T4, 10 / 2017 8:29 Chiều | Đức Tin Jesus

Mang trên vai trọng trách của một mục tử dẫn dắt đàn chiên, linh mục Phêrô Nguyễn Phước Tường, chánh xứ Thánh Tâm (Gò Công – GP Mỹ Tho), đem hết khả năng cùng tấm lòng để vực dậy những vùng đất khó khăn từng đi qua.

Khuyến nông trên ruộng nhà thờ

Được bạn bè, người thân quen gọi bằng biệt danh “Hai Lúa”, cha Tường luôn gần gũi, quan tâm đời sống người nông dân, người nghèo. Lúc còn là chủng sinh ở chủng viện Sài Gòn (1958 – 1966), rồi đến Giáo hoàng học viện Đà Lạt (1966 – 1974), bên cạnh việc tu học, cha rất năng nổ tham gia các chuyến thăm viếng gia đình nghèo, bệnh nhân, tù nhân… Đến khi thụ phong linh mục năm 1974 rồi ra giúp xứ, cha vẫn miệt mài hoạt động, dấu chân của ngài lúc nào cũng song hành với những người nghèo khó.

Thời làm cha sở Cai Lậy (1982 – 2005), cha cùng với hai người bạn là linh mục Louis Nguyễn Trí Hướng và linh mục Đaminh Phạm Văn Khâm, đã liên hệ với Fos – một tổ chức phi chính phủ chuyên về nông nghiệp – xin hỗ trợ làm chương trình khuyến nông cho người dân ở vùng Đồng Tháp. Hồi đó, nông dân đất ấy vẫn còn giữ nếp canh tác cũ từ bao đời, mỗi năm chỉ có một vụ lúa, giống thì là lúa ma (mọc hoang trong lũ), cộng thêm kỹ thuật chăm bón không có, nên năng suất rất thấp. Khi các kỹ sư của tổ chức Fos về, họ cùng các cha ở trong dân, tìm hiểu thổ nhưỡng và thí nghiệm trực tiếp trên phần ruộng của nhà thờ. Ban đầu, dân không tiếp thu những phương pháp mới của các kỹ sư, họ cho rằng không đem lại hiệu quả. Cha Tường cùng với các cha bạn đã hết sức kiên nhẫn để trình bày cho họ những ích lợi của giống mới, cách bón phân, đào kênh… Trong hội nghị đầu bờ, tổ chức ngay tại ruộng nhằm giúp dân trải nghiệm thực tế, vị mục tử cũng cố gắng truyền đạt lại các kiến thức nông nghiệp bằng ngôn ngữ bình dân để người nông dân có thể nắm bắt được dễ dàng. Nhờ sự tận tâm của vị chủ chăn, cộng với kết quả thí nghiệm trên ruộng, nông dân trong vùng đã dần ngộ ra và học hỏi theo phương thức canh tác mới. Từ đó, năng suất bắt đầu tăng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng tươi mới.

“Lễ xong, chúc anh chị em ra về bằng ghe”

Trong những kỷ niệm mà cha Tường hay nhắc lui nhắc tới về vùng Cai Lậy, lúc nào cũng thấy thấp thoáng hình ảnh những mùa nước nổi, cha con lao đao chống chọi với lũ lụt. “Vùng đó dân di tản mới trở về nên còn hoang sơ, thiên nhiên cũng khắc nghiệt. Nhớ hồi năm 1999, khi tôi xây nhà thờ Kinh Gãy (xã Thạnh Lộc), lúc đào lên đóng móng thấy mấy ổ rắn hổ. Dân có khi giết rắn hổ không chết, sợ bị trả thù phải bỏ đi mấy tháng trời mới trở về. Vì vậy những năm đầu gầy dựng vất vả lắm. Nhưng được cái dân sốt sắng, lũ ngập lênh lá ng, vẫn tham dự thánh lễ, rồi góp nhân công xây dựng ngôi nhà thờ mới”, cha Tường kể.

Sự sốt mến của dân Kinh Gãy, một phần nảy nở, cũng nhờ vào bàn tay nâng đỡ của vị mục tử luôn cúi xuống lắng nghe. Mùa lũ về, đường đi chìm trong nước đục, cha mướn ghe đưa đón dân đến tham dự thánh lễ. Hồi tưởng lại, ngài dí dỏm ví von đó là thời mà “lễ xong chúc anh chị em ra về bằng ghe”. Cực nhưng đầy ấm cúng, nghĩa tình… Vùng lũ, nhà rất mau mục nát, dân lại nghèo, nên nhà nào cũng thấy xập xệ, hở trước trống sau. Cha lặng lẽ vận động, giúp xây lại rất nhiều nếp nhà nơi vùng Thạnh Lộc. Hiểu tâm lý người miền Tây, hễ được căn nhà mới là họ hay bày mâm, uống rượu để ăn mừng, nên mỗi lần dựng xong nhà nào, cha lại căn dặn gia chủ ăn uống đơn giản, để dành tiền mà xoay sở cuộc sống. Để giải quyết vấn đề về nước sạch cho dân, cha Tường đã liên lạc với Misereor – tổ chức của Giáo hội Đức về phát triển xã hội, giúp khoan 3 cái giếng, kéo nước khắp các xã tại huyện Tân Phước. Sau đó, ngài thành lập tổ bảo trì, chuyển giao kỹ thuật để khi đường nước có hư hao thì thợ sẽ đến sửa chữa.

Về đất Gò Công làm chánh xứ Thánh Tâm từ năm 2005 đến nay, cha lại tiếp tục nối dài đời phục vụ bằng những chương trình chăm lo cho người nghèo, từ quỹ học bổng hằng năm cho học sinh, sinh viên; gạo hằng tháng cho người già neo đơn, đến liên hệ xin giúp mổ mắt, mổ tim cho những hoàn cảnh bất hạnh… Lo chung mối lo của dân, cha trở nên thân thiết và được bà con yêu quý. Khi ngài đổ bệnh phải nằm viện thời gian dài, họ hay tới lui nhà thờ hỏi thăm, mong ngóng: “Cha làm quá sinh bệnh, chừng nào cha mới về không biết!”.

Mùa nước lũ ở vùng Kinh Gãy, cha mướn thuyền để đưa đón dân đến tham dự thánh lễ

Trọn vẹn lời hứa

Ngay từ cái hồi còn là cậu bé giúp lễ ở xứ quê Giồng Tre (GP Mỹ Tho), lòng cha đã muốn đi tu, bởi cảm mến những vị linh mục mà mình từng tiếp xúc. Cha kể Giồng Tre xưa, cha sở Moriceau có chiếc môtô, và mỗi lần đi đâu hay cho cậu bé Tường ngồi ở phía trước. Thời linh mục Antôn Phùng Quang Thành làm chánh xứ, cha Tường lại nhận được sự động viên, giúp đỡ để đi học, đi tu làm linh mục. Tình cảm của các cha chính là bệ phóng, giúp cha Tường dấn thân vào đời tu, đời phục vụ một cách hăng say.

Bằng giọng miền Tây chân chất, giữa những câu chuyện về chặng đường phục vụ, cha lại pha trò: “Tôi đã hứa với Chúa rồi, là tôi sẽ sống cho đến chết!”. Chỉ là lời nói đùa, nhưng nhìn lại hành trình mục tử của ngài, chúng tôi chợt ngẫm thấy rất đúng. Bất kể làm việc gì, cha Tường vẫn giữ nguyên “lời hứa”, luôn dốc hết nhiệt tình vào đó. Ngài sống sôi nổi từng giây phút, đeo đuổi lý tưởng phục vụ không biết mệt mỏi. Ông Mai Bảo Toàn, giáo dân xứ Thánh Tâm nhận xét: “Dù đã có tuổi nhưng cha ‘quạt’ tụi tui dữ lắm, chạy theo ngài không kịp. Có ngài, giáo xứ như tăng thêm sức sống bởi sự cuốn hút, sinh động trong cách thức tổ chức giáo xứ”.

Nhận bài sai về xứ Thánh Tâm, việc đầu tiên cha thực hiện là khai phá mảnh đất quanh nhà thờ um tùm toàn tre với chuối. Sau sáu tháng dọn dẹp, khuôn viên giáo xứ cuối cùng cũng thông thoáng. Cha lại tiếp tục gọi thợ trùng tu ngôi thánh đường lúc ấy đã xuống cấp vì thời gian. Là một cây văn nghệ từ thời còn ở chủng viện, đến khi làm linh mục, cha lại đem tinh thần này đến với các giáo xứ. Ở Thánh Tâm, cha sắm cho ca đoàn bộ trống, kèn, đàn guitar rồi lần tìm ra người chơi giỏi, và những ngày đầu, chính cha đứng ra tập hát cho ca đoàn, thiếu nhi. Ngài còn mở lớp dạy trống, kèn…, thu hút nhiều giáo dân và cả con em của những người ngoại đạo đến học.

Trong vô số những quyển album cũ cha Tường còn lưu giữ lại, bản tính sôi nổi của vị mục tử này thể hiện rất rõ qua từng bức ảnh. Lúc là chủng sinh, không chỉ chơi guitar, ca hát cho ban nhạc ở học viện, cha còn đóng kịch, chụp ảnh và học võ thuật. Khi đã là linh mục, ngài lại không nề hà mà bôn ba đây đó để chăm lo cho đàn chiên, như trong một tấm hình giáo dân lén chụp khi cha đi thăm vùng lũ, ai đó đã ghi vào câu này: “Anh hùng lũ lụt! Dầu trời có mưa gió, Hai Lúa đâu sợ chi vì đã thạo nghề bươn chải”.