T7, 02 / 2018 12:32 Chiều | Đức Tin Jesus

“Làm việc bác ái là phương thức tốt nhất để loa báo Tin Mừng” – Đó là tâm niệm mà cha Giuse Nguyễn Hữu An (Giáo xứ Kim Ngọc – Gp. Phan Thiết) luôn thao thức trong suốt 17 năm linh mục

Vị linh mục có “dấu chân đôi” (*)

Vị linh mục có “dấu chân đôi” (*)

Linh mục Giuse hiện là Trưởng ban Truyền thông của GP Phan Thiết, là cây bút quen thuộc của báo CGvDT cũng như nhiều trang mạng Công giáo khác. Cha đi nhiều, viết nhiều, từ bút ký đến ghi nhận, từ tường thuật đến phóng sự ảnh. Đặc biệt, cha thường xuyên có những bài suy niệm Lời Chúa đăng trên các website, báo…, với những liên hệ khá sâu sắc từ Kinh Thánh đến cuộc sống.

Một thoáng hồi tưởng, cha An chia sẻ với chúng tôi về những ngày đầu đến với ơn gọi. Dòng họ cha có ông bác là linh mục Phêrô Nguyễn Văn Oai, phục vụ giáo phận Huế. Trong thế hệ con cháu, chưa có ai tiếp bước nên mọi người vẫn luôn hy vọng và cầu nguyện. Năm 1988, khi biết Đức Giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi mở lớp dự tu đầu tiên của giáo phận Phan Thiết, cha An đã đăng ký. Lúc ấy, cha vừa đi làm, vừa học lớp dự tu và còn phục vụ trong ca đoàn, giáo lý viên ở giáo xứ Tin Mừng. Năm 1992, cha được bề trên gọi vào Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Sau khi thụ phong linh mục (ngày 8.9.2000), cha nhận bài sai về làm phó xứ Chính Tâm, kiêm quản nhiệm giáo họ Mẹ Vô Nhiễm, rồi là cha xứ tiên khởi giáo xứ này. Năm 2009, Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan bổ nhiệm ngài làm chánh xứ Kim Ngọc.

Về hai người thầy đã ảnh hưởng và trở thành tấm gương cho mình từ thời còn làm phó tế và linh mục phó, cha An vẫn nhắc đến cha sở giáo xứ Chính Tâm Phêrô Nguyễn Đình Sáng (nay là Tổng quản lý Giáo phận Phan Thiết), người luôn năng nổ trong việc mục vụ, giúp đỡ người nghèo, phát triển các giáo họ và truyền giáo cho người dân tộc Châuro; vị còn lại là cha Giuse Nguyễn Văn Lừng (nay là Phó Giám đốc chủng viện Nicôla), người rất đam mê sách vở, nghiên cứu thần học.

Tập hát cùng các em thiếu nhi

Khi trở thành chánh xứ Mẹ Vô Nhiễm, sau đó là Kim Ngọc, cha An bắt tay vào thực hành chính những điều đã học được từ các người thầy đi trước. Cái duyên với người nghèo ngày càng đậm nét nơi vị mục tử. Nhận thấy đời sống của bà con trong xứ còn nhiều khó khăn, chứng kiến nhiều hộ gia đình sống trong những mái nhà xập xệ không đủ che mưa che nắng, cha An xót xa: “Sự nghèo khổ làm cho con người trở nên túng quẫn, vợ chồng xích mích, con cái không được chăm lo chu đáo, đến cái tổ ấm mà còn tạm bợ, trống huơ trống hoác thì làm sao mà yên ổn sống tốt cho đặng”. Không cầm lòng, cha liền chạy vạy, kêu gọi sự giúp đỡ của các ân nhân, mạnh thường quân trong và ngoài nước. Nhờ sự hỗ trợ này, hơn 100 căn nhà tình thương đã được gởi trao tới những hộ gia đình kém may mắn. Có dịp theo chân cha đến làm phép nhà cho một tổ ấm vừa mới hoàn tất, chúng tôi được nghe chị Nguyễn Thị Yến Linh, chủ nhân của căn nhà bày tỏ: “Đây là niềm mơ ước của bà ngoại và hai mẹ con từ bấy lâu nay. Có được căn nhà kiên cố để che mưa che nắng như vậy là quá đỗi hạnh phúc. Chúng tôi vô cùng biết ơn cha và các vị ân nhân”. Nhà tình thương là dự án mà cha An cùng với các cộng sự, các ân nhân quảng đại duy trì trong nhiều năm qua. Mỗi căn trị giá 40 triệu đồng. Có những ngôi nhà được hỗ trợ hoàn toàn, nhưng cũng có căn cha phụ tiền thêm vô cho gia chủ hay ủng hộ bằng vật liệu để bà con bớt đi gánh nặng chi phí. Ngoài ra, vị mục tử nhiệt thành còn giúp nhiều gia đình có nguồn nước sạch để dùng trong ăn uống sinh hoạt và xây nhà vệ sinh cho những hộ đông con.

Không chỉ nơi ăn chốn ở, phương kế làm ăn sinh sống của người dân cũng được cha quan tâm. Nhận thấy đất đai bà con trồng rau quả hoa màu sau khi thu hoạch xong vẫn có thể dùng để nuôi gia súc, cha đã mua mấy con bò gởi đến các hộ gia đình khó khăn trong xã giúp họ chăn nuôi để có thêm thu nhập. Nhờ vậy mà cuộc sống của bà con nông dân được cải thiện hơn. Chuyện học hành của con trẻ trong xứ cũng được cha chăm lo bằng những phần học bổng, giúp nhiều học trò nghèo có cơ hội đến trường.

Mỗi tháng, nhờ mối liên hệ của cha mà giáo xứ lại có một đôi lần đón các đoàn bác sĩ thiện nguyện ở Sài Gòn xuống khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân, không phân biệt lương giáo. Ngoài ra, mỗi người bệnh còn được trao tận tay một phần quà mang về. Tại nhà xứ, tủ thuốc bác ái cũng được thiết lập, mở cửa khám bệnh và phát thuốc vào thứ năm và Chúa nhật hằng tuần. Luôn đồng hành cùng với người nghèo trong sứ vụ tông đồ, lúc nào cha An cũng chuẩn bị sẵn những phần quà biếu tặng bà con vào dịp lễ tết, tạo thêm niềm vui trong cộng đồng.

Như người cha chung của đoàn chiên xứ Kim Ngọc, cha luôn cố gắng hết sức để có thể nâng đỡ hết mọi thành phần trong giáo xứ, không chỉ về vật chất mà cả đời sống thiêng liêng. Vị mục tử còn là người sâu sát với thiếu nhi và giới trẻ, quan tâm đến vấn đề giáo dục nhân bản, giúp các em thêm vững vàng khi bước vào đời. Để khuyến khích các bạn nhỏ đến nhà Chúa nhiều hơn, cha tạo một sân chơi trong khuôn viên giáo xứ thu hút thanh thiếu nhi đến vui chơi sinh hoạt. Thoạt nhìn, tưởng như cha là người nghiêm khắc nhưng khi tiếp xúc thì lại thấy ngài dễ gần gũi. Có lẽ vì thế mà cứ chiều đến, sân nhà thờ lại rộn rã tiếng cười nô đùa của các bạn trẻ.

Chính sự thân tình, không quản ngại viếng thăm những gia đình khó khăn và có những việc làm thiết thực nâng đỡ người kém may mắn cũng như chăm lo cho các giới trong xứ mà vị chủ chăn được nhiều giáo dân quý mến. “Cha đã tạo được nhiều nét sinh động nơi họ đạo, bà con ai cũng phấn khởi”, bà Huỳnh Thị Chức, một giáo dân xứ Kim Ngọc vui vẻ khoe.

Suy nghĩ về chặng đường mục vụ đã trải qua, vị mục tử cười hiền chia sẻ: “Lắng nghe và thấu hiểu, gần gũi, thân thiện và chân thành, chìa tay nâng đỡ khi họ cần, mình luôn muốn qua những việc làm vì người nghèo, mọi người thấy được lòng thương xót của Chúa đang tỏ hiện”.Trong câu chuyện, cha cũng nhấn mạnh rằng, để làm được những việc ấy, một mình ngài không đủ sức mà có sự tin tưởng, liên đới giúp đỡ của rất nhiều cộng sự, các ân nhân, mạnh thường quân xa gần. Chính sự ủng hộ và tình cảm thân thương đó là động lực để cha vững tin, tiến bước trên con đường loan báo Tin Mừng. Cha cũng rất tâm đắc bài hát “Dấu chân” của nhạc sĩ Thông Vi Vu:

“Bao nhiêu dấu chân qua, bấy nhiêu niềm cảm tạ.

Đôi khi có những bước phôi pha mà hình bên bóng chẳng rời xa.

Hôm nao thấy dấu chân đôi, đó là Chúa đi bên tôi.

Hôm nào còn một dấu thôi, là bởi vì Chúa ẵm tôi lên rồi…”

Gần 17 năm linh mục, cha đã sống sứ vụ mục tử qua nhiều giáo xứ. Mỗi nơi đều in đậm dấu chân người phục vụ Tin Mừng. “Bao nhiêu nhiêu dấu chân qua, bấy nhiêu niềm cảm tạ”.  Mỗi ngày đã qua như một dấu chân nối tiếp nhau tạo nên đoạn đường dài của vui mừng và hy vọng.