T4, 11 / 2017 9:45 Chiều | Đức Tin Jesus

Người chạy trốn trần truồng

Tranh Antonio da Correggio, năm 1522

Hector Molina

Người thanh niên trong Mc 14,51-52 là ai? Đây là một trong những bí ẩn của Kinh Thánh. Hành tung của chàng trai trẻ với tấm áo vải gai đã khiến cho các tín hữu thắc mắc trong suốt nhiều thế kỷ.

Đối với những ai chưa biết về trình thuật của Thánh Marcô về việc phản bội và vây bắt Chúa Giêsu mà trong đó tác giả mô tả một nhân vật bí ẩn: “một thanh niên … mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai”, anh bị lính Roma túm lấy nên “bó lại tấm vải gai và chạy trần truồng” (Mc 14,51-52), thì đây là bản văn:

43 Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai, xuất hiện. Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến.44 Kẻ nộp Đức Giê-su đã cho họ một ám hiệu, hắn dặn rằng: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận.”45 Vừa tới, Giu-đa tiến lại gần Người và nói: “Thưa Thầy! “, rồi hôn Người.46 Họ liền tra tay bắt Người.47 Nhưng một trong những kẻ đang có mặt tại đó tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai.

48 Đức Giê-su nói với họ: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt?49 Ngày ngày, tôi vẫn ở giữa các ông, vẫn giảng dạy ở Đền Thờ, mà các ông không bắt. Nhưng thế này là để lời Sách Thánh được ứng nghiệm.”50 Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết.51 Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh.52 Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng.

Vậy chính xác người thanh niên này là ai? Chúng ta không đủ bằng chứng trong Kinh Thánh để khẳng định anh là ai. Song cũng có nhiều ý kiến về vấn đề này:

Người thì nói anh là Giacôbê

Trong bộ sách The Great Biblical Commentary[1], Cornelius à Lapide, nhà chú giải nổi tiếng Dòng Tên, đã đưa ra nhiều ý kiến của các giáo phụ: “Thánh Epiphanius và Thánh Giêrônimô cho rằng anh là Giacôbê, người anh em của Chúa”. Eusêbiô Caesarea (Giáo phụ lịch sử giáo hội) viết rằng Giacôbê suốt đời mặc áo vải gai, điều này hỗ trợ cho giả thuyết về tấm áo bị bỏ lại trong Marcô 14.

Người thì nói anh là Gioan.

Lapide cũng thông tin rằng: “Thánh Gioan Kim Khẩu, Thánh Ambrosiô, Thánh Grêgôriô và Baroniô cho rằng người trần truồng ấy là Thánh Gioan Tông Đồ, vì thánh nhân còn trẻ và là người trẻ nhất trong các tông đồ. Lại nữa, Thánh Gioan vẫn luôn trung thành suốt trên con đường hành hình đóng đinh”. Tuy nhiên, Lapide phản bác ý kiến này khi nói rằng, “Đấy chả phải là Gioan, Giacôbê hay bất cứ Tông đồ nào khác, đơn giản là vì Marcô đã nói trước đó, ở câu 50, rằng tất cả các môn đệ, nghĩa là các tông đồ, đều bỏ Người mà chạy trốn.

Người thì nói là Marcô

Rồi Lapide tiến gần hơn đến ý kiến đang chiếm ưu thế hiện nay: chàng thanh niên trần truồng không ai khác chính là Marcô. “Theophylact và Euthymius nghĩ rằng chàng thanh niên là người trong nhà Gioan Marcô, nơi Đức Kitô ăn lễ Vượt Qua. Và gần như chắc chắn, Cajetan và những người khác đoán rằng chàng thanh niên phải là thành viên hoặc đầy tớ trong ngôi liền kề với khu vườn nên anh bị đánh thức bởi tiếng ồn ào của những người đang vây bắt Chúa Giêsu, anh bật dậy khỏi giường, chạy ra xem điều gì đang xảy ra. Anh phải là người yêu quý hoặc môn đệ của Đức Kitô vì Marcô đã nói rằng: cậu thanh niên đi theo Người. (c. 51)

Hầu hết các học giả Kinh Thánh và các nhà chú giải ngày nay đều cho rằng người thanh niên này chính là Marcô. Marcô là Tin Mừng duy nhất có chi tiết đặc biệt này mà nhiều người cho đây là chữ ký của Marcô. Vài người khẳng định rằng Bữa tối cuối cùng diễn ra tại nhà bà mẹ của Marcô, bà Maria (xem Cv 12,12: “Ý thức được như vậy, ông (Phêrô) đi đến nhà bà Maria, mẹ của ông Gioan, cũng gọi là Máccô; ở đó có khá đông người đang tụ họp và cầu nguyện). Hoàn toàn hợp lý khi cho rằng Giuđa Iscariot có thể quay trở lại đây trước tiên để phản bội Chúa Giêsu. Vậy thì chúng ta có thể hiểu rằng Marcô (không mặc gì ngoài tấm vải gai) đã thức giấc, phát hiện ra âm mưu nên vội chạy đi báo với Chúa Giêsu. Cũng có thể Marcô bị đánh thức do tiếng náo động của đám đông đang tìm Chúa Giêsu và anh đã theo Ngài đến tận vườn Gethsemani.

Đoạn trích sau đây từ A Catholic Commentary on Holy Scripture[2] ủng hộ cho giả thiết này:

“Chỉ có Marcô chép thêm vào đoạn nói về người thanh niên vô danh này. Có thể anh ta thức giấc vì đám đông và theo họ chỉ với tấm vải phủ trên người. Sự kiện anh ta theo Chúa trong những hoàn cảnh này cho thấy anh là môn đệ hay ít ra là có cảm tình với Đức Kitô. Nhiều tác giả cho rằng đây là hồi ức cá nhân của tác giả Tin Mừng Marcô và đồng hóa người thanh niên này với chính Marcô. Việc đưa giai thoại cá nhân này vào, chẳng ăn nhập gì với trình thuật trước hoặc sau đó, làm cho nó có giá trị như chữ ký của Marcô trong Tin Mừng. Quan điểm này không chắc lắm, nhưng cũng đem lại một giải thích thỏa đáng cho một trình thuật khó hiểu. Và rõ ràng rằng chúng ta không thể xác định người thanh niên này với bất kỳ vị tông đồ nào – họ đã trốn hết rồi!”

[1] Cornelius à Lapide, The Great Biblical Commentary, 8 vol., Aeterna Press, 2004.

[2] Bernard Orchard, A Catholic commentary on Holy Scripture, Nelson, 1953.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ