T2, 01 / 2018 5:00 Chiều | Đức Tin Jesus

Những bức ảnh Chúa Kitô hoặc các Thánh được vẽ theo lối ảnh thánh cổ thế này được gọi là icon, ngày nay phổ biến trong các Giáo Hội Chính Thống hoặc Công Giáo Đông Phương. Một trong những bức icon phổ biến nhất là icon Chúa Kitô Pantokrator.

Bức icon này thường vẽ tay trái Chúa cầm một quyển sách, tay phải đưa lên với ngón áp (đôi khi cùng với ngón út) gập xuống chạm vào ngón cái, các ngón tay còn lại chỉ lên cong cong theo thế thả lỏng. Nhưng liệu bạn có hiểu được cử chỉ tay phải của Chúa Kitô trên bức icon này có nghĩa là gì?

Nguồn gốc của cử chỉ tay

Ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, có một hệ thống cử chỉ tay được thiết lập bài bản để sử dụng trong thuật hùng biện và thuyết trình. Những bức icon cổ nhất của Chính Thống Giáo còn tồn tại đến nay vốn được tìm thấy ở Rôma, do đó người ta tin rằng những hoạ sĩ icon đầu tiên đã dung nạp các cử chỉ hùng biện của La Mã để vẽ Chúa Kitô, Đức Maria, các Thánh và các Thiên thần. Ví dụ như, trong bức icon Truyền tin dưới đây, Thiên thần Gaprien đang giơ tay lên trước mặt Đức Trinh Nữ để thông báo một chuyện quan trọng sắp được công bố.

Theo ý nghĩa này, việc Đức Kitô giơ tay phải lên trong các icon cũng ngụ ý Người có điều quan trọng cần nói. Tuy nhiên, với ý nghĩa Kitô học, cánh tay phải giơ lên của Chúa rõ ràng là để ban phép lành. Việc đưa tay như thế được các linh mục bắt chước theo khi chúc lành cho người khác, và cũng được phỏng theo trong các bức icon vẽ về các Thánh Hiển tu. Hơn thế nữa, tư thế các ngón tay của Chúa cũng có các ý nghĩa riêng, được phát triển qua thời gian.

Ý nghĩa cử chỉ tay

Trong icon Chúa Kitô, các ngón tay của Người đưa theo hình chữ “IC XC” (gọi là kiểu “ICXC”), là các ký tự được dùng phổ biến trong tiếng Hy Lạp để viết tắt Danh Đức Giêsu Kitô (IHCOYC XPICTOC). Chính nhờ Danh Người mà chúng ta được cứu độ và được chúc phúc: “Khi nghe Danh thánh Giêsu, mọi loài trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ đều phải bái quỳ” (Pl 2,10).

Ba ngón tay của Đức Kitô, đi kèm việc tạo hình chữ “I” và “X”, còn có ý chỉ về mầu nhiệm Ba Ngôi Vị hiệp nhất của một Thiên Chúa: Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngón áp út và ngón cái chạm nhau để tạo thành chữ “C” và để nói về mầu nhiệm Nhập thể: sự hiệp nhất giữa thần tính và nhân tính trong con người Chúa Giêsu Kitô.

Có thể nhầm lẫn với hội hoạ Phật giáo

Cần phải nhấn mạnh về các đặc điểm trên của cử chỉ này để tránh lầm tưởng tai tiếng rằng cử chỉ tay của Chúa Kitô trong các icon vay mượn từ cử chỉ tay của các vị Phật trong hội hoạ Phật giáo. Để phản biện luận điểm này, chúng ta hãy xem xét những đặc điểm sau đây:

– Bởi vì các cử chỉ tay vốn được nhấn mạnh trong thuật hùng biện La Mã và Hy Lạp cổ, mà nơi ra đời của các bức icon là La Mã, nên chắc chắn phải suy luận rằng các cử chỉ tay trong icon được các Kitô hữu “vay mượn” từ văn hoá La Mã chứ không phải là từ Phật giáo.

– Cử chỉ tay của Chúa Kitô có một ý nghĩa; cử chỉ tay của Phật trong các bức tượng cũng có một ý nghĩa: đến chuyện này thì hai bên tuyệt đối chẳng liên quan gì nhau. Thật vậy, cử chỉ tay của ảnh tượng Phật gợi ý về các thủ ấn (mudra), vốn không có quan hệ gì với cử chỉ tay của Chúa. Nếu chúng ta phản đối các phương tiện truyền đạt chân lý trong nghệ thuật Kitô giáo chỉ vì các tôn giáo khác cũng đã sử dụng những phương tiện tương tự, thì chúng ta chẳng còn gì hết. Cần phải chấp nhận các sự giống nhau và phân định các khác biệt.

– Không phải vì một tôn giáo nào đó có trước khi Chúa Kitô sinh ra mà ta nghĩ rằng mọi giáo huấn của tôn giáo đó đều có trước Kitô giáo. Trong số các thủ ấn phổ biến của Phật giáo, ấn giáo hoá (Vitarka Mudra) là ấn giống với cử chỉ tay của Chúa Kitô trên các bức icon nhất. Tuy nhiên, ấn của ảnh Phật thể hiện ba ngón tay thẳng chứ không cong như ảnh tay Chúa. Nói thế, ta lại thấy có những bức ảnh mô tả Phật cũng để ngón tay cong giống như tay Chúa chứ không thẳng như lập luận. Tuy nhiên, các bức ảnh Phật với ngón tay cong chỉ xuất hiện từ thế kỷ 8 SCN, rất lâu sau khi có các icon Kitô giáo. Chỉ như vậy ta mới được tha thứ khi đặt câu hỏi rằng thật ra thì tôn giáo nào ảnh hưởng tôn giáo nào.

– Cuối cùng, các thủ ấn Phật giáo có mục đích mô phạm, tức là nó truyền đạt một thông điệp nào đó. Nhưng cử chỉ kiểu “ICXC” của nghệ thuật Kitô giáo thì còn nhiều hơn như thế: đó vừa là một ký hiệu vừa là một phép lành. Tượng Phật giơ tay lên chỉ như vậy và tín đồ Phật giáo nhìn vào mà hiểu một giáo huấn nào đó; ảnh Chúa Kitô giơ tay Người lên và Kitô hữu nhận được phép lành của Thiên Chúa. Ngoài ra, cho dù là các tôi tớ của Người, tức là các Thánh, Thiên thần, giơ tay theo kiểu tương tự, có thể an tâm rằng chúng ta cũng nhận được phép lành của Thiên Chúa, nhờ danh Đức Giêsu Kitô, Chúa của tất cả chúng ta.

Gioakim Nguyễn chuyển ngữ