T2, 12 / 2020 4:24 Chiều | Đức Tin Jesus

SỰ THA THỨ – PHÉP THỬ CỦA TÌNH YÊU VÀ
LÒNG CHUNG THỦY TRONG HÔN NHÂN

Tác giả: Aug. Trần Cao Khải

WHĐ (14.8.2020) –
Có thể nói, tất cả những ai đã trải qua đời sống hôn nhân gia đình đều có chung
một nhận định này là, tha thứ là một
việc làm khó khăn nhất mà họ phải thực thi khi xảy ra sự cố bất đồng giữa hai vợ
chồng. Chính vì mức độ khó khăn đặc biệt đó mà nhiều cặp đôi đã phải ly thân hoặc
ly hôn. Lý do chủ yếu chỉ là vì họ không thể tha thứ cho nhau sau cãi vã mâu
thuẫn. Nhiều người đã không ngần ngại nói rằng càng yêu, càng gắn bó với nhau
thì khó tha thứ cho nhau. 

Thực vậy, tha thứ
luôn là thử thách khó khăn nhất của hôn nhân. Tha thứ được mô tả là hình thức tối
thượng của tình yêu, bởi nó kiểm tra độ sâu sắc, sức mạnh tình cảm của một cặp
đôi. Sự tha thứ được ví như một nghệ thuật có thể khiến ai đó phải mất cả đời để
có thể thành thạo, một điều mà con người không ngừng học hỏi trong cả cuộc đời
mình.

Nữ tiến sĩ
Nathalie Sommer, một chuyên gia về quan hệ hôn nhân của Đại học Yale, Mỹ, nhận
định rằng tha thứ là một trong những khía cạnh quan trọng và khó khăn nhất của
một mối quan hệ. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn có một mối quan hệ thực sự sâu sắc,
mỗi người buộc phải học cách tha thứ. [1]

Tha thứ trong cuộc
sống hôn nhân và trong quan hệ vợ chồng luôn là một thách đố khiến chúng ta phải
luôn tỉnh táo, thông minh và đầy bản lãnh để học tập và thực hành nghệ thuật
này mỗi khi xảy ra xung đột mâu thuẫn.

Tuy nhiên, xét về
mặt thực tế, chúng ta sẽ phát hiện ra có những điều tưởng chừng như là tha thứ
nhưng thực ra không phải vậy. Chẳng hạn, tha thứ không phải là miễn chuẩn trách
nhiệm cho người có lỗi; tha thứ không đòi hỏi người có lỗi phải thể hiện lòng hối
lỗi và đền bù; tha thứ cũng không phải là thừa nhận mình sai; tha thứ không phải
là hòa giải vv. [2]

Vậy câu hỏi đặt
ra là sự tha thứ theo đúng nghĩa phải như thế nào?

I.- THẾ NÀO LÀ THA THỨ?

1.1. LM Giuse Đỗ Văn
Thụy, trong cuốn “Tân Phúc Âm Hóa Lòng Tha Thứ” đã diễn giải về khái niệm của
tha thứ, như sau:

Tha thứ là một
trong những khái niệm mà chúng ta luôn cho rằng mình có thể định nghĩa, nhưng
khi được hỏi, chúng ta lại ngập ngừng. Vậy chúng ta hãy thử định nghĩa sự tha
thứ như thế nào?

Theo Edward
M.Hallowell, “Tha Thứ là từ bỏ giận dữ oán thù”.

Với từ gốc Hy Lạp
thì có nghĩa là “làm cho tự do”, như trong “trả tự do cho người nô lệ”. Trớ
trêu thay, khi chúng ta tha thứ, người nô lệ mà chúng ta trả tự do là chính bản
thân mình. Chúng ta giải thoát bản thân ra khỏi tình trạng nô lệ cho lòng căm
thù.

Như vậy, để tha
thứ, chúng ta phải từ bỏ lòng oán thù hay sự giận dữ. Không phải chúng ta quên,
phớt lờ hay bỏ qua cho bất cứ ai hoặc bất cứ việc gì. Chúng ta chỉ phải từ bỏ sự
giận dữ và oán thù của mình. Chỉ cần làm như thế nhưng dường như chúng ta cũng
không thể làm được, nhất là khi bị tổn thương quá nặng nề. [3]

1.2. Trong bài viết
có tựa đề “Hãy biết tha thứ”, một tác giả thuộc Viện Tâm Lý Học đã đưa ra khái
niệm khác về tha thứ, như sau:

Tha thứ là gì?
Tha thứ không phải là một cảm giác, tha thứ là cách thoát khỏi những
cảm xúc tiêu cực nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tha thứ làm chúng ta dễ chịu hơn,
nhẹ nhõm hơn, đó là một lựa chọn quan trọng và khó khăn để quên đi những điều
không hay xảy ra. nó sẽ giải thoát ta ra những u buồn, sợ hãi trong lòng. Sau
khi bạn tha thứ, bạn không phải để xóa bỏ sai lầm mà để thoát khỏi những cảm
xúc tiêu cực tâm trí, cũng chính là bạn đang giải phóng tự do cho chính mình.
Trút bỏ những tổn thương, cứ để thời gian làm mờ vết sẹo ấy, bạn sẽ thấy, tha
thứ là cách tốt nhất để tâm hồn thanh thản. [4]

1.3. Riêng Từ điển
Công Giáo, thì định nghĩa như sau: Tha là
bỏ qua lỗi lầm của người khác; thứ là tha cho người có lỗi. Tha thứ là bỏ qua, không còn để ý đến
sai phạm của người khác. Tha thứ là sẵn sàng bỏ qua những tức giận, bực bội,
thù oán, không còn trách cứ, trừng phạt người đã xúc phạm đến mình hay đến người
khác
.

Hiệu quả của sự
tha thứ là đem lại bình an, hạnh phúc, tạo nên sự an hòa cho mọi người.

Ơn cứu chuộc được
ban cho nhân loại qua sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa nhờ Đức
Ki-tô (x. Lc 7,36-50; Ga 8,1). Sự tha thứ này được trao lại cho Hội thánh qua
các Tông đồ (x. Mt 18,18) và được Hội thánh thực hiện nhờ Bí tích Hòa Giải.
Ngoài ra, Chúa Giê-su còn đòi buộc con người phải tha thứ cho nhau như Người đã
làm (x. Mt 18,35). [5]

Xét như vậy, ta
thấy rằng sự tha thứ trong đời sống con người nói chung và trong hôn nhân gia
đình nói riêng là một bằng chứng của một tình thương đích thực, đồng thời đó
cũng là điều kiện cần thiết nhằm duy trì mối quan hệ bền vững giữa người với
người.

Khi ra tòa xin ly
hôn, thường đôi bạn nói rằng họ không hợp nhau. Thực ra, xét sâu xa hơn thì
trong nhiều trường hợp, lý do chủ yếu vẫn là một trong hai bạn hay cả hai bạn
không muốn tha thứ cho nhau. Trên đời này, không có một con người nào hoàn hảo,
cũng không có một cuộc hôn nhân nào toàn bích cả.

Thánh Gia-cô-bê
đã viết: “Tất cả chúng ta thường vấp ngã
(Gc 3,2). Vì thế trong đời sống vợ chồng, không ai là không mắc lỗi lầm và
không ai có thể tránh được bất hòa, mâu thuẫn, xung khắc nhau. Ông bà thường
nói, chén bát còn có thể va chạm huống cho là con người “bá nhân bá tính”. Cho
nên vấn đề là khi người ta xúc phạm hay làm tổn thương nhau, người ta có đủ can
đảm tha thứ cho nhau không.

Ở đây, chúng ta
nhận ra hai khía cạnh căn bản của tha thứ: – Tha thứ là bằng chứng về một tình
yêu đích thực và – Tha thứ là điều kiện giúp hôn nhân bền vững.

II.- THA THỨ CHỨNG MINH TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC

Một danh nhân đã
nói, “Không thể có tình yêu nếu không có
tha thứ. Không thể tha thứ nếu không có tình yêu
” (Bryant McGill).

Quả thực tha thứ
và yêu thương là cặp đôi gắn bó với nhau như hình với bóng. Khi hai người chấp
nhận tha thứ cho nhau mỗi khi họ xúc phạm hay làm tổn thương nhau, thì điều đó
chứng tỏ họ còn yêu nhau và yêu nhau thực tình. Ngược lại, nếu hai người cứ
khăng khăng bảo vệ ý kiến và quan điểm riêng của mình mà không thể hiện lòng
bao dung, tha thứ cho bạn đời, thì điều đó chứng tỏ tình yêu giữa hai vợ chồng
có “vấn đề”.

Ông bà ta thường
nói “Thương nhau chín bỏ làm mười”.
Thực vậy, chỉ có lòng khoan dung mới giúp cho đôi bạn giữ được tình yêu nồng ấm,
duy trì được sự trung thành lâu dài, gia tăng được sự tin tưởng cần thiết, nhờ
đó dù gặp nhiều sóng gió và thử thách trên đời, đôi bạn vẫn song hành với nhau
cho đến cuối đời.

Người ta nói rằng,
hôn nhân không phải là luống hồng nhưng là bãi chiến trường. Điều đó có nghĩa
là cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng êm ả như mặt nước hồ thu. Trái lại,
mỗi người phải chiến đấu với chính mình, với tính kiêu căng, ích kỷ, tự mãn,
nóng giận, hẹp hòi của cá nhân mình, đồng thời phải thích nghi với bạn đời khác
tính khác nết của mình. Tình yêu luôn là yếu tố hóa giải mọi bất đồng: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch
cũng kê cho bằng
” (Ca dao VN). Nữ diễn giả nổi tiếng người Mỹ
Louise
Hay
đã nói như sau:
Tình yêu thương luôn là biện pháp để chữa lành mọi vết thương. Và con đường dẫn đến tình yêu thương là sự tha thứ.Tha thứ hòa tan oán ghét”.

Thực vậy, tha thứ được mô tả là hình thức tối thượng
của tình yêu, bởi nó kiểm tra độ sâu sắc, sức mạnh tình cảm của một cặp đôi. Sự
tha thứ được ví như một nghệ thuật có thể khiến ai đó phải mất cả đời để có thể
thành thạo, một điều mà con người không ngừng học hỏi trong cả cuộc đời mình.

Tha thứ không có
nghĩa là yếu đuối, nhượng bộ. Trái lại, nó cho thấy sức mạnh của chính mỗi người,
khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn. Tha thứ là biểu hiện của một tình yêu vô điều kiện,
nếu không có điều đó, sẽ rất khó để các cặp đôi có thể vượt qua những cơn bão,
hay những trở ngại trong mối quan hệ. [1]

III.- THA THỨ LÀ ĐIỀU KIỆN CỦA HÔN NHÂN BỀN VỮNG

Ai trong chúng ta
cũng đều biết rằng hôn nhân không phải là một đóa hoa hồng xinh đẹp mà là một
cuộc chiến cam go, trong đó hai bạn nam nữ là những chiến binh cực kỳ dũng cảm.
Cuộc sống sau đám cưới là những chuỗi ngày phải đấu tranh gian khổ để duy trì hạnh
phúc, bình an trong gia đình. Sớm muộn người ta sẽ phải trải qua những lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” hay những
tình huống dở khóc dở cười “ông nói gà,
bà nói vịt
”, “trống đánh xuôi kèn thổi
ngược
” vv…

Tác giả Dale
Carnegie trong quyển “Tâm lý vợ chồng” khi đề cập đến những va chạm hằng ngày xảy
ra trong cuộc sống lứa đôi đã viết như sau: “Cuộc sống vợ chồng là một cuộc sống tế nhị, con người khi lập gia đình
phải hiểu được những khó khăn, phiền phức trong cuộc sống lứa đôi đó, mới có thể
mang lại cho nhau nguồn hạnh phúc chân thật đúng như lòng mình mong muốn. Yêu tức
là thừa nhận, yêu là tha thứ, đó là một chuyện đương nhiên không ai không biết,
nhưng không phải vì thế mà câu chuyện vợ chồng trở thành đơn giản, mọi người đều
thừa biết là thế, song cuộc sống vợ chồng vẫn là một cuộc sống phiền toái luôn
luôn phức tạp…
”.

Một trong những
điều kiện quan trọng nhất để duy trì hôn nhân bền vững, đó là phải biết tha thứ
cho những lầm lỗi của nhau. Người xưa nói, lỗ nhỏ đắm thuyền, một hành vi thiếu
khoan dung, quảng đại dù nhỏ cũng có thể gây cuộc hôn nhân của đôi bạn bị chao
đảo, mất hướng. Một hành vi cố chấp, cứng cỏi, thiếu khoan nhượng có thể làm
tan vỡ cả một công trình mà hai người mất bao thời gian xây dựng, vun đắp. Vì vậy,
có người đã nói: “Người không biết tha thứ
phá gãy cây cầu mà chính mình phải đi qua
” (George Herbert).

Thực vậy, theo một
bài báo có tựa đề “Ba bí quyết tha thứ để giữ hạnh phúc gia đình” [6] thì khi tỷ
lệ ly hôn vẫn tiếp tục tăng, để duy trì và bảo vệ hạnh phúc gia đình, các cặp vợ
chồng hãy chọn một quy tắc đơn giản, đó là tha
thứ
. Đây là điều tốt nhất có thể làm và thực sự là cách duy nhất giữ cho
hôn nhân vẫn còn nguyên vẹn cho đến cuối cuộc đời.

 Cũng theo bài báo trên, tha thứ là quá trình tự
nguyện và có chủ ý. Ta không thể tìm thấy sự tin tưởng nếu không sẵn lòng tha
thứ cho bạn đời. Đó là yếu tố quan trọng giúp ta vượt qua những tan vỡ và chữa
lành vết thương tình cảm bằng nhiều cách. Đặc biệt, trong hôn nhân, tha thứ còn
truyền cảm hứng cho tình yêu.

Hàn gắn niềm tin
bị đổ vỡ bắt đầu từ tha thứ. Nếu muốn vãn hồi cuộc hôn nhân đang gặp “nguy hiểm”,
ta cần biết tha thứ. Nếu chỉ biết bám víu vào niềm tin đã mất, ta sẽ bị sa lầy,
nhưng nếu có thể tha thứ cho lỗi lầm của bạn đời, ta lại nhanh chóng có được niềm
tin để không kết thúc cuộc hôn nhân.

IV- NHỮNG HOA QUẢ CỦA SỰ THA THỨ

Lợi ích trước mắt
của sự tha thứ trong đời sống hôn nhân gia đình, đó là điều đó đem lại bình an
và hạnh phúc cho đôi bạn. Văn hào Alfred Musset đã nói: “Trong tình yêu, niềm khoái lạc nhất là lúc làm lành với nhau sau khi
cãi vã
”.

Khi hai người chấp
nhận hòa giải và tha thứ cho nhau thì tình yêu sẽ bừng sáng trở lại và cuộc sống
trở nên dễ chịu hơn trước. Quả thực, tha thứ làm chúng ta dễ chịu hơn, nhẹ nhõm
hơn, đó là một lựa chọn quan trọng và khó khăn để quên đi những điều không hay
xảy ra. nó sẽ giải thoát ta ra những u buồn, sợ hãi trong lòng.

Sau khi ta tha thứ,
ta không phải để xóa bỏ sai lầm mà để thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực tâm
trí, cũng chính là ta đang giải phóng tự do cho chính mình. Trút bỏ những tổn
thương, cứ để thời gian làm mờ vết sẹo ấy, ta sẽ thấy tha thứ là cách tốt nhất
để tâm hồn thanh thản.

Đối với Ki-tô hữu,
tha thứ là lệnh truyền của Chúa. Nếu chúng ta biết tha thứ cho nhau, thì đó là
chúng ta đang thực hành điều mà Chúa mong đợi nơi mỗi gia đình, nơi mỗi đôi vợ
chồng. Chúng ta tha thứ để được-thứ-tha.

Thánh Phao-lô đã
khuyên nhủ tín hữu như sau: “Anh em là những
người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy
có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và
tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người
kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho
nhau
” (Cl 3, 12-13).

Đức thánh GH
Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu đã
khuyên nhủ chúng ta như sau: “Chỉ có một
tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông
gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng
đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau, và hòa giải
với nhau. Không có gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những
căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng
nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà xuất
phát muôn vàn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình
”.

Thánh Phao-lô
luôn khuyên nhủ chúng ta sống bí tích và mầu nhiệm hôn nhân dựa trên mẫu mực
tình yêu và mối tương quan gắn bó giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh. Đức Ki-tô đã
yêu thương Hội thánh, đã hiến mình vì Hội thánh, đã chăm sóc, nuôi dưỡng Hội
thánh, đã hy sinh cứu chuộc Hội thánh thế nào thì vợ chồng cũng phải sống và đối
xử với nhau như vậy.

Một cách cụ thể,
thiết thực hơn, tình yêu trong hôn nhân Ki-tô hữu cũng phải phỏng theo lòng mến
Ki-tô giáo, là điều mà thánh Phao-lô đã nhắc nhở trong thư 1Cor: “Lòng mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen
tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,
không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui
khi thấy điều chân thật. Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất
cả…
” (x. 1Cor 13, 4-7).

Thiết nghĩ, sống trọn vẹn lòng mến như thế, tức là phải hy sinh, phải
từ bỏ chính mình, phải quảng đại bao dung, phải biết tha thứ, phải chấp nhận
cái chết-vì-yêu như Đức Ki-tô. Xây dựng trên nền tảng tình yêu ấy, cuộc hôn
nhân của chúng ta sẽ bền vững và hạnh phúc lâu dài ./.

_________________

[1] https://vnexpress.net/tha-thu-thu-thach-kho-khan-nhat-cua-hon-nhan-4140238.html

[2] LM Giuse Đỗ
Văn Thụy – Tân Phúc Âm Hóa Lòng Tha Thứ – NXB Tôn Giáo – 2015 trang 21-24

[3] LM Giuse Đỗ
Văn Thụy Sđd trang 27

[4] http://nghethuatsong.com.vn/v409/hay-biet-tha-thu.html

[5] Mục từ Tha Thứ
– Từ điển Công Giáo – HĐGMVN/ UBGLĐT – NXB TG trg 783

[6] https://doanhnhansaigon.vn/di-nghi-viet/3-bi-quyet-tha-thu-de-giu-hanh-phuc-gia-dinh-1067610.html