T7, 01 / 2018 11:48 Sáng | Đức Tin Jesus

Chúng ta vẫn thường nghe các cụ nói: “con đường dài nhất là con đường từ miệng đến tay”. Bởi lẽ, người ta ước tính đi vòng quanh trái đất bằng máy bay thì cũng chỉ mất khoảng 24 – 36 tiếng đồng hồ. Trong khi đó từ lời nói đến hành động lại là một quãng đường khá dài, có khi được đo bằng cả đời người. Hoặc lời nói của chúng ta quá cao xa, quá hay nhưng bàn tay ta lại không với tới được những gì mình nói. Chắc hẳn ai cũng có ít nhiều kinh nghiệm như thế.

Thế nhưng, tối qua chứng kiến cách các bạn trẻ Việt Nam ăn mừng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam, đặc biệt là cái cảnh cởi đồ để chứng tỏ thanh niên Việt Nam nói được làm được (theo cái cách mà truyền thông tung hô), thì tôi thực sự tin rằng kinh nghiệm của các cụ là sai bét, ít ra là với thanh niên Việt Nam. Rõ ràng, “con đường từ nói đến làm” với thanh niên Việt Nam cách nhau chỉ bằng một cái “cởi”.


Có lẽ với một số thanh niên Việt Nam (gọi là thanh niên Việt Nam vì ai cũng cầm một lá cờ tổ quốc Việt Nam chẳng lẫn vào đâu được, miệng hát: như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng, người cởi, kẻ vỗ…), cởi truồng là cách chứng tỏ bản lĩnh, chứng tỏ khí phách hào hùng của một dân tộc đã từng chiến thắng hai cuộc khá ng chiến chống “đế quốc”… nếu không có thì sao đám đông lại vỗ tay reo hò cỗ vũ đùng đùng và quay phim chụp hình ngưỡng mộ đến là như vậy. Không tin cứ nhìn ra thế giới mà coi; ở Tây cũng có những chuyện cổ động viên quá khích cởi truồng chạy vào sân, nhưng ngay theo sau là hình ảnh bị cảnh sát rượt chạy vòng vòng; còn ở Ta, một người cởi, tất cả còn lại đều xúm vào vỗ tay reo hò ngưỡng mộ, một số thằng còn tranh thủ quay phim lại vì sợ rơi vãi những khoảnh khắc hào hùng lịch sử dân tộc nữa chứ!

Nhưng tôi băn khoăn lắm! Phải chăng cởi truồng thực sự có giá trị thần thánh đến thế sao! đâu là giá trị thật của cởi truồng? có cần chứng tỏ bản lĩnh thanh niên bằng cách cởi truồng như thế không? Có còn cách nào khác để chứng tỏ bản lĩnh thanh niên Việt Nam không? mà không khéo cứ như thế này riết rồi nó lan sang các lãnh vực khác cứ có chuyện gì vui là cởi thì nguy cho người già và trẻ em lắm!

Lần dở lại cái gốc nguyên thuỷ của loài người, tôi không thấy có chỗ nào nói đến giá trị của “cởi”, mà chỉ tìm được một chỗ trong Kinh Thánh nói đến việc mặc vào. Đó là đoạn Kinh Thánh trong sách Sáng Thế, nói đến việc tổ tiên loài người là Adam và Eva đã không vâng lời Thiên Chúa, nghe theo lời xúi quẩy của con rắn ăn trái cấm, nên thấy mình trần truồng và xấu hổ trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhau. Khi đuổi con người ra khỏi vườn địa đàng, Thiên Chúa đã ban cho con người quần áo để mặc (Xc. St 3, 21). Chi tiết này ngoài việc nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa, thì còn cho thấy việc mặc quần áo là để giúp con người có thể tự che chở trước đe doạ của thiên nhiên, để che đậy sự xấu hổ của con người với nhau, và cũng là để giữ gìn phẩm giá của con người.

Như vậy, việc chúng ta mặc quần áo theo ý nghĩa nguyên thuỷ thì có 3 mục đích là:

➢ Để tự che chở trước đe doạ của thiên nhiên (nắng, mưa, nóng, lạnh…)

➢ Để che đậy sự xấu hổ của con người với nhau.

➢ Để giữ gìn phẩm giá của con người.

Diễn giải một chút cho dể hiểu, một người phụ nữ sẽ cảm thấy không cần phải che thân thể mình khi tắm rửa một mình trong phòng tắm. Nhưng nếu có một người đàn ông lạ đột nhiên đi vào nhà tắm, cô ta sẽ thấy xấu hổ và lo sợ. Tại sao vậy? “Xấu hổ” và “lo sợ” theo nghĩa này là hình thức tự bảo vệ không để mình bị biến thành một thứ “đồ vật” để mua vui thoả mãn khoái cảm dục tính cho người khác. Trong trường hợp của người phụ nữ này chẳng hạn, cô ấy ý thức rằng mình không bao giờ muốn để bị đối xử như một “đồ vật” để mua vui cho cánh đàn ông. Kinh nghiệm dạy cho nàng biết rằng những người đàn ông thường có xu hướng đối xử với thân xác người phụ nữ như một thứ “đồ chơi”. Bởi thế, người phụ nữ che thân thể mình lại không phải vì cơ thể nàng “xấu” hay “đáng xấu hổ”. Nàng che mình lại để bảo vệ phẩm giá của mình không bị xúc phạm bởi một “á nh mắt đầy dục vọng” của kẻ xa lạ – một ánh nhìn thiếu tôn trọng phẩm giá với nàng.

Như vậy, việc cởi truồng chẳng phải là chuyện thần thánh gì đến nỗi phải cổ võ vỗ tay hay ngưỡng mộ tung hô. Chung quy hành động “cởi” chỉ nói lên một điều rằng, đây là việc làm của một đứa trẻ chưa lớn, vẫn còn cởi truồng, của những người không còn biết nhục, không còn biết xấu hổ là gì nên không cần phải che, hoặc muốn hạ thấp nhân phẩm của mình xuống thành thứ “đồ vật” mua vui cho người khác, hoặc cũng có thể là đang thể hiện bản lĩnh có khả năng hứng chịu “gạch đá” của thiên hạ chăng!

Bản lĩnh thực sự của một người thanh niên không phải ở việc có dám cởi hay không, mà thiết nghĩ nó thể hiện ở việc có dám sống cho sự thật; có đủ nghĩa khí để bảo vệ dân nghèo chống bất công, chống tham nhũng; có dám can đảm vạch mặt bọn hèn với giặc ác với dân không?… Người dân đang phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường biển, tình trạng xăng tăng giá, tình trạng bất công ở các trạm BOT, tình trạng tham nhũng cả ngàn ngàn tỉ… họ đang rất cần một chút bản lĩnh của các bạn thanh niên Việt Nam đấy!

https://daminhvn.net