T6, 11 / 2017 9:03 Chiều | Đức Tin Jesus

Đối với các gia đình Công giáo, dạy bảo con cái về những người thân đã mất trong gia đình, dòng họ là điều mà các bậc phụ huynh rất quan tâm.

NĂNG KHƠI GỢI CHO CÁC EM

Lm Phêrô Nguyễn Anh Tuấn (Phó xứ Chánh tòa – GP. Phan Thiết): Theo tôi, không chỉ riêng trong tháng các linh hồn mà trải dài trong năm, người có trách nhiệm phải thường xuyên nhắc nhở các em nhớ về người quá cố. Vì với trẻ nhỏ, nhắn nhủ nhiều lần các em sẽ nhớ và hình thành ý thức sau này. Riêng người mục tử, chúng tôi cũng học hỏi những cách thức phù hợp để dễ lôi cuốn mỗi khi gặp gỡ, qua đó giúp thiếu nhi hiểu các linh hồn là ai, gần gũi nhất chính là ông bà, cha mẹ của mình đã qua đời mà nay đang cần đến lời cầu nguyện để được sớm về thiên đàng hưởng Nhan Thánh Chúa. Qua thánh lễ, dịp gặp mặt, tôi cũng thường nhắn nhủ với phụ huynh để họ năng dắt con đến viếng nghĩa trang, hay trong giờ kinh gia đình nhớ cầu nguyện cho ông bà.

CHA MẸ LÀ TẤM GƯƠNG 

Lm Phanxicô Assisi Ðỗ Ðình Lâm (dòng Phanxicô): Cha mẹ đóng vai trò chính yếu trong việc giáo dục con cái. Lối sống của cha mẹ sẽ ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến cách nhìn nhận của con trẻ. Ðối với việc giáo dục con cái hướng đến cội nguồn và các giá trị truyền thống, cách sống của cha mẹ cũng tác động rất nhiều. Hình ảnh ông bố, bà mẹ đối xử với ông bà nội ngoại từ khi còn sống đến lúc qua đời sẽ là những mẫu gương sống động nhất cho con cái. Cha mẹ trước hết phải là những người thảo hiếu, lễ nghĩa, chu toàn nghĩa vụ làm con đối với ông bà. Khi ông bà mất đi cũng phải trọng tình, tưởng nhớ, đọc kinh cầu nguyện, xin lễ, làm giỗ để con cái noi theo.

DẠY CON KHI CÒN NHỎ

Ông Nguyễn Văn Thu (Gx Hòa Thuận – GP Bà Rịa): Ngày các con còn bé, đi nhà thờ tôi luôn bồng cháu theo, tập cho cháu làm quen với đạo. Trong tháng cầu cho các linh hồn, gia đình đi tảo mộ cũng đưa cháu đi cùng, nói cho cháu biết về ông bà tổ tiên, để cho cháu vừa chơi vừa làm những công việc nho nhỏ. Bên ngoại nhà tôi cũng có truyền thống giỗ tổ hằng năm vào ngày tết Ðoan Ngọ, tất cả họ hàng ở xa hay gần đều quy về quê làm lễ giỗ tổ tiên. Ðây cũng là dịp đoàn viên để mọi người cùng ôn lại chuyện xưa, để các cháu biết được họ hàng thân thích của mình, quan trọng hơn hết là để dạy cho các cháu biết sống với thái độ biết ơn, uống nước nhớ nguồn.

KHÔNG CHỈ NÓI SUÔNG

Bà Nguyễn Thị Uy (Gx Thánh Tâm – GP Xuân Lộc ): Tôi vẫn hay kể lại cho các cháu nhỏ những câu chuyện về nền nếp sống đạo của các cụ ngày trước để các cháu noi gương. Trong gia đình, tôi dạy các cháu đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên từ nhỏ và cố gắng giữ giờ kinh chung của gia đình. Sau giờ kinh, cả nhà ngồi lại ít phút để nói cho các cháu hiểu linh hồn tiên nhân là ai, kể những kỷ niệm khi ông bà cố còn sống. Bên cạnh đó, bản thân tôi trước đây khi còn sức khỏe thì tham gia ca đoàn hay các sinh hoạt chung ở xứ nhà, sau này các con tôi cũng đã góp phần vào những công việc ấy. Tôi mong dù cho đời sống có biến đổi thế nào đi nữa thì con, cháu của tôi luôn sống nếp sống đạo đã có từ thời cha ông.

NHẮC KỶ NIỆM VỀ ÔNG BÀ 

Anh Phêrô Vũ Thái Hòa (Gx Thánh Giuse – TGP.TPHCM): Trong những câu chuyện hằng ngày với con, thỉnh thoảng tôi vẫn hay nhắc những kỷ niệm về ông bà, hay nhiều khi chỉ đơn giản là kể về thói quen ngày xưa của các cụ. Ðó là phương cách đơn giản nhất mà tôi nghĩ ai cũng có thể làm để con cái mình cảm thấy gần gũi với người thân đã khuất và không lãng quên việc tưởng nhớ. Vào ngày đầu mỗi tháng, tôi và vợ tập thói quen cho con dọn dẹp bàn thờ tổ tiên. Ngày thường, các cháu cũng được dặn dò năng thắp hương, đọc kinh nguyện, để bàn thờ gia tiên không bị lạnh lẽo.