T4, 02 / 2018 10:22 Sáng | Đức Tin Jesus

“Cùng Mẹ Maria sống mầu nhiệm cứu độ và mang ơn cứu độ đến cho mọi người” là tôn chỉ mà mỗi nữ tu dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa (FMSR) ngày ngày ấp ủ suốt hơn 70 năm qua.

Thầm lặng cùng mẹ Mân Côi

Thầm lặng cùng mẹ Mân Côi

Làm vơi những khoảng trống

“Người nữ tu sống trong hội dòng với cuộc đời xem ra khá ổn định, nhưng họ làm sao có thể an nhàn khi muôn vàn con người đang gánh chịu những khổ đau tinh thần cũng như vật chất? Làm sao để có thể sống trọn vai trò của mình giữa một cuộc sống biến đổi và không ngừng tạo nên muôn vàn những âu lo, khắc khoải?…”, là những câu hỏi mà tất cả các thành viên trong hội dòng đêm ngày trăn trở. Sống đời dâng hiến là sống ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục, và từng chị em Mân Côi Chí Hòa còn phải ghi nhớ thêm châm ngôn “sống là yêu thương, phục vụ mọi người”. Chính vì vậy, ngoài công tác mục vụ tại các xứ đạo, các chị cũng cố gắng dùng đôi tay, khối óc và tấm lòng của mình để đỡ nâng và an ủi những người yếu thế.

Dòng Chị em Con Ðức Mẹ Mân Côi Chí Hòa có trụ sở chính tại số 67 đường Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM. Dòng hiện có 2 tỉnh dòng : tỉnh dòng Truyền Tin tại Việt Nam và tỉnh dòng Nữ Vương Hòa Bình tại Mỹ. Toàn dòng có 402 nữ tu. trong đó có 279 khấn trọn, 123 khấn tạm.

Chúng tôi ghé thăm Nhà dưỡng lão Dốc Mơ, chốn náu nương của khoảng 10 cụ bà không nơi nương tựa. Công trình này do cha Giuse Hoàng Minh Đường, nguyên chánh xứ Dốc Mơ thành lập cách nay hơn 50 năm. Chính ngài đã ngỏ lời nhờ các nữ tu Mân Côi hỗ trợ trong việc chăm sóc cho các cụ, để rồi đến hôm nay, các chị vẫn luôn đồng hành và tận tụy với công việc lặng thầm này. Một nữ tu vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Chăm các cụ cũng như chăm con trẻ vậy. Phải nhẹ nhàng, từ tốn chứ không các cụ giận là khó dỗ lắm. Nhất là những khi có tranh cãi, chị em phải làm trọng tài, phải phân xử làm sao cho công bằng mới được”. Chỉ bấy nhiêu thôi, có vẻ đơn giản nhưng được chứng kiến các nữ tu loay hoay không ngừng với việc dọn dẹp, nấu nướng, lo việc vệ sinh cá nhân cho các cụ, nhất là những cụ mất khả năng đi lại, mới phần nào cảm nhận được sự vất vả của họ.

Với người già là vậy, với lớp trẻ thì các tu sĩ còn chất chứa nhiều nỗi ưu tư hơn. Dòng hiện có 2 cơ sở chăm lo cho các em mồ côi, các em nghèo sống lang thang trên đường phố và cộng tác trong việc giúp trẻ khiếm thị tại một mái ấm tư nhân. Dù đã dùng hết khả năng, tình yêu thương của mình để nâng đỡ những mảnh đời ấy nhưng với các nữ tu thì bấy nhiêu vẫn chưa đủ, vì vẫn không thể nào giải quyết được tận căn vấn đề. Nữ tu Maria Gaudentia Bùi Xuân Huệ trăn trở: “Các em gọi chúng tôi là mẹ, cùng vui chơi, học tập với nhau trong mái nhà chung nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy bên trong chúng có cái gì đó khuyết đi mà không thể bồi đắp. Chúng tôi chỉ mong sao sẽ không có những hoàn cảnh như thế trên đời để trẻ nào cũng được sống trong tình yêu của cha mẹ nhưng dường như điều đó lại khó biết bao”. Mong muốn các em được hiểu rõ về nguồn cội của mình nên ngoài việc nuôi nấng, dạy dỗ, các nữ tu còn sắp xếp một khoảng thời gian trong năm để đưa trẻ về thăm quê, về lại nơi mình đã sinh ra. Theo quan điểm của các chị thì hoạt động ấy sẽ làm cho các bé vơi đi phần nào nỗi khát vọng được hiểu hơn về bản thân, về nguồn cội, đồng thời có thêm động lực để tiến tới. Và hơn hết thảy, trong thâm tâm của những “người mẹ – tu sĩ” ấy vẫn là niềm ước mong cho các con mình phát triển thành người tốt, có tương lai ổn định mai sau.

Sống đức ái qua những điều nhỏ nhặt thường ngày – ảnh: dòng cung cấp

Dung hòa những khác biệt

Ngược dòng lịch sử, năm 1946, Đức cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn sáng lập hội dòng ở Trung Linh, Bùi Chu. Theo dòng người di cư từ Bắc vô Nam năm 1954, hội dòng thiết lập trụ sở chính tại họ đạo Chí Hòa, giáo phận Sài Gòn, với 90 nữ tu, 13 tập sinh. Từ đó đến nay là quãng đường dài phát triển cùng những thăng trầm lịch sử và biết bao buồn vui cuộc sống. Nếu tìm kiếm điểm khác biệt giữa các chị em Mân Côi Chí Hòa với các dòng nữ khác, cũng nhận Đức Mẹ làm gương sống, thì rất khó để nhận ra bởi đâu đó vẫn có nét tương đồng trong tôn chỉ, mục đích, linh đạo dòng… Nhưng khi được tiếp xúc, trò chuyện, ở cùng với các chị thì sẽ cảm nhận được nét đặc biệt hấp dẫn lan tỏa từ cung cách sinh hoạt, từ nét cười hòa nhã, từ bầu khí gia đình thân thiện, cởi mở mà chị em tạo nên. Mang trong mình lối sống ấy, các chị đi đến những vùng xa xôi, những nơi còn nghèo khó để sống và làm chứng cho niềm tin của mình.

Hăng say tham gia sinh hoạt mục vụ tại các xứ đạo và đỡ nâng, an ủi những người yếu thế – ảnh: dòng cung cấp

Cốt lõi của đời dâng hiến Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa là sống đức ái trong từng hành động, cử chỉ và làm chứng cho Chúa qua những điều nhỏ nhặt nhất. Tuy nhiên, sống chung với cộng đoàn thì chẳng hề dễ dàng nên cần mỗi người phải biết hy sinh, phải cố gắng dung hòa bản thân để tất cả được nên một. Bề trên tổng quyền đương nhiệm, nữ tu Maria Rôsa Vũ Thị Loan nhận định: “Cộng đoàn luôn có những khác biệt, nhưng sự khác biệt này sẽ làm phong phú đời sống cộng đoàn khi mỗi chị em cảm thấy an tâm và tự tin vì tâm niệm rằng người khác sẽ bổ khuyết cho mình những gì còn khiếm khuyết, và đời sống cộng đoàn là ngôi trường dạy sự thánh thiện. Lúc đó mỗi người sẽ dùng những gì mình có để cùng các chị em khác làm nên một khối vẹn toàn có sức mạnh thúc đẩy nhau tiến bước”.

MAI LAN

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc