ dù hẹp, song đêm Giáng Sinh vẫn có cây thông nhỏ sáng lấp lá nh bên cạnh má ng cỏ bằng các vật dụng thường ngày mà anh Tuấn khéo léo thiết kế.

ƯỚC NGUYỆN DÂNG CHÚA

Tất nhiên, việc đón Giáng Sinh nơi đất khách quê người dù có dày công bằng cách này hay cách khác, vẫn để lại chút nỗi niềm ưu tư nơi các cặp gia đình trẻ. Sống đời công nhân, do tính chất công việc, một số cặp đôi thi thoảng vẫn có lúc mừng lễ trong cô đơn. Nửa còn lại có khi miệt mài nơi công xưởng khi chuông nhà thờ đánh bing boong vẫn chưa kịp về. “Buồn lắm chứ! Nhìn qua cửa công ty thấy người xe tấp nập đi lễ cũng bồn chồn chứ. Muốn đi. Nhưng công việc thì vẫn phải làm thôi. Hôm đó là tối thứ năm. Vừa ngồi ráp hàng vừa hướng lòng về Chúa cầu xin cho tương lai”, chị Trần Thị Ánh Nguyệt, 29 tuổi bồi hồi về đêm Noel tăng ca năm 2015. Vợ chồng chị đến với nhau được năm năm. Anh quê An Giang, còn chị gốc Phú Yên. Kể về lần đón Noel ấn tượng nhất, chị thủ thỉ do hai vợ chồng đều là công nhân, lương gộp lại chỉ tầm chục triệu, trọ tại khu Dĩ An đắt đỏ, cuộc sống còn khá chênh vênh nên dù có mừng lễ vẫn có chút đượm buồn. “Ðêm đó anh đèo mình dự lễ rồi đi chơi, thế là vui rồi. Nhớ những kỳ Noel ở nhà hồi bé bên ba mẹ mà chợt buồn. Mình còn phải nghĩ đến chuyện con cái rồi phụ giúp gia đình ở quê nữa, vợ chồng thương nhau cũng chỉ dám sắm cho nhau cặp áo lạnh, chút ít đồ dùng trong nhà”, chị Nguyệt tâm sự. Một số khác lại bị chia tách bởi một trong hai bận công tác xa. Quà Noel của đôi vợ chồng chỉ là cuộc nói chuyện qua điện thoại.

Ðêm 24.12 với cặp đôi trẻ đó là một sự thiêng liêng, ý nghĩa rất riêng. Bỏ qua những khó khăn của cuộc sống còn vơi đầy, nhiều gia đình có những chọn lựa lãng mạn. Một trong số đó là trường hợp của đôi anh Võ Khá nh Duy và chị Vũ Mị Nương đang làm việc tại quận Tân Phú, TPHCM. Cả hai tiết kiệm một số tiền khá và tự thưởng bằng một chuyến đi du lịch. “Có năm mình đi Nha Trang, cũng có năm vợ chồng chọn nơi gần như Vũng Tàu hay Sa Ðéc để phượt trong ngày. Tùy vào tình hình lúc đó nhưng tinh thần chung vẫn là thích khám phá”, anh Duy nói. Anh cũng cho biết thêm, bởi hay mừng lễ tại một nhà thờ mà cặp đôi chưa từng đến nên anh tốn khá nhiều thời gian cho việc lên mạng tìm hiểu thông tin giờ lễ, chỉ dẫn đường đi. Chọn lựa dự lễ ở đâu cũng là câu chuyện mà cặp đôi này bàn tán lúc rảnh trước khi đi. Chị Nương chốt lại: “Ở một góc độ nào đó tôi thấy chuyện cùng nhau trải nghiệm đó đây với chồng sẽ mang kỷ niệm, dù hơi tốn kém. Tuy không phải năm nào cũng được dịp đi như thế nhưng chúng tôi vẫn cố sắp xếp, xin phép nghỉ. Vào nhà thờ lạ, nhìn ngắm cảnh vật, không gian, rồi quỳ bên nhau cầu nguyện. Có lắm nỗi ưu tư trong tôi về tương lai, con cái, công việc… để gởi gắm, nhưng điều quan trọng nhất mà tôi hướng đến đó là làm sao duy trì một tình yêu nồng nàn để mái ấm vững bền”.