T7, 04 / 2018 11:44 Chiều | Đức Tin Jesus

Một thính giả gửi thư cho chúng tôi như sau: Con đã chịu chức phó tế từ hơn chục năm nay rồi, và chưa biết bao giờ sẽ được chịu chức linh mục. Xin cha cho biết, theo giáo luật hiện hành, phó tế có thể làm được việc gì?

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, kỷ niệm của tôi về thầy sáu là lễ trọng thể, gồm linh mục chá nh tế, với thầy năm thầy sáu (quen gọi là di sub, tắt từ tiếng La-tinh Diaconus và subdiaconus). Tôi còn nhớ là trong những lần ấy, không có thầy năm thầy sáu thiệt, nhưng là hai linh mục mặc áo thầy năm thầy sáu để giúp lễ. Công đồng Vaticanô II đã đánh dấu một khúc quặt trong quan niệm về các chức thánh, trong đó dĩ nhiên có cả chức sáu. Cho tới công đồng, thần học coi linh mục như là chóp đỉnh của các chức thánh: các chức nhỏ (gồm 4 chức) và hai chức lớn (tùy phó tế và phó tế) ví được như là các cấp bậc dẫn lần lần đến chức linh mục. Nhờ những khảo cứu lịch sử, công đồng Vaticanô II đã trình bày cho ta thấy một hình ảnh khác về các chức thánh. Từ thời thánh Ignatio tử đạo (thế kỷ II), ba cấp của hàng giáo sĩ là: giám mục, linh mục và phó tế. Tuy hợp nhất với nhau, nhưng ba cấp không hẳn là ba bậc của một ngạch. Thực vậy, không phải tất cả các linh mục đều ăn chực nằm chờ ngày nào đó sẽ được thăng giám mục: nói khác đi không có các linh mục nhất thời, tất cả các linh mục đều là vĩnh viễn. Một cách tương tự như vậy, không cứ ai lĩnh chức phó tế đều chờ mong có ngày sẽ được chịu chức linh mục. Có thể là phó tế vĩnh viễn. Các sử gia còn thêm rằng vào những thế kỷ đầu, có những phó tế lên làm giám mục mà không cần phải chịu chức linh mục. Trường hợp đó không phải là hiếm, vì các vị tổng phó tế, xét vì là quản lý tài sản của giáo phận, nên thành thạo vấn đề quản trị hơn các linh mục; vì thế không lạ chi dễ làm giám mục. Như tất cả mọi người đã biết, thể theo ý nguyện của công đồng, đức Phaolô VI đã tái lập chức phó tế vĩnh viễn trong Giáo hội La-tinh cách đây đúng 25 năm, với tự sắc “Sacrum Diaconatus Ordinem”, ngày 18 tháng 6 năm 1967. Trong văn kiện ấy, Ngài đã ấn định một số công tác mà phó tế vĩnh viễn có thể thi hành. Dĩ nhiên các phó tế không vĩnh viễn, tức là những ứng viên lên chức linh mục, cũng có thể thi hành những công tác ấy. Năm năm sau, chính đức Phaolô VI ban hành một văn kiện khác về chức phó tế, tự sắc “AdPascendum” ngày 15 tháng 8 năm 1972, nhân dịp cải tổ lại các tác vụ trong Giáo hội La-tinh, với việc bãi bỏ chức tùy phó tế và bốn chức nhỏ. Điều quan trọng nhất của văn kiện này là từ nay một người trở thành giáo sĩ với việc chịu chức phó tế, chứ không phải với việc lĩnh phép cắt tóc như trước nữa.

Những gì đức Phaolô VI ấn định nay vẫn còn hiệu lực chứ?

Những nguyên tắc của hai văn kiện vừa nói vẫn còn giá trị, theo nghĩa là đã được bộ giáo luật hiện hành du nhập. Còn xét về chi tiết, nghĩa là về các công tác mà phó tế có thể thực hiện được, thì có vài sự thay đổi giữa các văn kiện của đức Phaolô VI với bộ giáo luật hiện hành. Nói chung thì bộ giáo luật nới rộng hơn, tuy cũng có trường hợp siết lại. Trường hợp siết lại điển hình hơn cả là trước đây, phó tế có thể được bổ làm phó xứ, nhưng bộ giáo luật ngày nay (đ.546) đòi hỏi phải chịu chức linh mục mới được làm phó xứ.

Cha có thể kể ra những công tác mà phó tế có thể thi hành theo bộ giáo luật được không?

Trước khi đi vào chi tiết, cần phải lưu ý rằng tiếng “phó tế” trong Việt ngữ có thể gây hiểu lầm. Theo nghĩa chặt, “phó tế” có nghĩa là làm phó, phụ tá cho tư tế; và như thế công tác chính giới hạn vào việc phụng tự tế lễ. Theo nguyên ngữ, diaconus (tiếng Hy-lạp), có nghĩa là người phục vụ, giúp việc. Truyền thống Kitô giáo quan niệm rằng công tác chính của các diaconi là công tác bác ái, phục vụ người nghèo; kế đó mới tới việc phục vụ Lời Chúa qua việc giảng dạy, và phục vụ bàn thờ trong các buổi cử hành phụng vụ. Bây giờ chúng ta hãy rảo qua bộ giáo luật, đi từ quyển hai, về cơ cấu phẩm trật của Giáo hội. Trong chương nói về phủ giáo phận (quen gọi là Toà Giám mục), chúng ta thấy rằng các chức vụ chưởng ấn, lục sự không còn dành riêng cho các linh mục nữa; các giáo dân có thể được cử vào các chức vụ ấy; phương chi là các phó tế. Điều này cũng được áp dụng về quản lý giáo phận (đ.494). Nói đến phủ giáo phận, tưởng cũng nên thêm các toà án: các phó tế, xét vì là giáo sĩ, có thể được đặt làm thẩm phán (đ.1421 §1); còn các chức vụ như dự thẩm, chưởng lý, lục sự thì các giáo dân cũng có thể đảm nhiệm được. Xuống đến các giáo xứ, thì thông thường, duy các linh mục mới được cử làm chánh xứ và phó xứ, nhưng nơi nào thiếu linh mục, thì điều 517 §2 cho phép đức Giám mục có thể trao một xứ cho phó tế lo việc mục vụ, dưới sự điều hành của một linh mục. – Bước sang quyển 3, về nhiệm vụ giáo huấn của Giáo hội, ta thấy có nguyên tắc tổng quát về vai trò của phó tế đối với sứ vụ Lời Chúa, và những quy định cụ thể trên thực hành. Về nguyên tắc, điều 757, nói rằng các phó tế có bổn phận phục vụ Dân Chúa bằng tác vụ Lời Chúa. Về thực tế, điều 764, cho phép các phó tế một năng ân ngang với các linh mục, nghĩa là được phép giảng khắp nơi trên thế giới, miễn là có phép ít là suy đoán của quản đốc nhà thờ hoặc của bề trên tu viện, và miễn là không bị Bản quyền ngăn cấm. Cách riêng, trong Thánh lễ, điều 767 dành việc giảng lễ (homelia) cho các tư tế và phó tế. Cần có phép Toà thánh, thì đức Giám mục mới có thể ủy cho các giáo dân phận sự này.

Sau quyển hai và quyển ba, thì tới quyển bốn, nói về nhiệm vụ thánh hóa, bàn về bí tích và phụng vụ. Các phó tế có thể thi hành những phận sự gì?

Mở đầu quyển 4, ở điều 835 triệt 3, giáo luật tuyên bố một nguyên tắc tổng quát rằng các phó tế dự phần vào việc cử hành phụng tự chiếu theo quy tắc luật định. Đi vào chi tiết, trong bí tích rửa tội, điều 861 nói rằng phó tế, cũng như Giám mục và linh mục, là tác viên thông thường của bí tích. Sang đến bí tích Mình thánh, thì dĩ nhiên các phó tế không thể cử hành Thánh lễ, nhưng phần chính của phó tế là tuyên đọc Phúc âm và giúp lễ. Dù sao thì không thể chấp nhận việc linh mục khoác áo phó tế để giúp lễ như hồi trước công đồng nữa; cần phải tôn trọng sự thực. Ngoài ra, các phó tế là tác viên thông thường trao Mình thánh, cũng như các Giám mục và linh mục. Thêm vào đó, theo điều 943, các phó tế là tác viên thông thường đặt Mình Thánh ra chầu và ban phép lành Thánh Thể, cũng như các linh mục. Sau cùng, sang Bí tích Hôn phối, phó tế có thể được Bản quyền sở tại hay cha sở ủy quyền để chứng giám Hôn phối nhân danh Giáo hội (đ.1111). Nói chung trong lãnh vực phụng vụ, bộ giáo luật chỉ ấn định nguyên tắc, còn các chi tiết khác được mô tả tỉ mỉ hơn trong các sách nghi thức phụng vụ. Tỉ như muốn biết phận sự của phó tế trong Thánh Lễ thì phải tìm trong Huấn thị của Sách Lễ. Điều này càng đúng hơn nữa khi bàn về các việc chúc lành.

Việc chúc lành là cái gì?

Trước đây ở Việt Nam, người ta gọi nôm na là “làm các phép”. Gốc La-tinh là “benedictiones”, vừa có nghĩa là chúc tụng Thiên Chúa, vừa có nghĩa là xin Chúa chúc lành cho một người hay một đồ vật nào đó. Giáo luật nói tới trong phần các á-bí-tích. Điều 1169 § 3, nói rằng: các phó tế có thể ban những phép lành mà giáo luật đã minh thị cho phép. Quyển sách “De Benedictionibus” do Bộ Phụng tự ban hành năm 1984 đã nới rộng rất nhiều trường họp các phó tế được cử hành các việc chúc lành này. Chúng ta hãy rảo qua một vòng thì biết. Quyển sách này được chia làm 5 phần. – Phần thứ nhất nói về các việc chúc lành dành cho các người. Trong phần này, các phó tế được phép chủ sự hầu hết các việc chúc lành, khi không có mặt các Giám mục và linh mục. Tỉ như: chúc lành cho gia đình, cho các em nhi đồng, cho các đôi ý trung nhân, cho các người già lão bệnh tật, cho các người hành hương. Chỉ có một sự chúc lành dành riêng cho đức Giám mục, đó là chúc lành cho các nhà thừa sai lên đường rao giảng Tin mừng. Phần thứ hai gồm những chúc lành dành cho các cơ sở và dụng cụ làm việc: tựa như đặt nền, làm phép nhà mới, trường học, thư viện, nhà xứ, bệnh viện, sở làm việc, tiệm buôn, xe cộ, máy móc, hạt giống. Phó tế có thể chủ sự những cuộc chúc lành ấy. Duy chỉ có việc chúc lành chủng viện và tu viện mới dành cho Giám mục và Linh mục. Bước sang phần thứ ba bàn về việc chúc lành các đồ vật dùng vào việc phụng tự. Trong phần này, thẩm quyền của các phó tế bị giới hạn hơn. Trên nguyên tắc, việc chúc lành các đồ vật được xử dụng vào việc phụng tự công thì dành cho Giám mục và linh mục. Đó là: giếng rửa tội, nhà tạm thánh thể, giảng đài đọc sách thánh, cửa nhà thờ, thánh giá hay ảnh hượng kính công cộng, chuông và đàn nhà thờ, chén thánh, đàng thánh giá, nghĩa trang. Phó tế được chúc lành những đồ đạo đức cá nhân, đối tượng của phần thứ bốn, tựa như tràng hạt, ảnh tượng treo trong tư gia. Sau cùng, trong phần thứ năm, chúc lành Thiên Chúa nhân dịp tạ ơn, trước hay sau bữa ăn, thì có thể được cử hành không những do các phó tế nhưng còn do các giáo dân nữa. Nhân tiện, tưởng cũng nên thêm rằng sách “De Benedictionibus” dự liệu nhiều trường hợp mà giáo dân có thể chủ sự các việc chúc lành. Trong trường hợp này, họ sẽ dùng nghi thức khác với nghi thức soạn cho các linh mục và phó tế.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.