T6, 09 / 2017 5:47 Chiều | Đức Tin Jesus

Là con út trong gia đình có truyền thống điêu khắc tượng Công giáo ở Bùi Chu, anh Nguyễn Văn Chinh (nghệ nhân Duy Chinh) theo nghề từ khi mới 9 tuổi. Đến nay, người đàn ông ngoài 40 này vẫn còn miệt mài đeo đuổi công việc bằng cái tâm và sự say mê hiếm thấy…

LÀM NGHỀ TỪ NHỎ

Anh Chinh kể, khi còn nhỏ, mỗi ngày, cứ đi học một buổi thì buổi còn lại, anh về làm nghề với bố. Nhờ chăm chỉ, cộng với năng khiếu sẵn có, tay nghề anh dần cứng cáp thấy rõ. Đến năm 13 tuổi, trong những lần cùng bố đi làm cho nhà thờ, anh đã được giao cho phần việc chính. “Tôi còn nhớ có lần làm cho nhà thờ nọ, mọi người thấy tôi nhỏ nhất nên quý lắm. Đến ngày cuối cùng kết thúc công việc, ở xứ có làm bữa ăn đãi thợ, các cụ cứ kéo bằng được tôi lên ngồi chung với những cụ cao tuổi trong ban hành giáo. Đó là một trong những kỷ niệm rất vui mà khi nhớ lại nó tạo cho mình nguồn động lực để có thể bước tiếp”, anh Chinh hồi tưởng.

Tuy vậy, niềm đam mê của anh đối với nghề không phải không có lúc lung lay. Khi 18, 19 tuổi, chàng thanh niên bắt đầu va chạm, tiếp xúc bên ngoài nhiều, nên nhận thấy có không ít công việc khác cũng thú vị. Lúc ấy, sự kiên trì của anh có chao đảo, nhưng rồi cảm giác ấy qua rất mau bởi lòng yêu nghề quá lớn. Anh thợ điêu khắc lại hăng say như xưa, đốt tiếp lửa đam mê với công việc đã chọn.

Nhận thấy trong Nam có thể phát triển, năm 2003, anh đưa vợ con cùng một số thợ giỏi ở xưởng rời quê nhà vào Sài Gòn lập nghiệp. Để có được công ty cổ phần điêu khắc – nội thất như hiện tại, anh Chinh đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết. Ngày tháng gây dựng cơ sở sản xuất ban đầu chồng chất biết bao khó khăn. Chân ướt chân ráo vào Nam, anh không quen biết ai, chưa có tiếng tăm, nên người đặt làm tượng cũng thưa thớt. Vì thế, ngoài điêu khắc trên gỗ, anh còn nhận gia công thiết kế bàn ghế, giường, tủ… cho các căn hộ. Gồng gánh nhiều việc như vậy, người thợ trẻ chỉ mong ước có thêm thu nhập, để “nuôi” lại mảng nghệ thuật thánh mà mình đam mê. Khi xưởng Duy Chinh hoạt động được một thời gian, các tác phẩm anh làm cho nhà thờ dần được các cha xứ biết đến. Dần dà nhiều giáo xứ, giáo họ, nhà dòng… ở cả ngoài Bắc lẫn trong Nam đặt hàng những bức tượng, tranh phù điêu bằng gỗ. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm đã xuất khẩu ra các nước Pháp, Mỹ, Ý, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Thái Lan… Sau này, thay vì nhận đơn đặt hàng nội thất như trước, anh đã chủ động từ chối bớt, để toàn tâm toàn ý vào việc làm tượng.

Tặng tượng cha Trương Bửu Diệp cho Đức Hồng y Oswald Gracias – Chủ tịch Liên HĐGM Á châu

TÂM TRONG TƯỢNG

Nghề tượng lâu nay đối với nghệ nhân Duy Chinh chính là niềm hạnh phúc lớn lao khi thấy thành quả làm ra có thể phục vụ cho Giáo hội. Bởi thế mà trong từng tác phẩm, anh luôn dồn hết tâm huyết để thực hiện. Ở xưởng, mỗi sản phẩm đều có bàn tay anh Chinh vun đắp. Không khi nào anh để cho thợ hoàn thành hết các công đoạn dù có bận đến đâu. Chính tay anh sẽ là người tạc khuôn mặt và chỉnh sửa dáng tượng. Có nhiều đêm anh còn thức trắng để chăm chút cho những sản phẩm. Anh tâm niệm: “Tôi không thiên về kinh doanh nên không muốn chạy đua về ngày công mà chỉ muốn mỗi sản phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật. Mỗi khi làm tượng, tôi luôn đặt lời cầu nguyện vào, xin Chúa cho tôi có thể tạo được tác phẩm giống hình ảnh Chúa và các thánh. Tôi tin cái tâm của người thợ sẽ làm cho mỗi bức tượng có hồn, trở nên gần gũi như thật chứ không chỉ là một khối gỗ”.

Từ bàn tay nghệ nhân Duy Chinh, đã có biết bao tác phẩm nghệ thuật thánh ra đời, được đánh giá cao. Năm 2010, trước lễ tuyên Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, anh đã dồn tâm huyết làm một bức tượng chân dung ngài. Tượng đã được Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn mang sang Rôma tặng Đức Bênêđictô XVI. Hiện tại, anh đang ôm ấp dự định sẽ tạc tượng chân dung của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Chúng tôi đến thăm xưởng khi anh Chinh đang miệt mài với một bức tượng đã dần thành hình. Ngồi nhìn anh làm việc, mới cảm nhận rõ sự tập trung cao độ và say sưa của người thợ lành nghề. Anh Chinh tâm sự, sau năm 30 tuổi, anh càng ý thức rõ hơn về công việc đang làm. Anh luôn tự dặn lòng, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt chất lượng lên hàng đầu để các sản phẩm có thể sống được theo thời gian, phục vụ cho các nhà thờ, nhà dòng…

Nghệ nhân Duy Chinh trao tặng ĐTGM Leopoldo Girelli gậy mục tử

Đối với nghệ nhân Duy Chinh, tình yêu nghề và tận tâm phục vụ chính là chất keo giúp anh có thể gắn bó lâu dài với công việc cũng như không ngừng rèn luyện để bản thân có thể tiến bộ từng ngày.