T5, 01 / 2018 5:20 Chiều | Đức Tin Jesus

50 năm hiện diện trong dòng chảy nhộn nhịp của Sài Gòn, nữ Đan viện Biển Đức Thánh Mẫu Maria là ốc đảo bình yên đón nhận, xoa dịu và nâng đỡ bao tâm hồn mỏi mệt tìm về Thiên Chúa.

Mục vụ tĩnh tâm

Khác hẳn với bầu khí sôi động bên ngoài, bên trong cánh cổng nhà dòng là những con đường lát đá đơn sơ, lũy tre, hàng cây rợp bóng, tiếng nguyện cầu râm ran của những đoàn khách. Với đoàn sủng mục vụ là đón tín hữu đến tĩnh tâm, bồi dưỡng tâm linh, từ giữa thập niên 1970, đan viện ngày càng thu hút nhiều người tìm về. Chị Maria Trần Thị Ngọc Hương (Ðồng Nai), một trong số khách tĩnh tâm chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi đến là cùng với đoàn của giáo xứ, sau này thì đi chung với chồng hoặc đi một mình vì khoảng cách từ nhà đến đây cũng không quá xa. Ấn tượng mà tôi luôn nhớ là khung cảnh đơn sơ của dòng, là sự hiếu khách của các dì đã khiến tôi cảm nhận được sự bình an và dễ dàng lắng lòng hướng về Chúa hơn”.

Mỗi người một công việc khác nhau, vui sống âm thầm trong bầu khí thinh lặng của nội vi đan viên – (ảnh: tư liệu)

Không chỉ là điểm dừng để lắng lòng của giáo dân, đan viện còn đón tiếp các tu sĩ, linh mục, giám mục đến cầu nguyện trong sự thinh lặng đặc trưng của dòng. Ai ở gần thì ghé một khoảng thời gian rồi về, người ở xa thì lưu lại một đêm để được sống những phút giây bình thản, không âu lo, được thưởng thức bữa cơm đạm bạc “made in nhà dòng” và được tiếp thêm sức mạnh để bước tiếp vào ngày mai. “Ði làm về, tôi tranh thủ ghé dòng để cầu nguyện. Sau những mỏi mệt của công việc, chỉ cần vài phút ngồi trong nhà nguyện ngắm Chúa thôi là tôi thấy ổn hơn nhiều”, chị Têrêsa Nguyễn Ngọc Bảo Hân ở gẩn đan viện cho biết. Nữ tu Anna Lê Thị Tuyết Trinh nhận định: “Ðan viện đã trở nên điểm dừng chân của bao người, đặc biệt những tâm hồn mệt mỏi, khổ đau muốn lấy lại sức mạnh để đi tiếp con đường nhân sinh. Chúng tôi đã chứng kiến không ít tâm hồn như thế. Vì thế, chúng tôi cố hết sức phần mình để duy trì môi trường xanh, để mọi người có thể thưởng thức phong cảnh thiên nhiên mà ca tụng Thiên Chúa”. Cứ thế, ngày qua ngày, người đến rồi lại đi nhưng phần thưởng lớn mà họ để lại cho công sức phục vụ của các nữ đan sĩ là những khuôn mặt sáng ngời, là nụ cười rạng rỡ, thanh thản khi tìm được nguồn ủi an.

Xóa mình để hiến dâng

Ðắm mình trong ơn gọi đan tu theo chân cha thánh Biển Ðức, một ngày của các đan sĩ là những giờ lao động đan xen với 5 giờ kinh nguyện. Mỗi người một công việc khác nhau, họ vui sống âm thầm trong bầu khí thinh lặng của nội vi. Có dịp đến đây và sống cùng các chị mới cảm nghiệm được bầu khí gia đình được tạo nên từ những con người đến từ khắp nơi nhưng mang chung một lý tưởng sống. Sống đời đan tu không phải lúc nào cũng ngập tràn niềm vui, cũng có lúc buồn lòng hay mệt mỏi, song tất cả đều có thể vượt qua với sự nâng đỡ, yêu thương nhau. Nữ tu Luca Kim Liên nói: “Niềm vui của tôi là luôn nhận được sự yêu thương, bảo bọc của các chị em trong nhà. Dẫu rằng mỗi người một tính cách, một thói quen khác nhau nhưng chúng tôi cố gắng hòa mình vào đời sống cộng đoàn, mài mòn đi những góc cạnh của bản thân để sống cùng nhau như trong một gia đình”. Những việc đó tưởng chừng là đơn giản nhưng để thực hiện được lại cần một quá trình dài đòi hỏi người ta biết từ bỏ và hy sinh.

Các nữ đan sĩ Biển Đức trong giờ kinh nguyện – ảnh: Mai Lan

Trong chiếc áo màu cát, cổ đeo sợi dây cước có cây thánh giá gỗ, đầu vẫn đội lúp dài dưới chiếc nón lá mộc mạc, người quét lá, nhổ cỏ, người sửa điện, nấu ăn…, các dì loay hoay làm việc không ngơi tay dưới cái nắng vàng rực của những ngày cuối năm. Trò chuyện cùng chúng tôi, dì Jean Baptiste Trần Thị Phin, một tu sĩ của dòng cho hay, trước đây các nữ tu mặc tu phục là áo chùng dài nhưng đến khoảng năm 1965 – 1966 thì chuyển sang mặc áo dài màu cát để nên phù hợp hơn với khí hậu và văn hóa Việt Nam. Màu của chiếc áo dòng cũng đồng màu với loại áo ngắn mặc trong nhà, phần nào gợi lên quyết tâm xóa mình, luôn ý thức mình là phận cát bụi để chỉ biết sống vì Chúa Kitô trong tâm khảm từng đan sĩ. Có những chị trước khi vào dòng có cuộc sống đủ đầy vật chất tiện nghi nên tưởng như khó có thể thích nghi với đời sống giản đơn nơi đan viện. Thế rồi ngày qua ngày, nhìn thấy chị em xung quanh lao động bằng đôi tay trong tinh thần chiêm niệm, họ tập làm quen từng chút, từng chút một và trở nên một đan sĩ thực thụ khi nào chẳng hay.

Giữa cuộc sống ngược xuôi tất bật, lối sống của các chị như một dòng chảy thanh khiết, bình thản mà lôi cuốn đến lạ lùng. Quỳ gối trong nhà nguyện giản đơn, nghe tiếng lá rơi, tiếng chổi quét xào xạc, tiếng ai đó thầm thì nguyện xin, tâm hồn chúng tôi chợt lắng lại và thanh thoát hơn. Phải chăng đấy chính là sức hút dịu dàng của nhịp sống đan tu?