CN, 11 / 2017 5:38 Chiều | Đức Tin Jesus

Hai mươi tám năm về trước, khi bắt đầu viết mục này, tôi viết một bài nhỏ với tiêu đề “Gắn kết và xa rời trong lòng Thánh Thể”. Trong tất cả những bài tôi từng viết, có lẽ bài đó, tôi đã nhận được nhiều hồi âm nhất.

Khái niệm ở đây là gì? Làm thế nào chúng ta có thể gắn kết và rời xa nhau trong lòng Thánh Thể? Đây là những lời cốt yếu:

Hãy tưởng tượng bạn là cha hay mẹ của một đứa con không còn đi nhà thờ nữa, không còn cầu nguyện nữa, không còn giữ luật Hội Thánh nữa, không còn tôn trọng long tin của bạn nữa, thậm chí có lẽ còn công khai nói không biết có Chúa hay không hoặc công khai tuyên bố mình vô thần. Bạn có thể làm gì đây?

Bạn có thể tiếp tục cầu nguyện cho con cái và sống theo niềm tin tôn giáo của mình, hy vọng tấm gương cuộc đời bạn sẽ có sức thuyết phục khi những lời nói của mình không còn tác dụng nữa. Bạn có thể làm như vậy, nhưng vẫn có thể làm được hơn thế.

Bạn có thể tiếp tục thương yêu và tha thứ con mình, và chừng nào chúng còn nhận được tình thương yêu và lòng tha thứ đó thì chúng còn đang nhận được tình thương yêu và thứ tha của Chúa. Sự tiếp xúc của bạn là tiếp xúc của Chúa. Vì bạn là một phần của Thánh Thể, nên khi bạn chạm tới con mình nghĩa là Chúa Kitô đang chạm tới con bạn. Khi bạn yêu thương chúng là khi Chúa Kitô đang yêu thương chúng. Khi bạn tha thứ cho chúng là khi Chúa Kitô  đang tha thứ cho chúng, bởi vì sự tiếp xúc của bạn chính là sự tiếp xúc của giáo hội.

Một phần của điều kỳ diệu Nhập Thể là sự kiện chúng ta có thể làm được cho nhau những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta. Chúa Giêsu trao cho chúng ta quyền năng đó: Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.… Các con tha thứ cho ai thì người đó sẽ được tha thứ.

Nếu bạn là một phần của Thánh Thể, thì khi bạn tha thứ cho ai, người đó sẽ được tha thứ. Nếu bạn thương yêu ai, người đó sẽ được Chúa Kitô thương yêu, bởi vì Thánh Thể không chỉ là nhiệm thể Chúa Giêsu mà còn là nhiệm thể của tín hữu. Được một tín hữu chạm tới, thương yêu và tha thứ là được Chúa Kitô chạm tới, thương yêu và tha thứ. Địa ngục có lẽ là khi người nào đó tự đặt mình ra hẳn ngoài vòng thương yêu và tha thứ làm cho họ không còn có thể được thương yêu và tha thứ nữa. Và đây không hẳn chỉ là vấn đề khước từ rõ ràng về tôn giáo hay luân lý, mà đúng hơn là vấn đề khước từ tình thương yêu từ cộng đồng những người tha thiết. Nói một cách đơn giản hơn là:

Nếu một người bạn thương yêu đi xa khỏi Giáo hội, không còn tin và giữ đạo, thì chừng nào bạn vẫn thương yêu người đó và vẫn giữ người đó trong tình thương yêu và tha thứ, thì người đó đang chạm tới “mép áo của Chúa Kitô”, đang được ôm vào Thánh Thể, và đang được Thiên Chúa thứ tha, bất chấp mối quan hệ chính thức bên ngoài của người đó với giáo hội như thế nào. Làm sao như vậy?

Họ đang chạm tới Thánh Thể vì sự tiếp xúc của bạn là sự tiếp xúc của Chúa Kitô. Khi bạn chạm tới ai, người đó đang được liên kết với Thánh Thể, trừ phi người đó chủ động khước từ tình thương yêu và sự tha thứ của bạn. Và điều này vẫn đúng kể cả sau khi chết: Nếu một người nào thân thiết với bạn chết đi trong một tình trạng mà ít nhất nhìn bề ngoài là đang không hòa hợp với Giáo hội, thì tình thương yêu và sự tha thứ của bạn sẽ tiếp tục gắn người đó với Thánh Thể và sẽ tiếp tục là niềm tha thứ cho người đó, kể cả sau khi chết.

G.K. Chesterton từng diễn đạt điều này trong một câu chuyện ngụ ngôn như sau: “Một người đàn ông hoàn toàn không đếm xỉa gì tới những chuyện tâm linh chết và xuống địa ngục. Các bạn của anh trên trần gian rất nhớ anh. Vị đại diện kinh doanh của anh tìm xuống tận các cổng địa ngục để xem coi có khả năng nào đem được anh về lại trần gian hay không. Nhưng dù người đó cầu xin để các cánh cửa được mở ra, nhưng các thanh sắt vẫn đóng im ỉm. Linh mục của anh cũng tới và phân trần: “Anh ta không hẳn là người xấu đâu; nếu có thời gian thì chắc hẳn anh ta đã trưởng thành. Xin hay thả anh ta ra!” Cá nh cửa vẫn ngoan cố khóa chặt trước mọi lời cầu khẩn. Cuối cùng, mẹ của anh đến, bà không xin thả anh ra. Giọng nhỏ nhẹ, với vẻ nghẹn ngào là lạ, bà nói với Xa-tăng: “Để tôi vào”. Ngay lập tức, hai cánh cửa to lớn mở tung ra. Bởi vì tình thương yêu thấu tận tới cổng địa ngục và cứu rỗi cho người chết.”

Trong nhập thể, Thiên Chúa là bằng xương bằng thịt như con người: trong Chúa Giêsu, trong Thánh Thể và trong tất cả những ai có đức tin chân thành. Sức mạnh và lòng thương vô vàn từ Chúa Giêsu vẫn luôn luôn ở với chúng ta trong thế giới này, nhưng tối thiểu chúng ta phải kích động nó. Chúng ta là Thánh Thể. Những gì Chúa Giêsu làm cho chúng ta, chúng ta có thể làm cho nhau. Tình thương yêu và lòng tha thứ của chúng ta là sợi dây kết nối người thân yêu chúng ta với Chúa, với sự cứu rỗi, với cộng đoàn các thánh, kể cả khi những người thương đó không còn đi trên con đường đức tin nữa.

Quá đẹp để không thể tin là thật được phải không? Vâng, chắc chắn như vậy. Nhưng còn có cách nào khác để nói về huyền nhiệm Nhập Thể!

J.B. Thái Hòa dịch