T7, 12 / 2017 8:32 Chiều | Đức Tin Jesus

1. Mùa Vọng nào?

Chu kỳ phụng vụ hằng năm lại đưa chúng ta vào Mùa Vọng… Người Kitô hữu lại được Giáo hội mời gọi tỉnh thức, mong chờ, sửa đổi đời sống… Việc mong chờ Chúa đến lần thứ hai trong ngày quang lâm, việc mong chờ Chúa đến trong lễ Giáng sinh của chu kỳ phụng vụ, và việc mong chờ Chúa đến với mỗi người, trong mọi thời khắc và trong ngày giờ chết…; tất cả hòa chung lại với nhau.

Chu kỳ Phụng vụ được cấu trúc như một vòng tròn lập đi lập lại, và cũng có người tố cáo Kitô giáo chỉ là một tôn giáo thiên nhiên, nhằm để đưa người tín hữu hòa nhập vào vận hành tuần hoàn của vũ trụ. Lễ Giáng sinh tương đương với việc thờ thần Mặt Trời, và lễ Phục sinh là biểu hiện của sự sống bùng lên trong mùa Xuân vũ trụ… Dĩ nhiên, chúng ta không thể chấp nhận lối giải thích ấy. Niềm tin trong truyền thống Do Thái – Kitô giáo đã là một đóng góp quan trọng vào lịch sử nhân loại khi “cắt đứt” vòng tuần hoàn của thời gian để đặt tất cả vũ trụ và con người vào một tiến trình lịch sử đích thực, có điểm khởi đầu và có điểm hoàn tất… Niềm tin trong truyền thống Do Thái – Kitô giáo thiết yếu gắn liền với những biến cố và sự kiện lịch sử và tin rằng lịch sử nhân loại được hoàn tất trong ngày chung cuộc…

Do đó, chu kỳ phụng vụ lập đi lập lại hằng năm để làm nổi bật lên những nét chính yếu trong hành trình đời người, để người tín hữu đồng hành với Chúa Giêsu trong hành trình đi về ngày chung cuộc… Không phải là lịch sử và đời sống con người bị hóa giải vào chu kỳ tuần hoàn vĩnh cửu, để tan biến vào cõi vô vi thường hằng; nhưng ngược lại, chính chu kỳ phụng vụ phải được “cắt ra” để “đo”, để “ướm”, để  thúc đẩy vận hành đời người đi tới ngày chung cuộc. Mỗi một mùa Vọng lại là một lần Giáo hội và mỗi Kitô hữu hăm hở đón Chúa đến trong chính cuộc đời mình, và chờ đợi Chúa hoàn tất lịch sử nhân loại cũng như cả vũ trụ.

2. Tỉnh Thức

Thân xác con người có những lúc ngủ mê, và có những lúc ngái ngủ. Ngái ngủ là trong tình trạng nửa thức nửa ngủ, có vẻ như vẫn thức, vẫn làm mọi sự, nhưng lại chẳng ý thức rõ ràng về một điều gì cả. Tinh thần con người có khi “mê ngủ” trong một sự lầm lạc tỏ tường; và cũng thường xuyên ở trong một tình trạng ngái ngủ. Người ta nói rằng nhiều người chỉ mở mắt một lần khi sắp sửa nhắm mắt vĩnh viễn. Con người vẫn sinh hoạt, vẫn nói năng lý lẽ, vẫn làm việc…, nhưng vẫn cứ mập mờ, buông trôi theo thói quen, theo trào lưu, theo sự thúc đẩy của nhu cầu trước mắt…; để rồi đến một lúc nào đó, khi mà người ta “bừng tỉnh tinh thần”, thì bỗng nhận ra “không hiểu sao mình lại đã sống như thế”, một cuộc sống vô nghĩa, một lối sống vô duyên, một cách suy nghĩ điên rồ…

Con người cần tỉnh thức. Mọi người cần phải thoát cơn “mê ngủ” và thoát khỏi tình trạng ngái ngủ…

3. Ðón chờ ai

Tuy nhiên, sự “bừng tỉnh tinh thần”, đối với người Kitô hữu, không phải là một sự giác ngộ, không phải là một sự biến đổi thuần túy “nội tâm”; nhưng thiết yếu là mong một Ai, đón một Ai có thật, đã đến và đang đến trong dòng lịch sử thật.

Bài đọc 1, sách ngôn sứ Isaia cho thấy lòng khát mong mãnh liệt Ðấng “xé trời mà ngự xuống”, và Tin Mừng Marcô thì cho thấy thái độ tỉnh thức gắn liền với ngày giờ Chủ trở về.

Ðức Giêsu đã đến lần thứ nhất khi Ngài sinh làm con Ðức Maria và sống 33 năm ở Palestine; Ðức Giêsu sẽ đến lần thứ hai trong ngày quang lâm. Truyền thống Giáo hội còn coi việc Chúa đến “hằng ngày” trong lịch sử hiện tại, trong tâm hồn người tín hữu, chính là việc Chúa đến lần thứ ba. Lối nhìn ấy cho thấy Chúa Giêsu đã đến lần thứ nhất, Ngài hứa sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế, nên Ngài vẫn đến trong đời sống hằng ngày và Ngài hoàn tất  “viếng thăm” nhân loại khi ngự đến lần thứ hai, oai phong trên mây trời…

Niềm mong chờ mang tính cách lịch sử ấy gắn liền với nỗi khổ cực đau thương của kiếp người. Sự sống Kitô giáo không phải chỉ là chuyện cá nhân, không phải chỉ là thái độ tâm hồn, không phải chỉ là nhằm một trình độ đạo đức, nhưng khát khao một lịch sử thật được hoàn tất và nhận ra những dấu chỉ quyền năng và tình yêu của Chúa giữa cuộc đời, trải dài qua dòng lịch sử nhân loại. Chúa đến với ta như một cơ duyên trong cuộc đời, giúp ta vượt ra khỏi những quy luật nghiệt ngã của hệ lụy nhân quả. Cơ duyên ấy là món quà tặng nhưng không mà những ai tỉnh thức mới có thể đón nhận được.

Tỉnh thức, mong chờ của người Kitô hữu cũng là, nhưng không chỉ là, chuẩn bị để mừng lễ Giáng sinh. Tỉnh thức và mong chờ Kitô giáo cũng là, nhưng không chỉ là, nhận ra những dấu chỉ sự viếng thăm của Chúa trong cuộc đời thật của mình. Tỉnh thức và mong chờ Kitô giáo gắn liền với niềm xác tín Thiên Chúa hoàn thành lịch sử, giải thoát hoàn toàn nhân loại khỏi mọi khổ cực đau thương…