T2, 12 / 2020 4:24 Chiều | Đức Tin Jesus

 

TU SĨĐẾN VỚI MUÔN DÂN

SỨ MẠNG: CHÌA KHÓA ĐỂ HIỂU ĐỜI SỐNG
THÁNH HIẾN HÔM NAY

Tác giả: Linh mục
José Cristo Rey García Paredes, CMF
Dịch giả: Linh mục
Đaminh Ngô Quang Tuyên
Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh, Chủ tịch Ủy ban Loan báo
Tin Mừng trình bày

Chúng ta cảm thấy
có đôi chút bối rối khi các Tổng Tu Nghị hay Tu Nghị Tỉnh của chúng ta thực
hiện việc đánh giá và điều chỉnh về những năm đã qua và tìm cách lập kế hoạch
cho tương lai. Cũng vậy, chúng ta thấy có đôi chút bối rối khi các tu sĩ chúng
ta tụ họp lại với nhau trong các hội nghị, các cuộc gặp gỡ, và các khoá đào
luyện thường xuyên. Đôi khi chúng ta có cảm giác mình bị cuốn trôi theo xu thế
của thời khắc hiện tại. Khi khác, chúng ta có cảm giác lo lắng về các vấn đề
nội bộ của chúng ta hơn là những vấn đề bên ngoài, vốn là những vấn đề thường
thách thức sứ mạng của chúng ta.

Một nhận xét khá
thú vị là trong các Tu Nghị, chúng ta thường quá bận tâm về các vấn đề hoạt
động nội bộ: quyền bính, các công tác, các kế hoạch cộng đoàn, chủ nghĩa cá
nhân, thiếu đời sống cầu nguyện, đời sống nghèo khó và thanh khiết. Quan tâm về
những vấn đề này là đúng! Chúng là những vấn đề thực sự mà chúng ta không thể
coi nhẹ. Tuy nhiên những vấn đề này càng trở nên tệ hại và nghiêm trọng hơn khi
tinh thần truyền giáo suy yếu và chúng ta đã mất ý thức truyền giáo trong cuộc
sống chúng ta.

Những gì xảy ra
trong đời sống thực tế của chúng ta thì cũng xảy ra trong lãnh vực thần học.
Một thần học mà không bắt đầu từ sứ mạng (và nhằm phục vụ sứ mạng) thì là một
thần học không có phương hướng, không mục tiêu, không đam mê, không cảm xúc, nó
không giải đáp được những câu hỏi lớn của thế giới chúng ta hôm nay.

Nếu không có một ý
thức mạnh về sứ mạng, Hội Thánh và Đời Sống Thánh Hiến trong Hội Thánh không có
ý nghĩa gì, không có lý do hiện hữu.

“Sứ mạng” có phải là một phạm trù chìa
khoá?

Sứ mạng là chìa
khóa để hiểu Hội Thánh và mọi sự diễn ra trong Hội Thánh, bao gồm Đời Sống
Thánh Hiến. Không có sứ mạng như là nguyên tắc nền tảng và kiến tạo, mọi thứ sẽ
sụp đổ. Khi sứ mạng là nguyên tắc trung tâm và kết cấu, mọi thứ hoạt động tốt
và phát triển.

Khi sứ mạng không
thực thi chức năng trung tâm và then chốt này, các thực tế khác xuất hiện và
tìm cách thế chỗ cho sứ mạng: như linh đạo, đời sống cộng đoàn, các xu thế mới
và các hoạt động cá nhân, được hiểu như là “công việc”.

• Linh đạo: Linh đạo có thể được coi là tiêu điểm trọng tâm của đời sống Kitô giáo
và đời sống thánh hiến. Cầu nguyện, chiêm niệm, đời sống trong Đức Kitô có thể
là cái trục và hạt nhân của đời sống Kitô giáo. Chắc chắn là như thế. Nhưng khi
linh đạo tìm cách che giấu sự thiếu đam mê truyền giáo, nó trở thành vô ích; nó
không phải là linh đạo đích thực, mà là một cách giả tạo để trốn tránh thực tế.
Nó không còn là một trải nghiệm Kitô giáo nữa, mà là một trải nghiệm của việc
sùng mộ, thiếu dấn thân và giả Kitô giáo.

• Đời sống cộng đoàn và các mối quan hệ giữa các thành viên của cộng đoàn hay nhóm với
nhau: trong nhiều tu hội, đây là mối quan tâm chính. Theo kinh nghiệm của nhiều
tu sĩ, đây là một câu hỏi nghiêm trọng rất được họ quan tâm: họ được cử đi đến
đâu, họ cần chia sẻ đời sống với ai, họ phải giữ loại quan hệ nào với các bề
trên, v.v… Các mối bận tâm quan trọng nhất và chiếm nhiều thời gian nhất của
nhiều hội viên của các tu hội chúng ta là các vấn đề nội bộ, chứ không phải các
thách thức lớn của thế giới hôm nay đối với thực tế đoàn sủng của chúng ta
trong tư cách là những môn đệ Chúa Giêsu Kitô. Những người phát triển cuộc đời
mình từ những tiền đề hay những vấn đề này thì mãi mãi vẫn còn ấu trĩ, vô trách
nhiệm, chỉ lo lắng về sự tự tồn của mình.

• Các xu thế mới: Khi sứ mạng không phải là nguyên tắc cơ bản của đời sống tu trì chúng
ta, khi ấy chúng ta có khuynh hướng bị cuốn theo những chủ đề hay đề tài tức
thời, thói hợm mình của trào lưu hiện tại. Chúng ta bị cuốn hút trong các vấn
đề hiện đại, linh đạo thời đại mới, xu thế toàn cầu hoá, phát triển bền vững,
và chủ nghĩa Mácxít. Nhưng không một yếu tố nào trong số này được chúng ta đối
diện nghiêm túc từ viễn tượng của sứ mạng, mà chỉ là từ một sự tò mò tri thức,
không mang lại những kết quả thực tiễn hay những hệ quả truyền giáo. Các suy tư
loại này thường tạo một ảnh hưởng hời hợt, vì sau đó, chúng ta lại đi tìm kiếm
xu thế mới tiếp theo, bỏ lại sau lưng những xu thế trước. Các vấn đề của xã hội
được suy xét từ bên ngoài chứ không phải từ bên trong để có thể biến đổi chúng,
như được đòi hỏi trong Evangelii Nuntiandi của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (số
14).

• Các hoạt động cá nhân, riêng
tư, và cá nhân chủ nghĩa:
Sự thiếu một tinh thần sứ
mạng đích thực khiến người ta tập trung vào các mối quan tâm riêng của mình.
Một cách nguỵ trang tinh thần tông đồ và sứ mạng là tập trung vào công việc,
“công việc của tôi”. Có những người nghiện công việc; nhưng đó không phải là
một niềm đam mê sứ mạng. Nó là cái mà trước kia được gọi là “lạc giáo của hành
động”. Cái họ tìm kiếm không phải là phục vụ người khác, nhưng là thể hiện bản
thân mình. Tất cả những điều này không liên quan gì đến việc thể hiện Nước
Chúa.

Không có cái nhìn
sứ mạng, thì việc phục vụ của quyền bính, việc đào luyện và thậm chí thần học
sẽ có những chân trời rất hẹp.

• Việc quản trị và quyền bính
trong các cộng đoàn tu sĩ:
Một nền quản trị quá chú
tâm chăm lo những vấn đề trước mắt nhiều hơn là những gì thực sự tạo ra tương
lai thì sẽ dần dần giết chết sự nhạy cảm ngôn sứ. Nó không chăm lo cho những
nhu cầu cấp bách của Hội Thánh. Nền quản trị ấy trở thành đóng kín trong các
vấn đề nội bộ và không có những chân trời rộng mở. Nó chỉ xử lý một cách hời
hợt các vấn đề của kế hoạch sứ mạng; đa phần nó lo duy trì một hệ thống không
lấy sứ mạng làm tâm điểm mối quan tâm của nó. Nó không tạo điều kiện thuận lợi
cho việc phân định của cộng đoàn, luôn luôn bén nhạy trước các dấu chỉ của thời
đại hay việc Thần Khí đang dẫn dắt loài người hướng tới tương lai của Thiên
Chúa ở đâu và như thế nào.

• Việc đào luyện: Sứ mạng thường không được nghĩ là nguyên tắc tổ chức mạch lạc toàn thể
tiến trình đào luyện. Người ta thường nghĩ rằng, trước bất cứ sự cam kết cá
nhân nào trong sứ mạng, mỗi ứng sinh trong thời kỳ đào luyện ban đầu phải giải
quyết các vấn đề hay các xung đột riêng của cá nhân. Điều này cũng đúng phần
nào; nhưng khi tìm cách giải quyết các xung đột cá nhân bên ngoài sứ mạng và ơn
gọi cho sứ mạng thì có nghĩa là tự tước bỏ nguồn tài nguyên tốt nhất để giải
quyết các vấn đề ấy. Khi tinh thần ơn gọi – sứ mạng không hoạt động, tiến trình
đào luyện trở nên rối loạn, tự thỏa mãn, quá nhạy cảm với quan điểm cá nhân.

• Thần học: Thiếu cái nhìn sứ mạng, suy tư thần học thường chịu cùng những khuyết
điểm như thế. Sứ mạng được dời về chương cuối cùng. Người ta thường nói rằng
“hiện hữu” đến trước “hành động” hay “làm”. Thứ thần học này giả thiết rằng sứ
mạng chỉ là hành động hay việc làm. Vì vậy, các chủ đề được coi là cơ bản trong
đời sống tu trì, như thánh hiến, lời khấn, cộng đoàn, là những chủ đề đầu tiên
phải được giải quyết. Đây thường được coi là “căn tính”. Sau đó đến lượt căn
tính được dọi phóng vào hoạt động tông đồ. Cả trong trường hợp này cũng thế, sứ
mạng không phải là nguyên tắc tổ chức của thần học đời tu hay đời thánh hiến.


Sứ mạng là gì?

Từ sứ mạng [mission trong tiếng Anh] mà chúng ta rất thường xuyên sử dụng bắt
nguồn từ động từ tiếng Latinh “mitto” và từ phân từ “missum” có nghĩa là “sai
đi, gửi đi” hay “được sai đi, được gửi đi”. Nghĩa phù hợp cho sứ mạng là “được
sai đi”. Hiển nhiên, sự “được sai đi” này đáp ứng một sự uỷ thác, một nhiệm vụ
được giao cho một người thi hành. Giống như khi một chính phủ gửi quân lính đi
thực hiện một nhiệm vụ vì hoà bình hay chiến tranh, chúng ta nói là họ đang
thực hiện một “sứ mạng quân sự” hay “nhiệm vụ quân sự”; khi quan chức của một
trường đại học giao nhiệm vụ cho một ai, chúng ta nói đó là một nhiệm vụ khoa
học hay văn hoá. Khi một tổ chức tôn giáo là người sai đi, chúng ta nói đến một
“sứ mạng tôn giáo”.

Trên hết là “Missio Dei”!

Điều đáng ngạc
nhiên nhất là sứ mạng và khái niệm tinh vi hơn, cao siêu và trong sáng hơn của
sứ mạng được thấy trong chính hữu thể của Thiên Chúa. Hơn 50 năm trước, các anh
em Tin Lành của chúng ta đã chế ra thành ngữ “Missio Dei” như là một phạm trù
thần học rất quan trọng. Với phạm trù này, họ muốn nói về sứ mạng của chính
Thiên Chúa. Họ muốn nói rằng Thiên Chúa là Sứ Mạng.

Vì mầu nhiệm Thiên
Chúa Ba Ngôi đã được mặc khải cho chúng ta, chúng ta biết rằng phạm trù sứ mạng
là tuyệt đối thiết yếu để hiểu về Thiên Chúa. Là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu ý
thức mình “Được Sai Đi” bởi Abba, Cha. Thiên Chúa Cha là Đấng sai Con mình đến
trong thế gian. Cha cũng sai Thánh Thần, Đấng tỏ lộ mình hiện diện trong thế
giới vào nhiều dịp và dưới nhiều hình dạng khác nhau. Trong cả Cựu Ước và Tân
Ước, Chúa Thánh Thần được sai đi: Người linh hứng cho các Ngôn Sứ và thúc đẩy
họ thi hành kế hoạch của Thiên Chúa; Thánh Thần hành động trong cuộc tạo dựng
thế giới, trong sự sinh ra đồng trinh của Đức Giêsu. Chúa Giêsu và Chúa Cha sai
Chúa Thánh Thần đến sau Phục Sinh để Người ngự trong thế giới và trong lòng các
tín hữu. Rõ ràng sứ mạng là một phần của hữu thể Thiên Chúa. Cha là Đấng sai
đi, Con và Thánh Thần là hai Đấng được sai đi. Vì lý do này, suy tư thần học
nói đến “các sứ mạng của Thiên Chúa” như là một trong các khía cạnh nền tảng
của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sứ mạng xuất phát từ chính Cõi Lòng của Thiên Chúa Cha.
Sứ mạng được diễn tả trong Con của Cha, Đấng nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ
Maria nhờ Chúa Thánh Thần; Người là Đấng Được Sai Đi (o apostolos). Được sai đi là một tình trạng hiện sinh của Con và
Thánh Thần.

“Missio creationis”

Do đó, mọi hành
động “ad extra” [“ra bên ngoài”] của Thiên Chúa đều là những hành động sai đi,
hành động của sứ mạng. Tạo dựng là hành vi sai đi đầu tiên của Thiên Chúa. Chúa
Cha là Tạo Hoá hành động nhờ Logos,
Ngôi Lời và nhờ Ruah, Thần Khí của
Người. Cuộc tạo dựng được thể hiện trong Chúa Giêsu Kitô và nhờ sức mạnh của
Thánh Thần.

Được tạo dựng theo
hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa, con người được Thiên Chúa ban cho một
hữu thể “mang theo sứ mạng” [a missionary being]. Nếu xem xét con người một cách
thoả đáng, chúng ta khám phá ra rằng sự hiện hữu của con người hoàn toàn là do
ân sủng. Con người không phải là một hữu thể tất yếu [necessary], nhưng là một
hữu thể bất tất, tuỳ thuộc [contingent]. Khám phá ra ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa
sự hiện hữu của con người, là một điều kiện cơ bản để có một cuộc sống đích
thực. Vì lý do này, chúng ta phải khâm phục công việc của các nhà triết học,
những người luôn luôn tìm kiếm ý nghĩa, tìm kiếm nguyên nhân của mọi nguyên
nhân. Mặc khải của chúng ta, sách Sáng Thế, tỏ lộ cho chúng ta biết loài người
đã được tạo dựng để thi hành một sứ mạng. Các lời của tác giả chương 1 sách
Sáng Thế nói rằng con người được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa và giống
với Thiên Chúa”. Tác giả cũng khẳng định rằng loài người, nam và nữ, phải sống
chung với nhau và trở thành một thân thể. Sau cùng, tác giả khẳng định rằng con
người được đưa vào trong Vườn để chăm sóc nó. Từ lúc ấy, con người bắt đầu thi
hành một sứ mạng đầy ấn tượng: làm người quản lý trái đất, trông nom nó, tổ
chức nó. Thiên Chúa dựng nên con người thành những người đồng-tạo-dựng, và vì
thế, khả năng tạo dựng của con người rất ấn tượng và vô hạn.

Ở đây chúng ta có
sứ mạng đầu tiên và căn bản nhất của con người. Sứ mạng này được thể hiện trên
ba bình diện: gia đình hay thế hệ, mối tương quan với thế giới vật chất và các
tài nguyên hay sản phẩm của nó, kinh tế và lao động, và mối tương quan và tổ
chức của loài người trong xã hội hay chính trị.

Loài người sống
trong một trạng thái sứ mạng thường xuyên, bắt đầu từ “missio creationis”, sứ
mạng tạo dựng. Cần nhấn mạnh sự cao quý của sứ mạng này. Chúng ta có thể gọi nó
là “sứ mạng trần thế”. Mặc dù không thấy ở bên ngoài, sứ mạng này phát xuất từ
Đấng Tạo Hoá, và loài người ít nhiều ý thức được rằng họ đang thi hành sứ mạng
này nhân danh Người. Những con người sáng tạo, những người sinh ra sự sống mới,
trở nên giống như Thiên Chúa Tạo Hoá, giống như Thiên Chúa là Cha và Mẹ, giống
như Thiên Chúa là người nghệ sĩ và thợ thủ công. Gia đình và đôi lứa, lao động
và kinh tế, chính trị và tổ chức xã hội, nghệ thuật và nghề thủ công, thế giới
tôn giáo và thế giới văn hoá.. tất cả đều thuộc về nhiệm vụ mà loài người đã
lãnh nhận từ Đấng Hoá Công.

Sứ mạng lãnh nhận
từ Thiên Chúa phải chịu sự thống trị phá hoại của quyền lực tội lỗi. Từ lúc ấy,
con người từ chối tình bạn với Thiên Chúa và muốn trở thành tự trị, tự giao
công việc và sứ mạng cho chính mình. Nó từ chối làm tôi tớ cho Đấng dựng nên nó
để trở thành ông chủ của thế giới mà nó đã nhận được như một quà tặng. Chính
đây là chỗ con người từ chối được sai đi và chỉ tìm cách thi hành ý muốn riêng
của nó. Từ lúc ấy, bắt đầu một lịch sử mới Phản- Sáng-Thế, phá hoại và huỷ diệt
mọi sự Thiên Chúa đã dựng nên.

“Missio Redemptionis”

Việc Con Thiên Chúa
đến trần gian có liên quan đến kế hoạch sứ mạng của Người: khôi phục sứ mạng
của loài người một cách thích đáng; khôi phục dòng chảy năng lượng của Tạo Hoá
đã được lưu truyền cho các tạo vật của Người. Chúa Con đã khởi xướng sứ mạng
mẫu mực của Người bằng cách biến đổi mình thành một con người vâng phục: “Lạy
Cha, này con đây, con đến để thực thi ý Cha.” Đức Giêsu biết rằng không thể thi
hành sứ mạng tách rời với Thiên Chúa là Cha và Đấng Tạo Hóa; Đức Giêsu biết
rằng nếu không chiêm ngắm dung mạo của Thiên Chúa và hiệp thông với ý muốn của
Người, sứ mạng mất đi mục đích của nó và trở thành phản-Sứ Mạng, một sự tự mãn
vô ích.

Mối quan tâm hay
công việc duy nhất của Đức Giêsu là làm cho Nước Cha, Vương Triều của Thiên
Chúa hiện diện, và tái lập Giao Ước đã bị phá vỡ giữa Thiên Chúa với chúng ta.
Duy chỉ trong Giao Ước với Thiên Chúa chúng ta mới có thể hoàn thành sứ mạng và
chỉ trong Giao Ước với Người chúng ta mới có thể nói rằng Nước Thiên Chúa đến
giữa chúng ta. Do đó, sứ mạng của Đức Giêsu không phải là vô hiệu hoá kế hoạch
tạo dựng nguyên thuỷ, hay kết án loài người vì sự sinh sản, sản xuất hay chính
trị, nhưng là khôi phục kế hoạch nguyên thuỷ của Thiên Chúa. “Lúc ban đầu không
phải như thế”, Đức Giêsu nói liên quan đến vấn đề hôn nhân, nhưng Người cũng có
thể nói giống như thế liên quan đến nhiều thực tại khác vốn không có một định
hướng hay mục tiêu nào cả. Đức Giêsu đã dành rất nhiều thời gian cuộc đời mình
để thi hành “missio Creatoris”, sứ mạng Đấng Tạo Hoá: “Người đi xuống cùng với
cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài… và ngày càng thêm khôn
ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (x. Lc
2,40-52).

Giai đoạn đầu tiên
này của sứ mạng Đức Giêsu tại Nadarét khá bí ẩn. Đức Giêsu hành động giống như
bất cứ người nào khác. Giống như người khác, Đức Giêsu dành thời gian cho công
việc lao động bình thường. Người sống như thế cho tới năm 30 tuổi, khi Người có
một mặc khải và khám phá ra một ý nghĩa mới cho cuộc đời và sứ mạng của Người.

Sau khi chịu phép
rửa tại sông Giođan, Đức Giêsu bắt đầu một giai đoạn mới trong sứ mạng của
Người: chúng ta có thể gọi đây là giai đoạn ngôn sứ hay khởi đầu. Đức Giêsu tập
trung mọi sức lực và tài năng vào việc rao giảng Nước Thiên Chúa.

Sứ mạng của Đức
Giêsu không thể chỉ giới hạn vào sứ mạng Hội Thánh. Đức Giêsu luôn luôn được thúc
đẩy bởi viễn tượng Nước Thiên Chúa. Sứ mạng của Người có nhiều khía cạnh: rao
giảng Nước Thiên Chúa, các dấu chỉ của Nước Thiên Chúa (các phép lạ, trừ quỷ,
chăm lo cho mọi người), và cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người:

• Rao giảng: Đức Giêsu xuất hiện trước hết như là người mà vào một thời khắc nhất
định của cuộc đời Người, đã trở thành sứ giả của Nước Thiên Chúa, hay đúng hơn,
Sứ Giả của Kế hoạch của Thiên Chúa, Cha của Người, cho thế giới. Người nói về
Abba, Cha, Người mặc khải ngôi vị của Cha, kế hoạch của Cha, ý muốn của Cha.
Bản thân Đức Giêsu chính là sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa, mặc dù có
giới hạn vì thân phận làm người của Người, nhưng đồng thời được đặt trong bối
cảnh vì thực tại nhân loại của Người.

• Ý muốn của Cha mà Đức Giêsu công bố là một Thế Giới hoàn toàn khác với thế giới chúng
ta đang sống. Nó là một thế giới vô tội, với các mối quan hệ con người dựa trên
yêu thương, tình liên đới và tôn trọng lẫn nhau. Vì thế, lời rao giảng của
Người về Nước Thiên Chúa chứa đựng một sự cáo giác mạnh mẽ chống lại bất công,
tham nhũng, sa đoạ vốn đã chiếm chỗ trong các chiều kích cơ bản của đời sống
con người, như tính dục, quyền sở hữu và quyền lực.

• Đức Giêsu thi hành sứ mạng
của Người không phải trong một bầu khí phụng vụ, long trọng hay tư tế.
Người cử hành Vương Triều của Thiên Chúa và việc Người đến trong đời
sống thường ngày, trong công việc lao động của Người như một người thợ mộc tại
làng Nadarét, trong giai đoạn đầu đời của Người, và như một ngôn sứ khải huyền
trong giai đoạn ngôn sứ và khai mào cuộc đời Người. Người đạt tới tột đỉnh cuộc
sống nhân loại của Người bằng việc hiến dâng mạng sống mình trên đồi Canvê trên
bàn thờ Thập Giá. Đây là hành vi cuối cùng của sứ mạng của Người. Sứ mạng của
Người được đồng hoá với cuộc Khổ Nạn của Người. Khổ Nạn, chứ không chỉ có hành
động, là một biểu hiện khác nữa của sứ mạng.

• Đức Giêsu chia sẻ sứ mạng
của Người cho các Môn Đệ.
Ngay từ ban đầu, Người đã có
sáng kiến quy tụ xung quanh Người một cộng đoàn các môn đệ nam và nữ. Đức Giêsu
muốn chia sẻ với họ chính sứ mạng của Người. Người tin tưởng từng người trong
số họ. Người sai họ “từng hai người một” đi rao giảng Tin Mừng của Nước Thiên
Chúa và hành động chống lại các sức mạnh của quỷ dữ cản trở sự hiện diện của
Thiên Chúa trên thế giới chúng ta.

“Missio Spiritus Sancti”

Đức Giêsu đã hứa sẽ
sai Thánh Thần đến. Thánh Thần được Cha và Con sai đến sau khi Đức Giêsu sống
lại từ cõi chết. Thánh Thần là Đấng thừa sai của Cha và Con. Chúa Thánh Thần
dạy dỗ mọi sự; Thánh Thần là Thầy nội tâm, Đấng làm cho mọi lời của Thiên Chúa
được thực hiện. Thánh Thần là Đấng hoàn thành. Thánh Thần luôn luôn hành động
một cách vô hình. Tất cả các đặc sủng, được tuôn đổ dồi dào trên chúng ta, đều
là sự tỏ lộ, sự hiển linh của Thánh Thần. Chúa Thánh Thần hoạt động qua sự đa
dạng kỳ diệu của các đặc sủng và những người được đặc sủng; và Người hành động
qua tất cả những người được ơn linh hứng và các hồng ân của Người.

Nhiều người đã khám
phá ra rằng chúng ta bây giờ đang sống trong thời của Chúa Thánh Thần. Có nghĩa
là bây giờ chúng ta đang sống trong thời sứ mạng của Chúa Thánh Thần. Thánh
Thần là tác nhân chính của sứ mạng, và những ai để cho mình được lôi kéo, thúc
đẩy và sinh động hoá bởi Chúa Thánh Thần đều là những đối tác đích thực của sứ
mạng Thiên Chúa.

Sứ mạng Chúa Thánh
Thần diễn ra trên toàn thế giới. Mọi người có thể được biến đổi để trở thành
những người trung gian cho hoạt động sứ mạng của Thánh Thần. Vì lý do này,
chúng ta nói đến các dấu chỉ của Thánh Thần trong thời gian và không gian. Vì
lý do này chúng ta nói đến các nhu cầu cấp bách của Hội Thánh và của nhân loại
mà chúng ta phải gọi đó là những “tiếng kêu của Thần Khí”. Một cách rất đặc
biệt, hành động của Thánh Thần được tỏ lộ trong Hội Thánh. Hội Thánh là sự hiển
linh của hoạt động Thánh Thần trong thế giới. Nhờ Hội Thánh, nhờ các Bí Tích
của Hội Thánh, Lời Chúa, các việc bác ái và việc rao giảng Tin Mừng, Chúa Thánh
Thần hành động và thúc đẩy lịch sử nhân loại một cách hữu hình hướng tới tương
lai của Thiên Chúa.

“Missio apocalyptica”

Khía cạnh cuối cùng
của sứ mạng mà tôi muốn nhấn mạnh là một nét đặc trưng xuất hiện khi sứ mạng
phải đối đầu với nguy hiểm, chống đối của những kẻ thù của Nước Thiên Chúa.

Trong giai đoạn
cuối cùng của nó, sứ mạng của Đức Giêsu là một sứ mạng khải huyền. Điều này
cũng đã từng xảy ra cho Sứ Mạng của Hội Thánh trong Tân Ước. Khi Hội Thánh phải
chịu bách hại, đặc biệt dưới Đế Chế Rôma, Hội Thánh đã khám phá ra, với một cái
nhìn sáng tỏ, chiều kích khải huyền của sứ mạng mình.

Sứ mạng tỏ lộ các
nét đặc trưng khải huyền của nó khi chúng ta rơi vào những hoàn cảnh mà có vẻ
như các kẻ thù của Nước Thiên Chúa là những kẻ chiến thắng. Sứ mạng khải huyền
có những nét đặc trưng sau đây:

• Khía cạnh khải huyền truyền
vào sứ mạng một sự cấp bách cánh chung có sức khuấy động.
Người thừa sai, được thấm đẫm tính chất cấp bách này, cảm thấy rằng
không thể trì hoãn hành động truyền giáo. Họ không nghĩ về một dòng chảy thời
gian vô định trong thế giới này, nhưng họ nghĩ đến một thời gian ngắn ngủi mà
sứ mạng phải được thực thi. Vì thế, người thừa sai khải huyền ý thức rằng thời
gian đã được rút ngắn, thu hẹp lại.

• Khía cạnh khải huyền của sứ
mạng loan báo rằng Triều Đại Thiên Chúa đã đến rất gần rồi.
Nó bộc lộ một sự tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào quyền năng của
Thiên Chúa và vào việc Triều Đại Thiên Chúa mở ra đúng lúc của nó.

• Khía cạnh khải huyền của sứ
mạng là một lời tiên tri trong những thời buổi khốn quẫn;
lời tiên tri khải huyền này đem niềm an ủi đến cho những người đang
chịu đau khổ, và đồng thời là một lời tiên tri chúc dữ cho những kẻ thù của
Thiên Chúa; đối với những kẻ thù, lời tiên tri loan báo rằng chúng sẽ bị đày ải
và bị huỷ diệt, vì chúng tự để cho mình bị các ác thần dẫn dắt và hiến mình
phụng sự các ác thần. Lời tiên tri cũng loan báo cho chúng rằng cái kết cuộc
đời chúng sẽ là sự huỷ diệt chung cuộc.

• Khía cạnh khải huyền của sứ
mạng không đề cao sự tin tưởng vào quyền lực
của con
người nhưng nhấn mạnh hành động giải phóng của Thiên Chúa, là hành động sẽ
chiến thắng trong lịch sử.

• Khía cạnh khải huyền của sứ
mạng được thực thi bởi một cộng đoàn cầu nguyện và chuyển cầu cho thế giới;
một cộng đoàn cách ly với Con Thú và vẻ hào nhoáng của nó, nhưng trên
hết là một cộng đoàn say đắm tình yêu đối với Chúa Giêsu.

Sứ mạng được hiểu là toàn diện

Khi sứ mạng được
hiểu một cách toàn diện và trọn vẹn, chúng ta hiểu rõ rằng cả Hội Thánh hay bất
cứ nhóm nào trong Hội Thánh đều không giữ độc quyền trong sứ mạng. Sứ mạng phải
được chia sẻ. Và phải được chia sẻ với mọi người.

• “Missio creationis” được thực hiện bởi mọi người qua việc tạo dựng các gia đình, lao động,
và dấn thân cho sự phát triển của xã hội và thế giới. Nó là một lời tiên tri về
nhập thể, về lời rao giảng sự tốt lành của mọi thụ tạo.

• “Missio redemptoris” được thực hiện và diễn tả bởi tất cả những ai dấn thân cho sự giải
phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức trong lãnh vực chính trị, tâm lý,
thiêng liêng hay sinh học. Nó là sứ mạng của những người tranh đấu chống lại
tham nhũng, bất công, để phục vụ tính thánh thiêng của tạo thành, công lý và
hoà bình. Sứ mạng cứu độ của Hội Thánh cũng được đưa vào đây và được diễn tả
trong việc cử hành các bí tích, trong việc rao giảng lời Chúa, trong hoạt động
truyền giáo. Nó là một lời tiên tri tố giác thái độ trốn đời [“fuga mundi”],
một lời tiên tri về việc từ chối điều ác, và loan báo ơn cứu độ cho những ai
chấp nhận và thi hành ý của Cha trên trời.

• “Missio Spiritus Sancti” được nhập thể vào trong các công việc đoàn sủng mà các nhóm và các cá
nhân khác nhau đang thực hiện trong thế giới và trong Hội Thánh. Nơi họ được tỏ
lộ sự sáng tạo của Thần Khí và cách thức mà sứ mạng dẫn đưa mọi thực tại hướng
tới sự hoàn thành trong Nước Chúa. Đặc biệt bén nhạy với kiểu sứ mạng này là
những cộng đoàn tu sĩ có khả năng khám phá ra từng ngày những thách thức mới và
sẵn sàng đáp ứng những thách thức ấy.

• “Sứ mạng khải huyền” được thực hiện bởi những người là lính canh khải huyền, những người
mà, giữa những tình huống đen tối nhất và đe dọa nhất của thế giới chúng ta, họ
có khả năng công bố lời an ủi của Thiên Chúa và có khả năng khám phá ra Trời
Mới và Đất Mới.

Họ thi hành lời
tiên tri về sự kiên trì chịu đựng. Họ dứt khoát chống lại Con Thú và các bè lũ
của nó. Họ hoàn toàn ủng hộ Giêrusalem Mới. Họ là những ngôn sứ của hi vọng.


Sứ mạng, chìa khóa để hiểu Đời Sống
Thánh Hiến “hôm nay”

Tính chất “Kitô giáo” của Sứ Mạng: “Điều chúng tôi đã
nghe và đã thấy”

Một trong những nét
đặc trưng quan trọng nhất của sứ mạng của Hội Thánh và Đời Sống Thánh Hiến là
chúng ta không chỉ chia sẻ sứ mạng với mọi người, nhưng chúng ta cũng đã được
Chúa ban cho ơn mặc khải. Chúng ta đã thấy khía cạnh thần học của sứ mạng.
Chúng ta hoàn toàn ý thức rằng sứ mạng của chúng ta không thuộc về chúng ta,
nhưng là biểu hiện của “missio Dei” [sứ mạng của Thiên Chúa], của “missio
creatoris” [sứ mạng của Đấng Tạo Hoá], của “missio redemptoris et
consummatoris” [sứ mạng của Đấng cứu chuộc và Đấng hoàn thành]. Chúng ta được mặc
khải rằng muôn loài muôn vật đã được dựng nên trong Đức Giêsu Kitô và Thần Khí
Chúa bao trùm trái đất.

Chúng ta có một ví
dụ về điều này trong cuộc Phán Xét Chung, như được trình bày trong Tin Mừng
Mátthêu. Theo Tin Mừng này, khi Thiên Chúa sẽ đến xét xử mọi dân tộc, Người sẽ
nói: “Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn… khát, các ngươi đã cho Ta uống…” Họ sẽ
ngạc nhiên hỏi Người: Có khi nào chúng tôi thấy Chúa đói mà cho ăn, khát và cho
Chúa uống không? Và Người đáp lại: mỗi khi và mỗi việc các ngươi làm cho những
kẻ rốt hết trong các anh em của Ta, là các ngươi đã làm cho Ta.” Bấy giờ, những
người ấy sẽ hiểu ý nghĩa các việc phục vụ họ đã làm. Trong khi không biết,
không ý thức được điều ấy, họ đã chăm sóc và phục vụ chính Chúa. Mặc khải này
đã được ban cho chúng ta ngay bây giờ. Bây giờ chúng ta đã khám phá ra rằng mọi
sự chúng ta làm đều đến từ Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa. Chúng ta ý thức
mình nắm trong tay công việc của Thiên Chúa, sứ mạng của Thiên Chúa. Đức Giêsu
trong Tin Mừng thứ 4 rất ý thức về việc làm này. Cũng thế, người Kitô hữu trở
thành một người thừa sai từ sự xác tín này: họ được Thiên Chúa sai đến để thực
hiện công việc của Thiên Chúa.

Các động cơ đàng
sau các hành động của chúng ta có tầm quan trọng lớn. Chẳng hạn, chúng ta biết
rằng một người mẹ có những động cơ mãnh liệt để chăm sóc con nhỏ của bà thậm
chí bằng cách hi sinh mạng sống mình. Chúng ta biết rằng một người say đắm tình
yêu với một người khác thì sẵn sàng liều mình vì người yêu. Một khi chúng ta
biết lý do tại sao chúng ta làm một việc gì đó, chúng ta làm việc ấy tốt hơn.
Vì lý do này, mặc khải của Thiên Chúa là hết sức quan trọng, vì nó cho chúng ta
thấy giá trị to lớn của các hành động của mình, và nó tỏ lộ cho chúng ta rằng
qua những hành động này chính Thiên Chúa thực hiện sứ mạng của Người.

Do đó, rao giảng
Tin Mừng là loan báo cho thế giới biết ý nghĩa của việc chúng ta là gì, chúng
ta sống vì điều gì và chúng ta làm gì. Chúng ta không thể dửng dưng với mặc
khải. Chỉ những ai biết mặc khải này mới có thể sống xứng đáng và có động cơ
cao cả nhất để lướt thắng mọi khó khăn. Do đó, rao giảng Tin Mừng là bổn phận
đầu tiên của Hội Thánh. Rao giảng Tin Mừng là loan báo cho mọi người biết Tin
Mừng tác động đến họ.

Vì thế, trong sứ
mạng “Kitô giáo” có một mức độ ý thức và mặc khải đặc biệt quan trọng.

Chúng ta không nên
nói theo cách chúng ta quen nói. Nhiều tu sĩ có thói quen nói: “Đây là công
việc của tôi!”, “đây là nhiệm vụ của tôi!”, “đây là bổn phận của tôi!” Nói như
thế không đúng! Chúng ta là những thừa sai của Thiên Chúa trong các công việc
chúng ta làm. Chúng ta ý thức mình là những người cộng tác và đối tác trong kế
hoạch của Thiên Chúa, ý thức rằng đây là mục đích ơn gọi của chúng ta và chúng
ta đang đáp lại ơn gọi này.

Kế hoạch của Thiên
Chúa không thể bị kéo dài vô thời hạn. Đức Maria đi thăm bà chị họ một cách vội
vã. Các sứ giả của Đức Giêsu được Người sai đi với lời dặn dò phải đi thẳng tới
nơi thi hành sứ mạng, không được lãng phí thời gian trên đường.

Sứ mạng Kitô giáo
thì hăng hái và sốt ruột. Nó biết cách cắt nghĩa quá khứ, hiện tại và tương
lai. Nhưng cần phải có một sự chiêm niệm về Thiên Chúa và về mầu nhiệm của
Người, nó tỏ lộ dần dần cho chúng ta ý nghĩa của sứ mạng. Chính trong khi cộng
đoàn cầu nguyện và chiêm niệm, ý nghĩa và kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử
nhân loại được tỏ lộ ra.

Tính chất “đoàn sủng”: Đoàn sủng cho
thế giới và Hội Thánh

Mỗi cộng đoàn tu sĩ
tham gia một cách rất độc đáo vào sứ mạng của Hội Thánh cho thế giới. Chúa
Thánh Thần hành động một cách lạ lùng qua một Tu Hội và các cộng đoàn của Tu
Hội.

Một điều rất quan
trọng là các Hội dòng đời sống thánh hiến nên hãm bớt sự hăng say trong việc
lập kế hoạch cho sứ mạng “riêng” của Tu Hội mình, nhưng hãy hăng say hơn trong
việc khám phá xem Thần Khí đang dẫn đưa họ đi đâu để làm những khí cụ đích thực
của Thần Khí cho sứ mạng. Khi một tu hội ý thức mình được đặt và đưa vào trong
sứ mạng của Thần Khí, thì tu hội ấy hiểu được rằng:


Sứ mạng đoàn sủng của một tu hội không cần phải đáp ứng cái nhìn riêng của một
bề trên nào đó, nhưng cần đáp ứng sự phân định nghiêm túc của cộng đoàn về việc
Thần Khí muốn gì. Sứ mạng được phân định khi chúng ta suy tư sâu về thế giới
mình đang sống, về thực tại và bằng cách lắng nghe những tiếng kêu của Thần
Khí. Có thể xảy ra trường hợp một Tu Hội đang thực thi một sứ mạng không tương
ứng với tiếng kêu của Thánh Thần. Có thể là tu hội ấy đang đáp lại một số nhu
cầu của xã hội và của thời đại mình đang sống, nhưng không thực sự thi hành sứ
mạng đoàn sủng mà Thần Khí Chúa đang dẫn đến. Cần nhiều sự từ bỏ mình và khả
năng nhận ra những quan tâm của Thiên Chúa. Chỉ khi biết lắng nghe Tin Mừng và
để cho Lời Tin Mừng soi sáng thực tại, chúng ta mới có thể đạt được sự phân
định đúng.


Sứ mạng đoàn sủng không thể gạt bỏ các tính chất khải huyền của nó. Trong suốt
chiều dài lịch sử của nó, đời sống thánh hiến luôn luôn bén nhạy với các nhu
cầu lớn của loài người, đặc biệt những người nghèo, những người cô thế cô thân,
những người vô tội, những nạn nhân của bạo lực. Nhiều con cái của Thiên Chúa
đang hoàn toàn không được bảo vệ. Đời thánh hiến phải được Thần Khí hướng dẫn
để là Người Samaria Nhân Hậu đến cứu giúp tất cả những ai đang cần được cứu
giúp. Trong những hoàn cảnh có sự đàn áp và lạm dụng các quyền con người, đời
sống thánh hiến khám phá ra bản chất khải huyền của mình. Trong hoàn cảnh này,
đời thánh hiến được kêu gọi đem đến niềm an ủi và hi vọng, công bố ngày tàn của
những kẻ áp bức và ngày xét xử họ đã đến gần, cùng với sự cứu thoát trọn vẹn
cho mọi con cái Thiên Chúa đang bị áp bức. Kinh nguyện truyền giáo của đời sống
thánh hiến cũng phải mang đậm tính khải huyền này: ước muốn nồng cháy về sự đến
của Chúa và của Triều Đại Thiên Chúa phải được diễn tả trong kinh nguyện này.


Là điều bình thường khi đời sống thánh hiến khám phá ra một mối liên kết đặc
biệt với tất cả các nhóm người dấn thân cho sứ mạng giải phóng và cứu rỗi, và
mối liên kết này với những nhóm dấn thân cho “missio creationis” [sứ mạng tạo
dựng] sẽ không mạnh bằng.


Nét đặc trưng quan trọng nhất của vai trò đời sống thánh hiến trong sứ mạng là
thi hành chức năng làm dấu chỉ và dụ ngôn về Nước Thiên Chúa. Đời sống tu trì
không phải là một đoàn sủng của Thánh Thần để giải quyết các vấn đề của các
Giáo Hội hay các xã hội tại địa phương; đúng hơn, ơn gọi đời tu là sự tỏ lộ
hình ảnh lý tưởng của Triều Đại Thiên Chúa và làm chứng rằng Triều Đại Thiên
Chúa không phải là kết quả của các cố gắng nhân loại của chúng ta, nhưng là một
hồng ân.

Khi sứ mạng được đặt ở tâm điểm của
đời sống thánh hiến, mọi sự trở nên tốt đẹp

Khi sứ mạng được
đặt ở tâm điểm của đời sống thánh hiến, nó ảnh hưởng sâu xa đến linh đạo, đời
sống cộng đoàn và cả các cơ cấu.

• Linh đạo: ý thức về sứ mạng làm phát sinh linh đạo. Ai cảm thấy được kêu gọi
tham gia vào “missio Dei” thì ý thức rằng đây là hồng ân cao cả nhất mà con
người có thể nhận được: là con cái Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai đến thế giới
để công bố và lưu truyền tình yêu của Người, lòng thương xót của Người, sức
mạnh của Người. “Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì,” Đức Giêsu nói. Sự
hiệp thông với Đức Giêsu, Thừa Sai của Abba, là điều thiết yếu cho người truyền
giáo. Một sự hiệp thông khiến người ta có thể nhận ra Đức Giêsu nơi người
truyền giáo. Mặt khác, sứ mạng là sự sống trong Thần Khí và là tham dự vào sứ
mạng của Thần Khí. Người truyền giáo là người được Thiên Chúa Ba Ngôi cư ngụ.
“Chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy.” Tất cả những gì xuất phát từ trải nghiệm
sinh động này đều là linh đạo thuần tuý. Giống như các ngôn sứ, người truyền
giáo cảm thấy nơi mình niềm say mê của Thiên Chúa đối với dân của Người, lòng xót
thương của Thiên Chúa đối với họ. Lời Thiên Chúa giống như ngọn lửa cháy bừng
trong trái tim người truyền giáo. Đây là linh đạo đích thực! Đây là gốc rễ của
mọi hoạt động và mọi sáng kiến của người truyền giáo! Từ tinh thần đến thân
xác, từ lý trí tới trí thông minh và trí tưởng tượng, mọi sự nơi người truyền
giáo trở thành một bí tích và một dụng cụ của hành động của Lời và Thần Khí của
Thiên Chúa. Khi bà Êlisabét tiếp đón Đức Maria đến thăm, bà được đầy Thánh Thần
và lớn tiếng kêu lên lời ca ngợi Đức Maria và tiết lộ điều đang xảy ra nơi bà.
Bà trở thành một người phụ nữ loan báo Tin Mừng. Điều này cũng xảy ra tương tự
cho mọi người truyền giáo khi họ lãnh nhận ơn gọi truyền giáo đến từ Thiên
Chúa.

• Đời sống cộng đoàn: Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của sứ mạng là tạo lập sự
hiệp thông: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, điều tay chúng tôi đã chạm vào
về Lời sự sống, đó là điều chúng tôi loan báo cho anh em để anh em được hiệp
thông với chúng tôi. Và chúng ta được hiệp thông với Cha và Con.” Có một mô
hình cộng đoàn phát sinh từ sứ mạng, và cộng đoàn là truyền giáo do bẩm sinh.
Một cộng đoàn truyền giáo là cộng đoàn có mục tiêu mở rộng sự hiệp thông, và là
sự hiệp thông bắt nguồn từ Cha và Con. Rao giảng có mục tiêu chính là tạo dựng
sự hiệp thông. Ở đâu không có niềm say mê hiệp thông truyền giáo với Thiên
Chúa, làm sao một cộng đoàn có thể thực sự là nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị ?
Vì lý do này, cộng đoàn được nuôi dưỡng bởi trải nghiệm Lời Sự Sống. Khi trải
nghiệm này diễn ra, có một nhu cầu nóng bỏng phải truyền đạt và thông tri nó
cho người khác. Khi có trải nghiệm này, sự hiệp thông được mở rộng. Không cộng
đoàn nào là một mục đích tự thân; đúng hơn, cộng đoàn phải luôn luôn ở trong
một tiến trình mở rộng thường xuyên.

• Các dấu chỉ thời đại và
tiếng kêu của Thần Khí:
Một người và một cộng đoàn cảm
thấy mình quan tâm và say mê với sứ mạng thì trở thành những người lính gác
khải huyền. Họ luôn luôn tỉnh táo và nhạy bén trước ý muốn của Thiên Chúa được
tỏ lộ qua các sự kiện lịch sử. Họ có một sức mạnh lớn hơn sức mạnh của các cơ
chế, các tập tục và các truyền thống. Người truyền giáo đích thực luôn luôn sẵn
sàng thay đổi, đến phục vụ ở một nơi mới, nơi mà missio Dei trở thành cấp bách
và cần có những người cộng tác. Để có thể làm điều này, chúng ta không được
đứng ngoài các vấn đề của xã hội, nhưng phải dấn mình vào các vấn đề ấy. Cần
mẫn và chăm chú nghiên cứu và phân định bất cứ điều gì xảy ra xung quanh chúng
ta là sức mạnh có khả năng kéo chúng ta ra khỏi những thói quen hằng ngày, giúp
chúng ta sẵn sàng phục vụ sứ mạng đang ngày càng trở nên thúc bách hơn (x.
Evangelii Nuntiandi, số 14).

• Khi chúng ta đáp ứng các dấu
chỉ của thời đại và tiếng kêu của Thần Khí, thì không có hoạt động nào là riêng
tư hay cá nhân:
Có những lúc mà để vâng lời Thần Khí,
chúng ta cần bất tuân bất cứ điều gì đi ngược lại ơn gọi truyền giáo chân chính
của chúng ta. Không còn được phép dung dưỡng trong đời sống tu trì tình trạng
những người chỉ lo làm việc, làm việc mà không có tinh thần truyền giáo, làm
việc mà không ý thức mình đang thi hành sứ mạng của Thiên Chúa. Lắm khi điều
chúng ta nhận thức được chỉ là thái độ cam chịu và vâng phục đối với công việc
được giao cho chúng ta, nhưng không thấy có khả năng sáng tạo nơi những người
cảm thấy mình được Thiên Chúa sai đi làm điều gì đó cho sự mặc khải và thể hiện
Triều Đại Thiên Chúa.

Khi sứ mạng được
đặt vào tâm điểm của đời sống thánh hiến, thì việc cai quản hay phục vụ của
quyền bính, việc đào luyện và thần học có cùng những chân trời rộng mở của sứ
mạng Thiên Chúa: Đấng cai quản là Cha, Đấng đào tạo và uốn nắn người truyền
giáo là Thánh Thần, và Đấng soi sáng cho đời sống truyền giáo này bằng Lời của
Người là Chúa Con.

• Cai quản và quyền bính: Nét đặc trưng quan trọng nhất của một bề trên tu sĩ là được cuốn hút
bởi niềm say mê truyền giáo của Thiên Chúa cho thế giới. Chúng ta không cần
những nhà quản lý của các tổ chức hay các doanh nghiệp, nhưng cần những ngôn sứ
đích thực cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa đối với dân của Người. Một
việc phục vụ quyền bính của người tu sĩ mà thấm nhuần tinh thần truyền giáo này
thì sẽ có khả năng làm bùng cháy niềm phấn khởi cho mọi thành viên của cộng
đoàn. Thái độ lãnh đạo – phục vụ này sẽ là thái độ cảm thương và thông cảm đối
với những người yếu, nhưng đồng thời cũng ý thức rằng phương thuốc hiệu quả
nhất là chạm tới trái tim của các tu sĩ bằng một tinh thần truyền giáo nóng
bỏng. Việc phục vụ của quyền bính trong cộng đoàn tu sĩ phải kiến tạo nên sự ý
thức và hiểu biết rằng chúng ta là những đối tác của Đức Giêsu trong giấc mơ
của Người cho tương lai của thế giới. Như Evangelii Nuntiandi nói, các nguồn
lực và các tổ chức tu sĩ mà trong đó chúng ta không thấy có sự cảm hứng truyền
giáo mạnh thì không có lý do để tồn tại (x. các số 14-15). Một việc phục vụ của
quyền bính theo viễn tượng truyền giáo này thì không sợ hãi, nó dám mạo hiểm để
nghiên cứu và tìm kiếm những đường lối truyền giáo mới mẻ. Khi sự phục vụ của
quyền bính không được sinh động hoá bởi việc truyền giáo, sự phục vụ của nó trở
thành phục vụ sự chết.

• Đào luyện: Thầy Gabriel Đức Mẹ Sầu Bi, một tập sinh và tu sĩ khấn tạm dòng Chúa
Chịu Nạn, qua đời năm 24 tuổi. Thầy được phú bẩm nhiều tính tốt và năng khiếu:
dễ thương, thông minh, nghệ sĩ. Nhưng trên hết, thầy có một tinh thần truyền
giáo. Thầy là lãnh tụ giới trẻ tại một trường dòng Lasan, và tại học viện
Atênêô của các cha Dòng Tên. Thầy vào tập viện năm 18 tuổi. Thầy thường nói về
“niềm vui thích lớn thầy cảm thấy trong các bức tường tập viện”. Khi làm bất cứ
hoạt động gì: học tập, cầu nguyện, thể dục, thầy luôn nghĩ rằng hàng trăm người
xung quanh thầy đang nói: “Anh Gabriel, một ngày kia anh sẽ là thừa sai, người
rao giảng Tin Mừng, linh mục của chúng tôi. Anh hãy chuẩn bị tốt, đắc thủ một
linh đạo mạnh mẽ, một niềm say mê lớn đối với Đức Giêsu và Mẹ Maria. Anh hãy
nghiêm túc trong việc đào luyện. Chúng tôi cần anh.” Bằng suy nghĩ như thế,
thầy không bao giờ cảm thấy mình cô độc trong việc đào luyện, nhưng coi nó là
một sự chuẩn bị tốt đẹp cho một sứ mạng tuyệt vời. Tôi đã đọc tiểu sử Thánh
Gabriel khi tôi còn là một tập sinh và tôi bị ấn tượng bởi câu truyện của thầy.
Tôi đã cố gắng bắt chước thầy. Tôi không hề biết rằng giữa những người yêu cầu
tôi chuẩn bị mình cho thật tốt lại là tất cả các anh chị em đang có mặt ở đây hôm
nay. Tôi tin rằng ví dụ này đã đủ để hiểu rằng không có gì diễn ra trong Nhà
Đào Luyện mà không tuỳ thuộc vào sứ mạng. Tương lai phải biến đổi hiện tại và
tạo nghị lực để lướt thắng mọi thách thức. Một người trong thời kỳ đào luyện
ban đầu không phải là một người có vấn đề, có khiếm khuyết tâm lý, nhưng là một
người truyền giáo ý thức rằng mình phải cố gắng sẵn sàng cho sứ mạng mà một
ngày kia mình phải thực hiện và mình không cô độc. Họ luôn luôn cậy dựa vào
Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, họ phải được đào luyện cho sứ mạng này, luôn luôn
mở lòng ra cho sự hướng dẫn của Nhà Đào Luyện Nội Tâm siêu vời này.

• Thần học: Sau cùng, tôi muốn nói rằng thần học về đời sống thánh hiến và về mọi
hình thức đời tu, chiêm niệm và tông đồ, phải bắt đầu từ sứ mạng như là nguồn
gốc lý do hiện hữu của nó. Đây là dự án tôi đã đang làm trong nhiều năm nay.
Tôi đã đang viết một thần học về đời tu, về các lời khấn, về cộng đoàn, từ viễn
tượng sứ mạng này. Dự án này sẽ được trao vào tay anh em trong một thời gian
ngắn nữa, với sự hợp tác của ICLA. Tôi hi vọng việc đào luyện trong tương lai
cho các tu sĩ trẻ của chúng ta sẽ được hình thành theo con đường này. Và tôi
thực sự tin rằng các thế hệ các nhà thần học trẻ nên tiếp tục khai triển thần
học đời tu từ viễn tượng sứ mạng này.

Kết luận

Thần Khí là Đấng đã
từng thúc đẩy các Ngôn Sứ, các Tông Đồ và các Thừa Sai vĩ đại, Người đã không
bị dập tắt. Người tiếp tục hiện diện giữa chúng ta. Thần Khí này chỉ cần một
điều là chúng ta dễ dạy, sẵn sàng để được Người lay động và tạo nghị lực cho
chúng ta. Thần Khí đang mời gọi chúng ta cộng tác vào sứ mạng của Người.

Thần Khí thì âm
thầm và khiêm tốn. Người luôn hành động một cách dịu dàng và tinh tế; tuy
nhiên, Người tìm cách biểu lộ và hành động qua chúng ta, nhờ đoàn sủng Người
ban cho chúng ta. Khi một tu hội, một cộng đoàn, một người suy phục Thần Khí và
được Thần Khí chạm vào, mọi sự phát triển và nảy nở. Khuôn mặt Hội Thánh được
Người làm cho tươi trẻ và sáng tạo, và thế giới cảm nhận được bước chân của
Thiên Chúa đi qua.

Một người thừa sai
chân chính thì không bao giờ tự mãn, nhưng ý thức mình chỉ là một trung gian,
nối kết mọi khía cạnh của sứ mạng lại với nhau. Thay vì ra vẻ mình là người
thừa sai duy nhất, người thừa sai giúp mọi người khác ý thức rằng họ cũng là
những người thừa sai của Nước Chúa. Giống như ông Gioan Tẩy Giả, người thừa sai
chân chính luôn luôn sẵn sàng trở nên nhỏ bé đi, để sứ mạng chung được lớn lên.
Người thừa sai chân chính chăm lo để sứ mạng được xuất hiện trong tất cả các
khía cạnh đẹp đẽ của nó: tạo dựng, cứu chuộc, Thần Khí, khải huyền.

Cám ơn anh em đã
chú ý nghe. Và tôi cầu xin Chúa Thánh Thần, để cũng như Người đã thấm nhập Đức
Maria, Thánh Giuse, Thánh Êlisabét, Chúa Giêsu và các Đấng Sáng Lập các Tu Hội
chúng ta thế nào, thì cũng xin Người thấm nhập cuộc đời chúng ta và biến đổi
cuộc đời chúng ta thành một biểu hiện sống động của Sứ Mạng.

Linh mục Đaminh Ngô
Quang Tuyên
chuyển ngữ từ sgfp.wordpress.com và tham khảo: Religious
Life Asia, n. 1, vol. 6, 2004.

Nguồn:
Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 114 (Tháng 9 & 10 năm 2019)