T5, 10 / 2017 8:51 Chiều | Đức Tin Jesus

Một di vật vừa được khai quật đã góp phần chứng minh sự hiện hữu của một địa điểm được ghi lại trong Kinh Thánh, nơi Chúa Giêsu thực hiện phép lạ trừ quỷ trên mảnh đất Giê-ra-sê (Gerasa/Gadarenes/Gerasenes)

Hình ảnh khắc họa phép lạ trục quỷ vào đàn lợn – Ảnh: Wiki Commons

Các nhà khảo cổ học thuộc Đại học Haifa (Israel) đã khai quật một tấm đá cẩm thạch có niên đại 1.600 năm, được khắc những dòng chữ bằng tiếng Hebrew tại khu Kursi trên cao nguyên Golan. Kursi cũng là nơi được lưu truyền có liên quan đến một trong những phép lạ của Chúa Giêsu: đuổi bầy quỷ khỏi người bị quỷ ám và nhập vào đàn lợn tại Giê-ra-sê rồi làm chúng lao xuống biển. Các chuyên gia cho rằng tấm đá này, kích thước 140×70 cm, được khắc nhằm mục đích tưởng niệm công đức của Chúa Giêsu, và được thực hiện vào khoảng năm 500. Đoạn văn bằng tiếng Hebrew được bắt đầu bằng dòng chữ “Tưởng nhớ điều thiện”.

Mệnh lệnh của Thiên Chúa

Những dòng mô tả trong Kinh Thánh về phép lạ trên là một trong những nội dung được nhắc lại nhiều nhất và đồng nhất trong các Phúc Âm. Phúc Âm Matthêu, Máccô và Luca đều thuật lại với những sắc thái khác nhau về phép lạ này. Phúc âm Máccô mô tả một người bị quỷ ám với sức mạnh kinh người và vô cùng nguy hiểm. Dân địa phương đã cố gắng kiềm chế ông ta bằng gông cùm và xiềng xích, nhưng tất cả đều bị phá bung và đập tan. Người bị quỷ ám sống chui rúc trong các nấm mồ, cất tiếng tru trong đêm tối lẫn ban ngày và tự dùng đá nhọn rạch chằng chịt lên cơ thể. Những người xung quanh vô cùng sợ hãi và không một ai dám đến gần.

Bản đồ toàn cảnh vùng biển Galilê và vùng Kusri – Ảnh: Google Maps

Thế nhưng, khi thấy Chúa Giêsu đến gần, người đàn ông lập tức bỏ chạy và cúi gập người trước Ngài, trong khi satan bên trong khẩn khoản cầu xin Chúa Giêsu đừng trừng phạt chúng. Chúa Giêsu ra lệnh: “Hãy ra khỏi người đàn ông này!”, rồi trục quỷ vào đàn lợn khoảng 2.000 con đang được chăn thả ở sườn đồi bên cạnh. Những con lợn hùa nhau đâm đầu xuống dốc đứng và rơi hết xuống biển chết đuối, trước sự chứng kiến từ đầu đến cuối của dân trong vùng. Nạn nhân bị quỷ ám giờ đã tỉnh táo, cầu xin Chúa Giêsu hãy mang mình theo, nhưng Ngài yêu cầu ông ta ở lại và lưu truyền lòng từ bi của Thiên Chúa cho gia đình và bạn bè.

Kursi chính là Giê-ra-sê

Các nhà nghiên cứu của Đại học Haifa đã tìm thấy tấm đá cẩm thạch quý giá trên bờ phía đông của biển Galilê thuộc Kursi, trong lịch sử được biết đến là quận Gentile thuộc Decapolis của đế chế Hy – La. Cho đến nay, các nhà khoa học mới xác định được các từ như “amen” và “marmaria” với từ thứ hai có thể đề cập đá cẩm thạch hoặc Đức Mẹ Maria. Cùng với Cơ quan Cổ vật và Cơ quan Công viên và Thiên nhiên Israel, nhóm chuyên gia của đại học trên đang nỗ lực giải mã những từ khác trên tấm đá.

Ảnh chụp tấm đá khắc chữ Hebrew – Ảnh: Cơ quan cổ vật Israel

Dù chưa biết rõ nội dung của những dòng chữ này, các chuyên gia cho hay tấm đá là chứng cứ lần đầu tiên xác nhận cộng đồng định cư tại khu vực trên là người Do Thái hoặc Kitô giáo thuở sơ khai. “Sự hiện diện của một cộng đồng Do Thái tại bờ đông của biển Galilê là một hiện tượng hết sức hiếm hoi”, theo tiến sĩ Haim Cohen. Trước khi có phát hiện mới, chưa từng có chứng cứ nào cho thấy có sự tồn tại của một cộng đồng như vậy ở Kursi vào thời xa xưa.

Theo truyền thống Công giáo, Kursi được gọi với cái tên Giê-ra-sê, nơi phép lạ xua bầy quỷ vào đàn lợn đã diễn ra. Vào thế kỷ thứ 5 và thứ 6, một nhà thờ Kitô giáo đã được dựng nên tại đây để đánh dấu vị trí từng xuất hiện trong Kinh Thánh, nhưng sau đó đã bị hủy diệt dưới gót giày của quân Ba Tư vào năm 614. Sau khi nỗ lực khôi phục lại nơi này, nhà thờ một lần nữa lại bị tàn phá trong cơn hỏa hoạn ngay sau đó. Thế là mọi công cuộc xây cất bị đình chỉ và tất cả bị bỏ hoang trong khoảng 1.300 năm kế tiếp. Sự tồn tại của nhà thờ trên gần như mất dấu trong dòng lịch sử cho đến thời điểm nó tình cờ được khai quật, khi chính quyền Israel khởi công làm đường mới vào năm 1970. Thế là các dự án khảo cổ được triển khai tại đây trong giai đoạn 1970-1974. Ở khu vực xung quanh phế tích của nhà thờ, các hang động vẫn có thể thấy rõ, và đằng xa là một ngọn núi xoải dài xuống biển, giống như Kinh Thánh đã mô tả.

“Các tín hữu đời đầu ghi nhớ những địa điểm và sự kiện xảy ra trong cuộc đời của Chúa Giêsu, và ngay sau khi Kitô giáo được hợp pháp hóa, các nhà thờ nhanh chóng được xây dựng trên những địa điểm này”, trang tin Breitbart News dẫn lời chuyên gia Steve Ray giải thích. Do vậy, ông cho rằng càng khai quật được nhiều di tích, càng dễ khảo cứu những sự kiện từng được Kinh Thánh ghi lại.