T2, 04 / 2018 8:29 Chiều | Đức Tin Jesus

Có ít nhất 12 bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời có chương trình sẽ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước khi Ngài đoán phạt thế giới bằng cơn đại nạn. Xin trình bày tóm tắt các bằng chứng ấy sau đây:

1. Cơn đại nạn được chỉ định cho dân Do Thái.

Đa-ni-ên 9:24-27 ghi lại chương trình của Đức Chúa Trời cho dân Do Thái gồm 70 tuần lễ, trong đó có tuần lễ thứ bảy mươi, là tuần lễ cuối cùng, gồm 7 năm đại nạn. Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gáp-ri-ên ban truyền cho tiên tri Đa-ni-ên biết chương trình như sau:

“Có bảy mươi tuần lễ định trên dân ngươi và thành thánh ngươi.” (Đa-ni-ên 9:24)

Dân ngươi: Là dân Y-sơ-ra-ên; thành thánh ngươi: Chỉ về thành Giê-ru-sa-lem.

Đức Chúa Trời cho biết mục đích của Ngài: “đặng ngăn sự phạm phép, trừ tội lỗi, làm sạch sự gian ác, và đem sự công bình đời đời vào” (câu 24b). Mục đích của Đức Chúa Trời là thanh tẩy dân Do Thái. Qua cơn đại nạn, dân Do Thái sẽ ăn năn và sẽ công nhận Chúa Jesus là Đấng Mê-si. Chúng ta biết được lý do tại sao có sự thanh tẩy nầy trong câu 26: “Sau sáu mươi hai tuần lễ đó, Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi.” Dân Do Thái đã không công nhận Chúa Jesus là Đấng Mê-si của họ, họ đã loại trừ Ngài bằng cách hiệp với chính quyền La-mã để đóng đinh Chúa Jesus trên thập tự giá (Giăng 19:15).

Như vậy, cơn đại nạn (tuần lễ thứ 70) được chỉ định cho dân Do Thái chứ không được chỉ định cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

2. Cơn đại nạn được chỉ định cho những người chống nghịch Chúa.

“Nầy, cơn bão của Đức Giê-hô-va, tức là cơn thạnh nộ của Ngài, đã phát ra một cơn bão lớn: nó sẽ phát ra trên đầu kẻ dữ. Sự nóng giận của Đức Giê-hô-va chẳng trở về cho đến chừng nào Ngài đã làm và đã trọn ý toan trong lòng Ngài. Trong những ngày sau rốt, các ngươi sẽ hiểu điều đó.” (Giê-rê-mi 30:23,24)

“Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, thì tự chấp chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ, khi sẽ hiện ra sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời, là Đấng sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo công việc họ làm: ai bền lòng làm lành, tìm sự vinh hiển, sực tôn trọng và sự chẳng hề chết, thì báo cho sự sống đời đời; còn ai có lòng chống trả, không vâng phục lẽ thật, mà vâng phục sự không công bình, thì báo cho họ sự giận và cơn thạnh nộ. Sự hoạn nạn khốn khó giáng cho mọi người làm ác, trước cho người Giu-đa, sau cho người Gờ-réc.” (Rô-ma 2:5-9)

“Cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời” (wrath of God) là cụm từ được dùng rất nhiều lần trong Cựu Ước và Tân Ước để chỉ về các tai họa kinh khiếp mà Đức Chúa Trời sẽ đổ xuống trên thế giới trong 7 năm cuối cùng. Chúng ta thấy những người không tin Chúa Jesus, những người chống lại chân lý mà không ăn năn kịp thời, đều phải chịu cơn đại nạn.

3. Đức Chúa Trời không chỉ định cơn đại nạn cho người tin Chúa Jesus.

“Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:9)

Phao-lô viết thư cho các con cái Chúa tại Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca, ông khẳng định Đức Chúa Trời không định cho “chúng ta” là những người đặt niềm tin sự chuộc tội của Chúa Jesus, phải chịu cơn đại nạn. Chúa Jesus sẽ giải cứu chúng ta ra khỏi cơn đại nạn bằng sự kiện chính Ngài sẽ giáng xuống trên không trung tiếp rước Hội Thánh ra khỏi thế gian trước khi cơn đại nạn đổ xuống.

4. Sự trông cậy hạnh phước của Cơ-đốc nhân.

“Vả, ân điển Đức Chúa Trời hay cứu mọi người, đã được bày tỏ ra rồi. Ân ấy dạy chúng ta chừa bỏ sự không tin kính và tình dục thế gian, phải sống ở đời nầy theo tiết độ, công bình, nhân đức, đang khi chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ.” (Tít 2:9-11)

Chúng ta là con cái Chúa đang sống trong thế gian nầy, chúng ta đang chờ đợi sự trông cậy hạnh phước, hay chờ đợi niềm hy vọng hạnh phước (looking for that blesssd hope) đến với chúng ta, đó là giây phút chúng ta được gặp Chúa Jesus trong sự vinh hiển của Ngài, chắc chắn Ngài đến đem chúng ta ra khỏi cơn đại nạn. Nếu chúng ta phải trãi qua cơn đại nạn (theo quan điểm Hậu Nạn) thì rõ ràng không phải chúng ta đang chờ đợi niềm “hy vọng hạnh phước” như Lời Chúa phán mà đang chờ đợi … tai họa giáng xuống trên chúng ta!!

5. Khải Huyền 3:1: Hội Thánh được tránh khỏi giờ thử thách.

“Vì ngươi đã giữ lời nhịn nhục ta, ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách, là giờ sẽ đến trong khắp thế gian, đặng thử những người ở trên đất.” (Khải Huyền 3:10)

Trên đây là lời phán của Đấng cầm chìa khóa của Đa-vít, phán với Hội Thánh Phi-la-đen-phi, là Hội Thánh không bị Chúa quở trách điều gì. Chúa hứa sẽ giữ Hội Thánh khỏi giờ thử thách (keep thee from the hour of temptation). Chúng ta cần ghi nhận vài yếu tố sau:

+ “Giờ thử thách” có ý nghĩa gì? Nếu đối chiếu với các câu Kinh Thánh khác dùng thuật ngữ đặc biệt để chỉ về cơn đại nạn như: “Ngày thạnh nộ” (Sô-phô-ni 1:15a), “Ngày hoạn nạn” (Sô-phô-ni 1:15b), “Ngày tai vạ” (Giô-ên 1:15), “Ngày tối tăm” (Giô-ên 2:2), “Ngày báo thù” (Ê-sai 34:8), “Hoạn nạn lớn” (Ma-thi-ơ 24:21) v.v… thì dễ thấy rằng “Giờ thử thách, là giờ sẽ đến trong khắp thế gian” cũng chỉ về cơn đại nạn sẽ đến trên thế giới.

+ Một trong các Hội Thánh bị Chúa quở trách là Thi-a-ti-rơ. Chúa kêu gọi Hội Thánh nầy ăn năn, kèm theo lời cảnh cáo nghiêm khắc: “Nầy, ta quăng nó trên giường đau đớn, và phàm kẻ nào phạm tội tà dâm với nó, mà không ăn năn việc làm của nó, thì ta cũng quăng vào tai nạn lớn.” (Khải Huyền 2:22).

+ Hãy chú ý đến một Hội Thánh khác, là Hội Thánh Sạt-đe, bị Chúa quở trách là Hội Thánh chết. Chúa kêu gọi ăn năn cùng với lời cảnh báo: “Vậy hãy nhớ lại mình đã nhận và nghe đạo thể nào, thì giữ lấy, và ăn năn đi. Nếu ngươi chẳng tỉnh thức, ta sẽ đến như kẻ trộm, và ngươi không biết giờ nào ta đến bắt ngươi thình lình.” (Khải Huyền 3:3)

Bây giờ chúng ta đối chiếu 3 Hội Thánh nêu trên:

– Hội Thánh Sạt-đe: Chúa đến như kẻ trộm bắt họ thình lình (nếu không ăn năn).

– Hội Thánh Thi-a-ti-rơ: Bị quăng vào tai nạn lớn (nếu không ăn năn).

– Hội Thánh Phi-la-đen-phi: Được giữ khỏi giờ thử thách (vì không có lỗi lầm).

Chúng ta sẽ phải kết luận rằng Hội Thánh Phi-la-đen-phi được tránh khỏi cơn đại nạn sẽ đến trên thế giới (nếu họ vẫn giữ trung tín). Điều nầy chứng minh rằng có sự cất Hội Thánh lên trời trước cơn đại nạn.

Mặt khác, từ ngữ “giữ khỏi” (giữ khỏi giờ thử thách) theo nguyên ngữ Hy-lạp là “tereo ek” (động từ tereo = giữ = keep + giới từ ek = khỏi = from). “keep … from” có nghĩa là giữ cho khỏi bị đưa vào một tình huống nào đó, chứ không có nghĩa là giữ cho khỏi bị tác hại khi ở trong tình huống đó. Ví dụ: “the mother keep her little girl from falling” (người mẹ giữ đứa bé gái để nó không té ngã). Chúng ta hiểu rằng người mẹ sẽ không để con bà bị té ngã, chứ không phải bà mẹ sẽ để cho con bà té ngã rồi sẽ gìn giữ con trong lúc nó té ngã.

Tác giả: Trần Đình Tâm