T2, 02 / 2018 5:38 Chiều | Đức Tin Jesus

1.Tính luân lý của việc cho vay lấy lãi

Một số bản văn Cựu Ước không chấp nhận việc cho vay lấy lãi: “Với anh em của các ngươi, các ngươi không được lấy lãi ăn lời, nhưng các ngươi phải kính sợ Thiên Chúa, và anh em của các ngươi sẽ có thể sống bên các ngươi. Các ngươi không được cho nó vay bạc của các ngươi để lấy lãi và lương thực của các ngươi để ăn lời” (Lv 25, 36-37). “Anh em không được cho người anh em mình vay lấy lãi: vay bạc, vay lương thực, vay bất cứ thứ gì sinh lãi” (Đnl 23,20).

Trong Tân Ước, một đàng Chúa Giêsu khuyên ta cho vay mượn mà đừng mong được trả lại (x.Lc 6,34-35). Nhưng đàng khác, trong dụ ngôn những yến bạc, Người đã trách tên đầy tớ lãnh một yến bạc không chịu đem số bạc gửi vào ngân hàng, để khi chủ về thì thu được cả vốn lẫn lời (x. Mt 25, 26-27).

Hiện nay, các nhà luân lý đều xem việc cho vay lấy lãi (tiền bạc, hàng hóa tiêu thụ) là một việc làm chính đáng. “Cho vay hàng hóa tiêu thụ cũng giống như cho vay tiền, vì các hàng hóa luôn luôn có thể chuyển thành tiền. Bởi thế, nếu cho kẻ khác vay mượn hàng tiêu thụ như lúa gạo, vải vóc v.v., với một số lượng lớn, ta được quyền đòi một phần lãi tương đối, đặc biệt khi chúng được vay mượn để kinh doanh” (ĐGM Matthêô Nguyễn Văn Khôi, “Luân Lý Kitô Giáo Qua Mười Điều Răn”, quyển 2, Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2013, tr. 411).

Nhưng nếu chỉ vì nhu cầu sinh sống hằng ngày mà kẻ khác đến vay mượn ta, thì đức bác ái Kitô giáo dạy ta không được lấy lãi, như lời Đức Giêsu đã dạy trong Tin Mừng (x. Lc 6,35).

2. Tội cho vay nặng lãi 

2.1.Theo luật dân sự

2.1.1. Hành vi cho vay nặng lãi

Điều 476, khoản 1, của Bộ luật dân sự năm 2005 của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quy định về lãi suất cho vay như sau: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Giả sử như hiện nay lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là 10%/năm thì lãi suất cho vay (10% x 150%) không được vượt quá 15%/năm.

Như vậy, theo quy định trên của Bộ luật dân sự, nếu lãi suất cho vay vượt quá 15%/ năm đối với loại cho vay tương ứng thì gọi là “cho vay nặng lãi”. Tuy nhiên, không phải trường hợp cho vay nặng lãi nào cũng cấu thành tội cho vay nặng lãi.

2.1.2. Tội cho vay nặng lãi

Điều 163, khoản 1, của Bộ luật hình sự đã quy định về tội cho vay nặng lãi: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm”. Theo quy định của Điều luật trên, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có đủ hai dấu hiệu sau đây:

– Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên: 15%/năm x 10 lần = 150%/năm. Như vậy, cho vay khoảng 13%/tháng thì được xem là tội cho vay nặng lãi.

– Thứ hai: “Có tính chất chuyên bóc lột”. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay nặng lãi nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

2.2. Theo luân lý Kitô giáo

Cho vay nặng lãi, “đó là một hình thức bóc lột kẻ khác, một sự vi phạm đức công bình và bác ái. Tệ hơn nữa, nhiều người còn lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng hóa trên thị trường và hoàn cảnh khó khăn của kẻ khác để cho vay với một tỉ lệ lãi suất quá cao, khiến nhiều người không sao trả nổi và càng thêm túng quẫn” (Sđd. tr. 411). Cho vay nặng lãi là định lãi suất quá cao một cách bất công.

Nhưng thế nào là lãi suất quá cao? Điều này cũng tùy thuộc một phần vào quy định của pháp luật Nhà nước sở tại về hành vi cho vay nặng lãi.

Lm. LG Huỳnh Phước Lâm