T2, 12 / 2020 4:25 Chiều | Đức Tin Jesus

SÁCH SÁNG THẾ CHƯƠNG 1 NHƯ LÀ SỰ GIẢI THẦN
THOẠI (TỤC HÓA) THIÊN NHIÊN

P. Vincent Sénécha

WHĐ (31.7.2020) –
Bài tham luận của giáo sư Gilles Berceville về khái niệm tục hóa và những vấn đề
liên quan tới khái niệm này đã soi sáng rất nhiều cho chúng ta. Theo đó, chúng
ta đã thấy rằng khái niệm này gồm bốn thành phần: một thực tại (A) chịu ảnh hưởng
bởi một tiến trình trong đó điều thiêng thánh hay thuộc về Thiên Chúa (D), là
những yếu tố trước đây vốn liên kết đặc biệt với nhau (L), giờ đây bị phân rã
(B). Thậm chí đôi khi mối liên kết này có xu hướng biến mất hoàn toàn. Quan điểm
của Gilles Berceville chứng tỏ rõ ràng rằng khái niệm này trước hết được áp dụng
vào lãnh vực pháp luật, nhưng rồi được mở rộng ra để trở thành thích hợp cả với
các lĩnh vực lịch sử, xã hội học, triết học. Khái niệm này thậm chí còn được
đưa vào trong lãnh vực thần học. Chúng ta cũng phải nhớ rằng kể từ các thế kỉ
Ánh Sáng, đặc biệt là trong suốt nửa đầu thế kỉ XX, những cuộc tranh luận quan
trọng vẫn diễn ra trong Hội Thánh Công giáo về việc có nên sử dụng các phương
pháp thế tục đối với đối tượng là chính Kinh Thánh hay không, nói cách khác, cuộc
tranh luận nhắm đến một kiểu tục hóa nào đó đối với việc nghiên cứu và giảng dạy
Kinh Thánh.

Những cuộc tranh
luận này hầu như đã được vãn hồi nhờ vào các tài liệu của huấn quyền, là những
tài liệu dành một khoảng tự do nào đó cho việc nghiên cứu mang tính khoa học đối
với Kinh Thánh, đặc biệt là nhờ thông điệp Divino
Afflente Spiritu
và nhờ Hiến chế tín lý của Công đồng Vaticanô II về mặc khải
của Thiên Chúa Dei Verbum.

Vấn đề nằm ở quyền
tự trị đúng đắn của các khoa học và lý trí con người trong việc nghiên cứu các
đối tượng của chúng, cụ thể ở đây là sách Kinh Thánh. Như giáo sư Gilles
Berceville đã chỉ rõ, tại Công đồng Vaticanô II, Hội Thánh Công giáo đã phân biệt
giữa quan niệm chấp nhận được với quan niệm không chấp nhận được về quyền tự trị
của các thực tại trần thế. Hiến chế mục vụ về Hội Thánh trong thế giới ngày
nay, Gaudium et Spes, phát biểu một
cách đặc biệt về vấn nạn này ở số 36: “Nếu
như, do sự tự trị của các thực tại trần thế, nghĩa là những thụ tạo và các xã hội tự chúng có những luật và những giá trị
riêng, mà con người phải khám phá dần dần, sử dụng và tổ chức, thì việc đòi hỏi
quyền tự trị như thế là hoàn toàn chính đáng: đó là điều không những con người
thời nay đòi hỏi, mà còn phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo Hóa. Chính vì là thụ tạo mà mọi vật đều được thiết lập theo sự
vững chắc, chân thực và ưu việt riêng của chúng, cùng với trật tự và những luật
đặc thù của chúng
.”

Khái niệm về cuộc
tạo dựng trong phần trích dẫn trên đây trong Gaudium et Spes đóng vai trò là khái niệm thần học vừa đặt nền
móng, vừa tạo ra khuôn khổ cho cuộc tìm kiếm của con người. Một đàng, thụ tạo
có quyền tự trị riêng và đàng khác, cũng thụ tạo ấy chiếm hữu một Tác giả là Đấng
đã ký thác chính mình để con người săn sóc.

Trong cuốn sách The Secular City: Secularization and
Urbanization in Theological Perspective
(1965), Harvey Cox đã coi cuộc tạo
dựng như được trình bày trong St 1 là nguồn đầu tiên trong ba nguồn Thánh Kinh
về tục hóa. Theo ông, quan niệm Thánh Kinh về cuộc tạo dựng dẫn tới việc giải thần thoại đối với thế giới. Cox
cũng miêu tả hai tiến trình tục hóa khác mà ông khẳng định rằng chúng có cội rễ
trong Thánh Kinh: việc giải thiêng quyền
bính
mà ông nhận thấy được khai mào trong sách Xuất hành và việc giải thánh những giá trị mà theo ông cuộc
chiến chống lại các ngẫu tượng khích lệ (Thập Điều; Sách Isaia Đệ Nhị).

Trong các bài
tham luận và phiên làm việc theo nhóm, chúng ta sẽ thảo luận về ba nguồn Thánh
Kinh về tục hóa được Harvey Cox miêu tả. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc chú tâm
tới quan niệm Thánh Kinh về cuộc tạo dựng và điều mà khái niệm thần học này dẫn
đưa tới. Sau đó, phiên làm việc theo nhóm sẽ bàn tới Ítraen và mối tương quan của
Ítraen với quyền bính quân chủ: chúng ta có thực sự nghiêng về việc giải thiêng
quyền bính được Cox khẳng định hay không? Sau cùng, chúng ta sẽ chú tâm vào cuộc
chiến chống lại việc thờ ngẫu tượng. Công cuộc tục hóa có bắt nguồn từ trong Cựu
Ước như Harvey Cox khẳng định hay không?

I. LUẬN ĐỀ CỦA COX

Theo Cox, cần phải
tìm trong Cựu Ước, đặc biệt là trong St1 văn bản xác lập và khai mào tiến trình
giải thần thoại đối với thiên nhiên. Khái niệm “giải thần thoại đối với thiên
nhiên” là khái niệm vay mượn của Max Weber. Trước trình thuật tạo dựng (và ngay
cả trong nhiều xã hội truyền thống hiện nay), con người sống trong một vũ trụ
hân hoan và thần diệu tràn đầy những năng lực khác nhau, những thần linh, những
quyền lực thiên giới hay hạ giới. Trong những xã hội về căn bản là những xã hội
nông thôn truyền thống, linh vật giáo thống trị và con người phải xem sao, chọn
ngày tốt cho các công việc của mình, xoa dịu các thần linh và các thần đất thần
sông. Ở miền Cận Đông cổ đại, trong thời kì St1 được viết ra, quan niệm thần diệu
như thế về vũ trụ vẫn thống trị cả trong những tôn giáo tinh túy nhất, ví dụ
như ở miền Lưỡng Hà hay ở Aicập. Trong các thần thoại Babilon và Aicập, mặt trời
và mặt trăng là những vị thần hay những vị bán-thần. Thiên nhiên thường được thần
hóa. Tôn giáo của miền Canaan đưa gương mặt Baal nổi trội hơn, thường được giới
thiệu bằng con bò và đó chính là vị thần ban phát cho người ta lúa mì, rượu
nho, dầu vì chính vị thần này ban phát sương mai hay mưa móc, đáp lại hiến vật
của các tín hữu.

Theo Cox, sự mới
mẻ nơi St1 là trao giới tự nhiên cho con người và con người trở nên người chịu trách
nhiệm đối với giới tự nhiên. Thiên Chúa trong St1 không có hình ảnh, nhất là
trong các tinh tú hay trong các sức mạnh thiên nhiên. Nói cách khác, vị Thiên
Chúa này không có gốc gác thuộc về vũ trụ, Ngài riêng biệt và tách hẳn khỏi
công trình tạo dựng của Ngài. Tóm lại, vị Thiên Chúa này là một vị Thiên Chúa
khai mở và đồng hành với một lịch sử hơn là thánh hiến một thế giới khác. Nền
nhân học nổi bật trong bài thơ ở St1 miêu tả con người như là kẻ ban phát tên gọi
và được kêu gọi thống trị thiên nhiên. Con người đầu tiên này một cách nào đó
cũng là một loại thuốc giải đối với vật tổ giáo của các xã hội truyền thống, tức
là một loại thuốc giải cho mối tương quan đặc quyền và tạo cảm giác an toàn là
mối tương quan có thể gìn giữ các thành viên của một bộ tộc với một ông tổ cùng
tên nhờ trung gian của các vật thể thánh thiêng.

Tóm lại, theo
Cox, St1 khai mở tư tưởng về sự không liên tục giữa con người và thiên nhiên.
Chính nét mới mẻ này về mặt tư tưởng do niềm tin Thánh Kinh cho phép kiểu
“technopolis”, thành phố kĩ nghệ hiện đại và sự xuất hiện của các khoa học tự
nhiên. Theo ông, đó cũng chính là điều kiện dự kiến căn bản đối với việc đô thị
hóa hiện đại và sự xuất hiện của các khoa học, vì kể từ thời điểm con người có
thể đối mặt với thế giới tự nhiên mà không sợ hãi nhưng tự đặt mình đối diện với
thế giới tự nhiên mà các khoa học có thể xuất hiện. Bao lâu con người vẫn coi
thiên nhiên như là một kiểu mở rộng của chính mình hay của nhóm mình, hoặc như
là vỏ bọc của thần linh, khoa học chưa thể nào xuất hiện được.

2. SÁNG THẾ 1

Khoa chú giải hiện
đại về Sáng thế 1 có xác minh luận đề của Cox hay không? Trước khi trả lời câu
hỏi này, trước tiên, chúng tôi muốn chú tâm vào bản văn này. Chúng ta cũng
không cần phải cùng đọc đoạn văn này vì chúng ta đều biết đoạn văn này rồi. Tuy
nhiên, ở những dòng sau đây, tôi muốn đưa ra một số những đặc tính nổi bật.

Nét độc đáo của
St1 chỉ có thể hiện ra khi đem so sánh với những huyền thoại sáng tạo khác của
miền Cận Đông cổ đại và với trình thuật sáng tạo thứ hai trong Thánh Kinh: St
2. Nghiên cứu của ngành chú giải hiện nay đã đi tới một sự đồng thuận về sự kiện
rằng trong hai trình thuật Thánh Kinh về cuộc tạo dựng, trình thuật mới hơn chắc
hẳn là St1, là trình thuật được coi như sản phẩm thuộc truyền thống tư tế và có
niên đại khoảng cuối thế kỉ thứ 6 trước CN, nghĩa là trong những thập niên kế
tiếp cuộc hồi hương sau lưu đày.

Nội dung của bản
văn này chúng ta đã biết rồi. Chúng tôi chỉ nêu ra một số điểm mà theo chúng
tôi là quan trọng. Ở đây, chúng ta có một bài thơ trong đó Thiên Chúa tạo dựng
nhờ lời Ngài khi ngài phân chia và phân biệt các yếu tố. Bài thơ này có cấu
trúc chặt chẽ dựa vào các con số-then chốt và các công thức lặp đi lặp lại. Con
số bảy xuất hiện nhiều lần: bảy ngày; bảy lần công thức “và Thiên Chúa thấy rằng … tốt”; bảy từ ở St1,1 được dùng làm
tiêu đề trong trình thuật. Con số mười xuất hiện trong mười lời của Thiên Chúa
tạo ra nhịp điệu cho trình thuật. Cần phải so sánh bài thơ này với các công thức
luật pháp của mười giới luật trong Thập Điều hay trong Xh 34. Điệp khúc “qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là
ngày thứ x”
vạch ranh giới sáu ngày đầu tiên. Công thức “Thiên Chúa phán”, nối kết sự liên tiếp
của các sự kiện với hành động phát ngôn của Thiên Chúa, lặp lại mười lần nhằm sắp
đặt vũ trụ. Công thức gồm mệnh lệnh – thi hành “Phải có x + chủ thể thay đổi…
liền có như vậy”
lặp lại 5 lần và công thức đánh giá “Thiên Chúa thấy rằng… tốt đẹp” xuất hiện vào các ngày 1, 3, 4,
5, và 6.

Trật tự của công
trình tạo dựng trong St1 đảo ngược so với trật tự trong St 2, bởi vì trong bản
văn đầu tiên, cuộc tạo dựng bắt đầu bằng các loại cây cối (1,1-13), rồi đến các
giống vật (1,20-25), rồi cuối cùng là con người (người nam và người nữ cùng với
nhau: 1,26-27). Tất cả công trình tạo dựng diễn ra theo kế hoạch tiến triển từng
bước, trong đó ta có thể đọc được sự đối xứng liên quan đến các ngày trong cuộc
tạo dựng: ba ngày đầu được đặt song song với ba ngày liền sau đó[1]. Vũ trụ được
miêu tả là tốt đẹp và hài hòa. Con người và các giống vật được tạo dựng để ăn
rau, mặc dù các loài phải được phân biệt nhờ bản chất thức ăn của chúng.

So sánh với các thần thoại về cuộc tạo dựng
của miền Cận Đông cổ đại

Ý kiến của Cox rằng
Sáng thế 1 giải thần thoại thiên nhiên đến từ đâu? Nếu khái niệm giải thần thoại
thế giới được vay mượn của Max Weber, thì ý niệm rằng Sáng thế 1 là một phiên bản
giải huyền thoại của áng thơ vĩ đại Babilon về cuộc tạo dựng có tên Enuma Elish phải được tính là thuộc về
nhà chú giải người Đức Hermann Gunkel[2]. Gunkel đã là người đầu tiên đề nghị
xem nơi St1 là một “phiên bản” của các huyền thoại thuộc miền Cận Đông cổ đại: tehôm (vực thẳm, câu 2) hẳn là giới thiệu
kiểu giải huyền thoại của tên gọi vị nữ thần biển cả thủa hồng hoang trong Enuma Elish. Tình trạng hỗn mang hẳn là
trạng thái thế giới trước khi có vũ trụ. Cuộc tạo dựng hẳn là kết quả của trật
tự xuất phát từ tình trạng hỗn mang.

Khi đặt St1 trong
viễn ảnh của Enuma Elish và các trình
thuật khác về cuộc tạo dựng thuộc miền Cận Đông, Gunkel hiểu rằng cuộc tạo dựng
nơi St1 là một hành động bình định của Thiên Chúa, khá xa với Chaoskampf mà ta tìm thấy trong Enuma Elish. Trong thiên thi ca này, nguồn
gốc của thế giới được miêu tả như là kết quả của cuộc chiến ban đầu giữa Tiamat
(vị nữ thủy thần thuở hồng hoang) và vị thần Marduk. Sau chiến thắng của
Marduk, việc chia cắt và phân tách các yếu tố thuộc xác chết của Tiamat làm
sinh ra các yếu tố trong vũ trụ. Ngược lại, trong sách Sáng thế, không có chiến
trận và các yếu tố của vũ trụ không còn phát xuất từ thân thể của vị nữ thần,
và như vậy không còn là các thần minh nữa.

Những ghi nhận
này của Gunkel đã mở đường cho suy tư của nhiều nhà nghiên cứu và những người
giảng dạy. Ý niệm rằng Sáng thế 1 giải thiêng thiên nhiên (hay giải thần thoại
thiên nhiên) là một trong những hoa trái của điều này.

3. SÁNG THẾ 1 NHƯ LÀ VŨ TRỤ LUẬN[3] VỀ THÁNH ĐIỆN

Theo Gunkel, mẫu
hình của Chaoskampf (cuộc chiến chống
lại hỗn mang) mà ta thấy trong Enuma Elish
là kiểu mẫu của cuộc tạo dựng mà chúng ta có thể tìm thấy trong lương tâm đại
chúng của các dân tộc thuộc miền Cận Đông cổ đại. Như vậy, Gunkel đã tìm lại được
mẫu hình này trong một số thánh vịnh và một số đoạn văn ngôn sứ, trong đó cuộc
chiến với các sức mạnh hỗn mang (con rồng hay biển cả) thật rõ ràng.

Một thế kỉ sau,
các công trình của Gunkel tiếp tục được nhìn nhận là quan trọng, nhưng các
trình thuật về cuộc tạo dựng cũng như những ví dụ bổ sung của Chaoskampf đã xuất lộ ngày càng nhiều ở
vùng Cận Đông cổ đại. Bởi thế, mẫu hình về cuộc chiến chống lại hỗn mang cần được
thường xuyên lượng định lại. Một vài trong số những lượng định lại (Smith[4],
Nihan[5]) đã dẫn tới việc đưa mẫu hình này vào trong một lược đồ lớn hơn, là lược
đồ của huyền thoại tạo dựng xây dựng bắt đầu từ St1 tới Xh 40. Quả vậy, công việc
nghiên cứu gần đây về Sáng thế 1 luôn xem các huyền thoại về tạo dựng thuộc miền
Cận Đông cổ đại và đặc biệt là Enuma
Elish
như là một hậu cảnh mà Sáng thế 1 đã sửa đổi. Nhưng không chỉ để thấy
trong chương này một kiểu giải huyền thoại đối với các yếu tố thần linh, mà còn
để thấy được nơi đây một miêu tả về vũ trụ như là thánh điện.

Đâu là những nền
tảng thuộc khoa chú giải đối với việc hiểu Sáng thế 1 như là vũ trụ luận về
thánh điện? Trước tiên, ta thấy ý niệm này trong những câu như Thánh vịnh 78,69
(“Chúa xây thánh điện Người như trời xanh cao thẳm, và cũng như trái đất Người
đặt vững muôn đời”; cũng phải ghi nhận rằng nếu như Thiên Chúa xây thánh điện
Người như trời xanh, thì điều trái ngược lại cũng đúng và vũ trụ được xây dựng
như một thánh điện) hay G 38,4-11 là đoạn văn sử dụng các hình ảnh của việc xây
dựng thánh điện để nói về cuộc tạo dựng: “nền móng… kích thước… đế… đá
góc… cửa đóng then cài”.

Giữa St 1 và những
chỉ dẫn về việc xây dựng Lều Hội Ngộ trong Xh 25-31 cũng có nhiều điểm song
song: Đức Chúa (Yhwh) ra lệnh cho Môsê về việc dựng nơi cư ngụ bằng bảy diễn từ
(Xh 25,1-30,10; 30,11-16; 30 17-21; 30,22- 33; 30,34-38; 31,1-11; 31,12-17). Nội
dung của bảy diễn từ đưa ra những điểm song song với bảy ngày của cuộc tạo dựng.
Ví dụ, Thiên Chúa tập trung các nguồn nước dưới dạng biển cả vào ngày thứ ba.
Điều này có thể được đặt song song với chỉ dẫn thứ ba đối với Môsê, trong đó
ông phải tạo một vạc đồng dùng vào việc tẩy rửa. Cũng vậy, trình thuật về ngày
thứ bảy trong cuộc tạo dựng được nêu ra trong diễn từ thứ bảy là diễn từ chứa đựng
một lời nhắc nhở về cách thức mà Thiên Chúa đã nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy.
Chúng ta còn có thể kể ra những điểm song song khác, như sự kiện Thiên Chúa
chúc phúc và thánh hóa ngày Sabát, cũng như Môsê chúc lành lều Nhà Tạm khi hoàn
tất việc dựng Nhà Tạm (St 2,3; Xh 39,43; 40,9). Cuối cùng, Thiên Chúa ngự trên
Nhà Tạm giống như ruah của Ngài bay
lượn trên mặt nước (St1,2; Xh 40,34).

Chúng ta cũng có
thể đưa ra những điểm song song với việc xây dựng thánh điện của vua Salômôn
như được 1 V 6-8 miêu tả lại. Vua Salômôn xây cất thánh điện trong bảy năm, tổ
chức một lễ hội bảy ngày và thánh hiến thánh điện vào ngày thứ bảy, tháng thứ bảy
và đọc bảy lời chuyển cầu. Vua Salômôn trang trí thánh điện với các hình ảnh gợi
lại vườn Êđen (x. 1 V 6-7).

Chúng ta còn có
thể đi xa hơn khi giờ đây xem xét trình thuật tạo dựng thứ hai, St 2-3. Chúng
ta thấy được những điểm tương đồng giữa vườn Êđen và nơi Cực Thánh, là hai nơi
mà các cherubim hiện diện (St 3,24;
Ed 28,14), các vị này được định vị ở phía đông (St 3,24; Ed 40,6). Trụ đèn là một
kiểu cây sự sống (Xh 25,31-36; Flavius Josephus, Antiquities 3.145). Khu vườn có những yếu tố chung với thánh điện
(1 V 6-7) như nguồn nước (St 2,10; Ed 47,1-12 [Kh 21,1-2]) hay sự kiện thánh điện
được định vị trên một ngọn núi (Ed 28,14.16; 40,2; 43,12). Thiên Chúa cư ngụ
nơi đó [bước đi: hithallek] (St 3,8;
Lv 26,11-12; Đnl 23,15; 2Sm 7,6-7).

Cũng còn có những
điểm tiếp xúc về mặt văn chương theo đó Ađam được xem như một tư tế: ông phải
phục vụ [‘abad] và trông giữ [shamar] vườn (St 2,15). Ds 3,7-8 ghi rằng:
“Các thầy Lêvi phải đảm nhiệm [shamar]
công việc của nó, cũng như công việc của toàn thể cộng đồng trước Lều Hội Ngộ,
để lo [‘abad] phục dịch [‘abodah] Nhà Tạm. Chúng sẽ trông coi [shamar] tất cả các vật dụng trong Lều Hội
Ngộ, đồng thời đảm nhiệm công việc của con cái Ítraen để lo [‘abad] phục dịch [‘abodah] Nhà Tạm (xem thêm Ds 8,26; 18,5-6; và Ds 17,12-18,6).

Ađam cũng được mặc
cho những y phục mà Thiên Chúa sẽ ban cho Aharon làm áo mặc. Ở St 3,21: “Thiên
Chúa làm [‘asah] cho con người và vợ
con người những chiếc áo [kathoneth]
bằng da và mặc [labash] cho họ …”.
Xh 28,39- 41 ghi rằng: “Ngươi sẽ dệt một áo dài [labash] bằng sợi gai mịn, và làm [‘asah] một mũ tế bằng sợi gai mịn. Ngươi sẽ làm [‘asah] một đai lưng: đó là công trình của
thợ thêu. Ngươi sẽ may áo dài [kathoneth]
cho các con ông Aharon và làm [‘asah]
đai lưng cho họ. Ngươi cũng sẽ làm [‘asah]
cho họ những chiếc mũ để họ được vẻ uy nghi rực rỡ. Ngươi sẽ cho Aharon anh
ngươi, và các con ông mặc [labash]
các phẩm phục ấy…”. Các tư tế phải che phủ sự trần trụi của họ trước mặt
Thiên Chúa (x. St 3,10; Xh 20,26; 28,42).

Để quay trở lại với
ngày Sabát, chúng ta thấy ngày này là đỉnh điểm của cuộc tạo dựng và ngày này
minh chứng rằng mục đích của công cuộc tạo dựng là việc thờ phượng Đức Chúa. Vậy
trong bản văn St1, việc tạo dựng không chỉ đơn thuần là một cái khung cho sự sống,
mà còn chính là nơi dành cho sự hiệp thông với Thiên Chúa. Không có gì ngạc
nhiên khi ta tìm thấy trong bản văn này những yếu tố hầu như mang tính phụng vụ,
chẳng hạn các điệp khúc (hay các công thức) được lặp lại thường xuyên trong suốt
bản văn.

C. Nihan[6] đi một
bước bổ sung và kết nối St1 với Xh 25- 40. Theo ông, việc thiết lập Lều Hội Ngộ
trong trình thuật tư tế lấy lại một mẫu hình truyền thống thuộc miền Cận Đông cổ
đại: mẫu hình của lễ đăng quang của thần minh sau chiến thắng của thần minh
trên tình trạng hỗn mang nguyên thủy. Trình thuật tư tế về cuộc tạo dựng thế giới
kể lại chiến thắng trên vực thẳm nguyên thủy nhưng trong khuôn khổ của một độc
thần giáo là tôn giáo dành ít chỗ cho các thần minh khác, các quái vật thần thoại
và các hữu thể siêu nhiên thuộc đủ loại. Việc xây dựng thánh điện (nơi thánh)
được thay thế bằng việc thiết định ngày sabát (thời gian được thánh hiến, tách
riêng khỏi phần còn lại của tuần đúng như thánh điện được tách riêng ra khỏi thế
giới phàm tục). Theo ông, nét tiến triển này phản ảnh rõ ràng kinh nghiệm của
thời lưu đày và của việc phá hủy đền thờ Giêrusalem[7].

Ông cũng ghi nhận
rằng việc xây dựng thánh điện Đức Chúa trong Xuất hành 25-40 diễn ra ít lâu sau
một cuộc xung đột chống lại các khối nước nguyên thủy, lần này bối cảnh là cuộc
vượt qua biển. Bối cảnh ấy đưa ra mẫu hình của việc phân chia nước là yếu tố đặc
biệt quan trọng đối với Văn phẩm tư tế ở Xh 14, mang âm hưởng của việc phân
chia các khối nước phía dưới và phía trên và của việc ấn định một khu vực trung
gian là đất cạn ở St1,6-10.

Vậy ông cho rằng
việc xây dựng thánh điện của Đức Chúa trong sách Xuất hành nhằm cung cấp cho Đức
chúa một nơi mà vinh quang Ngài ngự trị giống như trong Enuma Elish, việc xây dựng thánh điện dùng để mừng chiến thắng của
Marduk đối với Tiamat. Việc xây dựng một thánh điện trong sách Xuất hành là một
cống vật đáp trả lại vinh quang (kabod)
mà Thiên Chúa đã biểu lộ trước mặt con cái Ítraen khi vượt qua biển, đúng y như
việc xây dựng đền thờ Marduk là lòng tôn kính mà các Anunnakis (nhóm các thần minh) dành cho Marduk.

Như vậy, đối với
Nihan, việc xây dựng thánh điện trong Văn phẩm tư tế phản ảnh một dạng kết hợp
giữa đền thờ và cuộc cử hành của thần minh chiến thắng trên những kẻ thù huyền
thoại trong cuộc tạo dựng thế giới. Tất cả phần phân tích này gợi ý rằng trình
thuật tư tế của các sách Sáng thế – Xuất hành phải được coi như là một huyền
thoại rất tinh túy về nguồn gốc, nơi đó Đức Chúa (chứ không còn là Marduk) là Đấng
sáng tạo thế giới và nơi đó mục đích của cuộc tạo dựng là sự cư ngụ của Đức
Chúa giữa lòng dân Ngài chứ mục đích đó không còn phải là đặt nền đền thờ
“Esangelia” tại Babilon.

4. KẾT LUẬN

Bây giờ chúng ta
có thể trở lại với câu hỏi xuất phát: Sáng thế 1 có nhắm tới việc giải thần thoại
đối với thiên nhiên như H. Cox khẳng định hay không? Câu trả lời của chúng ta sẽ
là lấp lửng: có và không.

Có, vì St1 sửa đổi
chất liệu huyền thoại thuộc miền Cận Đông cổ đại, trong đó cuộc tạo dựng vũ trụ
là kết quả cuộc chiến của thần minh chống lại tình trạng hỗn mang. Ở chỗ mở đầu
của sách Sáng thế, độc giả có thể ngóng chờ cuộc xung đột giữa gió (hay thần
khí) của Thiên Chúa với các khối nước trong vũ trụ. Nhưng việc nhắc tới các khối
nước trong vũ trụ như là kẻ thù của Thiên Chúa bị giảm nhẹ. Việc nhắc tới thủy
quái khổng lồ tanninim ở St1,21 cho
thấy rằng quyền lực của Thiên Chúa là vô song, vượt mọi quyền lực khác, không
thể có bất cứ sự đối lập nào. Các quái vật trong vũ trụ không còn là các lực lượng
nguyên thủy chống đối vị Thiên Chúa của Ítraen nữa. Chúng là những thụ tạo như
tất cả các thụ tạo trong bản văn này. Điều đó cũng đúng cả với mặt trời và mặt
trăng, những thứ được gọi một cách đơn giản là “vầng sáng lớn” và “vầng sáng nhỏ
hơn” (1,16). St1 không còn miêu tả các tinh tú bằng dáng vẻ thần minh. Trong
St1, Thiên Chúa nói và làm, chứ không còn là cuộc xung đột của các thần minh.
Các yếu tố ngoan ngoãn khép mình vào trật tự do lời mà không có xung đột. Theo
nghĩa này, St1 giải huyền thoại giới tự nhiên[8].

Tuy nhiên, cũng
phải lưu ý rằng St1 không tục hóa hoàn toàn vũ trụ, bởi vì bản văn này được xem
là thánh điện của Đức Chúa và vì việc thờ phượng là mục đích của cuộc tạo dựng
… Cuối cùng chính sự thay đổi hệ quy chiếu triết học gần đây đã dẫn tới việc
xem St1 như là một bản văn tục hóa giới tự nhiên, nhưng điều đó chỉ đúng nếu
như người ta đọc bản văn này bằng con mắt hiện đại chứ không bằng con mắt của
người Ítraen cổ xưa. Như J. Walton gần đây đã tranh luận về điều này[9], bài
thơ trong St1 và khoa học hiện nay không thuộc về cùng một hệ quy chiếu triết học
căn bản vì khái niệm về hữu thể học[10] đã dần dần thay đổi. Từ một khái niệm hữu
thể học thiết dụng trong đó một vật chỉ tồn tại khi chúng có vai trò trong một
hệ thống trật tự[11], chúng ta chuyển qua một khái niệm hữu thể học vật chất
trong đó một vật tồn tại dựa vào những đặc tính vật lý của nó.

Tóm lại, nếu như
phần lớn St1 giải huyền thoại giới tự nhiên, không phải vì thế mà bản văn này tục
hóa giới tự nhiên.

__________

[1] Ngày đầu tiên, ánh sáng được tạo dựng và ngày thứ tư, các vầng
sáng; ngày thứ hai, các khối nước được phân chia nhờ cái vòm (ở dưới = nước; bầu
trời = vòm) và ngày thứ năm, các loài chim được tạo dựng và bay trên vòm trời,
các loài cá để bơi trong nước (ở dưới = nước = cá; bầu trời = vòm = chim); ngày
thứ ba, mặt đất và các loài cỏ cây được tạo dựng và ngày thứ sáu, các giống vật
và loài người đi trên mặt đất và ăn rau cỏ được tạo dựng.

[2] Gunkel,
Hermann, Schõpfung und Chaos in Urzeit
and Endzeit,
Gốttingen: Vandenhoeck und Ruprecht, 1895.

[3] Từ mới này nhằm
dịch cách diễn tả “Temple Cosmology” trong tiếng Anh.

[4] Smith, Mark, The Origins of Biblical Monotheism. Israel’s
Polytheistic Background and the Ugaritic Texts
, New York: Oxford University
Press, 2001, p. 167-170.

[5] NihaN,
Christophe, From Priestly Torah to
Pentateuch: A Study in the Composition of the Book of Leviticus,
Tubingen:
Mohr Siebeck, 2007, p. 60-61.

[6] NihaN, Priestly Torah.

[7] Cf. BaukS ,
Michaela, “Le Shabbat: un temple dans le temps”, in

Etudes Théologiques et Religieuses 77 (2002), p.473-490.

[8] Có lẽ phải
thêm rằng ở St 1,26-28, có lẽ chúng ta có một cuộc luận chiến mặc nhiên chống lại
việc tạo ra những hình tượng bởi vì chính nhân loại đã trở nên hình ảnh của
Thiên Chúa Ítraen (Smith, Origins, p.
170).

[9] WaltoN, JohN,
“ Creation in Genesis 1:1-2:3 and the Ancient Near East: Order out of Disorder
after Chaoskampf ”, in Calvin Theological Journal 43 (2008), p.
48-63.

[10] Hữu thể học
có thể được định nghĩa như là ngôn ngữ về “điều tồn tại”, hay như là triết học
về hữu thể.

[11] Nói cách
khác, sự tồn tại không liên quan gì với tình trạng vật chất trong kiểu hệ thống
này. Trong một nền hữu thể học như thế, làm cho một vật gì đi tới hiện hữu (tức
là tạo ra vật gì) có nghĩa là cho vật đó một chức năng và một vai trò, chứ
không phải là cho vật đó những đặc tính vật lý.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 98 (tháng 1 & 2 năm 2017)