T7, 12 / 2017 10:57 Sáng | Đức Tin Jesus

Mùa Vọng chuẩn bị cho chúng ta mừng Lễ Giáng Sinh. Phụng vụ Mùa Vọng làm sống lại lịch sử của dân Ítraen, nhắc chúng ta rằng tất cả lịch sử đó đều hướng chúng ta đến với Đức Giêsu. Vì thế, Mùa Vọng là thời gian thức tỉnh để chờ đợi ngày Chúa đến lần sau hết, và cũng là ngày chờ đợi Chúa đến với mỗi người chúng ta vào giờ chết. Cả hai thời điểm đó đều đang ẩn giấu; vì thế, chúng ta phải luôn ở trong trạnh thái thức tỉnh sẵng sàng gặp Chúa vào bất cứ lúc nào. Như lời Đức Giêsu đã căn dặn: “ Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻ lỡ ông chủ đến bất thần, gặp anh em đang ngủ.”

“ Như người kia trẩy đi phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.” Tù đó Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta phải biết thức tỉnh và cảnh giác tâm hồn để chờ ông chủ là Đức Kitô sẽ trở lại vào ngày cánh chung.

Ông chủ đi vắng:Đức Kitô về trời. Ngài đã thiết lập Hội Thánh và trao quyền và trách nhiệm cho các môn đệ tùy phận vụ của mỗi người.Thức tỉnh và canh giữ ngôi nhà của Ngài cho đến ngày lại đến là bổn phận của chúng ta.Thức tỉnh và canh giữ không có nghĩa là thụ động ngồi đó, nhưng phải tích cực hoat động. Lơ là, buông lỏng trách nhiệm là không chu toàn bổn phận; vì thế,các đầy tớ phải luôn thức tỉnh trong phận vụ của mình. Đó là trạng thái thức tỉnh nơi tâm hồn mỗi người.

Đời sống của chúng ta có những lúc như đi trong bóng đêm, khi chúng ta chiều theo những đam mê dục vọng của thân xác, của ý riêng, khi quên đi những bổn phận của con dân Nước Trời. Đêm tối gợi lên cho chúng ta một môi trường đầy cám dỗ, thử thách. Bóng đêm đối nghịch với ánh sáng. Ý riêng của con người đối nghịch với ý muốn của Thiên Chúa. Khi tâm hồn trong trạng thái ngủ mê trong đêm tối tội lỗi, sẽ đánh mất trạng thái thức tỉnh trong ánh sáng của Thiên Chúa.Khi ông chủ đi vắng, nếu thiếu thức tỉnh, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng như dân Chúa xưa:“ Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc làm chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió cuốn chúng con.” ( Is 64:5)

Mùa vọng là lời mời gọi chúng ta thức tỉnh, là cơ hội để bắt đầu lại. Mùa Vọng cũng là cơ hội cho chúng ta thoát khỏi những thói quen tiêu cực để hướng về một tương lai mới trong thức tỉnh, mong đợi và cầu nguyện. Chúng ta có thể tham gia vào các lễ nghi phụng vụ, nhưng đã trở thành thói quen, đã đánh mất ý nghĩa của những công việc chúng ta làm. Thói quen bóp chết chúng ta từ từ. Chúng ta bị chìm ngập trong những lối mòn truyền thống và sự tùng phục. Khi đi vào cuộc sống nhàm chán, thì hậu quả là chúng ta chỉ là những Kitô hữu theo thói quen; chúng ta đánh mất ý nghĩa của những lễ nghi phụng vụ, không còn biết lắng nghe Lời Chúa một cách tích cực.

Trải qua hàng ngàn năm đợi chờ Chúa đến, dân Do Thái đã có những giai đoạn đánh mất niềm tin và hy vọng trong khi chờ Chúa đến. Họ đã có những lúc ngủ mê, nhưng họ đã tỉnh thức: “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài?”( Is 63: 17a) và từ tâm tình thức tỉnh thống hối ấy, họ đã kêu cầu: “ Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại.”( Is 63 :17b)

Khi không còn niềm tin, không có Chúa trong cuộc sống, chúng ta như đi trong đêm tối. Vì thế, để không vướng phải những hiểm nguy của đêm tối phủ vây, phải tỉnh thức. Tỉnh thức với những gì không phù hợp ý Chúa, tỉnh thức với những gì làm chúng ta xa rời Chúa, tỉnh thức trong niềm tin tưởng vào sự quan phòng và yêu thương của Chúa.

Lm. Trịnh Ngọc Danh