T2, 12 / 2020 4:25 Chiều | Đức Tin Jesus

PHỤNG
VỤ

XÔNG HƯƠNG TRONG THÁNH LỄ
HƯƠNG TRONG KINH
THÁNH, Ý NGHĨA THẦN HỌC, LỊCH SỬ VÀ NGHI THỨC

Một số bạn trẻ hỏi:
xông hương khi nào và xông như thế nào trong thánh lễ? Trên cơ sở Sách lễ Rôma
được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chấp thuận những sửa đổi và chuẩn nhận ấn
bản mẫu năm 2002 tái bản lần III. Trong đó số 276 và số 277 thuộc Quy chế Tổng
quát qui định nghi thức xông hương trong thánh lễ. Vậy trước khi biết xông
hương khi nào và xông hương như thế nào cũng nên biết: hương được nói đến trong
Kinh thánh như thế nào, ý nghĩa thần học và vài nét lịch sử của nó trong phụng
vụ.

1. HƯƠNG ĐƯỢC NÓI ĐẾN TRONG KINH THÁNH

Thời Cựu ước, Giavê
Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê xây một bàn thờ đặc biệt dành riêng để dâng hương
thờ phượng Ngài. Sách Xuất Hành chương 30 ghi lại rằng:

“Ngươi sẽ làm một
bàn thờ để đốt hương; ngươi sẽ làm bằng gỗ keo. Hương án đó sẽ dài nửa thước,
rộng nửa thước – nghĩa là hình vuông – và cao một thước; các góc hình sừng làm
thành một khối với hương án… Trên đó, Aharon sẽ đốt hương thơm: sáng nào, ông
ấy cũng đốt hương thơm khi chuẩn bị dầu đèn, và lúc Aharon thắp đèn lên vào
chập tối, ông ấy cũng sẽ đốt hương thơm: đó là hương vĩnh viễn dâng trước nhan
Đức Chúa qua mọi thế hệ của các ngươi” (Xh 30, 1-2, 7-8).

Hương được đặt trên
lễ vật toàn thiêu tại bàn thờ như là việc dâng hy lễ tưởng niệm. “hương thơm êm
dịu dâng lên Chúa” (x. Lv 2). Sau này, trong đền thờ Giêrusalem, vào ngày lễ xá
tội vị thượng tế vén tấm màn ngăn đi vào nơi cực thánh để đốt cháy 2 nắm hương
bột có mùi thơm. Lúc bấy giờ khói hương dày đặc và hương thơm tỏa khắp nơi cực
thánh trong đó có đặt hòm giao ước (x. Lv 16, 12-13). Tại Israel, người ta xông
hương cho những người, những đồ vật và những nơi dành riêng cho việc thờ phượng
Thiên Chúa duy nhất. Tất cả họ tham gia vào việc thờ phượng Thiên Chúa, họ được
mời gọi loan truyền hương thơm tinh thần êm dịu: “Các ngươi hãy nghe, các con
trai thánh … các ngươi hãy tỏa như hương trầm thơm tho tốt lành” (Hc
39,13-14).

Xông hương buộc
thực hiện trong tôn giáo của người Israele nhưng các ý nghĩa biểu tượng thì
xuất hiện muộn hơn, kể cả trong phụng vụ Kitô giáo, trước hết là trong giáo hội
Đông phương.

Trong Tin Mừng
Matthêu, đã miêu tả lòng sùng kính đối với Chúa Giêsu Hài Đồng của các đạo sĩ,
người ta gọi họ là 3 vua. Họ đến từ vùng đất Đông phương xa xôi để gặp vua dân
Do Thái. Họ dâng cho Ngài những thứ quý giá đựng trong hộp, là: vàng, mộc dược
và nhũ hương (x. Mt 2, 11).

Thánh Phaolô huấn
dụ tín hữu Kitô rằng: “Tôi nài van anh em, trong tình thương của Thiên Chúa:
hãy hiến dâng toàn thân và đời sống anh em như hy lễ thánh thiện, thơm tho lên
cùng Thiên Chúa” (Rôma 12, 1). Theo thánh Phaolô, tất cả các tín hữu, với chứng
tá đức tin của mình họ làm lan tỏa trên thế giới hương thơm của Đức Kitô và
dâng lên Chúa Cha “trong hiến lễ thơm tho diệu vợi” (x. 2 Cor 2,14-16; Ef 5,2).

2. Ý NGHĨA THẦN HỌC

Thánh vịnh 142 câu
2 nói việc xông hương là dấu chỉ diễn đạt sự cung kính và như lời nguyện cầu
dâng lên Thiên Chúa.

“Ước chi lời con
nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan,

và tay con giơ lên
được chấp nhận như của lễ ban chiều” (Tv 141, 2).

Con người nối kết
với Thiên Chúa và thờ phượng Đấng Tối Cao qua các lễ nghi. Các lễ nghi đó được
diễn đạt và thể hiện qua các biểu tượng, những dấu hiệu, những cử chỉ vật lý
trong lãnh vực của con người. Việc thờ phượng Thiên Chúa được diễn đạt không
chỉ trong tâm hồn nhưng cả ngoài thể xác. Mùi thơm êm dịu của trầm hương, chắp
tay, cúi đầu… chúng làm cho người ta cảm nhận và dễ dàng đi vào bầu khí của
mầu nhiệm thánh đang cử hành.

Lý thuyết của việc
xông hương có một dấu hiệu đặc thù hy tế như của lễ toàn thiêu. Đốt hương, xông
hương giống như việc đốt cháy một vật quý giá với ý hướng dâng hiến nó cho
Thiên Chúa. Khói hương trầm thơm bay lên gợi lại không gian đền thờ Giêrusalem
nơi người ta thờ phượng Giavê Thiên Chúa, với Ngài người ta dâng tế vật toàn
thiêu cùng với hương thơm êm ái. Ý nghĩa này hiển nhiên vẫn còn đầy đủ nội dung
trong nghi thức dâng hiến lễ vật và xông hương trong thánh lễ.

3. VÀI NÉT LỊCH SỬ VỀ VIỆC DÙNG HƯƠNG TRONG PHỤNG VỤ

Tại dân ngoại,
hương được đốt cháy trước những tượng ảnh của các vị thần hay trước hoàng đế để
nhìn nhận và tôn kính họ. Trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, đông đảo các
tín hữu bị tử đạo vì đã từ chối thực hiện những cử chỉ sùng bái hoặc xông hương
cho hoàng đế hay ngẫu tượng. Những sức mạnh lôi cuốn không hay từ những cuộc
bách hại đạo hay những cuộc bắt bớ các tín hữu đi lưu đày, để phân biệt giữa
Kitô giáo và dân ngoại, việc dùng hương trong phụng vụ bị bãi bỏ hoàn toàn. Tuy
nhiên việc dùng hương được phục hồi sau khi hoàng đế Constantinô ra chỉ dụ
Milanô năm 313 công nhận đạo Kitô hợp pháp, chấm dứt các cuộc thảm sát các Kitô
hữu trong toàn đế quốc và bắt đầu sự suy tàn của dân ngoại. Tại Rôma người ta
không dùng bình hương, đỉnh hương hay cây hương như ở Đông phương mà sử dụng
một ít hương trong một cái hộp thích hợp để tỏa mùi thơm.

Thế kỷ thứ IV (thời
kỳ vàng của phụng vụ), những cuộc hành hương Egeria nổi tiếng đến viếng Mộ
thánh tại Giêrusalem, đã mô tả sự phát triển của phụng vụ. Mỗi khi cộng đoàn
“hát 3 thánh vịnh thì 3 lần dùng bình hương xông bên trong Mộ thánh, và như thế
tất cả vương cung thánh đường Mộ thánh tràn đầy mùi hương thơm” (Nhật Ký Hành
Hương 24, 10) [1]. Việc xông hương trọng thể nơi Đức Kitô được an táng và đã
phục sinh đã duy trì và về sau được ghi vào trong sách nghi lễ của các giám
mục. Tập tục xông hương nơi Mộ thánh gợi lại hình ảnh mấy phụ nữ mang dầu thơm
đến để ướp xác Chúa nhưng trái lại họ đã được thiên thần báo cho hay Chúa đã
Phục sinh vinh quang (x. Mc 1,6).

Việc xông hương lễ
vật được đưa vào trong phụng vụ Carôlingia (thời Charlemagne) từ thế kỷ thứ IX
và thực sự đưa vào phụng vụ Rôma từ thế kỷ XI.

Trong các Sách lễ
nghi Rôma cổ có quy tắc chặt chẽ, ấn định việc dùng hương trong các thánh lễ,
đặc biệt trong các lễ kính và lễ trọng không thể thiếu việc xông hương. Nhưng
trong Sách lễ “Missale Romanum” các ấn bản được ban hành sau Công đồng chung
Vaticanô II thì việc dùng hương được mở rộng và tự do. Việc mở rộng và tự do
dùng hương trong phụng vụ đã có giai đoạn người ta hiểu và áp dụng chưa đúng
với tinh thần của Công Đồng do việc dịch những ẩn ý của các chỉ dẫn chữ đỏ
trong sách phụng vụ.

Ví dụ số 276 trong
phần Tổng tắc lễ qui Rôma: Việc sử dụng hương trong tiếng latinh là ad
libitum
, trong các Sách lễ bằng tiếng bản xứ người ta đã dịch thuật ngữ
này với nhiều ý khác nhau:

Trong Sách lễ Rôma
bản văn tiếng Việt dịch theo bản Missale Romanum 1975 trang 57 số 235 quy chế
tổng quát, thì dịch là “có thể tùy nghi dùng hương” trong bất cứ hình thức
thánh lễ nào. Trong Sách lễ Rôma bản văn tiếng anh dịch theo bản Missale
Romanum 1970 trang lviii (58) số 235 quy chế tổng quát, thì dùng từ “optional”
nghĩa là việc dùng hương thì nhiệm ý không bắt buộc trong bất cứ hình thức
thánh lễ nào. Trong Sách lễ Rôma bằng tiếng Ý bản dịch của Hội đồng Giám mục Ý
(Conferenza Episcopale Italiana: CEI) thì dùng từ “a piacere” có nghĩa là tùy
thích dùng hương.

Và như vậy dùng
hương trong tất cả các thánh lễ đã trở nên một cách đơn giản tùy nghi không bắt
buộc. Với các nội dung dịch như thế nó đã in sâu vào trong tâm thức của hàng
giáo sĩ, việc dùng hương trong thánh lễ là tùy ý với ý nghĩa là đừng làm. Thậm
chí có người còn cho rằng đó là việc hào nhoáng vô ích.

Trái lại Ad libitum, thành ngữ latinh này có
nghĩa chính xác là thích, tùy ý. Nghĩa khác là không bắt buộc, nhiệm ý, không
đòi hỏi (đều có nghĩa là không bắt buộc). Đó là tùy ý trong nghĩa tích cực,
nghĩa là người ta có quyền dùng nó, nhưng nghĩa này trong tiếng Việt, tiếng Anh
hay nhiều tiếng khác không diễn đạt để hiểu thấu được.

4. NGHI THỨC XÔNG HƯƠNG TRONG THÁNH LỄ

Sách lễ Rôma, được
thực hiện theo nghị quyết của thánh Công đồng chung Vaticanô II, được Đức Thánh
Cha Phaolô VI chuẩn nhận ấn bản mẫu năm 1970, tu chính và tái bản lần II năm
1975. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chấp thuận những sửa đổi và chuẩn nhận ấn bản
mẫu năm 2002 tái bản lần III [2]. (Nhiều cộng đoàn người Việt tại hải ngoại hay
tại Việt Nam khi cử hành thánh lễ vẫn còn dùng Sách lễ Rôma dịch theo ấn bản
1975). Số 276 và 277 trong Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma năm 2002 quy định
nghi thức sử dụng hương trong thánh lễ như sau:

XÔNG HƯƠNG KHI NÀO ?

Số 276 Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma [3]

Việc xông hương có
thể tùy nghi sử dụng trong bất cứ nghi thức thánh lễ nào. Có thể sử dụng trong
các thánh lễ nhớ buộc hay lễ nhớ tùy và cả trong các thánh lễ thường ngày.

– Trong khi đi rước
ra bàn thờ.

– Lúc đầu thánh lễ
xông hương thánh giá và bàn thờ.

– Khi đi rước sách
Tin Mừng và trước khi công bố Tin Mừng.

– Khi bánh rượu đặt
trên bàn thờ, xông hương của lễ, thánh giá, bàn thờ, linh mục chủ tế (linh mục
đồng tế nếu có) và dân chúng.

– Khi giơ Mình
Thánh và Chén Thánh lên sau truyền phép.

XÔNG HƯƠNG THẾ NÀO ?

Số 277 Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma [4]

Linh mục khi bỏ
hương vào bình thì thinh lặng và làm phép bằng một dấu thánh giá.

Người xông hương,
trước và sau khi xông thì cúi đầu đối với những người, những sự vật được xông
hương, nhưng không cúi đầu đối với bàn thờ và của lễ để hiến tế trong thánh lễ.

Ba lần đưa bình
hương lên
[5] xông [6] đối với:

– Mình Thánh Chúa

– Tượng chịu nạn
(Thánh Giá).

– Các tượng hay ảnh
Chúa khi trưng bày công khai để tôn kính

– Những của lễ trên
bàn thờ để hiến tế trong thánh lễ.

– Thánh giá trên
bàn thờ

– Sách Tin Mừng

– Nến Phục sinh

– Linh mục

– Cộng đoàn.

Hai lần đưa bình
hương lên xông
đối với:

– Các di tích của
các thánh (ví dụ: di hài các thánh…)

– Các ảnh, tượng
các thánh được đặt công khai tôn kính.

Và chỉ xông một lần
vào lúc bắt đầu cử hành thánh lễ, tức là khi xông hương bàn thờ.

* Đối với bàn thờ thì xông đơn
[7], theo cách thức sau:

– Nếu bàn thờ tách
rời với vách tường thì linh mục xông xung quanh bàn thờ.

– Nếu bàn thờ một
mặt gắn liền hay sát với vách tường thì linh mục xông bên phải rồi xông bên
trái bàn thờ.

* Đối với tượng chịu nạn: Nếu
tượng chịu nạn được đặt trên bàn thờ hay kế cận bàn thờ, thì xông tượng chịu
nạn trước khi xông bàn thờ, nếu không thì sẽ xông tượng chịu nạn khi linh mục
đi ngang qua.

Linh mục xông hương
những lễ vật trước việc xông hương tượng chịu nạn và bàn thờ với ba cú, mỗi cú
hai lắc; hoặc xông với việc lắc bình hương theo hình thánh giá và hình tròn
trên lễ vật [8].

5. SƠ ĐỒ THEO NGHI THỨC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI

(Incensum – Istud –
A te – Benedictum – Ascendat – Ad te Domine)

(Et descendat super
nos – Misericordia – Tua)




Lm. Giuse Thiện
Tĩnh
Trích Bản tin Hiệp
Thông / HĐGMVN số 77 (tháng 7 & 8 năm 2013)
Nguồn: Truyền thông
HĐGMVN

Tham chiểu và chủ thích:

[1] EgEria, Diario Di Viaggio, Paolile Editoriale
Libri, Rôma
21999, (24,
10).

[2] Missale Romanum, Typis Vaticanis 3MMII, 4; http://www.ewtn.com/library/CURIA/cdwl-
grm.htm

[3] Missale
Romanum,
Missale Romanum, Institutio
Generalis Missalis Rômani 276,
Typis Vaticanis 3MMII, tr 63.

De incensatione

Thurificatio seu incensatio
reverentiam exprimit et orationem, ut in Sacra Scriptura significatur (cf.
Ps. 140, 2; Apoc. 8, 3). Incensum ad libitum adhiberi potest in qualibet forma
Missae:

a. durante
processione ingressus;

b. initio Missae, ad
crucem et altare thurificandum;

c. ad processionem
et ad proclamationem Evangelii;

d. pane et calice
super altare depositis, ad thurificanda oblata, crucem et altare, necnon
sacerdotem et populum;

e. ad ostensionem
hostiae et calicis post consecrationem”.

[4] Missale
Romanum,
Missale Romanum, Institutio
Generalis Missalis Rômani 277,
Typis Vaticanis 3MMII, tr 64.

“Sacerdos, cum
incensum ponit in thuribulum, illud benedicit signo crucis, nihil dicens. Ante
et post thurificationem fit pro- funda inclinatio personae vel rei quae
incensatur, altari et obla- tis pro Missae sacrificio exceptis.

Tribus ductibus
thuribuli incensantur: Ss.mum Sacramentum, reliquia sanctae Crucis et imagines
Domini publicae veneratio- ni expositae, oblata pro Missae sacrificio, crux
altaris, Evange- liarium, cereus paschalis, sacerdos et populus.

Duobus ductibus
incensantur reliquiae et imagines Sanctorum publicae venerationi expositae, et
quidem initio tantum celebrationis, cum incensatur altare.

Altare incensatur
singulis ictibus hoc modo:

– si altare est a
pariete seiunctum, sacerdos illud circumeundo incensat;

– si vero altare
non est a pariete seiunctum, sacerdos transeun- do incensat primo partem
dexteram, deinde partem sinistram.

Crux, si est super
altare vel apud ipsum, thurificatur ante altaris incensationem, secus cum
sacerdos transit ante ipsam.

Oblata incensat
sacerdos tribus ductibus thuribuli, ante incensationem crucis et altaris, vel
signum crucis super oblata thuribulo producens”.

[5] Có nơi gọi là
ba cú, mỗi cú hai lắc.

[6] Lắc bình hương
về phía đối tượng được xông. Trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma không ấn định
mấy lần lắc bình hương, nhưng thực hành trong các thánh lễ đại triều tại Rôma
thường chủ tế lắc hai lần.

[7] Một cú, mỗi cú
hai lắc.

[8] Sơ đồ xông hương
theo nghi thức của Đức giáo hoàng Phaolô VI, 
Sách lễ Rôma.