T3, 11 / 2017 9:27 Chiều | Đức Tin Jesus

Sau khi Chúa Giêsu nuôi cho hơn năm ngàn dân với năm cái bánh và hai con cá, Người nhờ các môn đồ đi nhặt các mảnh vụn còn sót vương vãi đây đó trên mặt đất. Họ đã làm theo và nhặt được mười hai thúng bánh vụn.

Gần đây, tôi tham dự một loạt buổi diễn thuyết của nhà thần học Walter Brueggemann. Ông  được kính nể vì tầm hiểu biết Kinh Thánh sâu rộng, ông nuôi dưỡng cử tọa với vài thúng hiểu biết, nhưng có lẽ ông được kính nể sâu sắc hơn vì ông quan tâm đến người nghèo và ông thách thức chúng ta đến với họ với tinh thần công chính và lòng quảng đại. Sau khi ông nuôi ăn đám đông là chúng tôi, đây là một vài mảnh vụn nhặt được:

Ngày nay có một mối hiểm nguy thật sự là sự riêng tư hóa đức tin quá mức. Giáo hội cần bảo vệ lương tri tập thể nữa chứ không chỉ lương tri cá nhân.

Đứng trước quan tổng trấn Phi-la-tô, Chúa Giêsu chuyển vấn đề quyền lực thành vấn đề chân lý. Chân lý sẽ luôn luôn bào mòn những xiềng xích của quyền lực và quyền lực không bao giờ chặn được chân lý. Chân lý là tinh thần làm cho thế giới này hòa điệu với Chúa.

Khi chân lý ra tay, chúng ta thấy nghèo nàn thành sung túc, cái chết thành sự sống, chiến tranh thành hòa bình, tình trạng đói ăn thành có thực phẩm.

Nơi ông Mô-sê, chân lý đối đầu với quyền lực; nơi tiên tri Ê-li-a, chân lý không đếm xỉa quyền lực; nơi ông Giô-suê, chân lý chuyển hóa quyền lực.

Bạn luôn luôn nhận ra một “Pha-ra-ô”: Nếu bạn đã gặp một Pha-ra-ô, thì coi như bạn đã gặp tất cả bọn họ rồi! Pha-ra-ô luôn luôn có những ước muốn xấu xa, tom góp của cải, luôn luôn cần các thùng ngày càng to để chắt nhặt của cải, lúc nào cũng lo âu và càng ngày càng xa Chúa, không để cho Chúa vào nhà. Chúng ta có ác mộng ở đâu?

Một vị Chúa chân chính luôn luôn hiệp lực chống lại Pha-ra-ô. Rốt cùng, Thiên Chúa chấm dứt cơn khủng hoảng và tái ổn định nó.

Rốt cùng, Kinh Thánh nói về nỗi đau thể lý và tình trạng nô lệ đau đớn. Cứu rỗi, giống như khởi đầu cuộc Xuất Hành, luôn luôn bắt đầu bằng tiếng kêu tuyệt vọng và cuối cùng kết thúc trong điệu nhảy hân hoan. Cơ thể bị thương tổn phải cất lên tiếng nói và tiếng nói này phải nói rằng nỗi đau này là không bình thường, không nên chịu đựng nó thêm chút nào nữa. Tình trạng nô lệ đau đớn và một vị Chúa chân chính cuối cùng sẽ vạch cho bạn một con đường xuyên qua biển, nơi đó quân lính của vua Pha-ra-ô không thể đuổi theo. Vì vậy không bao giờ chúng ta được để cho các tật bệnh đau đớn của chúng ta trở thành bình thường, cũng không chấp nhận tình trạng nô lệ chỉ vì nó mang đến an toàn.

Ngày nay, đối với đa số, hệ thống truyền thông phản ảnh ý thức hệ của vua Pha-ra-ô, ấy vậy mà chúng ta lại sẵn sàng hít thở luồng ý thức đó. Khi chúng ta tắt màn hình một lúc, chúng ta mới cảm thấy tự do hơn.

Công việc biến đổi của Chúa luôn luôn được giao phó theo ý chí và lòng can đảm còn miễn cưỡng của con người.

Sách Đệ Nhị Luật là một trong những tài liệu xã hội lớn lao nhất từng được viết ra, nó gắn đức tin với đời sống, kinh tế và công chính. Nó hướng dẫn đức tin luôn luôn hướng về người nghèo, về «bà góa, trẻ mồ côi, người lạ mặt.» Sách Đệ Nhị Luật có thể là tài liệu có tính chất phản khá ng nhất của toàn bộ Cựu Ước. Bên cạnh những điều khác, sách này dạy một cách không nhân nhượng rằng cần phải có những khống chế về mặt đạo đức đối với lý thuyết kinh tế cho rằng thị trường phải được hoàn toàn tự do cạnh tranh. Trong đoạn ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu, người trích dẫn Kinh Thánh ba lần và lần nào cũng là một đoạn trong sách Đệ Nhị Luật.

Sách Đệ Nhị Luật luôn luôn nhắc chúng ta rằng tất cả chúng ta đã từng là nô lệ và chẳng hay ho gì nếu chúng ta lãng quên điều đó. Chúng ta không nên tuyệt đối hóa hiện tại và tưởng tượng rằng xưa nay tình hình vẫn luôn tốt đẹp như hiện tại. Tất cả chúng ta đều phải nhớ mình từ đâu đến, và không chỉ trong các cuộc tranh luận về vấn đề di dân bây giờ.

Nếu chúng ta không coi trọng lời trong sách Đệ Nhị Luật rằng phải săn sóc người nghèo, thì chúng ta phải đối diện với sách của tiên tri Giê-rê-mi-a, ông quả quyết rằng thế giới mà chúng ta biết đây sẽ đến ngày cáo chung vì nó không thể nào trụ được trong giả dối.

Đối với tiên tri Giê-rê-mi-a, giúp người nghèo và người gặp khốn khó là nhận biết Chúa.

Truyền thống tiên tri trong Sách Thánh nhắc chúng ta nhớ là có ba đức hạnh: lòng quảng đại, lòng hiếu khách và tha thứ. Ngược lại, nền văn hóa hiện nay của chúng ta khuyến khích giữ của cải, tự vệ và thù oán.

Lý luận lớn nhất của chúng ta là: «Nếu tôi sống thời xưa khi mà các vấn đề rõ ràng minh bạch thì tôi cũng sẽ là thánh tử đạo, còn bây giờ, các vấn đề không được rõ ràng như vậy.”

Rao giảng công chính ngày càng khó vì xã hội ngày càng bị nạn lo âu trấn áp. Tuy nhiên, nếu chúng ta rao giảng công chính mà xã hội không nghe thì đó là vấn đề của xã hội. Nhưng nếu chúng ta không rao giảng công chính, thì đó là vấn đề của chúng ta.

Để trả lời cho câu hỏi vì sao đôi khi trong Kinh Thánh có vẻ như cổ vũ cho bạo lực: Vị Chúa trong Kinh Thánh là vị Chúa gom nhặt tất cả các bạo lực bị gán cho Chúa và làm nhân danh Chúa. Còn, trong các nhà thờ chúng ta, chúng ta có tất cả mọi mức độ gom nhặt khác nhau này.

Các lời cầu nguyện của chúng ta thường quá tôn kính: Chúng ta cần cầu nguyện như ông Mô-sê và nhắc Chúa nhớ những gì Chúa đã hứa với chúng ta.

Chúng ta là những người duy nhất trong thành phố biết con đường để thoát ra khỏi cơn khủng hoảng này!

J.B. Thái Hòa dịch